Cô đơn bào mòn sức khỏe và xã hội
Tình trạng cô đơn, thiếu tương tác xã hội có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chứng mất trí nhớ và nhiều vấn đề sức khỏe hơn nữa. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu cách não bộ chịu đựng những tác động này.
Năm 2010, Theresa Chaklos được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu lympho mãn tính – căn bệnh đầu tiên trong hàng loạt căn bệnh mà bà phải đối mặt kể từ đó. Là một người hỗ trợ luật gia đình trong hệ thống tòa án Washington. DC, bà vẫn là một người sống độc lập và tự chăm lo cho chính mình. Nhưng khi bệnh tật ập đến, sự độc lập này biến thành nỗi cô đơn.
Và ở chiều ngược lại, sự cô đơn lại khiến tình trạng bệnh tật của Chaklos càng trầm trọng hơn. Bà kể: “Tôi đã giảm 7 kg trong vòng chưa đầy một tuần vì tôi không ăn được gì. Khốn khổ quá, tôi không đứng dậy được”. May mắn thay, một đồng nghiệp đã thuyết phục bà nhờ bạn bè giúp đỡ và bà đã bắt đầu cảm thấy phấn chấn hơn.
Nhưng nhiều người không dễ thoát ra khỏi nỗi cô đơn như vậy. Và khi nỗi cô đơn cấp tính trở thành mãn tính, những ảnh hưởng sức khỏe có thể rất sâu rộng. Các nghiên cứu cho thấy, sự cô đơn mãn tính có thể dẫn tới các tác động sức khỏe bất lợi như béo phì, lười vận động và hút thuốc. Trầm cảm, mất trí nhớ, bệnh tim mạch và thậm chí tử vong sớm đều có liên quan đến tình trạng cô đơn.
Điều này sẽ gây ra một loạt gánh nặng y tế công cộng và hệ lụy xã hội. Vì tác động của cô đơn đến sức khỏe lớn, và những người rơi vào tình trạng cô đơn không hề ít. Trên toàn thế giới, khoảng 1/4 người trưởng thành cảm thấy rất cô đơn hoặc khá cô đơn, theo một cuộc thăm dò năm 2023 do Công ty Truyền thông xã hội Meta, công ty thăm dò ý kiến Gallup và một nhóm cố vấn học thuật thực hiện. Cùng năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát động một chiến dịch nhằm giải quyết tình trạng cô đơn mà WHO gọi là “mối đe dọa cấp bách”.
Nhưng tại sao cảm giác cô đơn lại dẫn đến tình trạng sức khỏe kém? Trong vài năm gần đây, các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu và hiểu ra các cơ chế thần kinh khiến cơ thể con người trở nên rối loạn khi các nhu cầu xã hội không được đáp ứng. Mặc dù bức tranh nghiên cứu vẫn chưa hoàn chỉnh và đang được tiếp tục cập nhật nhưng những kết quả ban đầu cho thấy sự cô đơn có thể làm thay đổi não bộ ở nhiều khía cạnh.
Tác động lên sức khỏe ở nhiều khía cạnh
“Cô đơn” là một khái niệm khó xác định. Khái niệm cô đơn không giống như “cô lập xã hội”, xảy ra khi ai đó có ít mối quan hệ xã hội có ý nghĩa, mặc dù chúng là hai mặt của cùng một vấn đề. Cô đơn là trải nghiệm chủ quan của một người khi không hài lòng với các mối quan hệ xã hội của mình.
Các nghiên cứu gần đây đã liệt ra một danh sách các tình trạng sức khỏe liên quan đến nỗi cô đơn – danh sách rất dài và các triệu chứng đều rất nghiêm trọng. Một số triệu chứng trong danh sách này dễ nhìn thấy ngay được – ví dụ, những người cảm thấy cô đơn thường bị trầm cảm, đôi khi đến mức có nguy cơ tự tử. Các tác động khác do nỗi cô đơn gây ra cũng rất đáng ngạc nhiên. Ví dụ, những người cô đơn có nguy cơ cao bị huyết áp cao và rối loạn chức năng hệ thống miễn dịch so với những người không cảm thấy cô đơn. Ngoài ra, còn có mối liên hệ đáng kinh ngạc giữa sự cô đơn và chứng mất trí nhớ. Có dữ liệu nghiên cứu cho thấy rằng những người cảm thấy cô đơn có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn so với những người không cảm thấy cô đơn.
