Chẩn bệnh cho Beethoven (Kỳ 2): Bí mật sức khỏe và bí mật gia đình

Vượt qua rất nhiều thách thức, nhóm nghiên cứu quốc tế liên ngành gồm 30 thành viên đã có trong tay điều mình muốn là bộ gene của Beethoven. Vậy nó có giúp họ tìm ra căn nguyên gây ra các bệnh mà nhà soạn nhạc phải chịu đựng suốt cuộc đời, đặc biệt là bệnh điếc, hay không?

Nhóm nghiên cứu tái cấu trúc được 55% hệ gene của nhà soạn nhạc Beethoven. Nguồn: ĐH Oxford

Từ gene đến bệnh

Những câu chuyện mang tính lịch sử về cả tám món tóc đã được Christine Siegert và cộng sự tái hiện đầy đủ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra, nếu như kết quả giải trình tự gene ở các nắm tóc không trùng khớp nhau? Bí mật di truyền của Beethoven sẽ vĩnh viễn là bí ẩn? Thật may mắn là điều này đã không xảy ra với năm mẫu còn lại, khi cùng cho kết quả tương đồng đáng ngạc nhiên.

Việc tái cấu trúc hệ gene thu được từ các mẫu tóc đã giúp các nhà nghiên cứu phát hiện ra năm mẫu, trong đó có mẫu Stumpff, cùng có một bộ gene ty thể đơn bội với một đột biến riêng và kiểu hình nhân XY nam. Sau đó, việc kiểm tra mức độ liên quan của DNA nhiễm sắc thể định hình và DNA nhiễm sắc thể X cho thấy cả năm mẫu đều thuộc về một người nam với 99% tổ tiên là người châu Âu – một tín hiệu thuyết phục cho thấy chúng từ Beethoven. Một hệ gene được cấu trúc từ các sợi tóc này khớp với những người sống ở bang NorthRhine-Westphalia ở Đức. Tất cả thuyết phục các nhà nghiên cứu là họ có trong tay năm mẫu tóc của Beethoven. Ed Green, một chuyên gia về DNA cổ tại ĐH California, Santa Cruz, đồng ý với lập luận của nhóm nghiên cứu “Sự thật là họ có nhiều món tóc khác nhau, với những lịch sử khác nhau, và tất cả đều khớp với nhau để đem lại bằng chứng về Beethoven”.

Mặc dù đã được các thuật toán hỗ trợ tái cấu trúc bộ gene nhưng do sự thiếu hoàn hảo của mẫu, công việc lắp ráp và chú giải bộ gene mất rất nhiều thời gian, kết quả cũng không như kỳ vọng. “Chúng tôi hiện mới chỉ có được khoảng 55% bộ gene của nhà soạn nhạc, dù đã phải sử dụng cả phương pháp thống kê để ngoại suy ra một số vùng lân cận của các vùng gene đã được giải trình tự. Tuy nhiên, về tổng thể nó vẫn còn quá nhiều điểm khuyết thiếu so với kết quả lấy từ máu của một bệnh nhân hiện nay”, theo nhận xét của giáo sư Nöthen, người phụ trách nhóm phân tích những diễn giải y học từ dữ liệu bộ gene. Viện của ông nổi tiếng về những nghiên cứu vào toàn bộ các yếu tố di truyền, từ các đột biến hiếm gặp với các hiệu ứng gây bệnh di truyền cổ điển đến các đột biến chung với các hiệu ứng nhỏ được xác định là nguy cơ rủi ro bệnh tật chung. “Thách thức tìm nguyên nhân di truyền trong dữ liệu bộ gene dựa trên những triệu chứng bệnh tật phức tạp nên ngoài một số chuyên gia trong nhóm, chúng tôi phải mời thêm chuyên gia về gan Christian Strassburg ở ĐH Bệnh viện Bonn. Diễn giải y học từ dữ liệu bộ gene vô cùng phức tạp và đòi hỏi kỹ năng của nhiều chuyên ngành khác nhau”, ông nói.

