Chỉnh sửa gene: Sự can thiệp vào tiến hóa của loài người
Công nghệ chỉnh sửa gene (CRISPR) ngày một dễ thực hiện. Điều đó có ý nghĩa gì với tương lai của loài người?
Năm 2016, tôi đã tham dự một cuộc họp lớn của các nhà báo tại Washington, DC. Diễn giả chính là Jennifer Doudna, người đồng sáng chế CRISPR vài năm trước đó – một phương pháp mang tính cách mạng trong việc thay đổi gene đang càn quét khắp các phòng thí nghiệm sinh học vì nó quá dễ dùng. Doudna giải thích, với khám phá này, con người đã đạt được khả năng chỉnh sửa bản chất phân tử cơ bản tạo nên chính mình. Và năng lực đó đi kèm với cả triển vọng và nguy hiểm. Một trong những nỗi sợ lớn nhất của bà, bà nói, là “thức dậy vào một buổi sáng và đọc về đứa trẻ đầu tiên được tạo ra bằng CRISPR” – một đứa trẻ được chỉnh sửa gene có chủ ý ngay từ đầu.
Nếu ai đó tạo ra một em bé đã được chỉnh sửa, thì sẽ làm nảy sinh các vấn đề về đạo đức và luân lý, trong đó, Doudna đã nói với tôi, sâu sắc nhất là việc đó sẽ “thay đổi quá trình tiến hóa của con người”. Bất kỳ sự can thiệp nào về gene trên phôi thai phát triển thành công lên em bé sẽ được truyền sang thế hệ tiếp theo, thông qua quá trình gọi là “dòng mầm”. Nhà khoa học nào dám thử điều đó?
Hai năm sau đó, tôi đã tìm ra câu trả lời. Tại một khách sạn ở Quảng Châu, Trung Quốc, tôi đã tham gia một đoàn làm phim tài liệu để gặp một nhà lý sinh tên là Hạ Kiến Khuê. Trong cuộc họp, Khuê hào hứng nói về nghiên cứu của mình trên phôi thai của chuột, khỉ và người, và về kế hoạch cuối cùng của anh là cải thiện sức khỏe con người bằng cách bổ sung các gene có lợi vào cơ thể người ngay từ khi mới sinh. Vẫn tưởng tượng rằng còn xa mới tới một bước như vậy, tôi đã hỏi liệu công nghệ đã thực sự sẵn sàng cho một nỗ lực như vậy hay chưa.
“Sẵn sàng”, anh đáp. Và, sau một hồi im lặng đầy ưu tư, “Gần như sẵn sàng rồi.”
Bốn tuần sau, tôi biết rằng anh ấy đã làm điều đó rồi, khi tìm thấy dữ liệu mà Hạ Kiến Khuê đã đăng trên mạng, mô tả hồ sơ di truyền của hai bào thai người được chỉnh sửa gene – tức là “trẻ sơ sinh CRISPR” đang trong thời kỳ hoài thai – cũng như lời giải thích về kế hoạch của anh ấy, đó là tạo ra con người miễn dịch với HIV. Anh ấy đã nhắm vào một gene có tên là CCR5 – mà một số người được biết là có biến thể của gene này với khả năng chống lại sự lây nhiễm HIV. Có vẻ như một điều gì đó mang tính lịch sử – và đáng sợ – đã xảy ra. Trong bài đưa tin tức đột phá hôm ấy, tôi đã mạo muội phát biểu rằng sự ra đời của những con người được chỉnh sửa gene sẽ là một bước đột phá về mặt y học và là khởi đầu cho sự suy đồi của quá trình tăng cường sức mạnh của con người.
Sự ra đời của những con người được chỉnh sửa gene sẽ là một bước đột phá về mặt y học và là khởi đầu cho sự suy đồi của quá trình tăng cường sức mạnh của con người.
Vì hành động của mình, Hạ Kiến Khuê sau đó đã bị kết án ba năm tù, và các hoạt động khoa học của anh đã bị chỉ trích dữ dội.
