Chiến tranh thời công nghệ cao

Chiến tranh hiện đại không chỉ xảy ra trên mặt đất, trên và dưới mặt nước, trên bầu trời, mà cả trong không gian ảo. Cyber war - chiến tranh trên không gian mạng - đã trở thành một mặt trận quan trọng. Đó là do toàn bộ hệ thống tác chiến hiện đại đều xây dựng trên cơ sở máy tính và mạng, hệ thống vệ tinh.

Vệ tinh dẫn đường cho tất cả các máy bay và tên lửa đạn đạo. Một tướng lĩnh Trung Quốc nói: Cả thế giới hiện nay chỉ có Mỹ, Nga, Trung Quốc sở hữu hệ thống định vị toàn cầu; nước khác muốn bắn tên lửa tới tầu sân bay đối phương mà không được một trong ba nước đó giúp mở hệ thống định vị thì không thể bắn trúng mục tiêu. Vì vậy khi có chiến tranh, trước hết phải diệt hệ thống vệ tinh và làm tê liệt mạng máy tính đối phương. Nhiều năm trước, Trung Quốc đã thử dùng tên lửa hạ một vệ tinh hết thời hạn của họ. Vài năm nay, Mỹ liên tục thử thành công máy bay vũ trụ không người lái X-37B có thể bay liền 290 ngày không hạ cánh, với vận tốc tối đa 30.000 km/h ở độ cao 60 km và khi cần có thể bay lên quỹ đạo trái đất ở độ cao 203-926 km (như tàu con thoi). Nó có thể bắn hạ hoặc bắt giữ vệ tinh, tiêu diệt các mục tiêu trên trái đất, trong vũ trụ; trong vòng 1-2 giờ có thể bay tới bất kỳ mục tiêu nào trên trái đất khiến đối phương chưa kịp trở tay đã bị tiêu diệt.

Ấn Độ đang gấp rút xây dựng hệ thống định vị toàn cầu của riêng nước họ cũng là để phục vụ nhiệm vụ kinh tế, quân sự, v.v… Dĩ nhiên đây là một hệ thống vô cùng tốn kém và đòi hỏi có trình độ cao về khoa học công nghệ.

Cách thông thường làm tê liệt hệ thống máy tính-mạng của đối phương là dùng virus xâm nhập hệ thống đó. Virus W32 Flamer của Israel từng làm cho công nghiệp dầu mỏ và hạt nhân của Iran bị trục trặc một thời gian dài. Các máy tính nhiễm virus sẽ tự phân tích quy luật hoạt động của mình, tự động ghi chép mật mã và quy luật gõ bàn phím… rồi phát mọi thông tin cần thiết về máy chủ điều khiển virus đó. Nhờ thế Israel có thể đưa ra đối sách kịp thời đối phó Iran.

Các cường quốc đều xây dựng hệ thống theo dõi lén điện thoại và e-mail của người dân và của các nước khác, kể cả đồng minh. Năm 1967, tình báo Israel nghe lén được cuộc điện thoại giữa Tổng thống Ai Cập với vua Jordan, nhờ thế ngày 5/6/1967 Israel bất ngờ tấn công Ai Cập, Jordan, Syria, và chỉ sau sáu ngày đã hoàn toàn áp đảo ba nước này. Năm 1985, Israel nghe trộm được cú điện thoại giữa lãnh tụ Arafat của Mặt trận Giải phóng Palestin (PLO) với một đơn vị bộ đội PLO, nhờ vậy ngăn chặn được cuộc tấn công của PLO.

Đơn vị 8200 thuộc Bộ Quốc phòng Israel được giao nhiệm vụ nghe lén và tiến hành chiến tranh trên mạng. Nó hoạt động tương tự Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA, nơi vừa xảy ra vụ Snowden tiết lộ bí mật hệ thống nghe lén của Mỹ) hoặc GCHQ của Anh.

Unit 8200 tập trung những nhân tài điện toán giỏi nhất, chủ yếu là các hacker trẻ. Họ tạo ra sâu máy tính Stuxnet năm 2010 xâm nhập mạng máy tính của Iran và làm cho các thiết bị hạt nhân Iran bị trục trặc nặng. Các thành viên Unit 8200 khi giải ngũ đều lập công ty, một số trở thành tỷ phú công nghệ máy tính. Ông Martens Đại sứ Israel tại Trung Quốc hiện nay nguyên là chỉ huy đơn vị 8200. Dư luận cho rằng Tổng thống Obama vì không muốn để Israel đánh bom cơ sở công nghiệp hạt nhân Iran nên đã khuyến khích Israel phát triển chiến tranh mạng, vì cách này cũng đạt được công hiệu tương tự.

“Nói một cách đơn giản, yếu tố quyết định thắng thua trong cuộc chiến tranh tương lai sẽ không dựa vào máy bay và trọng pháo, mà dựa vào thao tác trên bàn phím máy tính, dựa vào bàn phím để điều khiển hệ thống mạng và các trang bị tác chiến hiện đại, qua đó thực hiện cú tấn công hủy diệt hệ thống tác chiến và trận địa tác chiến của đối phương” – tướng Yair Cohen chỉ huy đơn vị 8.200 nói tại hội nghị Tổng thống Israel (19/6/2013).

Báo Trung Quốc đưa tin Mỹ là nước đầu tiên thành lập các đơn vị kỹ thuật số (digitalized units) năm 2001. Trong đơn vị kiểu mới này, mọi người lính và sĩ quan đều nhận được nhanh nhất các thông tin về chiến đấu, chi viện chiến đấu và bảo đảm hậu cần, giúp nâng cao khả năng xử lý tình huống. Hỏa lực pháo phát bắn đầu tiên của đơn vị số hóa có hiệu suất trúng đích đạt 73%, gấp chín lần đơn vị phi số hóa. Đơn vị cơ giới sau khi được số hóa, sức chiến đấu tăng gấp ba lần.

Tiếp đó Anh, Pháp, Đức, Nhật, Israel cũng làm theo Mỹ. Năm 2007, không quân Mỹ lập Bộ Tư lệnh chiến tranh mạng. Tháng 6/2013, quân đội Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức diễn tập chiến tranh mạng (“digital technology” military exercise). Trung Quốc nói cuộc diễn tập này mới đạt trình độ cuộc diễn tập năm 1994 của quân đội Mỹ.

Mỹ cho rằng Trung Quốc đã xâm nhập hệ thống máy tính của họ, lấy cắp dữ liệu của 40 dự án vũ khí công nghệ cao như máy bay F-35, FA-18, tên lửa Patriots và Aegis v.v…

Các chiến lược gia cho rằng trước năm 2018, không quân phương Tây sẽ tiến sang thời đại sử dụng máy bay không người lái là chính, máy bay có người lái là phụ (tỷ lệ 3:2). Muốn vậy phải xây dựng được hệ thống mạng mặt đất tiên tiến. Ngày 10/7 năm nay, Mỹ lần đầu thực hiện thành công hạ cánh máy bay không người lái X-47B trên tàu sân bay George H.W. Bush. Giám đốc dự án máy bay không người lái của Hải quân Mỹ nói đây là một sự kiện mang tính lịch sử.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)