Cần thành lập Ban Cố vấn Khoa học của Thủ tướng

Nhân dịp về nước tham dự Ban giám khảo cuộc thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 48, GS.Đàm Thanh Sơn-Đại học Washington, Mỹ đã đến thăm tòa soạn Tia Sáng. Nhỏ nhẹ, điềm đạm nhưng thật cởi mở, thẳng thắn và sâu sắc, GS đã chia sẻ với phóng viên Tia Sáng những ưu tư trăn trở và kiến nghị của mình về sự phát triển KH và GD của đất nước.

Với những cơ chế thông thoáng theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các nhà khoa học, trong đó có Nghị định 115, được coi là “khoán 10” trong hoạt động KH&CN và nhiều chính sách ưu đãi khác do Bộ KH&CN trình Chính phủ ban hành trong những năm gần đây, GS có thấy được những chuyển biến tích cực trong hoạt động KH&CN?

Cảm giác chủ quan của tôi là khoa học và công nghệ ở Việt Nam phát triển chậm hơn nhiều so với sự phát triển kinh tế. Mặc dù cơ sở vật chất của các cơ quan nghiên cứu khoa học có thể khang trang hơn, các phòng máy tính có thể hiện đại hơn… nhưng số lượng các công trình nghiên cứu của Việt Nam được công bố trên các tạp chí quốc tế là một đại lượng vô cùng bé. Theo một thống kê tôi nhìn thấy thì số bài báo đăng trong năm 2006 trên các tạp chí quốc tế từ ĐHQG Hà Nội chưa bằng một phần trăm của Đại học Quốc gia Singapore (34 so với 3700).

Tại cuộc họp của Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia, một vị TS “trách” dư luận xã hội thiếu công tâm khi cho rằng hiệu quả hoạt động KHCN của ta thấp, lãng phí tiền của. Trong khi đó nhiều thành quả nghiên cứu của chúng ta lại được các nhà khoa học nước ngoài “rất ca ngợi”. Một vị GS. TSKH khác thì khẳng định là rất nhiều bài báo khoa học ở các tạp chí trong nước có chất lượng cao, nếu dịch ra tiếng nước ngoài thì đều có thể công bố quốc tế! Đó là hai ví dụ trong nhiều ví dụ có thể kể ra, chứng tỏ không như GS, nhiều nhà quản lý khoa học lại nhận định khá “lạc quan”?
Nếu quả thật các thành quả nghiên cứu của chúng ta được nước ngoài ca ngợi thì điều đó phải được phản ánh qua thống kê về số lần các bài báo từ Vịệt Nam được trích dẫn. Nếu quả thật có những công trình nếu dịch ra tiếng nước ngoài có thể được công bố trên các tạp chí quốc tế thì ta nên làm ngay việc dịch này. Chỉ trên cơ sở những thông tin hiện nay thì khó có thể đánh giá lạc quan về tình trạng KH&CN của nước ta.

Vậy, theo GS làm thế nào để có thể thay đổi thực trạng đó?
Việc đề ra các giải pháp để phát triển KHCN của nước ta không thể thực hiện được trong khuôn khổ một bài báo, mà phải thực hiện trên cơ sở một nghiên cứu nghiêm túc. Nhưng có một điều chắc chắn là việc phát triển khoa học phải gắn liền với việc nâng cấp giáo dục đại học, trong đó có việc xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế.

