Cần đầu tư vào các nhóm nghiên cứu trẻ
Những nhóm nghiên cứu trẻ, được đào tạo bài bản ở nước ngoài trong lĩnh vực Tin sinh học sẽ phát huy tốt tiềm lực của mình nếu được tham gia những chương trình nghiên cứu trọng điểm và dài hạn.
Trong điều kiện khó khăn về thiết bị, vật chất, các trường đại học, viện nghiên cứu có định hướng phát triển Tin sinh học nên đầu tư kinh phí vào việc tổ chức hội nghị quốc tế, hội thảo (workshop), trường hè (summer school), tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu trong nước được gặp gỡ, trao đổi thông tin và học hỏi những đồng nghiệp quốc tế nhằm cập nhật những hướng nghiên cứu mới và tìm cơ hội hợp tác nghiên cứu.
Trong chương trình đào tạo tiến sĩ Tin sinh học tại các trường đại học, viện nghiên cứu cũng nên có học bổng để thu hút người tài, mở rộng phạm vi tuyển chọn cho các nghiên cứu sinh đến từ các ngành về lý, hóa, sinh, toán, công nghệ thông tin, y học, dược, nông lâm… vì bản chất Tin sinh học ứng dụng là khoa học liên ngành, đồng thời cử các nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc sang học tập, nghiên cứu chuyên sâu tại các trung tâm lớn của thế giới.
Việt Nam đang có những nhóm nghiên cứu trẻ trong lĩnh vực Tin sinh học, trong đó có một số người được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Vì vậy cần ưu tiên các nhóm nghiên cứu này tham gia những chương trình trọng điểm, kinh phí nghiên cứu lớn với thời gian dài và có định hướng ứng dụng (hiện giờ các đề tài từ Quỹ NAFOSTED cho hướng này chỉ được kéo dài hai năm, áp lực về tiêu chuẩn bài báo quốc tế cũng lớn nên ít có nghiên cứu ứng dụng).
Mặt khác, chúng ta cần mời những chuyên gia quốc tế giỏi tham gia làm việc, hợp tác với các nhà nghiên cứu trong nước. Hiện nay có một số chuyên gia giỏi về Tin sinh học người Việt Nam làm việc ở nước ngoài với mức lương vô cùng hấp dẫn nên tôi nghĩ sẽ khó mời họ về Việt Nam làm việc tại thời điểm này. Giải pháp khả thi là mời các chuyên gia Việt kiều cũng như chuyên gia nước ngoài làm việc dưới hình thức ngắn hạn hoặc từ xa theo mô hình của Viện Khoa học công nghệ tính toán của TP.HCM hay Viện Toán cao cấp của GS. Ngô Bảo Châu.
Về cơ sở vật chất, bên cạnh việc trang bị máy tính để xử lý các dữ liệu y sinh học của thế giới, một số trung tâm nghiên cứu, trường đại học và bệnh viện ở trong nước cũng nên trang bị các thiết bị giải trình tự thế hệ mới (NGS) để phục vụ việc phân tích bộ gene của các giống cây trồng, vật nuôi, các chủng virus, vi khuẩn gây bệnh, và bộ gene của người nhằm phục vụ các nghiên cứu ứng dụng trong nước. Tuy nhiên việc đầu tư vào các thiết bị NGS cũng nên thận trọng. Ở Việt Nam hiện nay đã có đại diện của hai công ty chuyên về sản xuất và thương mại hóa các hệ thống tích hợp cho phân tích các biến dị di truyền và chức năng sinh học, Illumina và PacBio. Khi làm việc với họ để mua sắm máy móc, trang thiết bị cần thiết cho nghiên cứu cần đảm bảo ba yếu tố sau: 1) Đề nghị họ trao những sản phẩm công nghệ mới nhất, không phải các máy thế hệ cũ có thời gian giải mã quá lâu; 2) Không đội giá thiết bị lên gấp đôi ba lần so với giá chính hãng; 3) Chú trọng đến vấn đề hỗ trợ kỹ thuật và bảo trì vì đây là các thiết bị phức tạp.
Về lâu dài, do dữ liệu sinh học ngày càng nhiều, nhu cầu về các chuyên gia giỏi của Tin sinh học thế giới rất lớn, ngay cả ở Mỹ, việc tìm chuyên gia có khả năng phân tích, xử lý dữ liệu tham gia các dự án đa ngành cũng gặp phải khó khăn1. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Việc đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này không đơn giản nên để có được thành công, Nhà nước cần có chính sách phù hợp để khuyến khích, thu hút các bạn trẻ tham gia. Trong nghiên cứu, để bài toán của mình có ý nghĩa hơn, các nhóm Tin sinh học cũng nên làm việc chung với các nhóm thực nghiệm. Trong các trung tâm Tin sinh học cũng nên có những thiết bị phục vụ nghiên cứu thực nghiệm để sẵn sàng cho hướng này, đây cũng là mô hình mà Trung tâm Tin sinh học ASTAR (Singapore) đang thực hiện.
.——————————————————————————————-
1. Tham khảo từ bài báo trên Nature: http://www.nature.com/news/core-services-reward-bioinformaticians-1.17251?WT.mc_id=FBK_NatureNews