Chuyện đời và chuyện nghề các nhà khoa học cơ bản
Như nhiều nhà địa vật lý khác, sau mấy chục năm nghiên cứu, TS Lưu Thị Phương Lan vẫn không biết áp dụng những kết quả nghiên cứu cổ từ của mình vào lĩnh vực gì để kiếm được đồng tiền bát gạo hòng thêm vào đồng lương tiến sỹ hơn triệu đồng mỗi tháng. Nhưng chị chấp nhận hoàn cảnh ấy như một điều hiển nhiên: “Nghiên cứu khoa học cơ bản nó nghèo thế đấy”
Viện Vật lý Địa cầu có trụ sở là một tòa nhà nhỏ 3 tầng nằm trong một góc khuất nẻo Viện KH&CN Việt Nam. Trụ sở không rộng nên các nhà khoa học phải ngồi chung 5-7 người một phòng là lẽ đương nhiên. Vậy mà, TS Lưu Thị Phương Lan lại có hẳn một phòng riêng rộng rãi. “Chẳng phải tôi tài giỏi được ưu đãi đặc biệt gì đâu. Chỉ là vì ở Viện này, nghiên cứu cổ từ không còn ai ngoài tôi nên mình tôi một phòng vậy thôi” – chị Lan cười, nụ cười đượm vẻ buồn buồn. Cổ từ là một ngành nghiên cứu hoàn toàn cơ bản – nghiên cứu từ trường cổ của Trái đất còn lưu lại trong đất đá. Qua đó khôi phục lịch sử của đất đá, hình thành khi nào, ở đâu, trôi dạt ra sao. Những kết quả nghiên cứu này có giá trị rất lớn trong việc kiến giải sự hình thành hay biến mất của một địa tầng trong lịch sử vận động của Trái Đất. Tuy nhiên, làm thế nào ứng dụng các kết quả này vào thực tế để ra tiền ra bạc là câu hỏi vô vọng.
Trong đề tài Nghiên cứu cổ từ trên các thành tạo trầm tích Đevon tại Quảng Bình, chị Lan đã thu thập một hệ thống dữ liệu thực nghiệm chính xác, phân tích từ dư trên mẫu trầm tích cho thấy đó là từ dư thứ cấp –dấu hiệu của hiện tượng tái nhiễm từ, từ đó khẳng định có sự chuyển dịch kiến tạo của Việt Nam và khối Đông Dương về phía Nam khoảng 80 vĩ độ so với mảng Âu-Á kể từ kỷ Creta. Kết quả này được giới khoa học đánh giá cao nhưng liệu có thể phục vụ gì cho cuộc sống thường nhật? “Bao nhiêu năm nay, tôi thử tìm kiếm trong hàng chục nghiên cứu của mình may ra có thể ứng dụng vào chỗ nào đó đáng đồng tiền bát gạo, nhưng chịu, đến giờ vẫn chưa tìm ra” – chị nói.
PGS Cao Đình Triều, Trưởng phòng Địa động lực, Viện Vật lý Địa cầu chặc lưỡi nói: “Thời bao cấp, ai cũng trông vào tem phiếu và chẳng có cách gì thêm nếm ở ngoài nên sự nghèo ấy lại hóa hay. Hàng tháng lĩnh tem phiếu đi đổi gạo, rau. Thế là có thể yên tâm mà sống, mà nghiên cứu”. Cơ chế thị trường mở ra, các nhà khoa học phải học cách kiếm tiền. Khoa học ứng dụng được chú trọng hơn, nghiên cứu gì cũng phải gắn với thực tiễn, phải ứng dụng được, phải ra sản phẩm, phải ra tiền. Thế nên nhà khoa học phải lao vào cuộc mưu sinh, phải đau đáu nghĩ ngợi liệu nghiên cứu cái gì cho ra tiền để Nhà nước rót kinh phí. GS Nguyễn Đình Xuyên, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết: “Những năm qua, ngành địa vật lý ứng dụng cũng đạt được nhiều kết quả về thăm dò và khai thác tài nguyên, địa chấn công trình và phòng chống các thiên tai. Viện nhận được nhiều hợp đồng khảo sát nghiên cứu và công nghệ từ các bộ ngành vừa đem lại kinh phí vừa đặt ra các vấn đề mới cho các nhà khoa học của Viện. Tuy nhiên nghiên cứu cơ bản thì còn hạn chế lắm”. Theo GS Nguyễn Đình Xuyên Viện Vật lý Địa cầu là một viện thuộc loại nghèo nhất trong số 30 viện và phân viện của Viện KH&CN Việt Nam, kinh phí nghiên cứu thường niên chỉ bằng 1/5 so với một số viện khác. Kinh phí ít, nghiên cứu cơ bản thì không ra tiền, bởi vậy các phòng ban đều phải chú trọng vào nghiên cứu ứng dụng “ngõ hầu kiếm đủ tiền nuôi vợ con” –một cán bộ trẻ nửa đùa nửa thật.
