Các yếu tố xã hội đóng vai trò quan trọng trong nhiều sự kiện thời tiết khắc nghiệt
Theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Environmental Research: Climate, biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân gây ra phần lớn các đợt nắng nóng, nhưng mối liên hệ của nó với các sự kiện cực đoan khác, cũng như tác động với xã hội lại ít được xem xét.
GS. Friederike Otto, người chuyên nghiên cứu về môi trường và biến đổi khí hậu tại Viện Nghiên cứu Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London và là một trong những tác giả chính của nghiên cứu, nhận xét: “Một điều khá phổ biến hiện nay là khi xảy ra một sự kiện thời tiết cực đoan, một giả định quan trọng là biến đổi khí hậu đóng vai trò chính. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng”.
Trong nghiên cứu, nhóm của GS. Otto đã sử dụng “khoa học phân bổ” để xem xét các dữ liệu sẵn có, các tài liệu và nhiều mô hình khí hậu – cũng như các báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), từ đó tính toán xem biến đổi khí hậu do con người gây ra đang ảnh hưởng như thế nào đến tác động của năm loại sự kiện thời tiết cực đoan là sóng nhiệt (hay còn gọi là đợt nắng nóng), mưa lớn, hạn hán, cháy rừng và bão nhiệt đới.
Họ cho biết trong trường hợp sóng nhiệt, biến đổi khí hậu thể hiện vai trò rất rõ ràng. Mức nhiệt trung bình và mức nhiệt khắc nghiệt ở mọi châu lục trên toàn cầu đều đang gia tăng, đặc biệt vì biến đổi khí hậu do con người gây ra. Theo một báo cáo của IPCC, một đợt nắng nóng có 1/50 khả năng xảy ra trong thời kỳ tiền công nghiệp hiện có khả năng xảy ra cao hơn gần 5 lần và nóng hơn 1,2oC. Dữ liệu từ cơ sở dữ liệu thảm họa EMDAT cho thấy, trong 20 năm qua, đã có 157.000 người chết vì 34 đợt nắng nóng. Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu tới các đợt nắng nóng và hậu quả của chúng vẫn đang bị đánh giá thấp.
“Một lý do quan trọng khiến chúng ta đánh giá thấp các đợt nắng nóng là vì không ai đột tử trên đường trong đợt nắng nóng, hoặc rất ít người bị như vậy”, GS. Otto nói. Bà cho biết, hầu hết mọi người chết vì các tình trạng bệnh tật có từ trước đột nhiên chuyển thành cấp tính và điều này thường không hiển thị trong dữ liệu.
“Khi tập trung quá nhiều vào biến đổi khí hậu, chúng ta sẽ bỏ quên những yếu tố địa phương như tỷ lệ nghèo đói cao, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu đầu tư, thiếu hệ thống chăm sóc sức khỏe … Tất cả những khía cạnh yếu ớt được phơi bày này đang biến mọi trận hạn hán trở thành một thảm họa”, GS. Otto nói.
GS. Otto cho biết, vấn đề chính của việc tìm hiểu biến đổi khí hậu chịu trách nhiệm đến đâu trước những tác động của các sự kiện thời tiết cực đoan, nằm ở chỗ thiếu dữ liệu đáng tin vậy trên toàn cầu. Chúng ta không có đủ thông tin từ các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, mặc dù đây là những nơi có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng từ hậu quả của biến đổi khí hậu do con người gây ra.
GS. Frances Moore về kinh tế môi trường tại Đại học California, Davis, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết trong vài năm qua, đã có những tiến bộ khoa học đáng kể trong việc quy kết các sự kiện cực đoan và hậu quả của chúng tới hiện tượng biến đổi khí hậu do con người tạo ra.
“Nhưng một cảnh báo quan trọng là hậu quả của biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở các hiện tượng thời tiết cực đoan”, GS. Moore nói. Những thay đổi trong “điều kiện thời tiết thông thường” cũng có thể gây ra hậu quả lớn về tỷ lệ tử vong, nông nghiệp, năng suất và an toàn của người lao động. “Đó có thể là hậu quả tổng hợp của những biến đổi, trong đó những điều kiện thời tiết ‘không khắc nghiệt’ lại chiếm một phần lớn trong tổng số tác động của biến đổi khí hậu”.
GS. Otto kêu gọi một định nghĩa rộng hơn về những gì được coi là “rủi ro” trong mô hình biến đổi khí hậu thay vì chỉ đơn giản là bám vào các mối nguy và tác động của chúng. Theo bà, các yếu tố khác như ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt lên cá thể, năng suất lao động, cơ sở hạ tầng, hệ thống nông nghiệp và tài sản cũng cần được tính đến.□
Trang Linh lược dịch
https://www.theguardian.com/environment/2022/jun/28/climate-change-heatwaves-droughts-study-weather