Chuyện về một Trung tâm R&D tư nhân
Từ một xí nghiệp sơn Nhà nước với chỉ một dòng sản phẩm “bán chẳng ai mua”, đến nay, qua chặng đường 20 năm đổi mới và phát triển, Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng có tới gần chục dòng sản phẩm sơn (với vài trăm loại sản phẩm khác nhau). Sản phẩm của công ty chinh phục không chỉ thị trường trong nước mà đã tiến ra thị trường thế giới. Con đường dẫn đến thành công chính là ở chỗ công ty đã làm chủ một số bí quyết và công nghệ trong lĩnh vực sản xuất sơn. Và việc hình thành trung tâm R&D gần đây, với mục tiêu nghiên cứu ra các sản phẩm sơn thân thiện với môi trường, sơn vỏ tàu vũ trụ... đánh dấu một bước phát triển mới trong việc rút ngắn quãng đường từ nghiên cứu tới ứng dụng thực tế cho các dòng sản phẩm đa dạng, chất lượng của công ty.
Từ tiếp nhận tới làm chủ
“Ý tưởng hình thành Trung tâm R&D của công ty bắt đầu khi chúng tôi tính tới việc thành lập tập đoàn. Không chỉ phục vụ cho Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng, đây sẽ là nơi tiến hành nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm mới trong nhiều lĩnh vực, phục vụ cho các công ty thuộc tập đoàn trong tương lai”, ông Nguyễn Văn Viện, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sơn Hải Phòng tiết lộ với chúng tôi khi đến làm việc. 20 năm sau khi tiếp nhận Xí nghiệp Hóa chất Sơn dầu Hải Phòng (vào năm 1989), đến nay doanh nhân Nguyễn Văn Viện là Chủ tịch HĐQT của đồng thời 4 công ty khác nhau, hoạt động trong lĩnh vực sơn, bột giặt và hóa mỹ phẩm. Ông còn cho biết vừa thành lập một công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và nhóm các công ty này sẽ trở thành một tập đoàn kinh tế trong tương lai gần.
Phó Tổng giám đốc Phạm Thị Hương Lan |
Tiếp chúng tôi tại Trung tâm R&D là hai phụ nữ – Phó Tổng Giám đốc Phạm Thị Hương Lan và Giám đốc kỹ thuật Hoàng Thị Thu.
“Tìm cách để đi tắt đón đầu và cải tiến, đổi mới công nghệ, cải tiến hệ thống chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế“, Phó Tổng Giám đốc Phạm Thị Hương Lan nói về các lý do khiến công ty quyết định thành lập Trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) cách đây khoảng 2 năm. Như vậy, nhiệm vụ của Trung tâm cũng khá đa dạng: Vừa tìm tòi, nghiên cứu các xu hướng phát triển công nghệ trong lĩnh vực hoạt động của công ty để tìm kiếm, lựa chọn công nghệ cho phù hợp; vừa tìm cách phát huy tính năng của các bí quyết, công nghệ được chuyển giao cho phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế của công ty cũng như đưa ra các sản phẩm phù hợp với điều kiện khí hậu và thói quen tiêu dùng của từng thị trường và tự nghiên cứu đưa ra các bí quyết, công nghệ và sản phẩm mới của chính mình.
Theo chị Hương Lan, mỗi năm, ngoài việc phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng thực hiện hàng chục đề tài nghiên cứu cấp Sở, công ty cũng kết hợp với rất nhiều viện nghiên cứu khác nhau để tiến hành các nghiên cứu, đưa các ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất để cải tiến chất lượng sản phẩm hoặc đưa ra sản phẩm mới. Đó là các viện nghiên cứu thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới, Viện KH&CN Giao thông Vận tải…
Cách thức hợp tác nghiên cứu của công ty cũng khá đa dạng. Đó là vừa “bắt tay” với các viện nghiên cứu, vừa hợp tác trực tiếp với các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành trong các lĩnh vực khác nhau. Đó chính là những nơi “giúp chúng tôi đánh giá kết quả nghiên cứu của chính mình”, chị Lan cho biết.
Như vậy, sau gần 15 năm tiếp nhận bí quyết công nghệ sơn của hãng Chugoku Marine Paint-CMP (Nhật Bản), rồi tiếp đến là các hãng khác như PDI (Malaysia), Arsonsisi (Ý), đến nay, công ty không chỉ làm chủ được công nghệ mà bắt đầu tiến hành các nghiên cứu cải tiến công nghệ cho phù hợp hơn với điều kiện của thị trường Việt Nam, nhất là với khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều của một nước nhiệt đới.