Vì cuộc mưu sinh ấy người ta buộc phải bỏ bớt những nghiên cứu cơ bản –những nghiên cứu không bán được cho ai, không ra tiền và chỉ bộc lộ giá trị đích thực mỗi khi được ai dẫn chiếu trong công trình khoa học của họ. Cũng vì thế, nhiều người dù đam mê mấy cũng đành rẽ lối tìm đường khác. “Mấy năm trước, có một anh làm cổ từ cùng tôi được một thời gian lại xin thôi, ra ngoài kinh doanh vì lương thấp quá. Còn một anh duy nhất bên Viện Địa chất nghiên cứu cổ từ cũng mới chuyển sang làm quang phổ rồi. Ngành này chắc là sắp tuyệt chủng mất” – chị Lan kể.
Sống nhờ… nước ngoài
Nghiên cứu khoa học cơ bản là công việc “nặng nhọc”, lương thấp, không thể làm thêm, không thể bán, nhà khoa học chỉ còn cách sống nhờ vào… nước ngoài.
Khoan mẫu là công việc vất vả cả ngay cả với nam giới |
Sống nhờ vào nước ngoài với cán bộ trẻ tức là lùng sục trên mạng, tìm kiếm một học bổng ở trời Tây, sang đó vài năm, cố mà bảo vệ cho được tiến sỹ rồi hẵng về. Người nào thực sự đam mê, có ý chí và tài năng, khi về Việt Nam lại tiếp tục vùi đầu vào nghiên cứu, sống lay lắt bằng đồng đô la tiết kiệm được trong mấy năm đi học. Rồi nhờ vào mối quan hệ với giới khoa học bên đó, lại tiếp tục xin tham gia vào các chương trình nghiên cứu của họ, tất nhiên với điều kiện phía bạn tài trợ toàn bộ tiền ăn ở. Trong quá trình đi học tập, nghiên cứu, quan trọng nhất là phải có công trình công bố trên tạp chí khoa học của nước ngoài. Đó sau này sẽ là tấm chứng minh thư cho trình độ của một nhà khoa học, đặc biệt là những nhà khoa học cơ bản. “Không có những công trình công bố trên tạp chí quốc tế, anh sẽ không có đủ uy tín để được mời tham dự vào các dự án hay các hội nghị quốc tế” – GS Nguyễn Đình Xuyên nói.
Cho đến giờ, không chỉ với các cán bộ trẻ của Viện mà ngay cả với các nhà khoa học có uy tín, mỗi chuyến đi nước ngoài nghiên cứu và học tập đều là cơ hội để cải thiện chút ít vật chất và quan trọng hơn, có được nguồn “tiếp tế” tri thức khoa học, cập nhật thông tin và các bài toán khoa học để khỏi lạc hậu. Mới 24 tuổi, chị Nguyễn Thanh Dung hiện là cán bộ trẻ nhất Viện. Như lớp đàn anh đi trước, chị vừa học việc bằng cách tham gia vào đề tài của của các giáo sư vừa trau dồi vốn ngoại ngữ để tìm kiếm một suất học bổng ở nước ngoài bởi “nếu chỉ ở trong nước thì không lớn nổi” – chị bảo thế.
