Chuyện về chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam

Năm 1977, chỉ hai năm sau khi ra đời Altair 8800 Computer - chiếc máy vi tính đầu tiên của Mỹ, Việt Nam đã chế tạo thành công VT80 - chiếc máy vi tính đầu tiên của mình không hề thua kém Altair là bao và trở thành nước thứ ba, chỉ sau hai cường quốc là Mỹ và Pháp. Tác giả của nó là một nhóm cán bộ kỹ thuật Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (nay là Viện Công nghệ Thông tin), và TS Nguyễn Chí Công chính là một trong các thành viên lãnh đạo nhóm ấy. Trong chặng đường lịch sử ấy, các tác giả phải đối mặt trước những khó khăn nào? Và điều gì làm nên sự kì diệu ấy?

Thiết kế chế tạo những máy vi tính khác, giải mã những bức điện tối mật, truyền số liệu đi xa trên đường điện cao áp, xây dựng ngôn ngữ “Basic Đồi Thông”, viết phần mềm quản lý vật tư cho Xí nghiệp Máy may Sinco và Xí nghiệp Điện tử Tân Bình… đó là những thành tích tiếp theo VT80 và cũng do nhóm nói trên thực hiện cùng một số đồng nghiệp trong Viện từ 1978 đến năm 1983, trước khi định hướng ứng dụng bị thay đổi.

Ô. Teissonnière và phần lớn các tác giả của VT80 (Photo: Nguyễn Chí Công, 1977)

Câu chuyện bắt đầu khi Uỷ ban vì sự Hợp tác KH&KT với Việt Nam (CCSTV) của Pháp được thành lập (“Đó gần như là cánh cửa duy nhất để Việt Nam có thể liên thông với thế giới KHKT đương đại” – lời của đại tướng Võ Nguyên Giáp). Năm 1977, GS Phan Đình Diệu trả lời thư tình nguyện chuyển giao công nghệ của Alain Teissonnière, chuyên gia phụ trách tin học của CCSTV và mời ông sang Viện. Có đến 54 người từ 7 viện, trường ở Hà Nội đã tham gia các buổi học về vi xử lý, một khái niệm hoàn toàn mới mẻ với hầu hết dân KHKT trên thế giới lúc đó. Ô. Teissonnière vừa giảng chuyên đề này, vừa giúp các kỹ sư Việt Nam thực hành. Cùng đi chuyến này còn có chuyên gia điều khiển học Hoàng Thành Đào, một Việt kiều dân tộc Thái, người đã hết lòng giúp đỡ các đồng nghiệp trong Viện KTQS.

 

VT80 – chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam (Photo: Nguyễn Chí Công, 1977)

Sớm hiểu được rằng các chip vi xử lý sẽ thay đổi sâu sắc cả thế giới, Nguyễn Chí Công cùng nhóm nói trên, phần lớn học từ Tiệp Khắc và Hungary trước đây, đã say sưa làm máy tính để biến lý thuyết khoa học thành sản phảm công nghệ. Những ngày đầu, khó khăn chồng chất như núi. Phòng ốc chật chội, ẩm thấp. Chế tạo máy tính mà điện đóm chập chờn. Thậm chí “điện không chỉ yếu mà mỗi tuần còn mất điện mấy ngày, mỗi ngày mất mấy lần” – ô. Công kể. Và bức bối hơn hết là bị Mỹ cấm vận toàn diện. Liên lạc, giao lưu với quốc tế thậm chí bị vướng từ cả hai phía. Ô. Teissonnière từng bị nghi là CIA.
Trong cả nhóm chế tạo máy tính, ô. Công là một trong 3 người tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành và đã từng làm việc 4 năm trên các máy tính Liên Xô, Ba Lan; còn những người khác chủ yếu học về điện tử và công nghệ vật liệu… Ông được đọc các tài liệu tiếng Anh và thực hiện các bộ phận xử lý của VT80. “Tài liệu lúc ấy vô cùng hiếm. Chiến tranh liên miên khiến thông tin bị trì trệ, ách tắc. May mắn sao, trước khi ông Teissonnière sang Việt Nam tôi đã được đọc về vi xử lý trong một số tạp chí của Mỹ do Trung Quốc copy và gửi cho Thư viện KHKTTƯ”.

Các bảng mạch in Bus I/O, CPU, SRAM, EPROM+RAM và ROM do tác giả thiết kế (Photo: Nguyễn Chí Công, 1978)

Khi ấy, cũng như phần lớn các kỹ sư khác của nhóm, Nguyễn Chí Công mới 28 tuổi. Cả nhóm miệt mài chạy đua với thời hạn gần 2 tháng nghỉ không lương của Teissonnière. Người thiết kế, người vạch kế hoạch thực hiện, mỗi người làm một việc, tất cả đều còn rất trẻ, song tinh thần tập thể rất cao. Ô. Công kể: “Nhớ lại thấy ngạc nhiên đến buồn cười vì sự quyết tâm của tuổi trẻ. Thời gian ngắn như thế mà dám vừa tiếp thu lý luận mới, vừa tự tay mày mò làm cái chưa từng biết. Thô sơ đến mức cưa bằng tay cho xong vỏ máy rồi lại lấy dũa mài vuông vắn, phải dùng công tắc đưa từng bit dữ liệu vào thay thế cho bàn phím lúc ấy chưa có… Ngoài các chip do ông Teissonnière mua từ nước ngoài, hầu hết các bộ phận khác của VT80 đều được làm thủ công ở trong nước, thậm chí sau này màn hình còn được chế tạo từ chiếc tivi Neptune trắng đen do Việt Nam lắp ráp theo thiết kế Ba Lan”.