Và tôi nằm trong số một nhóm những người chỉ trích anh ta – trong giới truyền thông và hàn lâm – những người sẵn sàng nhấn chìm Hạ Kiến Khuê và nhóm cố vấn của anh vào màn cực hình Prô – mê – tê bằng làn sóng các bài báo và bài phanh phui hằng ngày. Ngay đầu năm nay, Fyodor Urnov, một chuyên gia chỉnh sửa gene tại Đại học California, Berkeley, đã có bài đăng đầy kích động trên nền tảng X, gọi Hạ Kiến Khuê là một “kẻ cuồng đồ đốt phá” khoa học và so sánh ông với Balrog, một tên quỷ trong Chúa tể của những chiếc nhẫn của J.R.R. Tolkien. Có vẻ như tội ác của Hạ Kiến Khuê không chỉ là hành vi sai trái về mặt y khoa mà còn là dám nắm quyền điều khiển chính những quá trình đã đưa bạn, tôi và anh ấy đến với thế giới này.
Điều đáng nói là Khuê đã khởi sinh ý tưởng của mình từ hiện thực khoa học ngay trong tầm tay. Cũng giống như một số đột biến gene gây ra những căn bệnh khủng khiếp, hiếm gặp, những đột biến khác đang được phát hiện giúp một số ít người có khả năng chống lại những căn bệnh phổ biến, như bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh Alzheimer và HIV. Những đột biến này có thể bảo vệ chúng ta khỏi các bệnh tật và truyền nhiễm thông thường, nhưng thậm chí chúng cũng còn có thể cải thiện rõ rệt về các đặc điểm khác, chẳng hạn như chiều cao, tiêu hóa hay thậm chí là nhận thức. Những thay đổi này sẽ không được truyền lại cho con cháu của chúng ta theo hình thức di truyền, nhưng nếu được phân phối rộng rãi, chúng cũng sẽ trở thành một hình thức tự tiến hóa dưới sự định hướng của con người – dễ dàng trở thành một vấn đề lớn giống như sự nổi lên của trí tuệ nhân tạo hoặc hay sự tinh chỉnh thế giới vật chất xung quanh chúng ta.
Tôi đã rất ngạc nhiên khi biết rằng ngay cả khi những người chỉ trích Hạ Kiến Khuê phản đối dữ dội cách làm của anh, thì họ vẫn nhìn nhận rằng việc con người chọn lọc tính trạng trước sinh là điều không thể tránh khỏi. Khi tôi hỏi Urnov, người đã góp phần đưa ra thuật ngữ “chỉnh sửa hệ gene” vào năm 2005, về việc bộ gene người sẽ như thế nào trong vòng, chẳng hạn, một thế kỷ nữa, ông nhanh chóng đồng ý rằng những cải thiện về khả năng của con người thông qua các gene siêu năng lực có thể sẽ được áp dụng rộng rãi cho cả người trưởng thành – và phôi thai – khi công nghệ để thực hiện việc này tiếp tục cải tiến. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng mình không mấy tin tưởng vào khả năng nhân loại sẽ làm điều đó đúng cách. Một số nhóm có thể sẽ nhận được lợi ích về sức khỏe trước những nhóm khác. Và lợi ích thương mại có thể đẩy xu hướng này đi theo những hướng sai trái – rất giống với cách các thuật toán chủ đích khiến học sinh của nó dán mắt mũi một cách trái tự nhiên vào màn hình điện thoại. “Sự tò mò của tôi về hệ gene của con người sẽ ra sao trong 100 năm tới bị kích thích bởi sự thiếu khiêm nhường và khôn ngoan trong lịch sử loài người” ông nói. “Bạn không cần phải là Aldous Huxley để bắt đầu viết về những thế giới phản địa đàng.”
Chỉnh sửa từ sớm
Khoảng 10 giờ tối theo giờ Bắc Kinh, Hạ Kiến Khuê ló mặt ra trên ứng dụng họp trực tuyến Tencent. Đó là tháng 5/2024, gần sáu năm sau lần đầu tôi phỏng vấn anh. Urnov đã cảnh báo tôi không được nói chuyện với Khuê. Nhưng tôi muốn nói chuyện với anh ta, bởi vì Khuê vẫn là một trong số ít các nhà khoa học sẵn sàng thúc đẩy ý tưởng cải thiện rộng rãi gene của nhân loại.
