Cảnh báo nạn đói trên toàn thế giới

GS. Tyler Cowen của ĐH George Mason, Mỹ đưa ra những cảnh báo về an ninh lương thực toàn cầu.

Nông nghiệp vẫn bị lãng quên

Nạn hạn hán đẩy giá ngô lên cao đã cho thấy gần như chúng ta không có cách nào giải quyết vấn đề lương thực cho toàn cầu. Cơn bão giá lương thực lần thứ ba chỉ trong vòng 5 năm qua đã càng làm dấy lên nghi ngờ rằng liệu việc phát triển kinh tế rộng khắp toàn cầu có đem lại sự phát triển tương xứng về nông nghiệp hay không.

Cuộc cách mạng xanh đã bị chậm lại từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, và việc gia tăng sản lượng lương thực đã trở nên khó hơn, như tôi đã thảo luận trong cuốn sách “Một nhà kinh tế kiếm bữa ăn trưa” của mình. Hay một nghiên cứu mới đây của Dani Rodrik, giáo sư về kinh tế chính trị học toàn cầu tại ĐH Harvard đã chỉ ra rằng năng suất nông nghiệp là yếu tố khó lan truyền nhất từ quốc gia này sang quốc gia khác.

Dường như nông nghiệp là một trong những khu vực kinh tế bị lãng quên trong suốt hai thập kỷ vừa qua. Nghĩa là nạn đói đã được châm ngòi trở lại, như lời cảnh báo vừa qua của Ngân hàng Thế giới và các cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc.

Trong một nghiên cứu mới, giáo sư kinh tế học Michael Lipton tại ĐH Sussex, Anh đã đem tới một cái nhìn tỉnh táo về năng suất nông nghiệp châu Phi. Ông chỉ ra rằng Rwanda và Ghana đang gia tăng năng suất nông nghiệp nhưng hầu hết các quốc gia khác của lục địa này lại không làm được như vậy. Sản lượng và lượng calo bình quân đầu người hiện nay dường như không cao hơn so với đầu những năm 1960. Thách thức cho châu Phi là làm sao nuôi được dân số vẫn đang ngày càng tăng.

Một vấn đề lớn là giá phân bón ở châu Phi thường bằng 2 – 4 lần so với giá thế giới. Nói cách khác, khu vực cần phân bón nhất phải trả tiền nhiều nhất cho phân bón. Giá cao do phần lớn mạng lưới cơ sở hạ tầng và thương mại không thể phát triển đủ để tạo ra một thị trường cạnh tranh với chi phí thấp. Điều này sẽ còn tồi tệ hơn nữa nếu các vấn đề rắc rối từ kinh tế của Trung Quốc làm phân tán nguồn lực của nước này đầu tư vào đường xá và cảng biển ở Châu Phi.

Nghiêm trọng hơn, nhiều nước châu Phi thực thi những chính sách không có lợi cho nông nghiệp. Ví dụ, Malawi xuất khẩu ngô định kỳ và hạn chế nhập khẩu cũng như kiểm soát giá cả, khiến thị trường không thể vận hành lành mạnh. Các nhà đầu tư tích trữ ngô để dành khi khan hiếm có thể sẽ bị pháp luật trừng phạt. Tất cả những hạn chế này đối với các động lực của thị trường càng làm vấn đề nguồn cung lương thực thêm trầm trọng.
Trong khi đó, phần lớn tăng trưởng châu Phi đã xuất phát từ nguồn tài nguyên giàu có như dầu mỏ, kim cương, vàng hay các khoáng sản chiến lược. Nguồn tài nguyên này lại không tạo điều kiện để hỗ trợ nền dân chủ bền vững do có nhiều nhóm nhận đặc quyền từ nhà nước.

Những trở ngại như vậy là một thách thức cho tương lai của các nền kinh tế châu Phi.

Chúng ta phải làm gì?

Trước tiên, phải nâng tầm quan trọng của vấn đề lương thực trong chương trình nghị sự. Ở Mỹ, người ta không có nhận thức chiến lược về nông nghiệp toàn cầu và thường coi nông nghiệp là thứ yếu.

Thứ hai, Chính phủ Mỹ nên ngừng trợ cấp sản xuất nhiên liệu sinh học, chủ yếu là ethanol từ ngô. Hiện nay, khoảng 40% sản lượng ngô của Mỹ cung cấp cho nhiên liệu sinh học. Các chuyên gia chỉ trích khoản trợ cấp hằng năm cho nhiên liệu sinh học từ 2005 đã làm tăng giá lương thực, gây bất lợi cho việc sử dụng đất và ảnh hưởng tới tiền thuế. Khi tính toán các chi phí năng lượng của sản xuất nhiên liệu sinh học, người ta thấy thậm chí chính sách đó còn không giúp gì cho việc làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.

Thu Quỳnh lược dịch

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)