Chân đất bước vào lâu đài khoa học

Tự cho mình là người tỉnh lẻ, học vị tối thiểu, trong điều kiện rất hạn chế về thông tin, phương tiện, và người đồng sự, trong suốt 20 năm kỹ sư Hồ Quang Cua đã bỏ qua những cơ hội khác – du học Mỹ theo chương trình Fulbright, từ chối về Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) – để miệt mài kiên định với công việc tổ chức nghiên cứu lai tạo lúa thơm, và đến nay đã tạo dựng được một nhóm chuyên gia lành nghề, với những sản phẩm là các giống lúa đang giúp hàng vạn hộ nông dân mưu sinh.

Dưới đây là những chia sẻ mà ông dành cho nhóm phóng viên tạp chí Tia Sáng.

Ý tưởng ban đầu nào đã đưa ông và các cộng sự đến với công việc nghiên cứu lai tạo các giống lúa?

Đó là thời điểm sau hai năm kể từ khi nước ta bắt đầu xuất khẩu gạo. Năm 1991, TS Huỳnh Quang Tín, Viện Nghiên cứu phát triển hệ thống canh tác, trường Đại học Cần Thơ, đã hợp tác với Phòng nông nghiệp Huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) thực hiện thí điểm so sánh các giống lúa thơm sưu tập ở ĐBSCL. Cũng ở Mỹ Xuyên, nơi tôi làm việc, rất may ở giai đoạn ban đầu các thầy đã chuyển giao cho giống Khao Dawk Mali, giống lúa nổi tiếng nhất thế giới của Thái Lan. Ý tưởng chọn tạo giống của chúng tôi có từ đấy.

Nhưng từ ý tưởng đến sản phẩm nghiên cứu sáng tạo là một chặng đường dài. Chúng tôi phải mất tới 10 năm để tạo dựng được về cơ bản một nền móng khoa học công nghệ, địa bàn sản xuất, và hình thành thị trường cho sản phẩm của mình. Đó là một quá trình không đơn giản do chúng tôi rất thiếu nhân lực KH&CN.

Thành quả sau khi vượt qua những khó khăn đầu tiên đó là gì thưa ông?

Chúng tôi khởi đầu với một giống lúa thơm ngon vào bậc nhất của thế giới (Khao Dawk Mali) nhưng không dừng lại mà tiếp tục nghiên cứu sáng tạo, cho ra những giống mới phù hợp với điều kiện đất chật người đông ở Việt Nam. Giống lúa Sóc Trăng ngày nay cho ra một lượng gạo thơm nhiều hơn đến 3 – 4 lần Khao Dawk Mali. Đó là lý do để xã hội chấp nhận sản phẩm của chúng tôi.

Sau 10 năm đầu tiên, chúng tôi lai tạo được một số giống mới, đáng kể đầu tiên là giống lúa ST3 đã được đưa đi phát triển ở mọi miền đất nước và được công nhận là giống quốc gia. Đây chính là nền tảng để trong giai đoạn phát triển tiếp theo chúng tôi tiếp tục lai tạo được một loạt giống lúa từ ST5 (giải thưởng Bông lúa vàng năm 2012 do Bộ NN&PTNT cấp) đến ST20. Đặc biệt là giống lúa ST20 đã đoạt giải phẩm chất hạng nhất trong Festival lúa gạo Việt Nam năm 2011 và đến nay gạo sản xuất từ giống này được tiêu thụ ở khắp các miền đất nước và xuất khẩu với giá cao. Từ những thành quả đó, nhóm nghiên cứu chúng tôi được Nhà nước trao tặng năm Huân chương lao động, và được cộng đồng quốc tế thừa nhận, mời tham gia mạng lưới chọn tạo giống toàn cầu của IAEA và JICA.

Làm cách nào nhóm đạt được những thành công này trong điều kiện hạn chế về nhân lực KH&CN?