Sự thôi thúc của niềm đam mê muốn khám phá các bí mật tự nhiên
Lần đầu gặp chị Lan, tôi có ấn tượng mạnh mẽ với bàn tay chị. So với các phụ nữ khác thì bàn tay chị Lan to và thô, thậm chí ngay cả khi so sánh với bàn tay người phụ nữ phải lao động nặng nhọc vất vả. Tôi không hiểu một nữ khoa học gia, dường như cả đời ngồi phòng giấy như chị đã làm gì mà bàn tay phải thô giáp đến vậy? “Vì đi khoan đá và giã đá đấy” – chị cười. “Chiếc khoan nặng cũng phải vài cân, đầu chóp nhọn rỗng, mũi khoan bằng kim cương. Mỗi khi khoan phải xuống tấn, ghìm tay, ấn sâu xuống đá vôi chừng 20 phân rồi rút lên, mẫu đất đá sẽ nằm lại trong đầu mũi khoan theo lên. Đấy, khoan đá là như vậy đấy. Sau đó phải cưa mẫu đó thành các mẫu nhỏ theo đúng kích thước chuẩn và đem cho vào cối… giã, giống như giã cua vậy” –chị giải thích và đùa thêm: “Hình như những nhà địa vật lý, tay ai cũng to thì phải”. Có lần đi lấy mẫu, chị phải ngược xuôi hàng nghìn km dọc sông Mã, từ Thanh Hóa ra Sơn La, Điện Biên. “Vào Thanh Hóa còn dễ, chứ lên Sơn La, Lai Châu mới kinh. Những năm 1994-1995, từ thị xã Sơn La vào huyện Sông Mã có 80km mà thầy trò tôi đi mất nửa ngày. Vào huyện rồi muốn xuống tận nơi lấy mẫu thì cứ việc đi bộ, theo đường mòn trên núi mà vào”.
Chuyên môn cổ từ chỉ có hai người là GS Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Phó viện trưởng của Viện và chị Lan. Phòng thí nghiệm cổ từ không có, các chị phải nhờ phòng thí nghiệm của nước ngoài. Phòng thí nghiệm lúc nào cũng kín lịch nên chỉ cần đăng ký được lịch thì bất kể là thứ 7, chủ nhật, thậm chí cả đêm cũng phải làm. Tay cầm máy khử từ rất nặng nhằm mục đích làm cho người sử dụng nâng máy thật chậm tránh sự thay đổi cường độ từ trường đột ngột làm hỏng máy. Có lần làm đêm, máy nặng, khi nâng máy GS Nguyễn Thị Kim Thoa đã ngã ngay trên bục máy, rách tai và phải vào viện khâu mất mấy mũi.
PGS Cao Đình Triều bảo: “Nghiên cứu cơ bản có được mấy tiền đâu. Mỗi năm chỉ chừng hơn một chục triệu. Chi phí cho đề tài còn chả đủ mong gì tăng thêm thu nhập. Làm chỉ tổ mệt người”. Ấy là ông nói thế thôi chứ hôm tôi xuống Viện, vẫn thấy ông chạy ngược chạy xuôi lo thủ tục, giấy tờ để xin các cơ quan chức năng duyệt đề tài nghiên cứu “Đặc trưng cấu trúc sâu và hoạt tính địa động lực hiện đại của thạch quyển Việt Nam”. Tất cả chỉ vì “những vận động sâu dưới lòng đất hàng nghìn km là nguyên nhân gây ra các tai biến địa chất như động đất, núi lửa, lở núi… Để ngành địa vật lý ứng dụng có thể làm tốt thì cần có nghiên cứu cơ bản về thạch quyển. Chúng ta cần có một bản đồ cấu trúc sâu thạch quyển, các đứt gãy, phân vùng thạch quyển Việt Nam và lấy đó làm cơ sở cho các nghiên cứu ứng dụng sau này” – ông nhấn mạnh.
Còn chị Nguyễn Thanh Dung tâm sự: “Đối với tôi, con đường khoa học còn mông lung lắm nhưng tôi vẫn mong có thể đeo đuổi thế giới tự nhiên còn đầy bí ẩn này. Tôi nhớ, có nhà khoa học nào đó đã từng nói: tôi nghiên cứu khoa học không vì bất cứ một điều gì ngoài niềm đam mê không sao cưỡng nổi đối với những bí mật của tự nhiên. Tôi cũng mong được như ông”. Ngẫm nghĩ một chút, chị nói thêm: “Và mong rằng có thể tự kiếm sống mà bố mẹ không phải chu cấp thêm” (lương tháng của chị Dung là 500 nghìn–PV).