Cần điện hạt nhân để phát triển

Bài báo của GS Pierre Darriulat ‘Đằng sau sự cố Fukushima’ đăng trên báo Tia Sáng đã trình bày một số nhận định hết sức quan trọng về vấn đề hạt nhân (của thế giới và của Việt nam). Sau đây xin nêu một số suy nghĩ từ cuộc đời bình nhật nhân đọc bài báo của GS Darriulat.

Sau vụ Fukushima việc công kích năng lượng hạt nhân đã lên đến đỉnh điểm. Những  người VN ủng hộ năng lượng hạt nhân đều bị các bạn bè đồng nghiệp VN buộc tội oan là những nhà “kỹ phiệt (technocrat)”.

Thực ra họ cũng chỉ là những ngưởi mong muốn tìm một giải pháp năng lượng tối ưu có lợi cho VN. Theo họ nếu từ bỏ năng lượng hạt nhân liệu chúng ta có khả năng sử dụng năng lượng tái tạo như mặt trời và gió để bù lấp một lượng thiếu hụt điện năng là vào khoảng 36 đến 65 tỷ kWh (phương án cơ sở và phương án cao) vào  năm 2020 chăng, trong lúc mức nước trong các hồ thủy điện càng ngày càng có nguy cơ thấp dần và nhiên liệu hóa thạch thì cũng đang suy giảm, còn bạn thì không chịu rời chiếc TV, chiếc máy tính và thất vọng rồi phản đối ai đó khi điện bị cắt (ai sống ở các nước phát triển không biết khổ nạn này).

Trong một buổi tọa đàm (nhân sự kiện Fukushima) tại Viện Năng lượng Nguyên tử VN các nhà năng lượng  từ EVN cho biết rằng “một khả năng thay thế bằng mặt trời và gió ở kích thước vĩ mô như thế chúng ta chưa có được ở giai đoạn này”. Muốn làm được việc này chúng ta đã phải có một nền tảng công nghệ cao ở mức vĩ mô. Song muốn có được một nền tảng công nghệ cao thì trước hết phải có năng lượng để nghiên cứu phát triển và xây dựng được nền tảng đó. Đây đúng là một vòng tròn nhân quả tai hại.

Vì sao VN cần năng lượng hạt nhân?

Tại sao một nước  nghèo như VN lại cần năng lượng nhiều đến thế, tại sao các sơ đồ tổng (master plan) đưa ra những con số khủng khiếp như vậy. Tại sao ngay cả những nước phát triển họ cũng không đòi hỏi nhiều năng lượng đến như vậy. Lý do: VN là một nước nghèo, thiếu thốn mọi bề và đang muốn vươn lên. Một ví dụ trong đời sống hằng ngày: nếu bạn là một người có đầy đủ mọi tiện nghi thì bạn không đòi hỏi thêm điều gì nữa, nếu cần điều gì thêm thì cũng không phải nhiều gì lắm. Song một người nghèo thì mong muốn có đủ mọi thứ, cho nên đòi hỏi rất nhiều năng lượng.

Về vấn đề này GS. Darriulat viết:

“Các nước đang phát triển rất cần các nguồn năng lượng mới để có thể bắt kịp sự chậm trễ của họ và để duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Vì thế năng lượng hạt nhân, ít nhất trong một vài thập kỷ tới, sẽ là giải pháp khả thi duy nhất.”

…muốn tăng hiệu suất một kWh phải có công nghệ cao, điều mà chúng ta chưa có. Song muốn có công nghệ cao chúng ta phải cần năng lượng trước mắt cho quá trình học tập nghiên cứu gian khổ để xây dựng nền tảng công nghệ cao. Đây lại là một vòng tròn nhân quả tai hại

Tiếp đến là một vấn đề quan trọng: Tại sao hiệu suất một kWh điện của chúng ta thấp đến thế? Với một kWh điện người ta làm được bao nhiêu của cải mà ta không làm được như thế, có phải vì đó mà dự báo nhu cầu năng lượng lên quá cao? Lý do là trình độ công nghệ của ta quá thấp. Lấy một ví dụ  đơn giản. Ta cần tính một tích phân, nếu đưa bài toán đó cho một học sinh thì em đó khó lòng giải nhanh với hiệu suất cao được nhưng nếu đưa bài toán đó cho bạn thì bạn có thể giải quyết trong nháy mắt vì bạn có trình độ toán (công nghệ) cao. Muốn tính được tích phân đó em học sinh phải bỏ công sức học hỏi tìm tài liệu đây đó một cách mò mẫm để có một trình độ toán học, em học sinh cần nhiều năng lượng tích lũy trong học tập để làm được việc đó và  như thế trong quá trình lao động này sự lãng phí tất yêu năng lượng là khó lòng tránh khỏi. Suy rộng ra muốn tiết kiệm và muốn tăng hiệu suất của một kWh ở mức vĩ mô cũng cần có công nghệ cao. Như vậy muốn tăng hiệu suất một kWh phải có công nghệ cao, điều mà chúng ta chưa có. Song muốn có công nghệ cao chúng ta phải cần năng lượng trước mắt cho quá trình học tập nghiên cứu gian khổ để xây dựng nền tảng công nghệ cao. Đây lại là một vòng tròn nhân quả tai hại thứ hai.