Trong suốt 10 năm đầu tiên, nhóm nghiên cứu của chúng tôi chỉ vẻn vẹn có 3 thạc sĩ. Với điều kiện hạn chế như vậy, bước đầu chúng tôi tập trung vào thanh lọc các giống có sẵn, với các giống cổ truyền địa phương và giống nhập khẩu như Khao Dawk Mali, Tsengtao, VĐ20, v.v, từ đó tiến hành lai tạo giống. ThS. Nguyễn Thị Thu Hương là người phụ trách công nghệ phát triển hạt giống, trong khi công nghệ lai tạo được thực hiện bởi ThS. Trần Tấn Phương – đến nay anh đã nhận được bằng Tiến sĩ Nông nghiệp chuyên ngành Di truyền và chọn giống cây trồng. Vì có ít người nên chúng tôi phải mời đến cả những học sinh cấp II tham gia thực hiện lai tạo giống, giờ đây đã có những em trưởng thành, trở thành kỹ sư nông học. Bên cạnh đó, chúng tôi phải luôn tích cực tìm cách tự học hỏi kinh nghiệm cả trong và ngoài nước, và đào tạo người qua những mối quan hệ này.

Các mối hợp tác liên kết với các cá nhân và tổ chức nghiên cứu bên ngoài có ý nghĩa ra sao đối với thành công của nhóm?

Điểm xuất phát của chúng tôi rất thấp cho nên việc học hỏi để lĩnh hội các tri thức, hợp tác để kế thừa và nâng cao là hết sức cần thiết. Từ hơn thập niên trước chúng tôi đã lĩnh hội kiến thức về lúa thơm qua các cuốn cẩm nang nhỏ của GS.TS Bùi Chí Bửu. Nhóm cũng được sự hỗ trợ hợp tác từ phòng phân tích phẩm chất của TS. Phạm Văn Ro, và hỗ trợ đào tạo nhân lực từ  TS. Võ Công Thành ở đại học Cần Thơ, người đào tạo nhiều Thạc sĩ và quản lý phòng phân tích phẩm chất gạo sau này.

Tuy nhiên, mặc dù giới nghiên cứu hàn lâm có thể dễ dàng cho chúng tôi học hỏi những kiến thức mang tính nền tảng, nhưng họ ít khi chia sẻ các sáng tạo mới. Ngược lại, có những chuyên gia tuy không thuộc giới hàn lâm, thậm chí không chuyên về cây lúa, nhưng lại hỗ trợ chúng tôi đáng kể, ví dụ như TS. Lê Xuân Thám (hiện là giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng), người giúp nhóm tiếp cận các vật liệu tạo đột biến bằng phóng xạ và đem lại những giống lúa thơm rất thành công. TS. Lê Xuân Thám đồng thời là người bắc nhịp cầu đưa nhóm đến với bộ phận lương thực của Viện Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Đây cũng là đơn vị phối hợp với JICA giúp nhóm nghiên cứu có được Trạm Nghiên cứu lúa tại Sóc Trăng hiện nay.

Vì sao sự hỗ trợ từ các nhà khoa học dành cho nhóm chỉ mới dừng lại ở mức chia sẻ kiến thức nền tảng và đào tạo nhân lực, mà ít có những người cùng nghiên cứu để tạo ra các giống lúa Việt Nam chất lượng cao đủ sức cạnh tranh với thế giới?  

Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhiều nhà khoa học đầu đàn ở Việt Nam đã thực hiện các hoạt động về phát triển các giống gạo thơm cổ truyền ở trong nước cũng như các giống nhập khẩu chất lượng cao. Tuy nhiên vì các lý do khác nhau như tuổi tác, hay theo đuổi công việc quản lý và các công tác khác, nên đã không theo đuổi được đến cùng trong công việc nghiên cứu và phát triển các giống lúa chất lượng cao. Đến đầu thế kỷ 21 lại có một số tác giả khác nghiên cứu theo hướng đa mục tiêu như ngắn ngày, năng suất cao, thơm, mềm v.v, nhưng họ chỉ mới làm theo đặt hàng của nhà sản xuất, mà không nghiên cứu kỹ về thị trường nên kết quả bị giới hạn.

