Chuyện về người phụ nữ trên tờ 10 bảng Scotland

Năm 1834, nhà toán học Mary Somerville đã xuất bản cuốn sách Về Kết nối giữa các ngành Khoa học Vật chất, một công trình góp phần vào sự định hình ngành Vật lý học hiện đại, trở thành tác phẩm viết về khoa học kinh điển thời Victoria. Đồng thời, nó cũng đặt ra những câu hỏi quan trọng cho một thế giới trọng nam khinh nữ nhưng ngày một rộng mở trong bối cảnh thăng hoa mạnh mẽ của tri thức: Liệu phụ nữ có thể trở nên xuất sắc trong khoa học không? Liệu phụ nữ viết về khoa học có khác với nam giới?

Somerville trên đồng 10 bảng của Scotland. Ảnh: Ngân hàng Hoàng gia Scotland.

Trong suốt cuộc đời mình, Somerville luôn chiếm một vị trí quan trọng trong các lĩnh vực khoa học vật chất. Các cuốn sách của bà đã cập nhật cho độc giả những kiến thức mới mẻ từ thiên văn học và nhân học đến vi sinh vật học và địa chất học. Bà là người là người đã đưa tác phẩm Cơ học thiên thể của Pierre Simon Laplace đến tay độc giả nói tiếng Anh, là tác giả một cuốn tổng quan xuất sắc về Địa vật lý (physical geography), và lý giải mối liên kết giữa các ngành khoa học vào một thời điểm mà chúng vẫn được coi như những lĩnh vực hoàn toàn tách biệt. Vào tháng Mười năm 2017, hình ảnh của bà xuất hiện trên tờ 10 Bảng mới của Ngân hàng Hoàng gia Scotland, một vinh dự mà bà đã giành được dù gây khá nhiều tranh cãi, vượt qua các ứng cử viên nổi bật như như nhà vật lý James Clerk Maxwell.

Tia sáng định mệnh

Mary Fairfax sinh vào ngày 26 tháng 12 năm 1780 tại Jedburgh, một tỉnh thuộc Biên giới Scotland. Mẹ cô, Martha Charters Fairfax, là hậu duệ của các gia đình có tiếng tăm nhất trong nước. Cha của cô, William George Fairfax, nổi tiếng trong nước vì vai trò chỉ huy cuộc chiến hải quân quan trọng tại Camperdown nhưng không nhận được phần thưởng giá trị gì thường có từ một chiến thắng như vậy. Do đó, gia đình có địa vị xã hội đáng kể nhưng không có thu nhập nào ngoài lương quân đội.

Cô bé Mary lớn lên tại thị trấn cảng Burntisland ở Scotland, nơi cô sống hoàn toàn tự do trong 10 năm đầu đời. Cha cô, trở về từ một chuyến công tác dài, thảng thốt khi thấy con gái mình không thể đọc, viết và quản lý chi tiêu thành thục để trở thành một người vợ mẫu mực, và ông đã gửi con đến trường nội trú trong một năm. Ở đây Mary cũng học thêm về múa, vẽ tranh, nấu nướng, nghe nhạc, thêu, và cả địa lý cơ bản – tất cả điều mà một cô gái con nhà gia thế cần nắm được.

Với sự quyết tâm – mà điều này thì Mary Fairfax có thừa – những hoạt động này mở ra những cơ hội học tập quan trọng. Chẳng hạn, lần đầu tiên cô biết đến môn Đại số là khi xem một bài toán trong một tạp chí thời trang. Khi cô muốn học thêm, giáo viên và gia sư sẵn sàng khuyến khích và cung cấp tài liệu, mặc dù việc học ngoài những điều cơ bản phải thực hiện một cách độc lập và bí mật.

Năm 1804, ở tuổi 23, Mary Fairfax kết hôn với người anh em họ, sĩ quan hải quân Samuel Greig, và cả hai chuyển đến sống ở London. Theo lời kể của cô sau này, cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc; cô đơn, hiếm cơ hội gặp bạn bè, Mary không được ủng hộ việc học toán, ngôn ngữ và các ngành học khác.

