Chuyện Việt Nam gia nhập Hội Toán học thế giới

Giáo sư Lê Dũng Tráng - nguyên Giám đốc Khoa Toán của Trung tâm Vật lý lý thuyết ở Trieste và là người có công đầu trong việc thiết lập các mối quan hệ của toán học Việt Nam với phương Tây đã có chia sẻ những câu chuyện về việc Việt Nam gia nhập Hội Toán học thế giới.

Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ vào tháng 12 năm 1971, tôi xin được thị thực về thăm Việt Nam nhờ có sự giúp đỡ của bạn tôi là Bùi Trọng Liễu. Việt Nam đang trong thời kỳ chiến tranh và không ai biết nó còn kéo dài bao lâu. Nhưng giống như tất cả các Việt kiều ở Pháp, chúng tôi tin chắc rằng Việt Nam sẽ giành chiến thắng.

Chuyến đi của tôi bắt đầu vào khoảng giữa tháng giêng năm 1972. Lúc đó, tôi mới 25 tuổi và tràn đầy tự tin. Khởi đầu là chuyến bay từ Paris đến Copenhagen. Ở Copenhagen, tôi gặp một người bạn làm toán và cậu ấy khuyên tôi nên gặp bạn của cậu ấy là Yuri Manin ở Moscow. Tôi đến Moscow bằng máy bay. Sứ quán Việt Nam xếp tôi ở trong một ký túc xá nơi dành cho những người từ Việt Nam dừng chân khi đi đến châu Âu và những người trên đường trở về nước.

Tôi gặp Manin ở Moscow trong một quán cà phê có tiếng ở Quảng trường Đỏ, tiệm Cà phê Quốc gia. Manin bấy giờ là một nhà toán học Nga rất nổi tiếng, ngay cả ở phương Tây.

Buổi gặp gỡ của chúng tôi rất thân mật và chân tình. Manin nói tiếng Pháp rất chuẩn. Ông kể là có một phố tên là Manin ở Paris và vị tổng trấn cuối cùng của Venise cũng mang họ Manin, nhưng bản thân ông không biết mình có quan hệ gì với hai vị đấy không. Tôi hỏi ông có học trò người Việt nào không. Ông vừa cười vừa nói với tôi là không vì ông chẳng bao giờ hướng dẫn một luận án chỉ vì tình đoàn kết. Tôi hỏi ông điều đó có nghĩa là gì. Ông giải thích cho tôi là những giáo sư nhận hướng dẫn các nghiên cứu sinh Việt Nam vì cần Nhà nước đánh giá tốt và họ không quan tâm đến chất lượng toán học. Chúng tôi đã tranh luận và đi đến kết luận rằng nếu tôi tìm thấy một sinh viên Việt Nam nào mà tôi thấy giỏi thì ông ấy sẽ sẵn sàng thay đổi quan điểm.


GS Tạ Quang Bửu, TS Lê Dũng Tráng đi thăm rừng Cúc Phương năm 1972.

Tôi đến Hà Nội một tuần trước Tết. Cậu mợ tôi đón tôi trên kè tàu ở nhà ga. Họ đưa tôi về khách sạn Thống Nhất là khách sạn tốt nhất lúc bấy giờ (nay là khách sạn Metropole).Tôi nghỉ ngơi một chútsau chuyến đi dài. Buổi tối gia đình tôi đến và đưa tôi đi thăm Hà Nội. Hai ngày sau tôi gặp giáo sư Lê Văn Thiêm. Ông giới thiệu với tôi một số nhà toán học trẻ đến nghe bài giảng của tôilàHà Huy Khoái, Lê Văn Thành, Lê Hùng Sơn và Nguyễn Văn Khuê. Chỉ có bốn người, nhưng đấy là một sự khởi đầu. Trong bốn người ấy, tôi chọn Hà Huy Khoái là sinh viên giỏi để gửi sang cho Manin.

