Cảm hứng khám phá
Những câu chuyện kể về sự trải nghiệm hay những thành tựu khoa học của nhà vật lý Richard Feymann thường hết sức sâu sắc. Những đối thoại rất chân thật và đậm nét cá nhân về nhiều chủ đề xuất phát từ đáy lòng ông - cái gì mà chúng ta chỉ biết đúng cái tên gọi của nó, thì cũng coi như không biết gì về nó cả. Dưới đây, chúng tôi lược dịch đoạn phỏng vấn giáo sư Feynman trên chương trình Horizon - đài BBC vào năm 1981, sau đó được chiếu lại ở Hoa Kỳ trong chương trình truyền hình khoa học Nova. Năm đó, Feymann đã trải qua gần hết cuộc đời (ông đã mất năm 1988) thế nên những chuyện ông kể đều ẩn chứa rất nhiều tâm sự của ông mà người ta khó thể nhìn ra hết.
Nhà vật lý Richard Feymann
Nét đẹp của bông hoa
Một anh bạn nghệ sỹ của tôi thường có suy nghĩ mà tôi không đồng tình chút nào. Anh ta đưa tôi xem một bông hoa và nói, “nhìn xem nó đẹp không này”. Tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng anh ta lại nói, “Ông xem, nghệ sỹ người ta nhìn bông hoa đẹp thế này, chứ mấy nhà khoa học như ông chỉ săm soi xem các nguyên tử của nó ra sao, nên nó thành một đống bùng nhùng gớm ghiếc phải không?” Tôi nghĩ anh ta sai. Trước hết, cái đẹp mà anh ta thấy thì hầu hết mọi người cũng cảm nhận được, có chăng là không được tinh tế hết mức như một nghệ sỹ, nhưng cũng đủ để thưởng thức vẻ đẹp của một bông hoa. Và bên cạnh cái đẹp “đến từng centimet” đó thì còn có một vẻ đẹp khác, ở kích thước khác, bên trong nó. Hơn thế nữa, còn có những chuyển động, biến đổi của bông hoa để thay đổi màu sắc (cái mà chúng ta thấy), nhưng với nó là để thu hút những con côn trùng đến thụ phấn thôi. Và vậy đó, thẩm mỹ tồn tại ở mọi góc độ. Và tại sao nó lại đẹp đến thế? Bởi những gì mà khoa học trả lời thêm cho chúng ta về bông hoa đã góp phần tăng thêm vẻ đẹp huyền bí và phấn khích của nó, cả sự hãi hùng nữa. Khoa học chỉ mang lại thêm vẻ đẹp chứ chằng làm giảm đi chút nào, thật đấy.
Khủng long bạo chúa bên cửa sổ
Nhà tôi có một cuốn Bách khoa Anh quốc (“Encyclopaedia Britannica”). Hồi nhỏ tôi thường ngồi trên lòng bố để nghe ông đọc. Chúng tôi đọc phần về khủng long ví dụ như “brontosaurus” hay “tynanosaurus rex”, sách nói kiểu như “con này cao 25 feet và riêng cái đầu là 6 feet”. Bố tôi dừng lại và giải thích, “Con tưởng tượng xem, nếu nó đứng dưới sân thì đầu nó sẽ vươn tới cửa sổ trên này và chui vào nhà mình. Mà không, đầu nó to lắm, nó mà chui qua thì sẽ phá vỡ banh cái cửa sổ nhà mình.”
Tôi luôn cố gắng tưởng tượng ra những điều thực tế trong khi đọc, hay ít nhất cái gì tương tự. Sau này cũng vậy, khi đọc tôi luôn cố vẽ ra một cái hình ảnh nào đó để tưởng tượng xem thực sự nó thế nào. Anh thấy đấy, người ta đọc Bách khoa để biết thì tôi đọc Bách khoa kèm một từ điển (hay cái gì tương tự, hay trong trí tưởng tượng) để diễn giải những gì viết trong Bách khoa (cười lớn). Từ nhỏ tôi đã rất phấn khích với những điều mới lạ như những con vật khổng lồ như thế – tôi không hề sợ thậm chí là nghĩ mà nếu nó có chui vào cửa sổ nhà tôi thì sẽ vui lắm đấy. Vậy mà chúng chết mất rồi, mấy chục triệu năm trước, không ai biết vì sao.