Khi Greig đột ngột qua đời vào năm 1807, Mary trở lại Scotland, quyết tâm nghiên cứu toán học. Trong thế kỷ 18 ở Anh, những công trình về toán học thường được đăng trong trong tạp chí phục vụ thị hiếu đám đông như Lady’s Diary (Nhật ký của quý bà) và Gentleman’s Diary (Nhật kí của quý ông), đưa ra những bài toán đầy thách thức và lời giải của nó. Vào đầu thế kỷ 19, các nhà cải cách đã bắt đầu một tạp chí mới, New Series of the Mathematical Repository, chuyên đăng tải những những bài toán khó chứ không có những thông tin giải trí khác.

Vào năm 1811, Mary rất vui khi biết mình được nhận giải thưởng vì lời giải cho bài toán trong số báo phát hành năm 1810 của Repository. Bài toán mà bà đã giải quyết là một bài toán Diophantine ba biến, đòi hỏi một kiến thức tốt về đại số cao cấp. Sự tinh tế và rành mạch thể hiện trong lời giải năm đó trở thành dấu ấn đặc trưng trong tất cả những gì bà làm sau này. Mary giành được huy chương bạc với tên bà khắc trên đó và với lời giải đó bà có công bố khoa học đầu tiên.

Việc giành được huân chương và có công bố khoa học là một lời biện hộ cho việc Mary lựa chọn một hướng đi bất thường. Tuy nhiên, niềm đam mê toán học của bà vượt ra ngoài mong muốn đơn giản là  được công nhận. Chính trong toán học là nơi bà cảm thấy mình sống mạnh mẽ và thật nhất. Gia đình và bạn bè có thể thấy sự thờ ơ của bà với thế giới xung quanh khi chú tâm vào việc giải toán. Toán học cho bà một lối thoát, dù chỉ là tạm thời, khỏi những áp lực của trách nhiệm gia đình.

Dẫu rằng sinh ra trong truyền thống của Giáo hội trưởng lão Scotland hà khắc, nhấn mạnh vào sự sám hối và sự trừng phạt, nhưng bà luôn chống lại những thực hành tôn giáo đó từ thuở nhỏ. Bà không bao giờ có thể tìm thấy Chúa trong những buổi lễ ở nhà thờ mà trái lại, ở những “tiên đề cơ bản” mà bà tự khám phá, và chính sự tự tin đó khiến Somerville tin rằng quyền của phụ nữ là được tạo điều kiện để phát triển tối đa tiềm năng của mình. Từ khi còn là một đứa trẻ, bà đã “nghĩ rằng thật bất công khi phụ nữ được trao niềm khát khao tri thức nhưng đạt được nó thì lại là điều sai trái”

Thành công và thất bại

Với nguồn thu độc lập khiêm tốn từ tài sản của người chồng quá cố, người góa phụ trẻ không chỉ đứng ở vị thế được theo đuổi toán học mà còn có thể tự do lựa chọn một người bạn đời phù hợp; và bất cứ ai không tán thành việc học của phụ nữ đều nhanh chóng bị tiễn ra khỏi cửa. Người duy nhất trong gia đình ủng hộ sự tự lập của Mary là chú của bà, Thomas Somerville, và bà đã chấp nhận lời cầu hôn của William, người con trai 41 tuổi của ông, vào năm 1811.

Đó là một cặp hoàn hảo. Cả hai đều có quan điểm tự do về chính trị, tôn giáo và giáo dục. Cả hai cũng đều có niềm đam mê khoa học mạnh mẽ – William là người đã thực hiện những chuyến khám phá mang tính chấn động về lịch sử và dân tộc học ở Mũi Hảo Vọng. Một trong những việc đầu tiên sau khi kết hôn là mua một bộ sách toán học cao cấp (và rất đắt), với sự khích lệ của William. “Tôi đã ba mươi ba tuổi khi mua cái ‘thư viện nhỏ’ tuyệt vời này”, Mary nhớ lại vào cuối cuộc đời, “Tôi không thể tin rằng mình đã sở hữu một kho báu như vậy”.