Sau thí nghiệm của Hạ Kiến Khuê, Trung Quốc chính thức coi việc “cấy” phôi người đã chỉnh sửa gene vào tử cung là một tội ác. Các nguồn tài trợ bốc hơi. Sau khi ra tù vào năm 2022, nhà lý sinh người Trung Quốc đã khiến hầu như mọi người ngạc nhiên khi tìm cách quay trở lại khoa học. Lúc đầu, anh đưa ra ý tưởng về lưu trữ dữ liệu dựa trên DNA và phương pháp chữa trị “giá cả phải chăng” cho trẻ em mắc chứng loạn dưỡng cơ. Nhưng sau đó, vào mùa hè năm 2023, Hạ đăng lên mạng xã hội rằng anh dự định quay lại nghiên cứu về cách thay đổi phôi thai bằng cách chỉnh sửa gene, với điều kiện là “sẽ không cấy ghép phôi thai người để mang thai”. Mối quan tâm mới của anh là một gene có tên là APP hoặc protein tiền thân amyloid. Người ta biết rằng những người sở hữu phiên bản rất hiếm, hay “alele”, của gene này hầu như không bao giờ mắc bệnh Alzheimer.
“Chúng tôi muốn không chỉ một nhóm nhỏ may mắn được alen (một trạng thái cụ thể của gene) bảo vệ mà mở rộng ra hầu hết mọi người”. Khuê nói với tôi. Và nếu bạn thực hiện điều chỉnh này ngay lúc trứng được thụ tinh, bạn chỉ cần thay đổi một tế bào để sự thay đổi có thể diễn ra trong phôi thai và cuối cùng là ở mọi nơi trong não của một người. Còn nếu cố gắng chỉnh sửa não của một người sau khi họ sinh ra “khó như việc đưa một người lên Mặt trăng,” Hạ Kiến Khuê nói. “Nhưng nếu bạn chỉnh sửa gene trong phôi thai, thì việc ấy dễ như lái xe về nhà.”
Trong tương lai, Hạ Kiến Khuê nói, phôi thai người “hiển nhiên” sẽ được chỉnh sửa ở tất cả các bệnh di truyền nghiêm trọng. Nhưng đồng thời các phôi thai còn được nhận “một danh sách” khoảng “20 hoặc 30” chỉnh sửa gene khác để tăng cường sức khỏe. (Nếu bạn đã xem bộ phim khoa học viễn tưởng Gattaca, bộ phim diễn ra trong một thế giới mà những chỉnh sửa như vậy là thường lệ – dẫn đến sự kỳ thị đối với anh hùng của bộ phim, một phi công vũ trụ tương lai nhưng lại không hề được chỉnh gene).
Việc chỉnh sửa DNA ở người trưởng thành có thể trở nên đủ dễ dàng để sử dụng không chỉ để điều trị các bệnh hiếm gặp mà còn để tăng cường khả năng khác của những người đươc chỉnh sửa gene. Nếu điều đó xảy ra, việc chỉnh sửa gene để tăng cường năng lực con người có thể lan truyền nhanh như bất kỳ công nghệ tiêu dùng hay trào lưu y tế nào.
Liệu Khuê có phải là người sẽ mở ra tương lai này? Năm 2023, anh đã nhận công việc đứng đầu một trung tâm di truyền tại Đại học Công nghệ Vũ Xương. Nhưng trong cuộc gọi của chúng tôi, Hạ Kiến Khuê cho biết anh đã rời vị trí này. Anh không nói rõ nguyên nhân của sự rời đi, nhưng đề cập rằng một loạt các bài báo trên truyền thông đã “khiến mọi người cảm thấy áp lực.” Một bài báo trên tờ báo tài chính Pháp, Les Echos, có tựa đề “Trẻ em GMO: Những bí mật của một Frankenstein Trung Quốc.” Hiện nay, anh đang tiến hành nghiên cứu tại phòng thí nghiệm riêng của mình, Hạ Kiến Khuê kể, với nguồn tài trợ từ Trung Quốc và Mỹ. Anh đã có kế hoạch sơ khởi cho một công ty khởi nghiệp. Khi tôi hỏi liệu anh có thể chia sẻ tên và địa điểm không? “Tất nhiên là không,” anh cười.