Đó là lý do vì sao Christian Reiter lưu ý trên Washingtonpost, nếu tham gia nghiên cứu này, ông sẽ cẩn trọng hơn trong diễn giải từ gene ra bệnh. Trong lĩnh vực di truyền, mối quan hệ từ kiểu gene ra kiểu hình không phải lúc nào cũng là ánh xạ 1-1. Sinh giới vẫn còn quá nhiều điểm kỳ lạ nằm ngoài vùng hiểu biết của con người. “Từ vài thập kỷ trở lại đây, các nhà nghiên cứu đã có thể từ gene suy ra bệnh nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Có nhiều đặc trưng rõ ràng hoặc đã được nghiên cứu đủ tốt có thể giúp kết luận được từ gene ra bệnh nhưng với những bệnh mới, chưa được nghiên cứu nhiều hoặc quá phức tạp, người ta cần thêm nhiều bằng chứng khác”. TS. Dương Quốc Chính (Viện Huyết học truyền máu TƯ) nhận xét.

Phân tích tóc cho thấy vô số nguyên nhân gây xơ gan và “sự thật gây bệnh có thể nằm trong sự tương tác giữa rất nhiều yếu tố trong đó”. TS. Ian Gilmore, ĐH Liverpool

Đó cũng là nhận định chung của nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực này. Tại hội thảo “Sự kết hợp của giải mã gene và trí tuệ nhân tạo: Một cách tiếp cận mới trong chăm sóc sức khỏe” do Bộ KH&CN tổ chức ngày 28/5/2019, giáo sư Roy Perlis – Giám đốc Trung tâm Xuất sắc về Khoa học Di truyền, trường Y ĐH Harvard đã trao đổi “Khác với mô hình truyền thống ‘một gene, một bệnh’ trước kia (mỗi biến dị di truyền hiếm gặp sẽ gây ra một loại bệnh), thực tế cấu trúc gene liên quan đến những căn bệnh rất phức tạp và do nhiều vùng gene khác nhau quy định”.

Hạn chế trong tìm kiếm các nguyên nhân di truyền trong DNA của Beethoven khiến các nhà nghiên cứu không tìm thấy điều mình muốn nên cuối cùng đành sử dụng “các điểm rủi ro đa gene” (polygenic risk scores) – phương pháp kiểm tra nguy cơ bệnh tật của một cá nhân so với những người khác với cấu tạo di truyền khác biệt. Theo cách này thì Beethoven có hai bản sao của một biến thể của gene PNPLA3 liên quan đến xơ gan và một bản sao của hai biến thể gene HFE là nguyên nhân dẫn đến Haemochromatosis di truyền – một rối loạn di truyền đặc trưng bởi sự tích tụ sắt quá nhiều dẫn đến tổn thương mô, một điều kiện làm tổn thương gan. “Những phát hiện này thật sự quan trọng”, Begg nói, bởi vì các ghi chép hồ sơ cho thấy Beethoven uống nhiều rượu, nhất là vào năm trước khi qua đời, có thể làm gia tăng nguy cơ phá hủy gan. “Tất cả kết hợp lại thành cơn bão hoàn hảo”.

Các nhà nghiên cứu đành sử dụng “các điểm rủi ro đa gene” để suy ra bệnh của nhà soạn nhạc. Nguồn: Tristan Begg và cộng sự.

DNA của nhà soạn nhạc cũng chứa các mảnh virus viêm gan B, vốn là nguyên nhân gây bệnh gan. “Chúng tôi không rõ ông ấy mắc virus này từ lúc nào và vì sao lại có nó”, Begg lưu ý và cho biết thêm là Beethoven đã bị nhiễm bệnh trong vài tháng trước khi qua đời. Vào tháng 12/1826, sức khỏe của nhà soạn nhạc bị suy giảm nhanh chóng, da vàng, chân bị sưng phù – các dấu hiệu của bệnh gan. Ông nằm liệt giường cho đến khi qua đời vào tháng 3/1827. Ian Gilmore, một chuyên gia về gan tại ĐH Liverpool, cho biết phân tích tóc cho thấy vô số nguyên nhân gây xơ gan và “sự thật gây bệnh có thể nằm trong sự tương tác giữa rất nhiều yếu tố trong đó”.

Nhưng Beethoven bị nhiễm virus này trong trường hợp nào? Virus viêm gan B dễ bị lây qua quan hệ tình dục, dùng chung kim tiêm, truyền từ mẹ sang con. Beethoven không dùng các loại thuốc tiêm qua tĩnh mạch, TS. Meredith nói. Arthur Kocher, nhà di truyền học tại Viện Nhân học tiến hóa Max Planck, đề xuất một cách giải thích: nhà soạn nhạc có thể bị nhiễm từ mẹ vì thông thường, nếu bị nhiễm từ lúc sơ sinh thì khi trưởng thành cũng có thể mang bệnh đến cuối đời. Một phần tư người nhiễm có thể mắc xơ gan hoặc ung thư gan.