Nhóm nghiên cứu lúa Sóc Trăng của chúng tôi thành công là nhờ được tiếp thu kiến thức từ các bậc tiền bối, dần dần hình thành các ý tưởng của riêng mình, và kiên định đi theo mục tiêu mà mình đặt ra, đó là phải chọn tạo lúa thơm theo yêu cầu của thị trường lấy tín hiệu của thị trường làm định hướng chọn tạo.

Vậy đâu là bí quyết để sản phẩm của nhóm đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường?
Muốn có gạo thơm ngon thì phải có vật liệu lai tạo tốt chứ không thể lấy một giống lúa thơm phẩm chất thường thường bậc trung lai với lúa cao sản thông thường. Đồng thời cần phải đặt ra những tiêu chí thật cụ thể mà sản phẩm đầu ra cần đáp ứng. Thật may mắn là từ 15 năm trước, ông Bjarne Christensen Cố vấn trưởng dự án Sau thu hoạch của DANIDA ở Sóc Trăng thời kỳ 1996 – 2003 dự hội nghị quốc tế đã mang về cho chúng tôi một chồng tài liệu trong đó có các tiêu chí về gạo của Thái Lan. Đây chính là những tiêu chuẩn giúp chúng tôi bước đầu chọn lựa giống lúa thơm phục vụ nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, nhóm cũng phải liên tục tìm hiểu và nghiên cứu nhằm đáp ứng những đòi hỏi mới mẻ mà thị trường đặt ra cho sản phẩm.

Ông có thể cho một vài ví dụ về các nghiên cứu đột phá của nhóm nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng những đòi hỏi từ thị trường?

Qua khảo sát, chúng tôi nhận ra rằng không phải ai cũng thích gạo thơm dài, có ngườ̀i thích gạo mẳn, gạo tròn, chưa kể trong xã hội có những khách hàng cần những loại gạo làm thực phẩm chức năng như gạo đỏ, gạo tím. Vì vậy khi phát hiện một hạt gạo đỏ là kết quả sau khi chiếu xạ lên giống ST3, ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền thông báo cho cả nhóm và ngay lập tức anh Trần Tấn Phương đã tiến hành lập trình lai tạo. Sản phẩm chúng tôi đạt được là giống lúa cho ra gạo đỏ như hiện nay, với lớp vỏ cám bên ngoài chứa nhiều chất xơ, chất sắt, còn bên trong nội nhũ là phần cơm thơm, mềm đáp ứng nhu cầu sử dụng gạo làm thực phẩm chức năng của người tiêu dùng. Tương tự như vậy là giống lúa cho ra gạo tím giàu hàm lượng anthocyanin mà chúng tôi nghiên cứu lai tạo ra chỉ vài năm sau khi giới khoa học quốc tế chỉ rõ công dụng của anthocyanin giúp chống oxy hóa – nguyên nhân gây ra lão hóa, ung thư, tiểu đường, v.v. Từ những sản phẩm gạo của chúng tôi, có những nhà sản xuất khác chế biến ra cốm, bột dinh dưỡng .v.v, qua đó đóng góp cho xã hội thêm nhiều sản phẩm, và người tiêu dùng lại tiếp tục có được thêm nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên, cũng không phải tất cả mọi giống lúa cho gạo thơm ngon đều phù hợp với thị trường. Có những giống không phù hợp, ví dụ như ST19, do canh tác không hiệu quả, quá tốn công chăm sóc, và thiếu sức đề kháng trước một số loại sâu bệnh.

Để thâm nhập và chinh phục thị trường, nhóm nghiên cứu đã tổ chức hoạt động quảng bá với công chúng ra sao?