Có thể là không có phòng thí nghiệm nào, chỉ có một ý tưởng. Nhưng đó là một ý tưởng khó có thể bỏ qua. Bạn có chỉnh sửa gene cho con mình không – thay đổi một ký tự di truyền duy nhất trong số 3 tỷ ký tự chạy dọc theo bộ gene – để ngăn ngừa bệnh Alzheimer, thứ lấy đi trí nhớ, nguyên nhân gây tử vong đứng thứ bảy ở Mỹ? Các cuộc thăm dò cho thấy công chúng Mỹ đều đồng ý về sự vô đạo đức của việc thêm các đặc điểm kháng bệnh vào phôi thai. Tuy vậy, vẫn có một nhóm thiểu số sẽ đi xa hơn. Một cuộc khảo sát năm 2023 được công bố trên tạp chí Science cho thấy gần 30% số người sẽ chỉnh sửa phôi thai nếu nó tăng cơ hội theo học một trường đại học hàng đầu cho đứa trẻ được sinh ra.
Những lợi ích của biến thể di truyền mà Khuê tuyên bố đang nghiên cứu đã được công ty săn lùng gene deCode Geneetics của Iceland phát hiện ra. 26 năm trước, vào năm 1998, người sáng lập deCode, một bác sĩ tên là Kári Stefánsson, đã được bật đèn xanh để lấy hồ sơ y tế và ADN từ công dân Iceland, cho phép deCode thu thập được dữ liệu từ một trong những cơ sở dữ liệu gene quốc gia lớn đầu tiên. Hiện nay có một số ngân hàng sinh học lớn tương tự đang hoạt động, bao gồm một ngân hàng ở Vương quốc Anh, nơi gần đây đã hoàn thành việc giải trình tự bộ gene của 500.000 tình nguyện viên. Các ngân hàng sinh học này giúp thực hiện các tìm kiếm trên máy tính để tìm ra mối quan hệ giữa cấu tạo di truyền của mọi người và những đặc điểm thực tế như họ sống được bao lâu, họ mắc bệnh gì và thậm chí họ uống bao nhiêu bia.
Năm 2012, các nhà di truyền học của deCode đã sử dụng kỹ thuật này để nghiên cứu một thay đổi nhỏ trong gene APP và xác định rằng những cá nhân có gene này hiếm khi mắc bệnh Alzheimer. Họ có vẻ khỏe mạnh. Trên thực tế, họ có vẻ đặc biệt minh mẫn khi về già và dường như cũng sống lâu hơn. Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm đã xác nhận rằng sự thay đổi này làm giảm sự hình thành các mảng bám não, những khối protein bất thường vốn là dấu hiệu đặc trưng của căn bệnh suy giảm trí nhớ.
Sự tiến hóa nảy sinh khi một thay đổi nhỏ hoặc lỗi xuất hiện trong ADN của một em bé. Nếu thay đổi đó giúp em bé đó sống sót và sinh sản, nó sẽ có xu hướng trở nên phổ biến hơn trong loài – rốt cục rồi sẽ trải qua qua nhiều thế hệ, thậm chí là lan tỏa khắp mọi nơi. Quá trình này diễn ra chậm, nhưng khoa học có thể nhìn thấy. Chẳng hạn như, vào năm 2018, các nhà nghiên cứu đã xác định rằng người Bajau, một nhóm người bản địa ở Indonesia có các thành viên lặn để kiếm thức ăn, sở hữu những thay đổi di truyền liên quan đến lá lách lớn hơn. Chúng cho phép họ lưu trữ nhiều tế bào hồng cầu có ôxy hơn – một lợi thế trong cuộc sống của họ.
Tuy biến thể trong gene APP có vẻ cực kì có lợi, nhưng đó là một thay đổi có lợi cho người già, đã qua tuổi sinh sản từ lâu. Bởi vậy, đó không phải là kiểu lợi thế mà chọn lọc tự nhiên có thể dễ dàng tác động. Nhưng chúng ta có thể tác động vào nó. Đó chính là hình ảnh của quá trình tiến hóa được công nghệ hỗ trợ – nắm bắt một biến thể mà chúng ta cho là hữu ích và lan truyền nó.