Beethoven không lập gia đình, dẫu có mối quan hệ lãng mạn với một vài phụ nữ. Ông đã viết một bức thư – dẫu không bao giờ gửi nó – cho “người yêu dấu bất tử” mà việc nhận diện danh tính bà cũng đủ gây tranh cãi giữa các học giả. Thông tin chi tiết về đời sống tình dục của ông vẫn còn là điều bí ẩn.

Tương tự, câu hỏi vì sao ông bị điếc vẫn chưa được trả lời. Các nhà nghiên cứu đã quét hệ gene để tìm các nguyên nhân dẫn đến chứng điếc, với một số giả thuyết bệnh Paget – một rối loạn về xương lành tính do sự bất thường trong quá trình hủy và tái tạo xương – và bệnh lupus ban đỏ. Beethoven có một số chỉ thị di truyền liên quan đến sự phát triển bệnh lupus nhưng không phải bao giờ lupus cũng dẫn đến điếc. Walther Parson, một nhà sinh học phân tử pháp y tại ĐH Y Innsbruck từng nhận diện được hai người con của Sa hoàng Nicholas II từ những mảnh xương được khám phá vào năm 2007, nhận xét “Hiện tại thì di truyền y học cũng phải vật lộn với vấn đề y như vậy. Trình tự DNA không phải lúc nào cũng đem lại được mọi thông tin để hiểu về cơ chế bệnh tật”.

Tuy nhiên, ở thời điểm này có thể khẳng định là Beethoven không bị điếc và chết vì nhiễm độc chì. Trước đây, đã có diễn giải là có thể ông mắc bệnh giang mai nên phải viện đến chì, phương thuốc chữa bệnh giang mai ở thời kỳ đó. Một phân tích do Phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Argonne vào năm 2000 cho thấy nồng độ chì trong tóc nhà soạn nhạc cao gấp 100 lần cho phép trong khi một phân tích trên mảnh sọ do trường Y Mount Sinai thì lại cho là nồng độ này ở mức quá thấp để nhiễm độc đến chết. Nghiên cứu của Begg và cộng sự đã loại đi tranh cãi này bởi phân tích năm 2000 dựa trên mẫu Hiller – mẫu không phải của Beethoven.

Phép đo tam giác địa di truyền (Geo-Genetic Triangulation GGT) chỉ dấu là có thể có một mối quan hệ bí mật trong về dòng cha trực hệ của Beethoven, một người nam thuộc dòng từ năm 1572 đến 1700 giữa cụ cố Aert và Ludwig van Beethoven. Các nhà di truyền gọi là sự kiện cha con ngoại cặp (extra-pair-paternity event).

“Tôi yêu bài báo này. Hành trình từ số không trong việc tìm hiểu về một cá nhân kiệt xuất trong lịch sử – nó gợi cảm giác như một chuyến du hành ngược thời gian vậy”, Robert Green, một chuyên gia di truyền y tế ở Boston, nói.

Không ai tưởng tượng ra là kết quả của nghiên cứu này còn góp phần làm sáng tỏ cả một phần nghiên cứu khác về nhà soạn nhạc. Năm ngày sau bài báo trên Current Biology được xuất bản, TS. Andrew Todd của trường Y Mount Sinai, phát hiện ra mảnh sọ Beethoven mà ông có được từ hậu duệ của bác sĩ Romeo Seligmann, người có được phần xương này từ đợt khai quật thi hài Beethoven 36 năm sau khi ông qua đời, có thể không phải của nhà soạn nhạc. TS. Meredith cho rằng chỉ có thể rút ra câu trả lời từ những lần xét nghiệm sau. “Bây giờ thì hệ gene chuẩn là từ năm món tóc, có thể cần xét nghiệm lại mảnh sọ và so sánh DNA với nhau. Với tôi, đây vẫn là cách làm cho kết quả đẹp nhất, rõ ràng nhất”.