Sau đám cưới, cặp vợ chồng chuyển đến Edinburgh, rồi đến London vào năm 1816. Ở cả hai thành phố, họ tham gia vào đời sống văn hoá trí thức sôi nổi thông qua những cuộc gặp mặt thảo luận có cả cả nam và nữ giới. “Mọi chủ đề khoa học đều được thảo luận”, bà nhớ lại “Những thí nghiệm và quan sát thiên văn được thực hiện trong khu vườn nhỏ ở trước nhà tôi”.

Trong lĩnh vực vật lý, Somerville bắt đầu một loạt các nghiên cứu thực nghiệm. Làm việc với sự hướng dẫn của các nhà vật lý William Wollaston và John Herschel trong những ngày hè dài năm 1825, bà đã thực hiện các thí nghiệm tinh tế để chỉ ra mối quan hệ giữa từ tính và ánh sáng mặt trời. Giống như hầu hết các thí nghiệm của khoa học Anh lúc bấy giờ, chúng chỉ dựa vào các vật liệu đơn giản sẵn có hoặc mượn từ bạn bè, chứ không phải trên một phòng thí nghiệm đắt tiền với thiết bị chuyên dụng.

William Somerville thông báo kết quả của các thí nghiệm của vợ ông với Hiệp hội Hoàng gia London, cũng giống như ông phụ trách những quan hệ công chúng khác của bà. Bài báo của bà đã được xuất vào ngày 2 tháng 2 năm 1826 trên tờ “Philosophical Transactions”. Xuất hiện dưới tên riêng với tư cách tác giả là một bước tiến lớn của bà; đây là lần đầu tiên một phụ nữ xuất bản một bài báo về một thí nghiệm của mình. Somerville đã phát hiện ra rằng sự tiếp xúc kéo dài với ánh nắng mặt trời làm tăng từ tính trong các cây kim. Mối quan hệ giữa từ tính và ánh sáng mà Somerville đề xuất đã được thảo luận rộng rãi giữa các nhà khoa học châu Âu và các thí nghiệm của đã được lặp lại thành công. Bà đã được Quốc hội trao tặng một khoản trợ cấp chính phủ, một khoản tài chính dành cho những người có đóng góp và kho tàng tri thức.

Tuy nhiên, ba năm sau, Peter Riess và Ludwig Moser ở Berlin đã đưa ra một lời giải thích khác rất thuyết phục. Với sự kiểm soát điều kiện thí nghiệm chặt chẽ và bằng một phương pháp đo cường độ từ trường khác, Riess và Moser nhận thấy rằng dù có chiếu tia cực tím ở cường độ mạnh sau nhiều tiếng cũng không tạo ra ảnh hưởng từ tính đáng kể. Kết quả của Somerville và kết quả của những người đã lặp lại thí nghiệm của bà đạt được có vẻ là do sự bất cẩn trong việc thực hiện. Điều này là một kết quả đau đớn với bà và Somerville đốt tất cả những bản sao còn lại của bài báo. Quốc hội phàn nàn rằng các công trình của bà, dù mang tính khoa học, không “có đóng góp gì thêm cho kho tàng kiến thức của nhân loại hay mở rộng chân trời khoa học”. Mặc dù Somerville có công bố thêm các bài báo về thực nghiệm sau đó, nhưng tham vọng lớn nhất của bà đã bị nghiền nát. Vào cuối cuộc đời bà nhớ lại sự xấu hổ của mình:

“Tôi đã ý thức được rằng tôi chưa bao giờ có được khám phá của riêng mình, rằng tôi không có gì đặc biệt. Tôi kiên trì và thông minh nhưng tôi không phải thiên tài”. Sự thất vọng của bà quá rõ ràng. Somerville có khát khao trở thành một nhà phát kiến vĩ đại, như Oersted hay Laplace, và bà đã thất bại. Với thất bại đó – cùng với việc coi mình như một biểu tượng – bà cho rằng mình đã hạ thấp toàn bộ nữ giới cùng với mình.