Thực hiện chiếc đầu của loạt máy vi tính VT8X tại Đồi Thông (Photo: CCSTV, 1979)

Đúng hạn, chiếc máy vi tính đầu tiên sử dụng chip Intel 8080A với tên gọi VT80 đã ra đời, nhỏ gọn gấp hàng trăm lần chiếc máy tính Odra 1304 của Ba Lan nhập về Viện năm 1974. Sản phẩm VT80 được xây dựng theo kỹ thuật quấn dây điện nối các chân cắm chip, gồm bìa CPU, nhiều bìa RAM/ROM và I/O cùng các thứ lỉnh kỉnh từ bảng điều khiển đến vỏ máy, nguồn điện. Sau này, được xem chiếc máy Altair 8800 của Mỹ đã ghi vào lịch sử công nghệ thông tin thế giới, ô. Công mới biết VT80 thậm chí còn nhỏ gọn hơn, mặc dù về tính năng thì hai máy rất giống nhau.
Chiếc máy tính đầu tiên của Việt Nam ra đời với vài chương trình cơ bản tối thiểu song lại không có… phần mềm ứng dụng. Ở Mỹ lúc đó cũng mới chủ yếu dùng máy vi tính để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, ứng dụng chưa rộng rãi. Mấy tháng sau, ô. Công là người đầu tiên được chọn sang Pháp để thực tập về vi xử lý. Trung tâm nghiên cứu triển khai của Công ty Điện lực Pháp là nơi ông được đến nghiên cứu. Với kinh nghiệm sẵn có và lòng ham học hỏi, ông được tham gia dự án: Tự động hóa các thiết bị điều khiển lưới điện cao áp bằng vi tính. Trong thời gian vài tháng, ông đã tranh thủ tìm hiểu bộ vi xử lý Intel 8085 có khả năng mạnh về ngắt và xây dựng một hệ phát triển các máy vi tính công nghiệp dựa trên chip mới này. Dự án thành công hơn cả tưởng tượng, ông được toàn quyền sử dụng các thiết kế của mình vào những mục đích phi lợi nhuận. Và đó là những viên gạch đầu tiên trong ý tưởng xây dựng dòng máy vi tính VT8X cùng với việc gửi những thực tập sinh tiếp theo. Chiếc máy tính thứ hai được cải thiện nhiều so với chiếc đầu tiên, bởi đã có được ổ đĩa mềm, màn hình và bàn phím với bộ vi xử lý mạnh hơn.

 

Các máy vi tính được chế tạo tiếp theo tại Nghĩa Đô (Photo: Nguyễn Chí Công, 1983)

Đến năm 1982, ô. Công lại được Viện cử sang Pháp 6 tháng học thiết kế vi mạch cực lớn (LVSI) và nghiên cứu lý thuyết mạng máy tính. Mạng là một trong các ứng dụng lớn nhất mà ông có điều kiện triển khai ở nhiều nơi khác sau này như FPT, mạng truyền xa in báo Nhân Dân và Quân đội Nhân dân, mạng của Học viện IFI, các mạng của Quốc hội, Bộ Ngoại giao và Chính phủ, v.v.
Tự đánh giá về thời kỳ ấy, TS Công cho rằng: “Đóng góp ý nghĩa nhất đã vượt ra ngoài  những chiếc máy vi tính. Chính định hướng đúng đắn về làm chủ công nghệ tương lai này và ứng dụng nó vào quản lý từ 30 năm trước đã chứng tỏ ngành tin học Việt Nam từng một lần “sánh vai với cường quốc năm châu”, lẽ nào lại để mất cơ hội khác? Các bạn trẻ ngày nay hoàn toàn có thể làm được hơn chúng tôi nếu học sâu, suy nghĩ xa và nắm bắt đúng thời cơ mới.”
————

Năm 1966, Nguyễn Chí Công sang học tại trường Đại học Bách Khoa Praha trước khi trường mở ra Khoa máy tính do một giáo sư toán từ Mỹ trở về trực tiếp giảng dạy. Ông đăng ký và trở thành một trong những người Việt Nam đầu tiên học chuyên ngành tin học. Về nước năm 1973 sau khi thực tập tại Aritma (nhà máy sản xuất máy tính Tiệp Khắc), ông được phân công làm việc tại Phòng Máy tính của Uỷ ban KH&KT Nhà nước rồi gia nhập Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển từ ngày thành lập Viện này.
Hiện TS Công đang cùng đồng nghiệp triển khai các dự án E–Learning và E–Goverment, đưa mạng lưới thông tin ngày càng thâm nhập mạnh mẽ và phục vụ đời sống xã hội của Việt Nam nhiều hơn nữa.
 

Thúy Hằng

Tác giả

(Visited 834 times, 1 visits today)