Chúng tôi thường đi lên khu núi “Catskill”, người New York thường hay lên đó vào mùa hè. Các ông bố thì lên vào cuối tuần rồi quay trở lại New York làm việc trong tuần, rồi lại lên. Bố tôi hay dẫn tôi đi dạo trong rừng và kể rất nhiều điều diễn ra trong từng đám cây cỏ – tôi sẽ nói rõ sau. Các bà mẹ khác thấy thế cũng thích lắm và muốn những ông bố kia cũng phải dẫn con họ vào rừng như tôi. Họ đã thử nhưng thất bại, và bọn trẻ nhào vào bố tôi và muốn ông dẫn tất cả đi. Nhưng bố tôi không muốn vì ông chỉ thích đi với tôi – ông ích kỷ. Rốt cuộc thì chúng tôi đi riêng và đến thứ Hai chúng tôi ngồi lại trên sân, một đứa hỏi – “Tụi mày có biết con chim kia tên là gì không?” Tôi nói – “Tao không biết”. Nó liền nói – “Đó là con sơn ca màu nâu.” – đại loại thế – “Thế bố mày không chỉ cho mày biết à?”. Thực ra là có: bố tôi có kể chứ. Ông ấy chỉ vào con chim và nói – “Con có biết con chim này tên là gì không? Nó là con sơn ca màu nâu, nhưng trong tiếng Bồ Đào Nha tên là …, tiếng Italia thì tên là …,” – ông ấy nói tiếp – “tiếng Trung Quốc thì là…, tiếng Nhật thì là …”, vân vân nhiều lắm. Cuối cùng ông nói – “Con xem, giờ thì con đã biết tên của con chim ở tất cả các thứ tiếng rồi đó. Nhưng thực chất thì con chả biết gì về nó cả, cái con biết chỉ là cái chữ mà con người chúng ta gọi nó ở những vùng đất khác nhau thôi.”
Ông đã dạy tôi nhận biết mọi thứ như vậy. Một hôm tôi đang chơi đoàn tàu trên đường ray đồ chơi, trẻ con mà, rất thích kéo toa tàu vòng vòng. Tôi nhớ bên trong toa tàu có một quả bóng nhỏ – và nhớ nó chạy thế nào khi kéo toa tàu đi. Tôi kể lại cho bố tôi – “Bố ơi: con thấy là nếu mình kéo toa tàu đi thì quả bóng lăn về phía sau toa tàu, còn nếu mình đang kéo nó nhanh và đột ngột dừng lại thì nó lại lăn về phía trước” – tôi hỏi – “tại sao vậy bố?” Bố tôi trả lời, “Không ai biết đâu con,” – “Nguyên tắc là nếu cái gì đang chuyển động thì sẽ tiếp tục chuyển động, như khi con dừng toa tàu thì quả bóng vẫn tiếp tục chuyển động lên phía trước toa, còn những gì đang đứng yên thì sẽ tiếp tục đứng yên trừ khi con đẩy nó thật mạnh, như khi con kéo toa tàu đi nhưng quả bóng đang đứng yên trước đó, nó vẫn “muốn” đứng yên nên lăn lại phía sau toa tàu vậy thôi.” Ông nói tiếp, “Cái này gọi là quán tính nhưng thực sự không ai biết vì sao nó lại như vậy.” Đó là một cách nhìn rất sâu sắc mà tôi học được từ rất sớm – Ông ấy không giải thích bằng một cái tên, bởi ông ấy biết sự khác nhau giữa việc biết tên gọi và biết thực sự một vật thể là gì. Ông nói tiếp, “Nếu con nhìn gần vào thì sẽ thấy thực ra trái bóng không lăn về phía sau toa tàu mà thực chất là đứng yên. Chỉ vì ma sát với sàn toa mà nó lăn lên trước một chút, chứ không phải là đi ngược về sau.” Tôi chạy lại toa tàu và làm lại, kéo toa tàu thật chậm với trái bóng ở trong. Đúng là nhìn từ bên cạnh thì như ông nói, trái bóng không hề lăn về phía sau khi ta kéo toa tàu lên trước, nó chỉ lăn về phía sau so với toa tàu. Còn nếu so với mình đang đứng yên thì nó nhích lên trước một chút đó, chính là do ma sát với toa tàu kéo nó theo. Từ nhỏ tôi đã luôn được dạy theo cách như vậy, rất nhiều ví dụ và tranh luận, không áp lực, và tranh luận rất là thú vị.