Thử nghiệm viết sách

Trong thập niên thứ hai của thế kỉ 19, vai trò của các tác giả khoa học có một sự thay đổi lớn. Công trình độc đáo được chứng minh trong bài báo của Somerville trên tạp chí Philosophical Transactions  ngày càng  được trân trọng, việc truyền bá tri thức đương thời  trở thành trung tâm của các chiến dịch chính trị trong nhiều năm dẫn đến sự hình thành của Đạo luật Đổi mới vào năm 1832. Những điều này dẫn sự mở rộng về độc giả và đa dạng hóa thể loại của ấn phẩm khoa học. Herry Brougham, cha đẻ của phong trào này chính là người chỉ ra rằng Somerville đã có đóng góp đáng kể cho việc đưa tác phẩm Nguyên lý của Newton và Cơ học thiên thể của Laplace vào chương trình xuất bản của Cộng đồng quảng bá tri thức hữu ích (SDUK), một nhóm tiên phong trong việc đem khoa học đến gần với đại chúng.

Là một thử nghiệm trong công việc viết sách khoa học, tuy nhiên, cuốn sách Cơ chế của thiên đường (Mechanism of the Heavens) của Somerville bị đánh giá là không thể làm tròn một nhiệm vụ (bất khả thi) là đưa đến cho người đọc phổ thông một giới thiệu toán học căn bản về công trình của Laplace. Tuy nhiên nhà xuất bản London John Murray vẫn đồng ý để xuất bản nó. Giữa những năm 1830, bà hoàn thành hai quyển sách dài về những chủ đề liên quan đến toán học cao cấp, bao gồm 2 quyển tiếp theo trong bộ Cơ chế của thiên đường, tuy nhiên không được xuất bản do nhà xuất bản này không còn hứng thú với các công trình toán học nữa.

Thất bại trong việc xuất bản các cuốn sách trên lại là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp viết lách của Somerville. “Khái luận” dẫn nhập cho tác phẩm Cơ chế của thiên đường lại được đón nhận một cách nồng nhiệt, được coi như là một tiểu luận súc tích cho các động giả đã có nền tảng khoa học căn bản. Somerville đã phát triển nó thành tác phẩm Về sự kết nối giữa các ngành Khoa Học Tự Nhiên (On the Connexion of the Physical Sciences) và trở thành công trình nổi tiếng nhất của bà. Cuốn sách bán đắt như tôm tươi với 17500 bản được bán ra và 10 lần tái bản. Nó được dùng trong trường phổ thông, các căn cứ quân sự ở thuộc địa của Anh và các thư viên khoa học chuyên ngành. Như Maxwell nói, cuốn sách là một trong những cuốn “đầy cảm hứng, gọi tên những ý tưởng đang vận động ở trong tâm trí những người làm khoa học, một cách rõ ràng, trí tuệ và đầy tính trao đổi để dẫn dắt họ đến những phát minh mới”. Trong số đó phải kể đến sự phát hiện ra Sao Hải Vương mà quỹ đạo của nó được John Couch Adams tính toán sau khi đi theo một sự dự đoán trong cuốn sách của Mary.

Vào năm 1848, bà xuất bản cuốn Địa Vật lý, cũng bán chạy như cuốn trước và được ngưỡng mộ bởi những độc giả từ nhà thiên văn học Herschel cho đến nhà tự nhiên học Alexander von Humboldt. Bà chưa bao giờ coi động cơ cho việc viết lách của mình là vì lợi nhuận, dẫu rằng gia đình bà phải chi tiêu tằn tiện và tiền bản quyền của cuốn sách quả là một khoản thu nhập đáng được trông đợi. Thay vào đó, bà viết xuất phát từ niềm tin vào tầm quan trọng của những gì bà phải lên tiếng và vào dấu ấn của bà như một biểu tượng của sự tự học, tư tưởng khai phóng và đấu tranh cho nữ quyền. 