Có nhiều ý kiến khác nhau về tính khả thi của mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có một trường đại học lọt vào top 200 mà  Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra. Ý kiến của GS?
Tôi chưa thể bình luận gì vì chưa được biết Chính phủ sẽ có những giải pháp gì để mục tiêu đó thành hiện thực.
Ta nên hiểu rằng không phải cứ có kinh tế mạnh thì tự khắc sẽ có những trường đại học tốt. Nhiều nước có nền kinh tế mạnh hơn Việt Nam nhưng vẫn không có được một trường đại học tốt, ví dụ như các nước láng giềng của ta trong ASEAN (trừ Singapore). Tuy vậy, ta phải chú ý rằng các “con rồng” châu Á đều là những nước có nền giáo dục tốt.
Các chuyên gia về giáo dục mà tôi đã tiếp xúc cho rằng, để xây dựng một trường đại học có khả năng cạnh tranh quốc tể ở Việt Nam, điều quan trọng nhất không phải là tiền, mà là làm sao có được một cơ chế quản lý đúng ngay từ đầu. Các trường đại học thành công trên thế giới đều tuân thủ một số nguyên tắc nhất định:
Tự chủ: Trường đại học phải được tự chủ trong các lĩnh vực như quản lý, tuyển giáo sư, tuyển sinh viên, đặt chương trình giảng dạy, nghiên cứu. Ban lãnh đạo của trường có quyền lực rộng rãi, chịu trách nhiệm về công việc của mình, nhưng không bị quản lý chi tiết trong công việc hàng ngày.
Dựa vào tài năng: Các giáo sư trong trường được tuyển chọn và trả lương theo tài năng. Các giáo sư có thực quyền trong trường. Việc người giỏi được trả lương cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều, so với những người khác phải là nguyên tắc.
Kết hợp giảng dạy và nghiên cứu: Trường đại học phải vừa là cơ sở đào tạo, vừa là trung tâm nghiên cứu.
Tự do học thuật: Các giáo sư, từng cá nhân hoặc qua tập thể, quyết định cách giảng dạy tốt nhất cho các môn học. Họ được tự do nghiên cứu.

Như vậy phải chăng chưa có một trường đại học nào của Việt Nam đạt tất cả các tiêu chuẩn trên. Ví dụ không trường nào tự tuyển sinh theo tiêu chuẩn của mình?
Đúng vậy. Nhưng đó cũng chỉ là một vấn đề nhỏ trong rất nhiều vấn đề khác, mà, theo tôi, nổi bật nhất (cũng là  khó khăn nhất trong cơ chế GD-ĐT hiện nay) là việc tài năng không cảm thấy được đãi ngộ đúng đắn và có điều kiện phát triển.

Không ít người cho rằng trong bối cảnh hiện nay của nước ta, để KHCN sớm thực sự trở thành động lực của sự phát triển, chúng ta cần tập trung nguồn lực vào các nghiên cứu ứng dụng. Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản là việc làm xa xỉ?
Phải nhấn mạnh một điều rằng không có khoa học cơ bản thì không thể có công nghệ mới. Tôi xin minh họa cho nhận định này qua ví dụ về nghiên cứu công nghệ nano ở các trường đại học ở Mỹ. Rất nhiều trường ở Mỹ có trung tâm nghiên cứu công nghệ nano (trường của tôi cũng có một trung tâm này, nhưng hoạt động chưa thật sự thành công). Những nhà nghiên cứu chính trong các trung tâm này đều lấy ở các khoa có sẵn, như khoa vật lý (chủ yếu từ ngành vật lý chất rắn), khoa hóa học, khoa kỹ thuật cơ khí, khoa sinh vật, và một số khoa khác. Như vậy mỗi trung tâm nghiên cứu này không phải một khoa riêng biệt, mà là một tổ chức lập ra để lôi kéo các nhà nghiên cứu cơ bản ở các khoa khác nhau hợp tác làm chung một vấn đề công nghệ ứng dụng.
Thực ra hiện nay, ranh giới giữa khoa học cơ bản và ứng dụng thì tuỳ ngành. Có ngành thì ranh giới rất rõ ràng, có những ngành thì các nghiên cứu cơ bản có thể được ứng dụng rất nhanh chóng. Chẳng hạn trong ngành vật lý hạt cơ bản thì các nghiên cứu cơ bản đi xa ứng dụng rất nhiều, trong khi trong một số hướng của ngành sinh vật học thì nghiên cứu cơ bản và ứng dụng lại rất gần gũi.
Vì vậy, không nên đặt vấn đề ưu tiên lĩnh vực nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng mà điều quan trọng hơn hết là chọn hướng đi nào cho sự phát triển KHCN thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước.

