Chủ nghĩa vị tha

Đọc “Our Inner Ape”, Richard Books, 2005 Một con khỉ cái dòng bonobo có tên Kuni nhìn thấy một con chim sáo lao đầu vào bức tường kính và rơi xuống đất. Nó nhẹ nhàng đỡ lấy chú chim tội nghiệp đang bất tỉnh và đặt chú chim đứng lên. Tuy nhiên, do vẫn yếu vì cú va đập mạnh, chú chim không thể cất cánh và cô phải tung chim lên để lấy đà nhưng chú chim vẫn chưa thể vỗ cánh bay lên. Kuni trèo lên một cây cao nhất quanh đó, nhẹ nhàng mở cánh chim ra rồi tung chim lên, như một đứa trẻ tung nhẹ một chiếc máy bay giấy. Chú chim tội nghiệp vẫn rớt xuống đất. Kuni lại trèo xuống và chăm sóc cho chú chim. Tới đêm, chú chim tự bay được và tiếp tục cuộc hành trình của nó.

Frans de Waal đã kể câu chuyện này trong cuốn sách tuyệt vời mà ông viết dành cho loài khỉ bonobo. Người ta tưởng như ông hóa thân trong lốt của loài vượn người gần gũi với tinh tinh này. Trong suốt cuốn sách, nhà nghiên cứu về họ khỉ dường như chỉ nuôi dưỡng và trau chuốt ý tưởng chủ đạo mà ông lấy từ cuốn sách “Tính khôn khéo của loài tinh tinh” (La Politique du chimpanzé): những nét cơ bản nhất trong nhận thức riêng hoặc chung của con người dường như hiển hiện ở mỗi chi tiết của những người thân nhất.
Đứng ở vị trí gần như ngang hàng với chúng ta trên cây phả hệ tiến hóa, tinh tinh và khỉ bonobo lại khác nhau như “ngày và đêm”, Frans de Waal viết. Chúng là hiện thân của hai cực trong một cá thể khỉ lưỡng cực như chính bản thân con người. Ở tinh tinh, đó là những xung lực của sự ngự trị nam tính, sự tôn thờ cạnh tranh, niềm đam mê bạo lực nhưng cũng là nghệ thuật của sự thỏa hiệp chính trị. Ở bonobo, đó là cái văn hóa của chủ nghĩa hoan lạc, của tình yêu và hòa bình (và rất có thể, một khát vọng phá bỏ sự thống trị nam giới).
De Waal đã giữ được cái gốc khiêm nhường và đơn giản vốn có của một người Hà Lan. Ông giải quyết các vấn đề khó khăn nhất bằng sự lịch thiệp của một người dạo chơi nhàn tản với khứu giác nhạy bén. Bằng ngôn ngữ đối thoại, bốn phần của con khỉ nội tâm (quyền lực, tình dục, bạo lực và lòng nhân từ) cùng đưa đến một kiến thức tổng hợp về hai họ hàng gần nhất của con người và cái nhìn tổng thể về thế giới đương đại.
Một trong những giả thuyết thú vị nhất mà ông đưa ra là chủ nghĩa tư bản phát triển đã khiến người phương Tây chú ý nhiều hơn tới chủ nghĩa Darwin mới mà sao nhãng hoặc đánh giá thấp giá trị và sức mạnh của lòng vị tha, những thứ mà con người đã cố gắng rèn giũa từ thời xa xưa.
Từ rất nhiều thí dụ quan sát trên bonobo và tinh tinh,  Frans de Waal chứng tỏ một cách thuyết phục rằng chủ nghĩa vị tha nằm sâu trong di sản sinh học của con người như một bản năng sống luôn trỗi dậy khi gặp hiểm nguy. Có mặt trong những loài khỉ xa xưa nhất và trong cả những động vật có vú khác như voi và cá heo, thiên hướng này dường như đã thuần hơn ở các loài khỉ lớn nhờ khả năng nhận biết mình trong gương (dường như cá heo cũng có khả năng này).
Lòng thiện cảm cũng có ở loài chó nhưng khả năng tự nhận thức-hình thành từ phần vỏ não phát triển của con người đã mở ra con đường tới khả năng giúp chúng ta phán đoán những gì đang diễn ra trong đầu của người khác…

P.V 
Nguồn tin: O.P.V (La Recherche 1.2006)

Tác giả

(Visited 21 times, 1 visits today)