Chưa thể khẳng định nCoV lan truyền từ người bệnh không có triệu chứng

Một bài báo xuất bản ngày 30/1 trên Tạp chí Y học New England (NEJM) về bốn người đầu tiên ở Đức bị nhiễm virus corona mới xác nhận rằng một người không có triệu chứng nhiễm trùng bởi virus 2019-nCoV vẫn có thể lây nhiễm virus cho người khác. Nhưng bài báo này có một lỗi sai nghiêm trọng.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc trước đây từng cho rằng những người không có triệu chứng có thể truyền virus, nhưng họ không có bằng chứng rõ ràng. “Không có nghi ngờ gì nữa sau khi đọc bài báo [đăng trên NEJM] rằng việc truyền [virus] khi không có triệu chứng đang xảy ra,” Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, nói với các nhà báo. “Nghiên cứu này đã giải đáp câu hỏi đó.”

Nhưng hóa ra nghiên cứu này có một lỗ hổng nghiêm trọng. Viện Robert Koch (RKI) của Đức, vừa gửi một lá thư cho NEJM để làm rõ sự việc, mặc dù RKI không liên quan đến bài báo nói trên.


Người Đức hồi hương từ Vũ Hán, Trung Quốc, đến một doanh trại quân đội vào ngày 1/2 để được kiểm tra các dấu hiệu nhiễm nCoV.

Bài báo trên NEJM mô tả những trường hợp bị nhiễm sau khi một nữ doanh nhân từ Thượng Hải đến thăm một công ty gần Munich vào ngày 20 và 21/1, nơi cô có cuộc gặp với bốn người và cả bốn người này sau đó bị ốm. Điều quan trọng mà bài báo chỉ ra là tại thời điểm diễn ra cuộc gặp, nữ doanh nhân từ Thượng Hải không bị ốm: “Trong thời gian ở đó [Đức], cô ấy không có dấu hiệu hay triệu chứng nhiễm trùng nào nhưng đã bị ốm trên chuyến bay trở về Trung Quốc,” các tác giả viết. “Thực tế là những người không có triệu chứng là nguồn lây nhiễm 2019-nCoV tiềm năng cho thấy cần đánh giá lại động lực truyền bệnh của đợt bùng phát hiện nay.”

Nhưng các tác giả bài báo đã không trực tiếp nói chuyện với nữ doanh nhân từ Thượng Hải trước khi họ công bố bài báo. Tác giả Michael Hoelscher thuộc Trung tâm Y tế Đại học Ludwig Maximilian, nói rằng bài báo dựa trên thông tin từ bốn bệnh nhân khác: “Họ nói với chúng tôi rằng bệnh nhân đến từ Trung Quốc dường như không có bất kỳ triệu chứng nào.”

RKI và Cơ quan An toàn Thực phẩm và Sức khỏe bang Bavaria đã nói chuyện với bệnh nhân Thượng Hải qua điện thoại, và hóa ra nữ doanh nhân đã có triệu chứng khi ở Đức. Theo một nguồn tin liên quan đến cuộc gọi, cô cảm thấy mệt mỏi, bị đau cơ và đã uống paracetamol, một loại thuốc hạ sốt. (Người phát ngôn của RKI chỉ xác nhận rằng nữ doanh nhân đó đã có triệu chứng.)

Người phát ngôn của RKI xác nhận rằng báo cáo về thông tin sai này đã được gửi tới NEJM. RKI cũng thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan đối tác châu Âu về thông tin mới.

Marc Lipsitch, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng T.H. Chan Harvard, cho biết vấn đề nằm ở việc các tác giả đã gọi trường hợp đó là không có triệu chứng mà không nói chuyện với bệnh nhân. “Có vẻ như đây là một sự lựa chọn tồi,” Marc nói. Tuy nhiên, “thường thì trong trường hợp khẩn cấp, không thể nói chuyện với tất cả mọi người,” anh nói thêm. “Tôi giả định rằng họ cố gắng tìm ra sự thật nhanh nhất, thay vì cố ý bất cẩn.”

Tác giả Hoelscher đồng ý rằng bài báo trên NEJM đáng lẽ phải nói rõ ràng hơn về nguồn gốc của thông tin sức khỏe của nữ doanh nhân từ Thượng Hải. “Nếu tôi viết bài này hôm nay, tôi sẽ nói khác đi,” Hoelscher nói. Nhu cầu chia sẻ thông tin nhanh nhất có thể, cùng với việc NEJM giục xuất bản sớm, tạo ra rất nhiều áp lực, Hoelscher thừa nhận.

Trong bối cảnh dữ liệu xuất hiện nhanh và khủng hoảng toàn cầu đang gia tăng, nên đọc một cách thận trọng ngay cả các bài báo đã được bình duyệt, Lipsitch nói: “Tôi nghĩ rằng bình duyệt thường nhẹ nhàng hơn trong bối cảnh dịch bệnh so với lúc bình thường, và chất lượng dữ liệu đi vào các bài báo cũng không chắc chắn bằng.”

Tuy nhiên việc bài báo này viết sai không có nghĩa không xảy ra lây truyền từ những người không có triệu chứng. Fauci vẫn tin rằng có khả năng này. “Tối nay tôi đã gọi điện cho một trong những đồng nghiệp của tôi ở Trung Quốc, một nhà khoa học về bệnh truyền nhiễm và y tế rất được kính trọng,” Fauci nói. “Anh ấy tin rằng có nhiễm trùng không triệu chứng và một số người không có triệu chứng đang truyền virus.”

Nhưng ngay cả khi đây là sự thật thì lây truyền không có triệu chứng thường đóng vai trò nhỏ trong dịch bệnh nói chung, theo WHO.

Nhóm người nhiễm virus ở Đức cũng tiết lộ một khía cạnh thú vị khác về nCoV, Drosten nói. Cho đến nay, hầu hết sự chú ý đã đổ dồn vào những bệnh nhân nặng, nhưng cả bốn trường hợp ở Đức đều bị nhiễm trùng rất nhẹ. Đây có thể là tình trạng của nhiều bệnh nhân khác, Drosten nói, và tạo điều kiện cho virus lây lan. “Có thể bệnh nhân chỉ trải qua các triệu chứng cảm lạnh nhẹ, trong khi vẫn truyền virus,” theo Drosten. “Những triệu chứng nhẹ đó không làm cho người ta phải nghỉ ở nhà.”

Tính đến ngày 4/2 thế giới có 20.627 người mắc virus corona mới. Đã có 426 người tử vong, trong đó 425 người ở Trung Quốc, tăng hơn 100 trường hợp so với ngày 3/2. Việt Nam mới phát hiện thêm một trường hợp nhiễm 2019-nCoV, bệnh nhân là người trở về Việt Nam từ Vũ Hán; Đến 4/2 Việt Nam có tổng cộng 9 trường hợp xác nhận nhiễm virus.

Theo Khoahocphattrien.vn

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)