Làm chủ chưa đủ mà phải tiến tới sáng tạo
Giám đốc kỹ thuật Hoàng Thị Thu giới thiệu thiết bị nghiên cứu tại Trung tâm |
Có khả năng nghiên cứu, Theo Phó TGĐ Phạm Thị Lan Hương, việc tiếp cận được nguồn kinh phí Nhà nước cho các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước là một chuyện phiền hà và khó khăn. Cụ thể là liên quan tới một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước hoàn thiện công nghệ sơn chống hà, với mức kinh phí cần thiết khoảng 2 tỉ đồng. “Năm ngoái, chúng tôi đã làm thủ tục đầy đủ chuyển lên Bộ KH&CN, nhưng sau đó hai tháng nhận được thông tin rằng nộp muộn, không được giải quyết”, chị cho biết. Vẫn theo thông tin từ chị Lan Hương, đề tài dạng này để được cấp kinh phí thì phải thông qua một viện nghiên cứu hoặc một doanh nghiệp Nhà nước. Trung tâm thuộc công ty cổ phần nên gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn tới việc Trung tâm chưa thể triển khai được đề tài này. “Hiện thế giới cũng đang nghiên cứu vấn đề này. Chúng tôi hoàn toàn có khả năng tự nghiên cứu được nhưng mắc ở chỗ chưa có kinh phí cho đề tài”, chị nói. |
Nhưng thực tế của thị trường cũng như các yêu cầu phát triển mới của công ty Sơn Hải Phòng đã khiến lãnh đạo coi trọng nhiệm vụ nghiên cứu, sáng tạo của Trung tâm R&D ngay từ khi mới thành lập.
“Đó là phải nghiên cứu các bí quyết, công nghệ mới để đưa ra các sản phẩm phù hợp hơn với đòi hỏi của thị trường và yêu cầu của thời đại, như các sản phẩm mới sạch hơn, thân thiện hơn với môi trường, chất lượng cao hơn và có tính cạnh tranh hơn…”, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Viện cho biết.
Còn Phó Tổng Giám đốc Phạm Thị Hương Lan thì nói rằng: “Nhu cầu của thị trường còn lớn lắm và từ quá trình làm chủ, mình phải tự nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu của thị trường”. Quá trình tự nghiên cứu và sáng tạo ra bí quyết công nghệ mới là cần thiết bởi: “Nhiều khi công nghệ đó trên thế giới cũng đã có, nhưng giá trị chuyển nhượng quá lớn. Thậm chí có công nghệ có tiền cũng không mua được”, chị nói.
Quá trình nghiên cứu cũng đã được tính toán theo từng bước, ngay khi Trung tâm R&D được thành lập. “Một số sản phẩm mới chúng tôi tính toán thời gian nghiên cứu 5 năm, có sản phẩm thời gian cần thiết là 10 năm, nhưng cũng có sản phẩm đòi hỏi tới 20 năm, thí dụ như sơn vỏ tàu vũ trụ chẳng hạn”, chị Hương Lan cho biết.
Chẳng thế, từ chỉ một dòng sản phẩm sơn dầu “khách hàng không dùng, không mua” của Xí nghiệp Hóa chất Sơn dầu cách đây 20 năm, tới nay Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng đã có gần chục dòng sản phẩm với hàng trăm sản phẩm khác nhau, từ sơn công nghiệp (sơn cho các dự án nhà máy hóa chất, lọc dầu, giàn khoan, nhiệt điện, thủy điện…) cho tới sơn tĩnh điện (có tính năng chịu va đập, bền thời tiết, không gây ô nhiễm môi trường phục vụ trong các lĩnh vực điện, đồ gia dụng, dụng cụ thể thao, đồ chơi, thiết bị văn phòng…), và cả sơn trang trí phục vụ các yêu cầu sơn dân dụng, xây dựng… Thậm chí, công ty đã có nhiều sản phẩm sơn đặc thù phục vụ công nghiệp đóng tàu, dầu khí như sơn chống hà, hoặc phục vụ giao thông như sơn chỉ giới đường, cầu, container, biển báo…
Giám đốc kỹ thuật Hoàng Thị Thu cho biết thêm, cán bộ nghiên cứu của Trung tâm được chia ra nhiều nhóm, tiến hành các nghiên cứu nhằm tạo ra những sản phẩm khác nhau, thí dụ như sơn chống hà thế hệ mới, các loại sơn thân thiện với môi trường hoặc sơn không dùng chất dung môi (thực chất là dùng nước làm dung môi)… “Hiện chúng tôi đã sản xuất được các loại sơn có hàm rắn cao vào khoảng 92%, các loại sơn có lượng hàm rắn 96%-100% (tức là không có dung môi) hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu”, chị nói.
Tạo mọi điều kiện cho nghiên cứu
Không phải các con số đầu tư “cứng”, từ 3-4 tỉ đồng trong vòng 2 năm qua mà Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Viện nói ra khẳng định quyết tâm đầu tư của lãnh đạo công ty cho Trung tâm, mà thực tế những chế độ đãi ngộ, cách dùng người và định hướng phát triển của Trung tâm mới là những minh chứng rõ ràng nhất cho việc duy trì và phát triển bộ phận R&D này.