Xã hội, giới tính và khoa học

Trong xã hội phức tạp của nước Anh thời Victoria, Somerville thể hiện một cách phù hợp với vai trò biểu tượng của mình. Với những người thân, bà thể hiện hài hước sắc sảo và khả năng diễu cợt tinh tế. Trưởng thành với những giá trị đối lập với những gì cha mẹ bà vẫn tin tưởng, bà thẳng thắn về quan điểm chính trị và tôn giáo không chính thống của mình và nhiệt tình thảo luận những phát hiện khoa học mới nhất. Nhưng với người ngoài, bà lại khá giữ khoảng cách, thận trọng và khiêm tốn. Những người đến thăm người phụ nữ nổi tiếng nhất thời đó với hi vọng nhận được một bài nói chuyện hoành tráng đều cảm thấy thất vọng.

Somerville sử dụng danh tiếng của mình để ủng hộ cho những gì bà quan tâm, đặc biệt là quyền của phụ nữ và đối xử có đạo đức với động vật. Bà ký vào một trong những kiến nghị đầu tiên đòi quyền bỏ phiếu của phụ nữ vào năm 1868. Trước bạo lực kinh hoàng trong chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870 – 71, bà lên tiếng tranh luận rằng khoa học thường xuyên bị lạm dụng vì mục đích quân sự. Bà cũng tiên đoán sự tuyệt chủng của phần lớn thế giới động vật do hành động của con người: “Con người, chúa tể của tạo hóa, sẽ hủy diệt những sinh vật cao quý trên trái đất này, nhưng bản thân họ rồi cũng sẽ trở thành nô lệ cho sâu bọ và ruồi muỗi mà thôi”.

Những bài học chính của bà dành cho độc giả là về tự học, năng lực của phụ nữ và tầm quan trọng của nhân cách. Và điều đó được thể hiện tuyệt vời qua hồi ký Những hồi tưởng cá nhân, từ giai đoạn đầu đến tuổi già (Personal Recollections, from Early Life to Old Age) của Mary Somerville. Nó đã trở thành  một bộ sách kinh điển của phụ nữ thời Victoria, về giai thoại về những sự khó khăn và rồi vinh quang của một người làm khoa học, được sử dụng rộng rãi như một giải thưởng cho những người có thành tích học tập xuất sắc. Sự ủng hộ của Somerville đối với quyền của phụ nữ trong giáo dục và bầu cử đã làm cho câu chuyện cuộc đời của bà trở thành ý nghĩa mới đối với những người đương thời, đặc biệt là phụ nữ theo đuổi việc học. Khi bà qua đời năm 1872, cuốn sách toán học quý giá của bà đã được trao lại cho Girton College tại Đại học Cambridge, và vào năm 1879, trường đại học dành cho phụ nữ đầu tiên ở Oxford được đặt tên theo Mary Somerville, như một cách để vinh danh bà.
***
Cũng giống như Ada Lovelace, Émilie du Châttelet hay biết bao những nhà nữ khoa học xuất sắc khác, Somerville chỉ được coi như một trường hợp cá biệt trong một xã hội vốn được đặc trưng bới tính nam trị và dưới sự kiểm soát từ những “người đàn ông của khoa học” chứ không hề được phân tích trong bối cảnh của những vấn đề khác, chẳng hạn như là sự định hình vật lý như một ngành khoa học hay sự chuyển đổi vai trò xã hội của khoa học. Những định kiến này có xu hướng cô lập phụ nữ khỏi dòng chính sử. Sự xuất chúng của họ thường bị bóp méo hoặc hạ thấp, ngay cả trong những lĩnh vực mà họ có vai trò trung tâm của câu chuyện.

Đinh Hạnh Duyên lược dịch
Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học hiệu đính

Nguồn: https://physicstoday.scitation.org/doi/10.1063/PT.3.3817

 

Tác giả

(Visited 23 times, 1 visits today)