Đại số thực dụng
Anh họ tôi lớn hơn 3 buổi. Lúc đó ông ấy học trung học và có nhiều bài đại số khó lắm, phải mời gia sư đến kèm. Và tôi tranh thủ ngồi gần (cười lớn) xem sao, kiểu những bài như 2 nhân x cộng cái gì đó. Tôi hỏi anh họ tôi, “Anh đang làm gì vậy?” Anh biết sao không, ông ấy nói về cách tìm x: “Mày có biết cách tìm x nếu biết 2x + 7 bằng 15 không?” Tôi nhẩm và nói “4”. Ông ấy bảo “Ê, nhưng cách đó là số học, mày phải tính bằng đại số”. Thế là đủ hiểu vì sao ông ấy kém đại số đến thế, ông ấy không hiểu cần phải làm gì. Tôi đã học đại số không phải ở trường và bằng những bước người ta chỉ ra cần phải làm gì để tìm x. Có quan trọng gì nếu bạn tìm ra x bằng số học hay bằng đại số? Thậm chí là không hề có những khái niệm đó. Đó đơn giản chỉ là những tên gọi mà người ra đặt ra ở trường, và học sinh muốn qua môn đại số phải làm theo cách đó. Họ đã đặt ra một tập hợp các quy tắc để tìm ra x, ví dụ như trừ đi 7 ở cả hai vế phương trình, sau đó nếu có một nhân tử trước x thì chia cho nhân tử đó, vân vân. Các bài khác lại là một “series” các quy tắc khác và rốt cuộc thì học sinh chả hiểu là chúng đang làm cái gì.
Có một series các sách toán dạng Số học thực hành, Đại số thực hành rồi Lượng giác thực hành. Tôi đã học lượng giác theo cách đó nhưng rồi tôi quên ngay lập tức vì chả hiểu bản chất là gì. Sau đó có ra quyển Giải thích thực hành, tôi đến thư viện tìm. Tôi biết môn này vì đọc trong Bách khoa thư rằng giải tích là một môn rất quan trọng, hấp dẫn và tôi quyết định phải học. Lúc đó tôi lớn hơn một chút, hình như là 13 tuổi. Và lúc mà tôi đang phấn khích mượn quyển giải tích thì cô thủ thư nhíu mày hỏi – “Cháu còn bé mà đã đọc sách này à, đây là sách trung học mà.” Và tôi đã buộc phải nói dối, vâng một trong số ít lần nói dối của tôi, là tôi mượn cho bố tôi. Tôi mang sách về nhà và tự học. Lần này thì tôi bắt đầu giảng lại cho bố và ông cũng đọc cùng. Ông ấy không thích quyển này lắm, chắc là vì ông ấy không hiểu bằng tôi. Ngại quá, lần đầu tiên tôi thấy mình thông minh hơn bố. □
Nguyễn Quang dịch