Gene không biết nói dối

Đó không phải là điều cuối cùng của nghiên cứu. Những manh mối về di truyền và cây phả hệ di truyền đã bất ngờ mở một cánh cửa khác vào bí mật gia đình: nhiễm sắc thể Y của Beethoven không khớp với năm hậu duệ còn sống của ông – năm người mang họ van Beethoven hiện sống ở Bỉ, cùng chung cụ cố thế kỷ 16 với nhà soạn nhạc là ông Aert van Beethoven (1535-1609). “Thông thường, việc lập cây phả hệ sẽ phụ thuộc vào các kết quả phân tích hệ gene ty thể (mtDNA), tức là di truyền theo dòng mẹ, bổ sung nhiễm sắc thể Y là di truyền theo dòng bố, đa hình di truyền nucleotide đơn (SNP)… Đa dòng di truyền (polygenetics polymorphism) trong bộ gene của con người nó khác nhau ở tất cả mọi người, ví dụ như giữa hai người xa lạ thì có sự khác nhau rất lớn nhưng giữa những người có cùng huyết thống tỉ lệ giống nhau nhiều hơn”, TS. Dương Quốc Chính giải thích.

Bằng chứng về sự kiện cha con ngoại cặp (extra-pair-paternity event) trong dòng cha trực hệ của Beethoven. Nguồn: Tristan Begg và cộng sự.

Câu chuyện ngược dòng để tìm về tổ tiên chung một cách chính xác của một nhóm người thông qua các chỉ thị di truyền bao giờ cũng vô cùng phức tạp và rắc rối. Nó như thể việc đổ một lượng màu nhất định xuống dòng chảy, các tia màu sẽ lan ra nhiều hướng, càng bị pha loãng thì màu càng nhạt, chưa kể có những tia màu còn tiếp nhận thêm những màu mới trong quá trình chảy… “Càng xa nhau thì sự tương đồng về đa hình di truyền càng ít, ngược lại càng gần nhau thì càng có nhiều sự tương đồng. Điều này thể hiện rất rõ trong bộ gene”, TS, Dương Quốc Chính nói.

Ở đây, để xác định mối liên quan trong cây phả hệ, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một phương pháp mới là Phép đo tam giác địa di truyền (Geo-Genetic Triangulation GGT), trong đó xác định các đoạn trùng khớp giữa Beethoven và những người thử nghiệm di truyền; kiểm tra chéo di truyền giữa ba hoặc nhiều người để xác định các đoạn di truyền giống hệt nhau theo dòng từ một tổ tiên chung gần; sàng lọc để tìm các vị trí tổ tiên trùng khớp để tăng độ tin cậy về tổ tiên và làm giảm đáng kể nhiễu của các vị trí tổ tiên không liên quan. Kết quả là năm người được chọn và Beethoven chỉ có chung tổ tiên là cụ cố Aert van Beethoven. Ngoài ra không có liên quan.

Tại sao lại như vậy? Nó chỉ dấu là có thể có một mối quan hệ bí mật về dòng cha trực hệ của Beethoven, một người nam thuộc dòng từ năm 1572 đến 1700 giữa cụ cố Aert và Ludwig van Beethoven. Các nhà di truyền gọi là sự kiện cha con ngoại cặp (extra-pair-paternity event). Nhưng cụ thể như thế nào? Giáo sư phả hệ di truyền Maarten Larmuseau ở ĐH Leuven, nghi ngờ cha của Ludwig van Beethoven là kết quả của cuộc tình bí mật giữa bà nội ông và người đàn ông khác ngoài chồng mình. “Tại Tây Âu trong 400 năm qua, những sự kiện cha con ngoại cặp tuy không phổ biến nhưng cũng có với tỷ lệ 1%–2% mỗi thế hệ”, công bố trên Current Biology viết. “Điều này cũng khá phổ biến thời hiện tại”, giáo sư Vanessa Hayes, người phụ trách Phòng thí nghiệm Tổ tiên và hệ gene học sức khỏe tại ĐH Sydney, nhận xét trên abc.net.au: “Một trong những phát hiện lớn nhất mà những người gửi mẫu gene đến phòng thí nghiệm là tìm thấy cha họ thực chất không phải là cha ruột, hoặc có điều gì đó không chính xác trong dòng cha mẹ”.

Không có nhiều manh mối về điều này ở dòng cha Beethoven, ngoại trừ việc không có ghi chép về lễ rửa tội của cha Beethoven và bà nội ông được biết là một người nghiện rượu. Người ta biết là cha và ông nội Beethoven tồn tại một mối quan hệ “cơm không lành canh chẳng ngọt”. Các yếu tố đó có thể là dấu hiệu của một đứa trẻ ngoại hôn, giáo sư Larmuseau đề xuất một cách lý giải.

