Cây nhiệt đới đứng trước nguy cơ mất mát côn trùng thụ phấn
Những thay đổi về khí hậu và việc sử dụng đất đang làm giảm đáng kể số lượng côn trùng thụ phấn cho các cây trồng nhiệt đới quan trọng. Theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science Advances, khi những vấn đề này đan xen với nhau và ngày càng gia tăng, nó sẽ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cây cà phê và ca cao trong tương lai.
Khi xem xét hàng nghìn loài và địa điểm, các nhà khoa học đã phát hiện khi nhiệt độ tăng trên mức bình thường, kết hợp với môi trường sống của thực vật có hoa bị thu hẹp, số lượng côn trùng thụ phấn cho những cây đó giảm mạnh 61%. “Chúng ta đang thấy rằng biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh đến các loài thụ phấn”, Tim Newbold – đồng tác giả và là nhà sinh thái học tại trường Đại học London – cho biết.
Khoảng 35% cây lương thực và 3/4 số thực vật có hoa trên thế giới phụ thuộc vào côn trùng và các loài động vật thụ phấn khác để sinh sản.
Nghiên cứu còn cho thấy vấn đề mất côn trùng thụ phấn còn lớn hơn ở vùng nhiệt đới – khu vực chưa được tập trung nghiên cứu nhiều trong các công trình trước đây. Theo kết quả nghiên cứu mới, các quốc gia đứng trước nguy cơ mất mùa cao nhất do các loài thụ phấn suy giảm là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Brazil và Philippines. Bên cạnh đó, khu vực châu Phi cận Sahara cũng gặp rủi ro, nhất là với cây ca cao và xoài.
Từ những gì đã xảy ra, các nhà khoa học cho rằng điều này là điềm xấu cho các loại cây trồng nhiệt đới quan trọng, đặc biệt là cà phê và ca cao. Những cây này phụ thuộc vào ong và ruồi để giúp chúng sinh sản, như vậy suy giảm số loài thụ phấn cũng gây suy giảm sản lượng.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra côn trùng đang suy giảm vì nhiều lý do, bao gồm biến đổi khí hậu và mất môi trường sống. Một số nghiên cứu cho thấy số lượng các loài thụ phấn ngày càng giảm, nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra các cây cà phê và ca cao cũng đang bị ảnh hưởng bởi vấn đề này. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, tất cả các yếu tố này cộng lại thậm chí còn khiến tình trạng tồi tệ hơn nữa. “Tác động kép của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến chính cây cà phê, nhưng cũng ảnh hưởng đến các loài thụ phấn mà nó phụ thuộc vào. Vì vậy điều này khá đáng lo ngại đối với những người yêu thích cà phê”, Newbold cho biết.
Theo tác giả chính Joe Milard, điều này không có nghĩa là chúng ta không còn cà phê hay sô cô la nữa, chỉ là những sản phẩm này sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Nghiên cứu này đặc biệt ở chỗ nó tập trung vào vùng nhiệt đới mà các nghiên cứu côn trùng trước đây chưa để ý đến, theo đánh giá của nhà côn trùng học Douglas Tallamy tại Đại học Delaware – người không tham gia nghiên cứu.
Theo Newbold, các côn trùng thụ phấn ở vùng nhiệt đới nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn các vùng khác vì côn trùng ở đây đã ở gần giới hạn nhiệt độ. “Sự nóng lên ở vùng nhiệt đới đang đẩy những loài đó đến bờ vực tuyệt chủng”, Newbold cho biết.
Theo Millard, mất môi trường sống là nguyên nhân chính khiến số lượng các loài thụ phấn ngày càng giảm do ít thức ăn hơn. Thêm vào đó là biến đổi khí hậu, cùng tình trạng ký sinh trùng, bệnh tật và sử dụng thuốc trừ sâu ngày càng trầm trọng hơn. Tuy mọi loài côn trùng đều lâm nguy, song các loài thụ phấn lại bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả khi nhiệt độ ấm hơn. Hiện nay các nhà khoa học vẫn đang cố gắng đưa ra lời giải thích tại sao.
Theo Millard và Newbold, lý do có thể là do chúng có chân nhiều lông hơn và cơ thể giúp chúng vận chuyển phấn hoa. “Điều này giống như bị buộc phải mặc áo khoác lông trong khi trời trở nên nóng bức”, Newbold nói.
Tallamy không chấp nhận lời giải thích trên. Ông đánh giá nghiên cứu này có dữ liệu và dự đoán tốt, nhưng cho rằng lời giải thích của các tác giả về lý do vì sao chỉ là phỏng đoán.□
Kim Dung dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2023-10-habitat-loss-pollinator-coffee-cocoa.html