Để nói về sự thiếu hiểu biết của một Việt kiều trẻ, cần phải kể rằng tôi không biết Tạ Quang Bửu là ai. Sau đó tôi mới phát hiện ra ông là bạn của Hoàng Xuân Hãn, một người bạn của ông bà tôi. Hoàng Xuân Hãn từng là học sinh của trường Bách khoa, một trường đại học lừng danh của Pháp, nơi đã không nhận học Evariste Galois vì Galois đã cho rằng những câu hỏi của giám khảo toán là quá sơ cấp và từ chối trả lời những câu hỏi này.

Tôi phát hiện ra Tạ Quang Bửu từng là trợ lý của Bác Hồ và tham gia ký Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh Đông Dương chống Pháp. Tạ Quang Bửu cũng là người khởi xướng các kỳ tuyển sinh đại học ở Việt Nam. Nhưng trên hết ông ấy rất yêu toán. Tạ Quang Bửu đã gặp Noam Chomsky, một nhà ngôn ngữ học nổi tiếng người Mỹ và cả Laurent Schwartz, một nhà toán học Pháp cấp tiến đã được giải thưởng Field. Laurent Schwartz đã giới thiệu Alexandre Grothendieckcũng là một nhà toán học được giải thưởng Fieldsvới Tạ Quang Bửu đểông nàyđến thăm Việt Nam năm1967.

Tạ Quang Bửu có một văn hóa toán rất rộng và chắc chắn ông đã trò chuyện với các vị khách mời này. Chắc hẳn ông là Bộ trưởng duy nhất trên thế giới hiểu được lược đồ (khái niệm do Grothendieck đưa ra trong Hình học đại số) là gì. Chúng tôi thường gặp nhau sau hai hoặc ba buổi tối và trò chuyện về toán học, về thế giới bên ngoài. Tạ Quang Bửu nói tiếng Pháp rất hay. Tôi chia sẻ với ông mong muốn của tôi được đóng góp cho sự phát triển toán học ở Việt Nam. Ông rất hào hứng ủng hộ tôi trong chuyện này.

Thời điểm đó, ông Trần Quỳnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước, là người chính thức mời tôi về nước. Ông ta đề nghị tôi đến phòng làm việc của ông ấy và chúng tôi nói chuyện trong khoảng nửa tiếng. Trần Quỳnh nói tiếng Pháp trôi chảy. Đến một lúc nào đó, ông đột nhiên hỏi tôi: “Tráng, anh muốn làm gì ở Việt Nam?” Tôi phải công nhận rằng tôi không chuẩn bị cho câu hỏi đó. Nhưng trong những cuộc trò chuyện với Tạ Quang Bửu tôi có nhận xét rằng Việt Nam nên có một nhà toán học được giải thưởng Fields. Sau một lúc im lặng, tôi trả lời Trần Quỳnh: “Làm sao để trong vòng 25 năm nữa Việt Nam có một giải thưởng Fields”. Tôi nghĩ rằng điều này làm Trần Quỳnh hài lòng vì ông ta cười. GS Ngô Bảo Châu nhận giải Fields năm 2010, như vậy tôi đã nhầm 13 năm.

Tôi có rất nhiều chuyện để kể về những cuộc gặp gỡ với Tạ Quang Bửu và các tác động của chúng đến sự phát triển toán học ở Việt Nam. Đặc biệt làôngđồng ý để tôi giúpViệt Nam tham gia Hội Toán học thế giới (IMU). Hội Toán học Việt Nam mới được thành lập trước đấyít lâu và Lê Văn Thiêm là vị chủ tịch đầu tiên. Vấn đề là phải đóng phí gia nhập này bằng tiền Franc Thụy Sĩ. Tôi đề nghị với ông Bửu là tìm kiếm sự giúp đỡ từ giới khoa học ủng hộ Việt Nam. Lúc đó là năm 1972 và Mỹ vẫn đang thả bom Việt Nam. Tôi rời Việt Nam vào tháng năm. Những tháng ngày còn lại của năm ấy thật là khủng khiếp. Cả Việt Nam chìm trong bom đạn. Ngay cả Hà Nội cũng bị dội bom B52.

