Cái đẹp do sinh học quyết định
Vẻ đẹp nội tâm là quan trọng, nhưng cái để phân biệt một cá thể này với cá thể khác lại chính là dáng vẻ bề ngoài, nhất là khi cá thể đó không có đặc điểm gì nổi bật. Đây không phải là câu chuyện sở thích mà chính là sự khác biệt về mặt sinh học.
Cái đẹp, chỉ dấu của các gene tốt
Ở người cũng vậy, các khuôn mẫu thường không chỉ mang yếu tố văn hóa mà cả yếu tố di truyền. Từ hơn 20 năm nay, các nhà khoa học đã cố gắng đi tìm vai trò của cái đẹp trong cuộc sống con người.
Trong các thực nghiệm được tiến hành tại Lousiana, Mỹ vào năm 2006, các nhà khoa học đã cho những đứa trẻ còn đang trong thời kỳ ăn sữa xem các bức hình khuôn mặt khác nhau. Ở lứa tuổi này, chúng hoàn toàn chưa bị ảnh hưởng bởi các thông tin truyền thông như các tờ tạp chí hay các khuôn mẫu thời trang. Nhưng điều thú vị là những đứa trẻ mới 2 tháng tuổi đã để mắt lâu hơn đối với các bức hình có khuôn mặt đẹp, cân đối, trẻ và tràn đầy sinh lực, thí dụ như hình ảnh các minh tinh, người mẫu nổi tiếng như Bratt Pitt hay Adriana Karembeu, so với các khuôn mặt bình thường khác. Và điều này hoàn toàn độc lập với giới tính, lứa tuổi hay chủng tộc của người có trong ảnh.
Nhưng giải thích tại sao bộ não người mới sinh ra lại có thể xác định đâu là khuôn mặt “hấp dẫn” hay không chẳng phải là điều dễ dàng? Theo một số nhà khoa học, sự sinh sản liên quan mật thiết với cái đẹp. Trong một số nền văn hóa, cái đẹp gắn liền với sức khỏe và khả năng sinh sản. Đó chính là lý do tại sao người ta lại đưa ra các tiêu chí về cái đẹp gắn với cặp nhũ hoa của người phụ nữ, vẻ đẹp cơ bắp ở người đàn ông và sự cân đối ở cả hai giống. Đây cũng là điều lý giải khả năng thiên bẩm ở người phụ nữ trong việc phát hiện và lựa chọn những cá thể tốt nhất trong một nhóm hay tập hợp người khác nhau.
Cái đẹp, thói quen của não bộ
Một nghiên cứu khác, lần này được thực hiện ở California, lại giải thích sự việc một cách hoàn toàn khác: một khuôn mặt được coi là hấp dẫn khi hình ảnh đó ít nhất ở mức trung bình so với cảm nhận thông thường của não bộ. Đơn giản bởi những hình ảnh “đã xem” thường dễ được xử lý bởi não hơn. Thí dụ, một khuôn mặt có các nét đẹp “chuẩn”, lấy từ 16 khuôn mặt khác nhau bao giờ cũng hấp dẫn hơn bất kỳ các khuôn mặt gốc trong số 16 khuôn mặt đó.
Thói quen cũng đồng hành với các động cơ về hình học: trong một cuộc thực nghiệm, các nhà nghiên cứu California tìm cách cho những người tham gia thực nghiệm làm quen với các hình ảnh nguyên mẫu. Rồi, họ được cho xem các hình ảnh khác. Kết quả là khi người thực nghiệm càng được tiếp cận với hình ảnh nguyên mẫu một cách dễ dàng và nhanh chóng thì trong não họ càng xuất hiện các khoái cảm hoặc sự hài lòng, thể hiện ở các biểu đồ điện não của những người tham gia thử nghiệm.
Như vậy có thể nói cái đẹp rất gần với những cái mà người ta đã từng xem (chứng kiến). Vì vậy, câu hỏi kế tiếp được đưa ra: cái đẹp xuất hiện nhờ bản năng sinh sản hay thói quen của con người? Và điều đó liệu có đúng khi chúng ta đôi lúc bảo vệ, về mặt sinh học, cái đẹp có nghĩa là chúng ta trở thành nô lệ của cái đẹp?
Vương Tiến (theo Interrnaute)