Để quảng bá sản phẩm của mình, chúng tôi tổ chức những sự kiện nấu cơm đãi khách hoặc nấu cơm cho các giám khảo đánh giá. Tôi còn nhớ buổi đầu tiên khi chúng tôi giới thiệu giống gạo ngon bậc nhất của thế giới (Khao Dawk Mali) với một đầu bếp có hạng, và sự kiện đã tạo ấn tượng tốt cho thực khách ngay từ đầu – khách nhiều đến nỗi Giáo sư Võ Tòng Xuân từ Cần Thơ lo sợ chúng tôi chà hết lúa giống. Cứ như vậy, liên tục trong suốt 20 năm qua, chúng tôi thường xuyên tổ chức những bữa cơm giới thiệu với công chúng các giống gạo do chúng tôi nghiên cứu ra.

Tuy nhiên, doanh nghiệp mới là cầu nối thực sự đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng?

Hiếm có doanh nghiệp nào sẵn sàng tiếp nhận giống lúa – gạo ngay, bản thân họ cũng phải lắng nghe tín hiệu của thị trường. Vì vậy, những bữa cơm chúng tôi tổ chức nhằm giới thiệu sản phẩm với công chúng là rất quan trọng. Tín hiệu từ những bữa cơm như vậy lại được tiếp tục chuyển tải qua các túi gạo làm quà tặng hoặc ký gửi ở các sạp gạo bán lẻ. Song khi thông tin về sản phẩm còn chưa được phổ biến nhiều thì các túi gạo có địa chỉ đó lại không được bày bán, bởi người bán hàng sợ khách hàng bỏ họ mà tìm đến người trực tiếp nuôi trồng. Chỉ khi chúng tôi giải được bài toán khó này các túi gạo Sóc Trăng có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng mới được rải đều khắp các chợ Sóc Trăng, và khi đó các doanh nghiệp kinh doanh có tên tuổi mới tìm đến.

Nhưng vẫn còn vướng mắc ở chỗ doanh nghiệp chỉ biết tìm đến chợ mà không biết ruộng. Vì vậy, một lần nữa đội ngũ chuyên viên kỹ thuật của chúng tôi lại phải cùng nông dân trồng lúa cho doanh nghiệp (qua hợp đồng) chứng nghiệm. Đến đây chúng tôi đã giải được bài toán sơ khởi cho doanh nghiệp là nguyên liệu. Với phương thức này chúng tôi đã kết nối được 4 nhà trong cánh đồng mẫu (được DANIDA tài trợ từ năm 2001 – 2003), và đến nay hạt gạo Sóc Trăng không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà đã dần thâm nhập vào các thị trường nước ngoài.

Một vấn đề cơ bản cho các thương hiệu Việt là làm sao đảm bảo uy tín lâu dài. Trong nông nghiệp vấn đề này càng khó khăn vì sản phẩm không chỉ phụ thuộc vào nhà cung cấp giống mà còn chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi người trồng trọt?

Đúng vậy, chúng tôi đã nhiều lần phối hợp với doanh nghiệp tổ chức “Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt” (G.A.P) được chứng nhận quốc tế, giấy thông hành để đưa sản phẩm vào các thị trường ở nước ngoài. Hiện nay với sự giúp đỡ của QUACERT1 chúng tôi đã khởi động lại chương trình hợp tác với GlobalGAP2 để tương lai gạo thơm Sóc Trăng sẽ đi vào các kệ bày sản phẩm gạo chất lượng cao ở các siêu thị nước ngoài.

Nhưng có làm mới thấy sự giới hạn về trình độ của nông dân, cả về nền tảng học vấn lẫn ý thức chấp hành qui trình. Vì vậy, mong muốn người sản xuất tạo ra những sản phẩm chất lượng ổn định, an toàn cho môi trường, an toàn cho người tiêu dùng, và an toàn cho chính bản thân người trồng trọt, vẫn còn là một ước mơ xa vời với nông nghiệp Việt Nam.

Giải pháp cho vấn đề này là gì thưa ông?