Vậy theo GS, chúng ta nên chọn hướng đi nào?
Đã có nhiều ý kiến bàn về vấn đề hết sức hệ trọng này. Ở đây tôi chỉ muốn đưa ra một ý kiến là, việc vạch định ra phương hướng phát triển khoa học là một vấn đề đòi hỏi một tầm nhìn xa trông rộng mà phải các nhà khoa học lớn mới có được. Do vậy, Chính phủ nên lập một ban cố vấn về khoa học của Thủ tướng, bao gồm các nhà khoa học có uy tín trên thế giới, cộng với một số các nhà khoa học trong nước, để vạch định ra đường lối chính sách khoa học của Việt Nam. Thậm chí có thể để các nhà khoa học ở nước ngoài chiếm đa số trong ban này. Ở Việt Nam hiện có một nhà khoa học nổi tiếng thế giới là GS Pierre Darriulat. Thật đáng tiếc là các ý kiến của ông ta không được mấy người chú ý tới. Tôi chắc là nếu Hàn Quốc hay Đài Loan có một nhà khoa học như vậy ở nước họ thì người này sẽ thường xuyên được mời ra cố vấn về các vấn đề chiến lược.
Khi Trung Quốc bắt đầu cải tổ, họ chủ động tìm đến các giáo sư gốc Hoa ở Mỹ là T.D. Lee và C.N. Yang (giải Nobel về Vật lý) để cố vấn cho họ. Một đồng nghiệp của tôi, cùng làm việc với giáo sư T.D. Lee, kể rằng (tôi không được chứng kiến) nhiều lần có các quan chức Trung Quốc, mặc com-lê, xách cặp, đúng giờ thì đi vào trong phòng làm việc của giáo sư T.D. Lee ở trường Columbia, hết giờ thì lại đi ra. GS T.D. Lee và C.N.Yang có “đường dây nóng” đến Đặng Tiểu Bình. Chính quyền Trung Quốc đã phải tự chủ động xin ý kiến các giáo sư này.

Chẳng lẽ GS không biết, gần chục năm nay, để tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về khoa học chúng ta đã có Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia với những thành viên “là những nhà khoa học lớn” (theo tin một số báo)?
Ý kiến của tôi là ban cố vấn phải gồm các nhà khoa học có uy tín trên thế giới. Ở các nước phát triển, thông thường thành viên của Ban cố vấn này hoạt động độc lập. Họ không đại diện cho ai, cho một tổ chức nào; không là cấp dưới và cũng không là cấp trên của ai. Họ trực tiếp tư vấn cho Thủ tướng những vấn đề Thủ tướng đề nghị, yêu cầu, không qua trung gian.

Trong mô hình phát triển KHCN của các nước phương Tây, của Nhật, Hàn Quốc, Singgapore… mô hình nào theo GS chúng ta có thể học tập, vận dụng?
Vấn đề thiết yếu hiện nay không phải là chọn mô hình phát triển KHCN của một nước nào đó để học tập, noi theo. Sự lựa chọn này không có ý nghĩa vì Việt Nam chưa thể áp dụng mô hình đó  trong khuôn khổ tổ chức hoạt động KHCN như hiện nay. Vấn đề cấp thiết nhất (và khó nhất) là làm thế nào đổi mới được cơ chế quản lý giáo dục, KHCN theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Đã đến lúc việc học hỏi kinh nghiệm các nước để tiến dần đến, thay vì tách xa ra, các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Đó là tiền đề tối quan trọng để thành công trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập vì trong nghiên cứu khoa học, hơn bao giờ hết, biệt lập và đứng ngoài trào lưu chung là con đường tụt hậu nhanh nhất, đối với từng cá nhân cũng như đối với cả cộng đồng – GS. Hoàng Tụy.
 

GS.Đàm Thanh Sơn, Huy chương vàng Olympic toán quốc tế năm 1984 khi mới 15 tuổi. Khác với đại đa số các anh chị trước đó, anh chọn vật lý làm nghề của mình. Tốt nghiệp ĐHTH Matxcơva năm 1991 và bảo vệ TS vật lý năm 1995. Từ năm 1995, anh làm việc ở Mỹ. Hiện nay anh là giáo sư tại Đại học Washington ở Seattle, Mỹ. Anh nghiên cứu về vật lý lý thuyết. Anh đã công bố trên 60 bài báo trên các tạp chí quốc tế có uy tín về vật lý.

Văn Thành (thực hiện)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)