Giám đốc kỹ thuật Hoàng Thị Thu cho biết các cán bộ nghiên cứu, kỹ thuật ở Trung tâm được lấy ở nhiều nguồn khác nhau, nhưng chủ yếu lấy từ công ty lên. Họ đều là những người có trình độ kỹ sư chuyên ngành hóa, thiết bị, công nghệ tốt nghiệp từ các trường Đại học Bách khoa, Khoa học Tự nhiên… “Những kỹ sư này vừa thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, vừa phải giám sát các qui trình sản xuất và thi công tại hiện trường”, chị Thu nói. Chính những điều này giúp cho các cán bộ nghiên cứu không xa rời thực tiễn sản xuất, giúp họ phát hiện ra những vấn đề cần giải quyết ở khâu sản xuất và sau đó họ quay lại nghiên cứu cách giải quyết ở Trung tâm R&D.
Nghiên cứu đổi mới quy trình công nghệ luôn được lãnh đạo công ty khuyến khích |
Ngoài việc liên tục trang bị, cung cấp thiết bị, máy móc nghiên cứu phù hợp với nhu cầu thực tế, cán bộ của Trung tâm cũng có thể được gửi ra nước ngoài đào tạo để nắm vững bí quyết công nghệ và học tập phương pháp nghiên cứu ở nước ngoài.
Về trang thiết bị phục vụ cho việc nghiên cứu, vẫn theo chị Thu, Trung tâm đã có hầu hết các thiết bị hiện đại và khá đắt tiền cần thiết như tủ gia tốc khí hậu, tủ gia tốc ăn mòn, máy tạo hàm ẩm, thiết bị sấy tự động, các thiết bị đo độ mài mòn, độ bền, độ bám dính… của nhiều nước có nền khoa học phát triển như Mỹ, Đức, Ý… “Và chúng tôi sẽ tiếp tục được công ty đầu tư mua sắm thêm các thiết bị đắt tiền hơn trong thời gian tới”, chị Thu cho biết.
Về chế độ lương, lãnh đạo công ty cũng tạo điều kiện tốt nhất có thể để các cán bộ kỹ thuật, nghiên cứu của Trung tâm yên tâm làm việc. “Các cán bộ có thâm niên lương khoảng chục hay trên chục triệu/tháng, những người làm được 2-3 năm có mức lương khoảng 5-6 triệu/tháng. Còn ngay cả người mới vào làm việc cũng có thể đạt mức lương khoảng 4 triệu/tháng”, chị Thu nói. Ngoài ra, công ty còn có chế độ hệ số lương tăng thêm cho các cán bộ, và cả nhóm nghiên cứu nếu có đề xuất nghiên cứu, cải tiến mới, hoặc tăng hệ số lương cho những người tham gia các đề tài cấp thành phố (+30% lương), đặc biệt là cho những người liên tục nhận các đề tài nghiên cứu trong nhiều năm liền… “Tất cả các chính sách, chế độ này nhằm khuyến khích tinh thần sáng tạo, nghiên cứu đổi mới của cán bộ Trung tâm”, chị Thu nói.
Hiện Trung tâm có diện tích khoảng 800m2 nhưng theo lãnh đạo của công ty, diện tích này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm tới. Và lúc đó: “Chúng tôi sẽ có thể mời các nhà nghiên cứu hợp tác, hoặc tuyển các cán bộ nghiên cứu có trình độ cao vào làm việc”, Phó Tổng Giám đốc Phạm Thị Hương Lan cho biết.
Có thể nói trong điều kiện tại Việt Nam, “ngay cả nhiều tập đoàn lớn của Nhà nước còn chưa coi trọng R&D, thậm chí chưa có trung tâm R&D của mình” (lời của Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trong buổi tập huấn về tuyên truyền KH&CN gần đây tại Hà Nội), thì việc một công ty cổ phần đầu tư và phát triển một trung tâm R&D ngay trong lòng doanh nghiệp của mình là một tín hiệu rất đáng mừng.
Đây không chỉ là một định hướng đúng, một tầm nhìn của lãnh đạo công ty (việc hình thành Trung tâm R&D để phục vụ cho mô hình tập đoàn sau này của công ty), mà còn là một mô hình đáng học hỏi đối với nhiều công ty, doanh nghiệp khác trong quá trình vươn lên, tự khẳng định thương hiệu của mình và vươn ra với thế giới. Những điển hình này khi được nhân rộng thì chắc chắn việc phát triển và áp dụng các bí quyết công nghệ sẽ được thúc đẩy nhanh hơn ở Việt Nam, tạo tiền đề không chỉ cho một sự phát triển KH&CN mới trong khu vực tư nhân ở Việt Nam, mà còn giúp hàm lượng chất xám trong các sản phẩm “made in Vietnam” ngày càng gia tăng trên con đường chinh phục thị trường quốc tế.