Ngoài giống lúa tốt còn cần có những giải pháp bổ sung để đảm bảo quy trình trồng trọt cho ra sản phẩm có chất lượng phù hợp. Ví dụ như hỗ trợ huấn luyện nông dân tự sản xuất nấm xanh để khống chế rầy nâu phát triển thành dịch. Đây là một quy trình thực sự có hiệu quả, đã nhận được sự công nhận và ủng hộ từ Bộ NN&PTNT từ rất sớm. Chúng tôi cũng hướng dẫn bà con sử dụng những chất hóa học bảo vệ thực vật có độ an toàn cao, vì để kết tinh mùi thơm trong hạt gạo đòi hỏi một quá trình tổng hợp rất ổn định từ lá, trong đó tác động từ hóa chất phải rất hạn chế – bởi vậy với giống lúa thơm, hạt gạo càng thơm lại càng thể hiện độ an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Để có thể triển khai hoạt động nghiên cứu từ lý thuyết tới thử nghiệm trên đồng ruộng như trên đòi hỏi nhiều kinh phí, chưa kể đến những rủi ro. Vậy nhóm nghiên cứu có được hỗ trợ thông qua các dự án KH&CN của Nhà nước?

Chúng tôi chỉ một nhóm cán bộ ở tỉnh, ban đầu chỉ gồm những kỹ sư ít kinh nghiệm, vì vậy ban đầu hầu như không thể xin dự án KH&CN của Nhà nước, và buộc phải chấp nhận chi tiêu dè sẻn để thực hiện công việc của mình. Trong 15 năm vừa qua, dù được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các cấp chính quyền địa phương, tổng số tiền chúng tôi được nhận từ Ngân sách Nhà nước cho việc nghiên cứu của mình chỉ khoảng vài ba tỷ đồng, nhưng khoảng một nửa trong số đó là chi lót đường bởi vì kết quả hoặc là không ra giống mới, hoặc cho giống kém chất lượng.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhận được những sự hỗ trợ khác. Ví dụ, gần đây sau khi trường đại học Nông nghiệp Hà Nội chia sẻ kinh phí từ nguồn hợp tác với JICA để cùng chúng tôi xây dựng Trạm Nghiên cứu lúa tại Sóc Trăng, UBND tỉnh đã hỗ trợ mở đường để xe ô tô vào được đến Trạm Nghiên cứu.

Như vậy, có thể thấy rằng nguồn kinh phí và những hỗ trợ của Nhà nước không phải là quan trọng nhất đối với thành công của nhóm nghiên cứu trong giai đoạn vừa qua?

Ai cũng nói rằng sự thành công của đề tài nghiên cứu lúa đặc sản bao gồm: (1) Định hướng đúng; (2) Vật liệu di truyền tốt; (3) Chuyên gia di truyền giỏi; (4) Có kinh phí. Bốn yếu tố trên chúng tôi có đủ, mặc dù kinh phí thấp. Ngoài ra, sau quá trình tự đào tạo một cách kiên trì, ngày nay nhóm chúng tôi có một đội ngũ công nhân kỹ năng cao, yêu nghề được điều hành bởi một nhà hàn lâm đúng nghĩa: Tiến sỹ Di truyền học Trần Tấn Phương. Chúng tôi cũng có một mạng lưới khảo nghiệm tuy đơn giản nhưng hiệu quả, có lòng tin từ những nông dân cộng tác, chính họ giúp chúng tôi tiếp thị sản phẩm và đạt kết quả rất tốt. Vì vậy thành công đối với chúng tôi chỉ là vấn đề thời gian.

Trong suốt 20 năm nhóm nghiên cứu hoạt động trong điều kiện không có trại giống, không có phòng Lab, kinh phí hạn chế. Vì sao nhóm không nhờ cậy một trại giống có sẵn hay ‘ghép’ với một dự án nghiên cứu nào khác của Nhà nước?