Mặt trái vấn đề: VN chưa đủ điều kiện làm điện hạt nhân

Điện hạt nhân là thuộc công nghệ cao. Nhân lực của chúng ta phải nói rằng chưa đáp ứng kịp với tiên độ du nhập năng lượng hạt nhân. Người ta thường nói con người quyết định mọi việc. Câu nói đó đúng cho  ngành năng lượng hạt nhân hơn bất cứ ở chỗ nào khác. Ta cần nhiều chuyên gia có kiến thức khoa học và công nghệ hạt nhân, có kinh nghiệm, đã trải qua công việc trong các nhà máy điện hạt nhân, biết xử lý công việc trong những trường hợp bất thường. Tương tự như một phi đội trong không gian khi gặp sự cố cần sự giúp đỡ của hệ thống chuyên gia điều khiển từ mặt đất thì kíp vận hành lò phản ứng cũng phải cần đến sự can thiệp của những chuyên gia có trình độ cao đứng sau lưng họ. Hiện nay có thể nói chúng ta chưa có số nhân lực này. Điều bây giờ chúng ta cần làm không phải là đào tạo theo một kế hoạch cổ điển nào mà phải mở một chiến dịch đào tạo ở cấp quốc gia, gửi đi cấp tốc hàng trăm cán bộ ngay ngày mai mới hy vọng bắt nhịp với tiến độ (như nhiều nước khác đã làm trong quá khứ trước lúc hạt nhân lên đường). Một kiểu đào tạo theo chiến dịch này chúng ta đã làm được trong thời kỳ bao cấp trước đây (có lẽ theo phương thức của GS Tạ Quang Bửu). Không có số nhân lực cao cấp này thì không vận hành an toàn và kinh tế nhà máy và khi xảy ra sự cố  thì không đủ sức giải quyết.

Về vấn đề này GS Darriulat viết:

Phải đánh giá cẩn thận đội ngũ nhân viên có tài, có chuyên môn về công nghệ hạt nhân để xác định không chậm trễ quy mô của việc đào tạo tăng cường rõ rằng là rất cần thiết.
Để đào tạo ra các nhà vật lý, kỹ sư và nhà quản lý cần cho sự thành công của dự án đầy tham vọng như vậy là một thách thức lớn của đất nước.”

Ta cần nhiều chuyên gia có kiến thức khoa học và công nghệ hạt nhân, có kinh nghiệm, đã trải qua công việc trong các nhà máy điện hạt nhân, biết xử lý công việc trong những trường hợp bất thường.

Hạt nhân là một vấn đề phải tiếp cận theo quan điểm phức hợp (complexity)  nói cách khác phải tiếp cận năng lượng hạt nhân bằng cách xét vấn đề trong phức hợp của nhiều ngành khác như giáo dục, công nghiệp, kinh tế, văn hóa. Như vậy làm hạt nhân không phải là một điều đơn giản. Làm điện hạt nhân đòi hỏi  sự quyết tâm, sự huy động nhân-vật-tài lực của toàn thể quốc gia và đòi hỏi một sự cẩn trọng tối đa, một sự chỉ đạo chuyên nghiệp sáng suốt. Mỗi bước đi là một quyết định khó khăn.

Về vấn đề này GS Darriulat viết:

Những người chịu trách nhiệm cho lĩnh vực này phải nhận thức được các vấn đề hiện hữu và phải có kiến thức sâu, hiểu biết rõ về tình hình.

Việc quy hoạch dự án phải được đặt dưới điều kiện rằng mỗi bước thực hiện phải được bảo đảm rằng đất nước đã sẵn sàng đạt được nó một cách thành công.

Các quyết định không được sao chép từ các nước khác. Mỗi vấn đề phải được đánh giá và thấu hiểu trong điều kiện và đặc trưng riêng của Việt Nam. Sẽ có nhiều lựa chọn khó khăn. Sẽ không luôn rõ ràng lựa chọn nào là đúng. Chỉ cần tráo đổi hai chữ cái đầu tiên của từ hạt nhân (nuclear) là bạn nhận được từ không rõ ràng (unclear) …

Những nhận định sâu sắc trên đây của GS Pierre Darriulat có thể làm kim chỉ nam cho VN trong vấn đề năng lượng hạt nhân. Đó là những nhận định minh triết và chí tình của một nhà khoa học lớn với tấm lòng đầy nhiệt huyết với VN. Các nhà quản lý và chuyên gia năng lượng VN  nghiên cứu kỹ lưỡng các nhận định này (trong bài Đằng sau sự cố Fukushima đăng trên Tia Sáng, số ra ngày 20/05/2011) để tự mình tìm ra những bước đi tiếp theo đúng đắn nhất, tối ưu nhất phù hợp với tình hình đất nước.                                                                                            

GS Pierre Darriulat – người bạn tốt của Việt Nam – là nhà vật lý lớn của Thế giới. Ông  là người Pháp, Viện sĩ Thông tấn Pháp, nguyên Giám đốc Khoa học Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu CERN. Vì cảm tình với Việt nam ông đã đóng góp nhiều ý kiến xác dáng về giáo dục, khoa học và công nghệ cho Việt Nam.

Giới vật lý xếp tên ông Pierre Darriulat  cùng với tên của 12 nhà vật lý lớn (xem hình 1). Đó là top 13 nhân vật  vật lý đầu bảng trên thế giới (top physicists in the world), 13 siêu sao khoa học dám thách thức vũ trụ (13 science superstars who dare to challenge the universe) .

                                                                                       

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)