Chế độ ăn kiêng không thịt sẽ không giúp giải quyết khủng hoảng khí hậu
Con người ở những vùng công nghiệp hóa như Mỹ hoặc châu Âu nhìn chung thường nỗ lực thúc đẩy ăn ít thịt và các thức ăn có nguồn gốc từ động vật như một phần của chế độ ăn kiêng lành mạnh hơn và liên quan ít phát thải hơn. Nhưng rất nhiều khuyến nghị như vậy không phải là những giải pháp phổ biến ở những quốc gia thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình, nơi gia súc đem lại nguồn thu nhập và thức ăn, các nhà khoa học cho biết như vậy trong một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Environmental Research Letters.
“Các kết luận rút ra từ các báo cáo được coi là giải pháp chính cho khủng hoảng khí hậu và khủng hoảng y tế toàn cầu là không ăn hoặc ăn ít thịt nhưng những quan điểm đó bị thiên kiến theo các hệ thống công nghiệp hóa phương Tây”, Birthe Paul, tác giả chính va là nhà khoa học môi trường tại Liên minh Quốc tế về Đa dạng sinh học và Trung tâm nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT), cho biết.
Ví dụ, trong tất cả các tài liệu khoa học về gia súc xuất bản từ năm 1945, chỉ có 13% là thực hiện ở châu Phi trong khi châu Phi là mái nhà của 20%, 27% và 32% lượng trâu bò, cừu và dê toàn cầu. Tám trong số 10 viện nghiên cứu có xuất bản quốc tế hàng đầu thế giới đều Mỹ, Pháp, Anh và Hà Lan. Chỉ có hai, bao gồm Viện nghiên cứu gia súc quốc tế (ILRI), đặt trụ sở ở châu Phi, nơi lĩnh vực chăn nuôi gia cầm là xương sống của nền kinh tế và là nơi chỉ có ít dữ liệu có thể sẵn sàng sử dụng được.
Các tác giả còn lập luận là việc tập trung vào những tác động môi trường liên quan đến chăn nuôi gia súc đã bỏ qua sự quan trọng này nhưng vai trò tích cực của chăn nuôi gia súc cũng là một phần trong các dịch vụ sinh thái, thu nhập và đem lại tài sản và sự bảo đảm cho người dân ở các quốc gia thu nhập trung bình và thấp. Nó cũng bỏ qua những vấn đề hệ thống về cách đông vật được nuôi dưỡng.
“Các hệ phức hợp trong các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, nơi việc chăn nuôi liên kết chặt chẽ với vụ mùa, có thể trên thực tế lại bền vững về mặt môi trường hơn”, An Notenbaert từ Liên minh đa dạng sinh học quốc tế và CIAT nói. “Tại vùng Hạ Sahara châu Phi, phân gia súc là nguồn dinh dưỡng có khả năng giúp đất đai thêm màu mỡ và đem lại bội thu; trong khi ở châu Âu, một số lượng lớn phân gia súc từ quá trình chăn nuôi kiểu công nghiệp hóa lại đang xâm chiếm đất trồng và trở thành nguyên nhân của nhiều vấn đề môi trường”.
Khắp vùng đồng cỏ savanna châu Phi, những người dân thường quây đàn gia súc của mình lại vào ban đêm, một cách được biết là làm gia tăng sự đa dạng dinh dưỡng và các “điểm nóng” sinh học, làm giàu thêm cảnh quan. Việc tạo ra thực phẩm cũng có thể nhờ vậy là mang tính địa phương trong khi các hệ thống công nghiệp hóa thường chủ yếu nhập khẩu. Ví dụ tại Brazil, đậu tương – một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc phá rừng ở Amazon – được chế biến chủ yếu để thành thức ăn và xuất khẩu làm thức ăn chăn nuôi ở những nơi như Việt Nam cũng như châu Âu.
“Việc chăn nuôi và tạo ra thịt tự nó không phải là vấn đề. Như bất kỳ thứ thực phẩm nào khác, khi được sản xuất với số lượng lớn, tăng cường và thương mại hóa, tác động của nó lên môi trường của chúng ta hết sức đa dạng”, Polly Ericksen, phụ trách chương trình Các hệ chăn nuôi gia súc bền vững tại Viện nghiên cứu gia súc quốc tế, nói. “Giảm bớt thịt từ chế độ ăn uống sẽ không giải quyết được vấn đề. Dù ủng hộ chế độ ăn ít thịt có ý nghĩa trong các hệ thống công nghiệp hóa nhưng giải pháp này không là một giải pháp khí hậu mang tính rộng khắp và cũng không thể áp dụng ở mọi nơi”.
Theo Tổ chức Nông lương quốc tế, việc tiêu thụ thịt ở vùng Hạ Sahara châu Phi sẽ thấp khoảng trung bình 12,9 kg/người vào năm 2028, tùy thuộc vào tình trạng thu nhập và stress nhiệt ảnh hưởng đến khí hậu ở động vật bên cạnh các yếu tố khác, với những liên quan đến sức khỏe con người như suy dinh dưỡng, thấp còi. Có thể so sánh, việc tiêu thụ thịt ở Mỹ được chờ đợi sẽ tăng lên 100 kg/người – mức cao nhất thế giới.
Các tác giả cũng biết, các hệ động vật là một nguồn chính phát thải khí nhà kinh vào khi quyển nhưng cần nhiều dữ liệu cho các quốc gia thu nhâp trung bình và thấp phát triển các chiến lược quốc gia về giảm thiểu phát thải. Họ cũng cho biết cần phải nhìn xa hơn việc nuôi nhiều động vật và hướng đến các hệ thống môi trường có khả năng tăng hiệu quả tài nguyên và giảm phát thải trong nông nghiệp.
Họ cũng chỉ ra những giải pháp có tác động lớn đến môi trưỡng, trong đó, cải thiện việc nuôi dưỡng động vật ít phát thải khí nhà kính như methane trên mỗi kg thịt hoặc sữa. Quản lý tốt hơn các vùng đồng cỏ, đa dạng các loại cây trồng và chăn nuôi, nơi phân được đưa trở lại bón cho đồng ruộng có thể đem lại lợi ích cho cả nông dân và môi trường.
“Việc có dữ liệu tốt hơn có thể là cách duy nhất để đem lại các quyết định đúng đắn hơn về cách giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi và nông nghiệp ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp”, Klaus Butterbach-Bahl tại Viện nghiên cứu Khí tượng khí hậu và nghiên cứu môi trường khí quyển (IMK-IFU), Viện nghiên cứu Công nghệ Karlsruhe (KIT) và ILRI, nhấn mạnh. “Vì vậy chúng ta cần nhiều hơn sự hợp tác trong nghiên cứu đa ngành với những người ở các quốc gia thu nhập trung bình và thấp về phát triển chăn nuôi bền vững, với tất cả những ủng hộ, về tài chính, chính sách và năng lực tại chỗ để đưa việc chăn nuôi gia súc đi theo con đường bền vững hơn, trên quy mô lớn hơn”.
Thanh Phương tổng hợp
Nguồn: https://phys.org/news/2020-12-no-meat-diet-climate-crisis.html
https://iopscience.iop.org/article/10.1088/1748-9326/abc278