Beethoven cũng xung khắc cha mình, TS. Meredith nói và cho biết thêm là có tin đồn Beethoven trên thực tế là con riêng của vua Phổ Friedrich Wilhelm II hoặc thậm chí là vua Phổ Frederick Đại đế. Beethoven chưa bao giờ phủ nhận tin đồn. Trong công bố, các nhà nghiên cứu nhắc đến “một cuốn tiểu sử về Beethoven xuất bản năm 1992 cũng nêu đề xuất dựa trên tin đồn là ông Johann van Beethoven không phải là cha đẻ của nhà soạn nhạc. Tuy nhiên, phát hiện của chúng tôi không cho phép đem đến một xác nhận thêm về một sự kiện cha con ngoại cặp khác”.

Vào buổi tối ngày 15/3/2023, GS. Larmuseau gặp cả năm hậu duệ ở Bỉ, những người cung cấp DNA cho nghiên cứu này, và thông báo sự thật là họ không có mối liên hệ di truyền với Ludwig van Beethoven. “Họ sốc đến mức không nói nên lời. Hằng ngày họ vẫn nhớ mình có cái họ đặc biệt và nghe thấy mọi người nói ‘ồ, anh liên quan đến Ludwig van Beethoven à?’. Sự liên hệ này đã là một phần nhận diện của họ”. Nhưng giờ thì tất cả đã không còn…

Người ta vẫn chưa rõ bằng cách nào, một người bị điếc ở độ tuổi ngoài 20 lại có sức sáng tạo phi thường và bền bỉ sau đó tới ba thập niên. Dù phải “sớm tự cô lập mình, sống cô đơn và cố gắng quên đi bệnh điếc” và tự tồn tại giữa sự bủa vây của kham khổ, thiếu thốn và bệnh tật, Beethoven vẫn có được những tác phẩm đủ sức làm thay đổi lịch sử âm nhạc cổ điển.

Chờ bổ khuyết ở tương lai

Mặc dù còn một số điểm không rõ ràng trong nghiên cứu này nhưng ít nhất với các nhà nghiên cứu, đây là một câu chuyện trinh thám cuốn hút. “Từ góc nhìn y học, tôi thấy vô cùng thú vị về cách Beethoven trở thành một ca về xơ gan như một hệ quả giữa di truyền và các yếu tố khác. Cả khuynh hướng di truyền, rượu và lây nhiễm virus cùng tập hợp theo một cách cổ điển để phát triển bệnh đa nguyên nhân. Tôi nghĩ vô cùng thành công với một nghiên cứu về một triệu chứng phức tạp như thế này”, GS Krause nhận xét. Nhưng điều đó có làm ảnh hưởng đến hình ảnh Beethoven? “Sự kết nối giữa thể chất và nghệ thuật là một câu hỏi về âm nhạc học rất thú vị, tuy nhiên nó chạm đến giới hạn nghề nghiệp của tôi. Vì vậy việc hợp tác xuyên ngành tiếp tục là mục tiêu để chúng ta giải đáp những câu hỏi sau này”, ông cho biết thêm.

Hiện giờ các nhà khoa học rất phấn chấn. Dữ liệu về hệ gene Beethoven đã được mở để các nhóm nghiên cứu khác có thể sử dụng. “Hiểu biết về nguyên nhân di truyền của bệnh tật sẽ tiếp tục được tiếp nối và các gene mới liên quan đến bệnh sẽ được nhận diện. ít nhất là nguyên nhân di truyền dẫn đến bệnh của Beethoven sẽ được tìm thấy theo cách này ở tương lai”, GS Krause hy vọng.

Jeremy Yudkin, một nhà âm nhạc học và đồng giám đốc Trung tâm nghiên cứu Beethoven ở Boston, cho rằng bài báo này đã nêu bằng chứng về việc sức khỏe thể chất của nhà soạn nhạc cũng góp phần định hình âm nhạc. Ông chỉ ra một tứ tấu đàn dây cuối đời, trong đó chương ba thay đổi giữa các đoạn chậm kiểu hợp xướng và những đoạn hợp âm trưởng mang nhiều sự lạc quan hơn, thể hiện tinh thần từ “một khúc ca thể hiện lòng biết ơn của một người đã được phục hồi thể chất tới đấng thiêng liêng”. Beethoven sáng tác tác phẩm này vào năm 1825 sau khi an dưỡng ở vùng quê. Tuy nhiên Yudkin cũng thừa nhận là có nhiều cách sâu sắc hơn để hiểu về Beethoven hơn là chỉ dựa vào sự mã hóa di truyền và cơ chế bệnh tật của ông. “Nhà âm nhạc học trong tôi nói rằng điều quan trọng nhất là hàng trăm tác phẩm do ông sáng tác đều thâm sâu và siêu việt, bất chấp cái bụng không khỏe”.

