Chiến tranh thương mại ảnh hưởng tới hệ sinh thái rừng Amazon

“Chúng tôi e ngại rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung sẽ khiến nạn phá rừng phục vụ cho nông nghiệp ở Brazil gia tăng trên diện rộng”, nhà nghiên cứu về khí hậu học Richard Fuchs nhận định.


Những cánh rừng bị thu hẹp lại nhường chỗ cho những cánh đồng đậu tương. 

Do tác động từ cuộc chiến tranh thương mại với Hoa kỳ, Trung Quốc phải gia tăng mạnh nhập khẩu đậu tương từ Brazil. Năm 2018 hai nước đã tiến hành các biện pháp trừng phạt bằng thuế quan lên tới 25%. Điều này làm cho giá đậu tương của Hoa Kỳ xuất khẩu sang Trung Quốc tăng cao và Trung Quốc phải tìm các nhà cung cấp khác. Năm 2018 xuất khẩu đậu tương của Hoa kỳ sang Trung Quốc giảm một nửa. Giải pháp để giải quyết vấn đề này có nhiều khó khăn bởi lẽ cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang. Thay vì giảm thuế tổng thống Hoa kỳ Donald Trump doạ sẽ mở rộng các lĩnh vực tăng thuế.

Brazil là nhà sản xuất đậu tương đứng thứ hai trên thế giới. Năm vừa qua đất nước Nam Mỹ này có sản lượng đậu tương lên tới 117 triệu tấn. Tới đây các doanh nghiệp nông nghiệp ở nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ sẽ đẩy mạnh sản xuất đậu tương, một ngành kinh doanh vô cùng béo bở và mang lại lợi nhuận to lớn. 

Brazil có thể nhập cuộc để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu đậu tương gia tăng từ Trung Quốc, và hệ quả là sẽ tác động nghiêm trọng tới hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới. “Chúng tôi e ngại rừng ở Brazil sẽ bị chặt phá trên diện rộng do cuộc chiến tranh thương mại này”, theo nhà nghiên cứu khí hậu học Richard Fuchs thuộc Viện Công nghệ Karlruhe (KIT, Đức). “Trong quá khứ, mỗi khi cầu đối với đậu tương tăng thì thường xảy ra nạn phá rừng để lấy diện tích trồng cây đậu tương”.

Các nhà khoa học Đức đã nghiên cứu về tác động của sự biến động trong ngành đậu tương trên thế giới. Cuộc chiến tranh thương mại thực sự là một mối hiểm hoạ đối với vùng rừng mưa nhiệt đới Amazon, một nghiên cứu trên Nature cũng đưa ra cảnh báo. Trong trường hợp xấu nhất, để thoả mãn cơn đói đậu tương của Trung Quốc, Brazil sẽ biến 12,9 triệu ha rừng thành đất nông nghiệp – tương đương với diện tích Hy lạp.

Hiện tại Trung Quốc nhập khẩu 75% đậu tương từ Brazil. Gần đây nhất Trung Quốc nhập 37,6 triệu tấn đậu tương từ Hoa kỳ, Nếu Trung Quốc nhập khối lượng đó từ Brazil thì nước này phải mở rộng diện tích trồng đậu tương thêm 39%. “Brazil là nước duy nhất có thể tăng rất nhanh sản lượng đậu tương”, Fuchs nói. “Thông thường người ta biến bãi chăn thả gia súc thành đất canh tác rồi sau đó phá rừng để lấy đất phục vụ chăn nuôi”.

Việc tranh dành đất đai diễn ra khá thô bạo: các chủ đồn điền thường không quan tâm đến quyền lợi của dân địa phương. Không hiếm trường hợp cư dân bị đuổi khỏi địa bàn của họ vì chủ đồn điền dùng hồ sơ, giấy tờ giả. Nếu việc không thành thì thậm chí dùng súng ống để “nói chuyện”. Theo Uỷ ban quản lý điền địa Brazil thì từ đầu năm đến nay đã có ít nhất 11 người bị giết vì tranh giành ruộng đất.

Theo các nhà khoa học, để góp phần chống nạn triệt phá rừng nhiệt đới thì cần đánh vào túi tiền của người tiêu dùng. Ông Fuchs cho rằng “các nước EU cần đánh thuế cao đối với thịt các loại súc vật được nuôi bằng đậu tương trồng ở những vùng đất do phá rừng amazon. Khoản tiền này dùng để khắc phục phần nào hậu quả huỷ hoại sinh thái”.

Tuy nhiên cần phải khẩn trương. Bởi vì hai năm 1995 và 2004  đã diễn ra nạn phá rừng tồi tệ nhất ở Brazil, mỗi năm có tới 3 triệu ha rừng bị triệt hạ. Nếu lấy con số này làm cơ sở thì sau bốn năm Brazil sẽ khai hoang đủ số diện tích cần thiết để thoả mãn nhu cầu đậu tương của Trung Quốc. Cho dù các nhà sản xuất đậu tương lớn trên thế giới tăng cường sản xuất để phục vụ xuất khẩu, như Argentina chẳng hạn, hay dù Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất đậu tương trong nước, thì theo tính toán của các nhà khoa học làm việc tại KIT Brazil vẫn phải khai phá khoảng 5,7 triệu ha, bằng diện tích Croatia.

Chính phủ Brazil dường như vui mừng khi nhu cầu về đậu tương của Trung Quốc tăng cao. Tổng thống dân tuý thiên hữu Jair Bolsonaro lại coi vùng rừng già Amazon cần được tăng cường khai thác trong tương lai. Ngay sau khi nhậm chức hồi đầu năm ông đã giao bộ Nông nghiệp quản lý  địa bàn khu vực rừng cần bảo vệ vốn thuộc cộng đồng dân bản địa và người Brazil gốc Phi. Ông cử nhà vận động hành lang cho nông nghiệp và có ảnh hưởng lớn là bà Tereza Cristina phụ trách lĩnh vực này. Bolsonaro từng nói “Sự thịnh vượng nằm dưới lòng đất bản địa”.

Đối với thổ dân bản địa ở Açaizal thì cây đậu tương ảnh hưởng không tốt đến sinh kế truyền thống của họ.

Ngay sau vùng Açaizal, trước kia là rừng rậm thì nay cánh đồng trồng đậu tương rộng mênh mông kéo dài đến tận chân trời.. “Giờ thì người ta triệt hạ những cánh rừng rộng lớn, chúng tôi không thể tự nuôi bản thân mình”, ông trưởng làng Josenildo thuộc bộ lạc Munduruku, những cư dân sinh sống chủ yếu dựa vào nguồn lợi từ rừng, nói. 

“Trước kia vùng đất này chỉ là rừng rậm, chúng tôi có nhiều hoa quả và tôm cá”, ông  Paulo da Silva Biseira kể và nhìn cánh đồng đậu tương bao la bát ngát chỉ cách ngôi nhà của mình mươi mét và kéo dài đến tận chân trời. “Thuốc bảo vệ thực vật ngấm vào sông, suối làm cho nước, tôm cá và đất đai cả vùng này bị nhiễm độc”.

Xuân Hoài dịch, theo “Tuần kinh tế”

Nguồn bài và ảnh: https://www.wiwo.de/technologie/green/soja-nachfrage-wie-der-us-handelskrieg-brasiliens-regenwald-in-gefahr-bringt/24308066.html 

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)