Chúng ta có thể khai thác gene của con người một cách khá nhanh chóng, và phạm vi của những người có thể chỉnh sửa được sẽ nhanh chóng mở rộng.
Một lợi thế của việc tập trung vào những thay đổi DNA có lợi đã tồn tại trong cộng đồng đó là tác động của các biến thể này đã được kiểm nghiệm trong tự nhiên. Những người được deCode xác định ở độ tuổi 80 và 90. Dường như không có gì khác biệt về họ – ngoại trừ trí óc minh mẫn khác thường. Cuộc sống của họ – như được thấy từ màn hình máy tính của ngân hàng sinh học deCode – giống như một kiểu thí nghiệm tự nhiên dài hạn. Tuy nhiên, các nhà khoa học không thể hoàn toàn tự tin khi đưa biến thể này vào phôi thai, vì lợi ích hoặc nhược điểm có thể khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố di truyền khác đã có, đặc biệt là các gene có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer khác. Và sẽ rất khó để tiến hành một nghiên cứu để xem điều gì sẽ xảy ra. Trong trường hợp của APP, phải mất 70 năm để bằng chứng cuối cùng xuất hiện. Đến lúc đó, tất cả các nhà khoa học tham gia đều đã chết.
Khi tôi nói chuyện với Stefánsson vào năm ngoái, ông đã đưa ra cả lập luận ủng hộ và phản đối việc thay đổi bộ gene bằng “các biến thể hiếm có tác động lớn”, như sự thay đổi trong APP. “Tất cả chúng ta đều muốn giữ được sự minh mẫn cho đến khi chết. Không có gì phải nghi ngờ về điều đó. Và nếu bạn có thể, bằng cách nhấn một nút, cài đặt loại bảo vệ mà những người có đột biến này có, thì đó là điều đáng mơ ước”, ông nói. Nhưng ngay cả khi có công nghệ để thực hiện chỉnh sửa này trước khi sinh, ông nói rằng gần như không thể đánh giá được rủi ro của việc làm như vậy: “Bạn không chỉ tác động đến một người mà còn tác động tới tất cả con cháu của họ mãi mãi. Đây là những đột biến cho phép sự chọn lọc và tiến hóa tiếp diễn, vì vậy đây bắt đầu trở thành câu hỏi về bản chất chúng ta với tư cách là một loài.”
Chỉnh sửa tất cả mọi người
Một số kỹ sư di truyền tin rằng việc chỉnh sửa phôi thai, mặc dù về mặt lý thuyết là dễ thực hiện, nhưng sẽ luôn bị cản trở bởi những điều bất định nghiêm trọng này. Thay vào đó, họ nói rằng việc chỉnh sửa DNA ở người trưởng thành có thể trở nên đủ dễ dàng để sử dụng không chỉ để điều trị các bệnh hiếm gặp mà còn để tăng cường khả năng khác của những người đươc chỉnh sửa gene. Nếu điều đó xảy ra, việc chỉnh sửa gene để tăng cường năng lực con người có thể lan truyền nhanh như bất kỳ công nghệ tiêu dùng hay trào lưu y tế nào. “Tôi không nghĩ rằng nó sẽ là dòng mầm”, George Church, một nhà di truyền học của Harvard thường được mời để đưa ra dự đoán, cho biết. “8 tỷ người đang sống chúng ta tạo nên thị trường”. Church đã lan truyền về cái mà ông gọi là “bảng tăng cường nổi tiếng hoặc tai tiếng của tôi” trong nhiều năm. Đó là danh sách các biến thể gene mang lại cho mọi người siêu năng lực, bao gồm APP và một biến thể khác dẫn đến xương cực kỳ cứng, được tìm thấy trong một gia đình phàn nàn rằng không thể nổi trong hồ bơi. Danh sách này tai tiếng vì một số người tin rằng việc Church đưa biến thể CCR5 chống HIV vào danh sách đã truyền cảm hứng cho nỗ lực chỉnh sửa của Hạ Kiến Khuê trong các em bé CRISPR.