Vì mục đích và phương pháp thực hiện công việc của chúng tôi khác với giới hàn lâm nên chúng tôi phải bằng lòng với những gì mình có. Thực tiễn đòi hỏi chúng tôi phải tự lực chủ động. Ví dụ như khi đã hiểu rành rọt về các chỉ tiêu phẩm chất mà sản phẩm cần đạt được thì việ̣c tự nâng cao năng lực phân tích mùi thơm sản phẩm là một yêu cầu mang tính sống còn, cho dù điều kiện cho phép còn rất sơ khai.

Dạo các chuyên gia IAEA vào thăm, họ hỏi phòng thí nghiệm ở đâu, tôi chỉ vào bụi tre râm mát nơi các “chuyên gia nông dân” đang ngồi đánh giá mùi thơm của gạo, họ cười! Rồi khi các đoàn cán bộ của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long do TS. Phạm Văn Ro dẫn đầu, hay đoàn công tác của Trạm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Nam bộ do ThS. Nguyễn Quốc Lý dẫn đầu đến khảo sát, chúng tôi tổ chức biểu diễn cho họ xem một chuỗi đánh giá mùi thơm gồm 11 người, có thể hoàn tất mỗi ngày 800 mẫu thử thơm, tức là nhanh gấp mấy chục lần so với tốc độ trả kết quả từ phòng thí nghiệm trị giá cả triệu đô của Tiến sĩ Ro. Đó là do những đòi hỏi của thực tế buộc chúng tôi phải giản lược quy trình, chẳng hạn nếu làm đúng theo quy trình của IRRI3 thì phải chà trắng rồi nghiền hạt gạo thành bột, còn chúng tôi đơn giản chỉ thử trên hạt gạo lức.

Sau những thành quả đã đạt được, đâu là triển vọng và mục tiêu tiếp theo mà nhóm nghiên cứu đặt ra?

Có thể nói triển vọng phía trước chúng tôi đang hết sức sáng sủa: diện tích canh tác sử dụng giống do chúng tôi cung cấp ngày một tăng, thu nhập đem lại cho người dân qua từng chuỗi trồng trọt, chế biến cũng gia tăng. Đồng thời, nhóm ngày càng nhận nhiều sự ủng hộ từ các nhà làm quản lý.

Việc khủng hoảng thừa lương thực hiện nay cho thấy rằng định hướng nghiên cứu từ đầu của chúng tôi là đúng: chúng ta cần phải tạo ra nhiều loại gạo đáp ứng những phân khúc thị trường khác nhau thì sẽ tránh được khủng hoảng thiếu thừa như hiện nay.

Sau khi Bộ NN&PTNT đưa giống lúa Sóc Trăng vào cơ cấu giống, nhóm đã ký kết với trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội để thành lập Trạm Nghiên cứu lúa tại Sóc Trăng với nguồn vốn từ dự án JICA hợp tác với nhà trường. Đây là cơ hội để thế hệ nối tiếp có điều kiện làm việc tốt hơn. Thông qua dự án này, với những nguyên liệu giống quý hiếm sẵn có, nhóm kỳ vọng sẽ sử dụng những công nghệ và thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu tạo ra giống lúa thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu (chịu mặn), hợp với yêu cầu môi trường (kháng sâu bệnh), đồng thời cho năng suất cao, không cần nhiều đất trồng, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn đời sống trong bối cảnh dân số tăng cao.

Xin cảm ơn ông!

1 Tổ chức chứng nhận của Việt Nam trực thuộc Tổng cục TCĐLCL do Bộ KHCN&MT

2 Một tổ chức phi chính phủ nơi đặt ra các tiêu chuẩn tự nguyện để chứng nhận cho các sản phẩm nông nghiệp trên toàn cầu.

3 Viện Nghiên cứu Gạo Quốc tế, là một tổ chức phi chính phủ với mục tiêu giảm nghèo đói trên toàn cầu bằng cách giúp nông dân sản xuất gạo theo những phương thức xanh và sạch, đạt sản lượng cao hơn.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)