Cách mạng công nghệ và sự thay đổi địa chính trị thế giới

Sự phát triển của khoa học công nghệ với tốc độ không tưởng hiện nay, buộc chúng ta phải đặt ra câu hỏi là tương lai sẽ bị chi phối bởi máy móc như thế nào? Bản đồ địa chính trị thế giới liệu có bị vẽ lại hay không?

Nếu dự đoán tương lai là việc quá khó khăn, có lẽ chúng ta có thể bắt đầu bằng việc nhìn lại quá khứ. Một trong những thời điểm có thể coi là tương đồng nhất với chúng ta bây giờ là những năm đầu thế kỷ XIX – khi con người chưa biết rằng động cơ hơi nước sẽ thay đổi thế giới như thế nào, cũng như chúng ta không biết công nghệ hiện đại với trí thông minh nhân tạo sẽ định hình lại thế giới tương lai ra sao?

Robot YuMi diễn tập tại Nhà hát Verdi (Pisa, Italy) ngày 12 tháng Chín, 2017. Nguồn: Foreign Affairs.com 

Chìa khóa của thế kỷ XIX

Nhắc đến thế kỷ XIX, chúng ta thường nhắc đến bình minh của dân chủ tự do – người Pháp đã chém đầu vua của họ và khai sinh một nền cộng hòa. Tại Vương quốc Anh, nhà triết học John Stuart Mill đã đấu tranh cho chế độ quân chủ lập hiến ngày nay. Các nhà kinh tế học như Thomas Malthus và David Ricardo đã khởi động nền kinh tế thị trường.

Thế kỷ XIX cũng là thời kỳ cực thịnh của chủ nghĩa đế quốc và thuộc địa, và khởi đầu cho các cuộc đại chiến. Nó cũng đánh dấu sự suy giảm niềm tin tôn giáo và quyền lực chính trị tuyệt đối, đồng thời chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và quyền bình đẳng giữa người với người. Phụ nữ ở Seneca Falls, New York biểu tình đòi quyền bình đẳng và bầu cử, Anh tuyên bố buôn bán nô lệ là phi pháp, Mỹ đã giải phóng nô lệ còn Nga trả tự do cho giai cấp nông nô.

Như vậy: dân chủ, tư bản, thực dân, chủ nghĩa dân tộc và bình đẳng con người – đây là những từ khóa của thế kỷ XIX, là đặc điểm địa chính trị quan trọng nhất của giai đoạn này. Tuy nhiên, tất cả mọi thứ trên sẽ đều không quan trọng, thậm chí không xảy ra, nếu không có sự xuất hiện của Cách mạng Công nghiệp. Không có CMCN sẽ không có sự trỗi dậy của giai cấp trung lưu và không có áp lực thực sự tới dân chủ. Sẽ không có cách mạng tư bản bởi một quốc gia nông nghiệp không cần điều này, đồng thời không có chủ nghĩa thuộc địa trên quy mô toàn cầu bởi các quốc gia không gặp áp lực về thiếu tài nguyên cho sản xuất. Các cuộc đại chiến sẽ không xảy ra nếu thiếu thép giá rẻ và công nghiệp sản xuất vũ khí chính xác. Và khi phần nhiều thế giới vẫn còn mắc kẹt trong nền văn hóa và kinh tế dựa vào nông nghiệp, sẽ chẳng có kết thúc cho chế độ nô lệ và khởi đầu của nữ quyền. 

Vậy nên, thực tế là địa chính trị của cả thế kỷ XIX không phải chờ đến khi bước vào những năm 1800 mới bắt đầu được định hình mà đã được quyết định từ trước đó 90 năm – vào giây phút Thomas Newcomen phát minh ra động cơ hơi nước đầu tiên. 

Thông minh hơn

Các sự kiện diễn ra trong thế kỷ XXI không thể giống với thế kỷ XIX, nhưng với sự phát triển ngày càng nhanh chóng của khoa học kỹ thuật hiện đại, chúng ta có thể khẳng định rằng thế giới đang chuẩn bị bước vào một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai – lần này là một cuộc cách mạng kỹ thuật số.

Nhiều người cho rằng cuộc cách mạng này đã diễn ra, nhưng thực tế là chưa. Bởi về nguyên tắc, một cuộc cách mạng công nghệ thực sự sẽ gia tăng năng suất tổng thể toàn cầu – giống như trong cách mạng công nghiệp, khi máy móc cho phép các công ty sản xuất được khối lượng sản phẩm lớn hơn nhiều với cùng số công nhân như cũ. Còn hiện tại, năng suất lao động chưa có nhiều thay đổi đáng kể. Dù trong giai đoạn 1970 – 2007, năng suất lao động tăng đều đặn nhưng đó không phải là do tiến bộ công nghệ mà là nhờ việc áp dụng chuỗi cung ứng toàn cầu và tiến bộ trong công tác hậu cần, kho bãi. Sau năm 2007, năng suất lao động chỉ tăng chậm chạp, bất chấp nhiều phát minh, sáng chế đột phá được ra đời.