Hiện tại, việc chỉnh sửa gene trên cơ thể người trưởng thành vẫn là một thách thức và bị cản trở bởi khó khăn trong việc “đưa” các chỉ dẫn CRISPR đến hàng ngàn, hoặc thậm chí hàng tỷ tế bào – thường sử dụng virus để truyền tải. Các cơ quan như não và cơ bắp rất khó tiếp cận, và việc điều trị có thể gặp khó khăn. Không phải chúng ta chưa từng nghe đến những ca tử vong trong các nghiên cứu. Nhưng các công ty công nghệ sinh học đang đầu tư hàng triệu đô la vào những cách thức mới, tinh vi hơn để đưa CRISPR đến các nơi khó tiếp cận. Một số đang thiết kế virus chuyên biệt có thể nhắm vào các loại tế bào cụ thể. Những công ty khác đang áp dụng các hạt nano tương tự như những hạt được sử dụng trong vaccine Covid-19, với ý tưởng đưa các công cụ chỉnh sửa vào một cách dễ dàng và rẻ qua một mũi tiêm vào cánh tay.
Tại Viện Di truyền học Đổi mới, một trung tâm do Doudna thành lập tại Berkeley, California các nhà nghiên cứu dự đoán rằng khi việc truyền tải được cải thiện, họ sẽ có thể tạo ra một loại băng chuyền CRISPR, cho phép các bác sĩ thiết kế các phương pháp điều trị chỉnh sửa gene cho bất kỳ tình trạng di truyền nghiêm trọng nào ảnh hưởng đến trẻ em, bao gồm cả các khuyết thiếu miễn dịch hiếm đến mức không công ty nào muốn tiếp nhận. “Đây là xu hướng trong lĩnh vực của tôi. Chúng ta có thể khai thác gene của con người một cách khá nhanh chóng, và phạm vi của những người có thể chỉnh sửa được sẽ nhanh chóng mở rộng,” Urnov, người làm việc tại viện, cho biết.
Hiện tại, các can thiệp chỉnh sửa gene quá phức tạp và tốn kém đến mức chỉ có người ở các quốc gia giàu có mới nhận được. Phương pháp điều trị đầu tiên được FDA phê duyệt, một phương pháp điều trị cho bệnh hồng cầu lưỡi liềm, có giá trên 2 triệu USD và yêu cầu phải nhập viện lâu dài. Vì việc thực hiện quá khó khăn, hầu hết các nước châu Phi chưa được cung cấp phương pháp này, mặc dù đây là nơi bệnh hồng cầu lưỡi liềm phổ biến nhất. Sự cách biệt này đang thúc đẩy nỗ lực đơn giản hóa đáng kể việc chỉnh sửa gene, bao gồm một dự án được quỹ Gates và Viện Y tế Quốc gia Mỹ đồng tài trợ nhằm thiết kế CRISPR “tiêm vào tay”, có khả năng giúp mở rộng việc chữa trị và “tiếp cận được cho tất cả mọi người”. Một trình chỉnh sửa gene được xây dựng theo mô hình của vaccine Covid-19 có thể chỉ tốn khoảng 1.000 USD. Quỹ Gates coi công nghệ này là một cách để chữa trị rộng rãi cả bệnh hồng cầu lưỡi liềm và HIV – một “nhu cầu chưa được đáp ứng” ở châu Phi, quỹ này cho hay. Để làm điều đó, quỹ đang cân nhắc việc đưa vào tủy xương của người những thay đổi di truyền chính xác để chống lại HIV mà Hạ Kiến Khuê đã cố gắng cài đặt vào phôi.
Các nhà khoa học có thể thấy những lợi ích to lớn phía trước – thậm chí là một “biên giới cuối cùng của tự do phân tử,” như Christopher Mason, một “nhà di truyền học không gian” tại Weill Cornell Medicine ở New York, mô tả. Mason làm việc với các loại trình chỉnh sửa gene mới hơn có thể tạm thời bật hoặc tắt các gene. Ông đang sử dụng chúng trong phòng thí nghiệm của mình để giúp các tế bào kháng lại sự tổn thương do bức xạ. Công nghệ này có thể hữu ích cho các phi hành gia hoặc, theo ông, cho một buổi “di truyền học giải trí” cuối tuần – chẳng hạn, tăng cường các gene được chỉnh sửa của bạn để chuẩn bị cho việc thăm quan địa điểm của nhà máy điện Chernobyl. Kỹ thuật này đang “trở nên, tôi thực sự nghĩ rằng nó là, một ứng dụng đầy phấn khích của các công nghệ di truyền,” Mason nói. “Chúng ta có thể nói, hãy tìm một điểm trên bộ gene và bật hoặc tắt công tắc trên bất kỳ gene nào để kiểm soát biểu hiện của nó theo ý muốn.”