Giáo sự Lê Văn Thiêm và giáo Hoàng Xuân Sính dự Hội nghi toán học thế giới ở Vancouver, Canada năm 1974.

Đầu năm 1973, phía Mỹ cuối cùng đã phải đồng ý rút quân khỏi Việt Nam. Họ đã ký Hiệp định Paris. Tôi nhận được một lá thư của David Mumford, một nhà hình học đại số,giáo sư Đại học Harvard (ông ta sau này nhận giải thưởng Fields năm 1974 (và là chủ tịchHội Toán học thế giới1995-1999), mời tôi sang thăm Đại học Harvard. Tôi trả lời ông rằng tôi rất cảm ơn và tôi sẽ suy nghĩ. Thực ra tôi chờ đợi cuộc trở về Việt Nam để quyết định.

Khi tôi quay về Việt Nam vào tháng 9 năm 1973, một trong những điều đầu tiên tôi hỏi Tạ Quang Bửu là cần phải làm gì với lời đề nghị này. Tôi còn nhớ Tạ Quang Bửu trong bộ đồ pijama, ngồi trên ghế phô tơi của mình, đôi mắt nhắm suy tư. Sau một phút, ông trả lời tôi: “Điều đó chỉ có thể tốt đẹp, hãy đi đi!”. Đó là lúc tôi quyết định sẽ đi Mỹ. Sau đó tôi kể với ông Tạ Quang Bửu về những thành quả của mình trong việc tìm kiếm kinh phí cho việc gia nhập IMU. Các Việt kiều ở Pháp đã gom góp được một số tiền. Những người bạn Mỹ cũng gửi tiền cho tôi. Chúng tôi đã thành công trong việc tập hợp được số tiền cần thiết. Khi biết tin này, Lê Văn Thiêm rất hào hứng và hỏi tôi có thể tham dự Đại hội Toán học thế giới năm 1974 diễn ra ở Vancouver hay không. Tôi trả lời ông rằng khó khăn là ở việc xin thị thực. Ông bảo tôi đừng lo chuyện đó mà cần tìm kinh phí trang trải cho chuyến đi.

Tôi rời Paris đến Mỹ vào đầu năm 1974 (lúc đó GS Tráng mới 27 tuổi). Heisuke Hironaka (giải thưởng Fields năm 1970) đón tôiở sân bay Boston. Tôi ở trên gác mái nhà của John Mather và đi một vòng quanh nước Mỹ, tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ của các nhà toán học Mỹ. Tôi qua New York, nơi tôi gặp lại Samuel Eilenberg, người đã dạy tôi một bài giảng trong khoá học tiến sĩ ở Paris. Tôi ở New York với Hyman Bass mà tôi đã từng gặp ở Nice trong Đại hội Toán học thế giới năm 1970 và gặp Masatake Kuranishi, Lipman Bers. Tôi đến Chicago gặp Philip Wagreich, rồi đến Urbana-Champaign gặp Robert Fossum, đến Ann Arbor gặp Charles Titus, đến Princeton thăm Viện nghiên cứu cao cấp và gặp Hassler Whitney. Hầu hết tất cả các nhà toán học ấy (đều là các nhà toán học hàng đầu của thế giới) đã đóng góp kinh phí cho đoàn Việt Nam dựĐại hội toán học thế giớiở Vancouver.

Nhưng thời điểm thú vị nhất diễn ra ở phía Bắc California. Năm 1974, Nhà Trắng bị nghi ngờ là đã tổ chức đột nhập văn phòng Ủy ban quốc gia của Đảng Dân chủ trong khu tổ hợp nhà Watergate năm 1972. Cuộc điều tra đang đi đến hồi kết.

