Cái sướng của các nhà văn

Mình nghe một nhà văn rất nổi tiếng than thở: Gửi bản thảo đi cả năm, bây giờ họ lại bắt kiểm duyệt mấy chỗ, chán quá, chẳng muốn in nữa.

Văn sĩ thức khuya dậy sớm, lao tâm khổ tứ, trà thuốc tốn kém, quát tháo vợ (chồng) con, mới nghĩ ra được câu đắc ý, nay lại bị cắt xoẹt cái, ai mà không tức. Xét cho kỹ, thì kiểm duyệt bây giờ cũng đỡ hơn cách đây 30 năm, nhiều khi bản thảo chưa kịp gửi đi toà soạn, cán bộ ban văn hoá tư tưởng đã qua chơi, nhân tiện nhờ nhà thơ giải nghĩa cho mấy chữ. Các bài cần giải thích, thường là từ từ xếp lại, cho vào ngăn kéo, để độ chục năm sau đăng vẫn kịp, hay như mới.

Để an ủi bạn văn sĩ, mình nói rằng là với cái sự xuất bản, khổ nhất vẫn là các nhà toán học. Cũng chẳng biết là than thở rằng mình khổ hơn bạn có phải là phương pháp an ủi hiệu quả không, nhưng các nhà toán học khổ như bò thì là điều chắc chắn. Cũng thức khuya dậy sớm như ai, nhưng viết ra đọc trong nhà ngoài ngõ không ai thèm hiểu. Và tới khi gửi đi, thì cái đau đầu nó mới bắt đầu.

Phàm là bản thảo tới tòa soạn, nó sẽ nằm yên đó chừng vài ba tháng, vì ông thư ký tòa soạn vô cùng bận. Cái này dĩ nhiên, phải thông cảm, vì tất cả những người làm editor cho các báo toán học, hay khoa học nói chung, đều là tự nguyện, làm ngoài giờ giảng dạy nghiên cứu bình thường của họ. Tất nhiên ở đây mình muốn nói tới các tạp chí tương đối uy tín. Ngoài ra tất nhiên có rất nhiều tạp chí sẽ in bài của bạn trong vòng hai tuần, hoặc ba nếu thay cho bản thảo, bạn gửi nhầm giấy hóa đơn thanh toán tiền nước.

Sau mấy tháng bình yên ấy, bài của bạn sẽ được gửi đến các phản biện, chừng 2-4 người. Các anh phản biện cũng không công nốt, nên các anh có nhận đọc hay không tùy thuộc vào trạng thái tâm lý trong ngày. Chẳng hạn nếu sáng bị vợ mắng vì đánh đổ sữa ra bàn thì quên ngay chuyện ấy đi, nhanh và luôn. Mà bình thường các anh bị mắng với xác suất khá cao, nên tìm ra được 2-4 anh dễ tính, khéo cũng mất vài tháng nữa.

Phản biện nhận rồi, công trình mồ hôi nước mắt của bạn sẽ được lên list “những việc cần làm ngay” của anh ấy, xếp hạng quãng từ 85 đến 125. Tất nhiên, như tất cả chúng ta, anh chẳng bao giờ sờ đến việc nào có hai chữ số cả.

Thế nhưng rồi công trình của bạn, nhờ một phép màu nào đó, vẫn được đọc. Có thể phản biện khoái chí vì thấy công trình của bản thân xuất hiện trong bài báo, có thể một ngày đẹp trời anh quyết định chơi đem lại niềm vui cho nhân loại bằng một cống hiến mang tính ngẫu nhiên. Hoặc đơn giản là anh đã rất rất chán cái thư thứ 22 của toà soạn gửi đến hỏi khi nào quí giáo sư có thể cho ý kiến về công trình X.

Nếu may mắn, sau chín tháng đến một năm, bạn sẽ nhận được phản hồi từ tòa soạn, với các ý kiến của phản biện. Các ý kiến này có thể rất vắn tắt (phản ảnh đúng tâm trạng của phản biện trong ngày) như:


“The author may want to prove a different theorem, and correctly !”

cho đến những ý kiến mang tính kỹ thuật

“I think the lemma used in page 25 was first proved by my student”

“The two epsilons in the last paragraph of page 34 seem to be  two different quantities”

“If I were the author, I would keep the references  and rewrite the rest of the paper”

“I would try to avoid the using the word “very”  very often”…

Tóm lại sẽ có hai trường hợp. Thứ nhất là bạn sẽ nhận được một bức thư với những lời lẽ ngọt ngào âu yếm từ tòa soạn, nói rằng báo của họ quá nhiều ấn bản rồi, không thể in nổi cái bản thảo của bạn, mặc dầu nó rất có giá trị. Trong trường hợp này, bạn chỉ cần đơn giản mua một quyển lịch cho năm mới, và bắt đầu lại cái quá trình bản thảo với một tòa soạn khác.

Trường hợp thứ hai khá hơn. Tòa soạn thông báo họ có thể đăng bài của bạn, nếu bạn đồng ý sửa chữa bài theo ý của các phản biện đáng kính, chẳng hạn các ý kiến trên.

Tất nhiên là sau một năm, bạn đã gần quên béng những chi tiết của cái bài báo quái quỉ đó rồi, và có trời biết được tại sao hai cái epsilon ở trang 34 nó lại phải khác nhau. Vậy nên bạn sẽ ngồi thêm một tháng nữa, tốn vô số trà thuốc, để đọc hiểu công trình của chính mình và thỏa mãn ý kiến của các phản biện, như đã nhấn mạnh, rất là đáng kính.

Giả sử bạn đã qua được bước đường đau khổ này, và các phản biện hạnh phúc vì những ý kiến quí báu của họ được tôn trọng, bài của bạn sẽ được chuyển sang khâu in ấn. Bạn sẽ xoa tay, mỉm cười hạnh phúc, tưởng tượng cầm trên tay quyển tạp chí mới in thơm màu mực, với tên bạn ở trang đầu….

Ha ha, bạn cứ mơ đi nhé!  Phần lớn các tạp chí tương đối tốt bị chậm từ một đến ha năm. Nghĩa là số bài họ có trong tay trước bài của bạn đủ in cho một đến hai năm nữa. Nụ cười hạnh phúc của bạn cũng sẽ đến, nhưng nó sẽ đến muộn hai năm, trong thời gian đó con bạn sẽ cần mua một đống giấy mới.

Nụ cười hạnh phúc hiếm hoi đến sau 2-3 năm chờ đợi là sự mở đầu cho cái khổ sở thực sự của bạn. Vì người ta bảo: bài in ra có lẽ cần có người đọc, người dùng! Cũng như phim làm ra phải có người xem. Vô lý!! Về cái đòi hỏi rất quá đáng này, mình rất muốn chia sẻ sự cảm thông với một số đạo diễn điện ảnh.

Các nhà toán học, để cho cuộc sống của mình (hay của đồng nghiêp đáng kính phòng bên cạnh) thú vị hơn, thống kê rất chặt số trích dẫn của các bài báo (số lần bài báo được nhắc hay dùng tới trong một bài báo khác). Công bằng mà nói, trích dẫn nhiều chưa chắc bài báo đã hay. Nhưng mà không có trích dẫn, thì e hèm, có thể chắc chắn là nó tương đối dở. Cái trò này mới hiểm, vì bụp một cái, một số cây đa cây đề tự nhiên tán lá lại bớt sum suê.

Cho nên mình thấy các nhà văn vô cùng là sung sướng!

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)