Beethoven từng sáng tác một tứ tấu đàn dây vào năm 1825 sau khi an dưỡng ở vùng quê. Nguồn: Beethoven-Haus

Bí mật của Beethoven vẫn còn chưa được làm sáng tỏ. Rõ ràng, các nhà khoa học đã nỗ lực để hiểu về bệnh điếc của nhà soạn nhạc thiên tài nhưng họ vẫn chưa đi được quá xa. Và người ta vẫn chưa rõ bằng cách nào, một người bị điếc ở độ tuổi ngoài 20 lại có sức sáng tạo phi thường và bền bỉ tới ba thập niên sau. Trong một cuộc đời không chỉ “sớm tự cô lập mình, sống cô đơn và cố gắng quên đi bệnh điếc” như trong Chúc thư Heiligenstädter mà còn phải tự tồn tại giữa sự bủa vây của kham khổ, thiếu thốn và bệnh tật, Beethoven vẫn có được những tác phẩm đủ sức làm thay đổi lịch sử âm nhạc cổ điển.

Có lẽ, một trong những điều hạnh phúc nhất của Beethoven là lúc sinh thời, ông đã nhận được tình yêu thương và ngưỡng mộ của mọi người và ngược lại, đem đến sự hàn gắn cho con người. Anton Halm, người đã nhận được món tóc tạ lỗi của Beethoven – “một món tóc ông vòng tay cắt ở phía sau đầu vì phía trước đã bạc trắng” – viết thư cho một người bạn “Một hay hai năm sau sự kiện đó, vợ tôi đứng phía trước mộ phần của Beethoven, vào ngày 29/3/1827, và cô ấy nhìn thấy Holz nước mắt ròng ròng ở phía bên kia. Tuy Holz thấy vợ tôi nhưng vì còn xấu hổ nên không dám nhìn thẳng vào cô ấy. Xúc động tình cảm chân thành của Holz với Beethoven, cô ấy đã chìa tay với anh như một cử chỉ hàn gắn”.

Do vậy, nếu một ngày nào đó, khoa học có thể tái cấu trúc toàn vẹn bộ gene của ông, người ta có thể tìm thấy rất nhiều thông tin hữu ích bên trong. Chắc hẳn lúc đó, người ta sẽ thấy cả tình yêu thương con người vô bờ bến giữa những vật chất định hình con người sinh học Beethoven, như ông thổ lộ trong Chúc thư Heiligenstädter “Ôi Đấng thiêng liêng, Người hãy nhìn thấu tận đáy tâm can con, Người sẽ thấy trong đó tình yêu với con người và niềm khao khát được sống tốt… Hai em Carl và [Johann]… anh tuyên bố là hai em sẽ được thừa kế gia tài nhỏ bé của anh (nếu gọi nó là như vậy), hãy phân chia một cách công bằng, hãy đùm bọc lẫn nhau, những tổn thương mà các em gây ra cho anh, các em biết là anh đã tha thứ từ lâu… Anh mong cuộc đời của các em sẽ tốt đẹp hơn, không muộn phiền như anh, hãy hướng con cái của các em tới sự đức hạnh, chỉ điều đó mới đem lại hạnh phúc cho chúng chứ không phải tiền bạc, anh nói điều này từ trải nghiệm của mình. Chính đức hạnh đã nâng đỡ anh trong nỗi thống khổ, bên cạnh nghệ thuật của chính mình, điều khiến anh không thể tự kết liễu đời mình – Vĩnh biệt và hãy thương yêu lẫn nhau”.□

———————

Tài liệu tham khảo

https://www.cell.com/current-biology/fulltext/S0960-9822(23)00181-1#%20

https://link.springer.com/article/10.1007/s10354-021-00833-x

https://www.smithsonianmag.com/smart-news/dna-from-beethovens-hair-reveals-clues-about-his-death-180981870/

https://www.washingtonpost.com/science/2023/03/22/beethoven-genome-hair/

https://www.dw.com/en/unlocking-the-code-to-beethovens-life-through-his-hair/a-65168322

https://www.mpg.de/9754825/krause-human-history

Tác giả

(Visited 18 times, 1 visits today)