Việc chuyển giao dễ dàng các trình chỉnh sửa gene vào cơ thể người trưởng thành có thể dấy lên những câu hỏi chính sách quan trọng không kém những vấn đề do các em bé CRISPR gây ra. Liệu chúng ta có nên khuyến khích việc cải thiện di truyền – đặc biệt là nâng cấp gene theo thị trường tự do – là một trong số đó. Một số người có ảnh hưởng trực tuyến về sức khỏe đã quảng bá một liệu pháp gene không được phê duyệt, được cung cấp ở Honduras, mà những người đứng sau nó tuyên bố làm tăng khối lượng cơ bắp. Một nguy cơ khác: Nếu việc thay đổi ADN của con người trở nên đủ dễ dàng, những kẻ khủng bố gene hoặc các chính phủ có thể thực hiện điều đó mà không cần sự cho phép hoặc hiểu biết của họ. Một phương pháp điều trị di truyền cho một bệnh về da, được phê duyệt ở Mỹ năm ngoái, được bào chế dưới dạng kem – liệu pháp gene đầu tiên ở dạng thoa lên da (tuy không phải là trình chỉnh sửa gene).
Trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, Urnov thường xuyên trở lại danh sách những siêu năng lực đó – các biến thể gene khiến một số người trở nên khác biệt theo cách này hay cách khác. Có một đột biến cho phép người ta chỉ cần ngủ năm giờ mỗi đêm mà không có tác dụng phụ nào. Có một người phụ nữ ở Scotland có sự khác biệt di truyền khiến cô không cảm thấy đau đớn và luôn vui vẻ, dù hơi hay quên. Sau đó là Eero Mäntyranta, nhà vô địch trượt tuyết băng đồng đã giành ba huy chương tại Thế vận hội mùa đông năm 1964 và hóa ra lại có số lượng tế bào hồng cầu vượt mức nhờ vào một sự thay đổi trong gene gọi là thụ thể EPO. Đây cơ bản là một bản thiết kế cho bất kỳ ai muốn tham gia Thế vận hội nâng cao, kế hoạch của một người theo chủ nghĩa tự do cho một cuộc thi thể thao quốc tế ủng hộ doping mà các nhà phê bình gọi là “gần như phạm tội” nhưng nhận được sự ủng hộ của tỷ phú Peter Thiel, cùng nhiều người khác.
Tất cả những điều này là những khả năng cho tương lai của bộ gene con người, và chúng ta thậm chí có thể không cần phải thay đổi phôi thai để đạt được điều đó. Một số nhà nghiên cứu thậm chí kỳ vọng rằng với một số công nghệ chưa được hình thành, việc cập nhật ADN của một người có thể trở nên đơn giản như việc gửi tài liệu qua Wi-Fi, và rồi các virus hoặc hạt nano hiện tại trở thành những thứ lỗi thời như đĩa mềm. Tôi đã hỏi Church về dự đoán của ông về hướng đi của công nghệ chỉnh sửa gene trong dài hạn. “Cuối cùng bạn sẽ được tiêm một loạt các thứ khi bạn được sinh ra, hoặc điều đó thậm chí có thể được thực hiện trong quá trình mang thai,” ông nói. “Bạn sẽ có tất cả các lợi ích mà không gặp phải những nhược điểm của việc bị kẹt với các thay đổi có thể di truyền.”
Và đó cũng là một dạng tiến hóa.□
Tuệ Tâm dịch
Tia Sáng lược và biên tập
Nguồn: https://www.technologyreview.com/2024/08/22/1096458/crispr-genee-editing-babies-evolution/