Chính Phủ cần được thường xuyên tư vấn về khoa học

Trả lời phỏng vấn báo “Die Welt” (CHLB Đức) của Sir David King, cố vấn khoa học của Thủ tướng Anh Tony Blair.

Die Welt: Thưa giáo sư, Chính phủ Anh dường như rất quan tâm tới vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu và có những nỗ lực lớn về vấn đề này, mong giáo sư cho biết lý do?

Sir David King: Có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất vì Công đảng ngay trước cuộc bầu cử năm 1997 đã cam kết thực hiện chương trình-Kyoto. Một số thành viên nội các có vai trò quyết định như bà Bộ trưởng Môi trường Margaret Beckett và Bộ trưởng Tài chính Gordon Brown đang thúc đẩy quá trình này. Thứ hai, khi tôi được đề cử làm công tác này, tôi đã tiến hành phân tích hết sức sâu rộng những vấn đề khoa học liên quan đến biến đổi khí hậu và đi đến nhận định vấn đề nóng lên trên toàn cầu sẽ là một thách thức nghiêm trọng nhất đối với chúng ta trong thế kỷ 21. Nhận thức này tác động mạnh mẽ cả ở trong và ngoài chính phủ. Một cuộc thăm dò dư luận gần đây ở Anh cho thấy rất rõ dư luận chung ở Anh đối với vấn đề này. Khi được hỏi “Sự nóng lên trên toàn cầu có phải là một vấn đề nghiêm trọng không?” thì 92 % số người được hỏi trả lời là “có” và chỉ có 4% trả lời là “không”.

Welt: Thưa giáo sư, nền khoa học Anh đặc biệt mạnh ở lĩnh vực nào?

King: Năm 2004 tôi đã tiến hành phân tích so sánh về sức mạnh khoa học của các quốc gia khác nhau dựa trên cơ sở số bài báo được công bố trên tạp chí khoa học “Nature”. Nếu xét theo tiêu chí đó thì  nước Anh đứng ở vị trí thứ hai sau Mỹ. Nước Anh mạnh nhất ở lĩnh vực y học lâm sàng và tiền lâm sàng, các ngành khoa học về cuộc sống, khoa học môi trường và toán học. Ngược lại về vật lý và các ngành khoa học kỹ thuật, chúng tôi chỉ xếp hạng thứ tư sau Mỹ, Đức và Nhật Bản.

Welt: Trong các ấn phẩm khoa học, các nhà khoa học Anh thường được trích dẫn nhiều hơn so với các nhà khoa học Đức, thưa giáo sư, tại sao lại như vậy?

King: Khó có thể giải thích được điều này bằng một số lý do đơn giản. Tôi nghĩ ở đây thể hiện khá rõ các di sản của quá khứ và một truyền thống khoa học lâu đời của các quốc gia. Hiện nay Trung Quốc công bố rất nhiều kết quả nghiên cứu và nếu nói về số lượng ấn phẩm được đăng tải thì ngay từ năm 2004 họ đã vượt Canada và đang chuẩn bị vượt Pháp. Nhưng nếu so sánh về số lần được trích dẫn thì Trung Quốc còn đứng khá xa sau hai nước này.

Welt: Thưa giáo sư nước so với Đức, Anh đầu tư tiền của cho nghiên cứu khoa học ít hơn. Nhưng tại sao nền khoa học Anh lại vẫn đạt được thành tựu to lớn như vậy?

King: Có thể có hai nguyên nhân. Một là, mặc dù số tiền đầu tư cho nghiên cứu cơ bản bị giảm sút và sự hỗ trợ của nhà nước trong thời gian từ 1980 đến 1995, tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng sản phẩm quốc nội, đã bị giảm một nửa, nhưng nền khoa học Anh đã có nhiều ý tưởng mới, đầy sáng tạo và tiếp tục giành được những thành tựu tốt đẹp nhờ khai thác được nguồn kinh phí từ Liên minh Châu Âu hoặc từ lĩnh vực công nghiệp. Nguyên nhân thứ hai, các tổ chức tài trợ lớn như Research Councils đã hướng cho khoa học phát triển có mục đích, tập trung mạnh vào các lĩnh vực nghiên cứu phục vụ sản xuất. 

Welt: Mật độ các doanh nghiệp – công nghệ cao ở Anh rất dày đặc. Thưa giáo sư, liệu có bí mật gì chăng?

King: Đúng là chúng tôi có mật độ rất cao các doanh nghiệp công nghệ cao cỡ nhỏ ở xung quanh các trường đại học. Thí dụ xung quanh Cambridge hiện có tới khoảng 900 doanh nghiệp High-Tech cỡ nhỏ ngoài ra còn có 600 hãng dịch vụ loại nhỏ. Chúng ta cũng thấy hiện tượng này ở xung quanh một số trung tâm công nghệ cao khác. Quá trình này ban đầu diễn ra tự phát có lẽ vào đúng thời kỳ kinh phí hạn hẹp không đáp ứng được nhu cầu và các nhà khoa học phải tự tìm các nguồn tài chính thay thế khác. Giờ đây với sự trợ giúp của chính phủ và của Quỹ Higher Education Innovation Fund (HEIF) sự phát triển này đã vươn tới đỉnh cao. Nhưng theo tôi, nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự phát triển này là nền văn hóa khoa học tại các trường đại học ở Anh đã hoàn toàn thay đổi, không còn là một tháp ngà xa rời thực tế mà gắn bó chặt chẽ với thực tiễn, nghiên cứu khoa học  phải tạo ra giá trị phục vụ cuộc sống. 

Welt: Là cố vấn khoa học của ông Tony Blair, trong những tháng qua giáo sư đã thảo luận với Thủ tướng Anh về những chủ đề gì? Theo giáo sư, một vị cố vấn khoa học bên cạnh bà Thủ tướng Đức Angela Merkel có là điều nước Đức cần không?

King: Trong mấy tháng qua tôi trao đổi với thủ tướng về nhiều chủ đề, trong đó có vấn đề tăng giá trị nghiên cứu cơ bản hay cả về nguy cơ về một dịch cúm nguy hiểm đối với con người bắt nguồn từ cúm gia cầm. Tôi tin rằng, khoa học và công nghệ liên quan đến mọi khía cạnh trong việc điều hành đất nước, nó là một vấn đề trọng tâm vì thế các chính phủ đều cần có một đội ngũ cố vấn mạnh, gần với chính phủ và sâu sát với các lĩnh vực khoa học. Tất nhiên không cần có sự tư vấn thường xuyên của giới khoa học, các nhà lãnh đạo vẫn có thể điều hành đất nước. Nhưng tôi không tin rằng một nhà lãnh đạo quốc gia, không có tư vấn khoa học, lại có thể điều hành tốt đất nước mình.

Welt, 24. 4. 2006

Xuân Hoài

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)