Vì vậy, điều gì thực sự sẽ đến khi thế giới sẽ “chạm ngõ” cách mạng kỹ thuật số? Câu trả lời là những tiến bộ ngày càng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI). Trong khoảng hai, ba thập niên qua, sức mạnh máy tính đã tăng gấp đôi sau mỗi một, hai năm và tạo ra bước tiến đáng kể trong AI. Mạng thần kinh đã được thay bởi hệ chuyên gia và rồi thay thế tiếp bởi học máy, nhờ vậy máy tính đã trở nên “thông minh hơn” và có thể đọc văn bản hay tìm kiếm trên internet. Hiện nay, sức mạnh tính toán của máy tính mạnh nhất thế giới đã tương đương năng lực con người (rơi vào khoảng 10 đến 100 petaflops) và trong một cuộc khảo sát vào năm 2017, khoảng 50% các chuyên gia AI phản hồi rằng họ tin rằng AI sẽ có thể thực hiện tất cả các nhiệm vụ của con người vào năm 2060. Thêm vào đó, chúng ngày càng nhanh hơn, không bao giờ thấy mệt mỏi, có quyền truy cập nhanh vào tất cả các kiến thức nhân loại và có khả năng phân tích cao hơn nhiều bất kỳ con người nào. Trong vài thập niên tới, những tiến bộ này sẽ thay đổi thế giới theo những hướng mà chúng ta không thể tưởng tượng được.

Kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo

Cuộc cách mạng kỹ thuật số dựa trên AI sẽ là cuộc cách mạng địa chính trị lớn nhất trong lịch sử loài người. Trung Quốc đang trỗi dậy với sự phát triển kinh tế, bành trướng chính trị hay truyền bá lịch sử, văn hóa mạnh mẽ và sẽ còn tiếp diễn trong khoảng 20 năm nữa. Nhưng để có thể trở thành bá chủ thế giới, họ phải có công nghệ AI tốt nhất thế giới, nếu không, giấc mộng Trung Hoa sẽ chẳng bao giờ thực hiện được – như Tổng thống Nga Putin đã nói: bất kỳ quốc gia nào trở thành lãnh đạo trong lĩnh vực AI sẽ thống lĩnh thế giới. Người Trung Quốc hiểu điều này và đặt mục tiêu sẽ trở thành dẫn đầu về AI vào năm 2030. Trong khi đó, các quốc gia như Nga, Pháp,… cũng đang tích cực chạy đua khi tăng ngân sách cho nghiên cứu AI.

Chủ nghĩa khủng bố Thánh chiến vốn là nỗi ám ảnh trong thế kỷ hiện đại, cũng sẽ suy giảm đáng kể và “sa lưới” bởi AI. Máy bay không người lái kết hợp với sức mạnh phân tích dữ liệu khổng lồ về tín hiệu trí tuệ, giúp theo dõi và xử lý bất kỳ đối tượng nào. Trong khi đó, ở lĩnh vực phòng chống tội phạm, AI ngày càng đóng vai trò như một cảnh sát mạng cho phép bắt giữ tội phạm từ “mạng tối”.

Còn nền dân chủ tự do – vốn đang bị đe dọa bởi những lo lắng về nhập cư và mất việc làm trong cộng đồng, sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn bởi sự góp mặt của AI. Trong vòng một thập kỷ tới, nhiều khả năng là các tài xế xe tải đường dài sẽ bị thay thế bởi công nghệ tự lái. Tại Mỹ, con số này là hai triệu việc làm, và một khi AI đủ tốt để lái một chiếc xe tải, có lẽ nó cũng đủ tốt để làm các nhiệm vụ nào khác mà người lái xe tải có thể chuyển sang.

Câu hỏi là có bao nhiêu công việc sẽ bị mất và điều này diễn ra trong bao lâu? Phân tích năm 2017 của công ty kiểm toán PwC dự báo rằng khoảng 38% tất cả các công việc ở Mỹ sẽ “có nguy cơ cao bị tự động hóa vào đầu những năm 2030”, hầu hết trong số đó là các công việc thường xuyên lặp lại như điều hành pít tông nâng xe, công nhân lắp ráp hay thanh toán bán hàng. Đến những năm 2040, các nhà nghiên cứu AI dự đoán, máy móc đã có thể tiến hành nghiên cứu bài toán gốc, thực hiện phẫu thuật, viết các tiểu thuyết bán chạy hàng đầu và thực hiện bất kỳ công việc nào khác có đòi hỏi kỹ năng nhận thức cao tương tự. AI làm tăng nguy cơ thất nghiệp hàng loạt, dẫn tới sự trỗi dậy của làn sóng dân túy và đe dọa đến chủ nghĩa dân chủ. Tôn giáo cũng sẽ gặp một số khó khăn, bởi tương tác giữa con người với thế giới ngày càng thông qua các phương tiện trung gian phi tự nhiên, và dường như không có nhu cầu nào hướng đến một sức mạnh cao hơn.

Thanh Trúc tổng hợp

Nguồn:
https://www.foreignaffairs.com/articles/world/2018-06-14/tech-world
https://www.redanalysis.org/2017/11/27/artificial-intelligence-will-power-geopolitics-presenting-ai-open-access/
https://www.huffingtonpost.com/david-gosset/artificial-intelligence-a_2_b_10710612.html

 

Tác giả

(Visited 29 times, 1 visits today)