Chuyến thăm Mỹ đầu tiên của tôi kết thúc vào tháng năm và tôi xin thị thực cho chuyến thăm thứ hai để tham dự một hội thảo về Hình học đại số và Đại hội toán học thế giới ở Vancouver. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ dễ dàng xin được cái thị thực thứ hai này. Tôi bị một nhân viên lãnh sự Mỹ chịu trách nhiệm an ninh triệu tập và anh ta nói thị thực của tôi bị xét chậm vì tôi đã tham dự vào một cuộc mít tinh chính trị ở New York. Tôi trả lời anh ta là tôi không dự cuộc mít tinh đó chính là vì nó mang tính chính trị. Tôi không nói cho anh ta biết rằng một người trong Hội Việt kiều tại Pháp đã gọi điện thoại cho tôi nói rằng đừng dự cuộc mít tinh đó. Cuối cùng thì tôi cũng nhận được cái thị thực thứ hai đi Mỹ.

Tôi quay lại Harvard, rồi sau đó đến California để dự Hội thảo về Hình học đại số ở Arcata phía Bắc California. Cái ngày Nixon từ chức Tổng thống nước Mỹ, tất cả các đại biểu của hội thảo ngồi trong phòng ăn lớn để xem vô tuyến và chờ lời tuyên bố của Nixon. Tôi đã tận dụng dịp đó để thực hiện nhiệm vụ của mình. Tất cả mọi người đều đóng góp tiền cho đoàn Việt Nam đi Vancouver. Heisuke Hironaka, Phillip Griffith (sau này là Giám đốc Viện nghiên cứu cao cấp Princeton), David Mumford, Oscar Zariski, Michel Artin, David Eisenbud (sau này là Chủ tịch Hội Toán học Mỹ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Toán Berkeley), Robin Hartshorne, Raoul Bott và nhiều người tôi không nhớ tên. Tất cả họ đều đã đóng góp cho tôi dù họ theo phe cộng hoà, dân chủ hay gì khác đi nữa. Tất nhiên là xu hướng chính trị của họ cũng khiến họ đóng 10 USD hay 100 USD.

Sau Arcata, tôi đi Vancouver. Tôi gặp lại Lê Văn Thiêm đi cùng với Hoàng Xuân Sính. Nhóm những người Canadagiúp đỡ Việt Namở Vancouver đã thu xếp chỗ ở cho Lê Văn Thiêm và Hoàng Xuân Sính. Lê Văn Thiêm tha thiết để tôi ở cùng chỗ họ và coi tôi như một thành viên của phái đoàn.

Chúng tôi đã gia nhập Hội toán học thế giới cứ như thể chúng tôi đang tiến hành chiến tranh du kích.Tôi có biết bao điều để kể về thời kỳ này của Việt Nam vì tôi đã sống những thời khắc đó.Tất cả mọi thứ đều khó khăn, nhưng tất cả đều có thể vượt qua.

Giáo sư Lê Dũng Tráng sinh năm 1947 tại Sài Gòn, theo gia đình sang Pháp năm 1949. Ông bảo vệ bằng tiến sĩ (Doctorat d’Etat) năm 1971 với Chevalley và Deligne (giải Fields 1978) khi mới 24 tuổi, là một trong những tiến sĩ trẻ nhất nước Pháp. Ông từng là giáo sư của các trường Đại học Paris VII (1975-1999), Bách khoa Paris (1983-1995) và Marseille I (1999 đến nay). Ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học thế giới (TWAS) năm 1993. Từ năm 2002 – 2009 ông là giám đốc Khoa Toán của Trung tâm Vật lý lý thuyết (ICTP) ở Trieste. Những năm 70 ông dành toàn bộ tiền tiết kiệm để thường xuyên về Việt Nam giảng dạy. Ông là người có công đầu trong việc thiết lập các mối quan hệ của toán học Việt Nam với phương Tây.

——
*Bài viết theo đề nghị của GS Ngô Việt Trung và được Phan Hà Dương dịch từ nguyên bản tiếng Pháp. Những chỗ trong ngoặc của người dịch thêm vào.

Nguồn:  http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/chuyen-viet-nam-gia-nhap-hoi-toan-hoc-the-gioi/20180504101218586p1c160.htm

Tác giả

(Visited 19 times, 1 visits today)