Nỗi cô đơn tác động đến sức khỏe ở nhiều khía cạnh sinh lý khác, như tác động đến giấc ngủ, tăng nồng độ hormone gây căng thẳng và tăng khả năng bị nhiễm khuẩn.
Vấn đề không chỉ dừng lại ở đó, vì nỗi cô đơn không tác động đến từng khía cạnh sức khỏe của chúng ta một cách riêng lẻ, mà nó tác động đồng thời cùng lúc. Và cách mà các yếu tố này tương tác với nhau khiến cho việc đánh giá một cách tách biệt tác động của cô đơn, nguyên nhân của cô đơn đến não bộ trở nên khó khăn. Câu hỏi đặt ra là, có phải bộ não của mọi người bắt đầu hoạt động khác đi khi họ trở nên cô đơn, hay một số người có những khác biệt trong bộ não khiến họ dễ bị cô đơn? Các nhà khoa học vẫn chưa thực sự lý giải được.
Dù nguyên nhân là gì đi nữa, sự cô đơn đang có ảnh hưởng lớn nhất đến những người thuộc nhóm chịu thiệt thòi yếu thế trong xã hội. Tại Mỹ, những người trưởng thành da đen và gốc Tây Ban Nha, cũng như những người có thu nhập thấp hơn 50.000 USD mỗi năm, có tỷ lệ cô đơn cao hơn các nhóm xã hội khác ít nhất 10 điểm phần trăm, theo một cuộc khảo sát năm 2021 của Cigna Group, một công ty bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe của Mỹ. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên vì theo định nghĩa, sự cô đơn là nỗi đau khổ về mặt cảm xúc khiến chúng ta muốn thích nghi với hoàn cảnh xã hội của mình. Không có nguồn lực tài chính, việc thích nghi xã hội sẽ trở nên khó khăn hơn.
Đại dịch COVID-19 càng làm trầm trọng thêm sự cô đơn bằng cách buộc mọi người phải cô lập trong nhiều tháng hoặc cả năm.
Nghiên cứu gần đây cũng cho thấy những khía cạnh mới về các nhóm tuổi chịu cô đơn nhiều. Lâu nay, người ta vẫn mặc định người cao tuổi là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự cô đơn và thực sự đó là một vấn đề lớn mà nhiều người cao tuổi đang phải đối mặt khi chữa trị ở các khoa lão khoa hay ở viện dưỡng lão. Nhưng dữ liệu của Cigna Group cho thấy, người trẻ tuổi đang thực sự chịu đựng nỗi cô đơn – 79% những người trong độ tuổi từ 18 đến 24 cho biết cảm thấy cô đơn, so với 41% ở những người từ 66 tuổi trở lên.
Người cô đơn nhìn thế giới tiêu cực hơn
Ngày càng có nhiều nghiên cứu khám phá điều gì xảy ra trong não khi con người cảm thấy cô đơn. Những người cô đơn có xu hướng nhìn thế giới khác với những người không cô đơn. Trong một nghiên cứu năm 2023, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu những người tham gia nghiên cứu vừa trong máy chụp cộng hưởng từ vừa xem video về mọi người trong nhiều tình huống khác nhau – ví dụ: chơi thể thao hoặc hẹn hò. Những người cho biết mình không cô đơn đều có phản ứng thần kinh tương tự với nhau.
Trong khi đó, phản ứng ở những người cảm thấy cô đơn đều khác nhau – so với nhóm không cô đơn, và khác nhau giữa chính những người cô đơn. Các tác giả đưa ra giả thuyết những người cô đơn chú ý đến các khía cạnh khác nhau của tình huống so với những người không cô đơn, điều này khiến những người cảm thấy cô đơn nhận thấy mình khác biệt với những người cùng lứa tuổi. Điều này có nghĩa là sự cô đơn có thể tự gây thêm tác động cho chính nó và ngày càng trở nên tệ hơn. Các nhà nghiên cứu lý giải: Nếu bạn nghĩ rằng mình cô đơn, bạn đang nhìn nhận hoặc diễn giải thế giới xã hội của mình một cách tiêu cực hơn. Và điều đó khiến bạn ngày càng lún sâu vào cô đơn hơn.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hiệu ứng này có thể lan truyền qua mạng xã hội, khiến sự cô đơn trở thành một thứ dễ lây lan.
Lịch sử đã cho thấy, ở gần người khác có lẽ là một chiến lược sinh tồn tốt cho con người. Đó là lý do tại sao các nhà khoa học nghĩ rằng cơ chế cô đơn để thúc đẩy mọi người tìm kiếm bạn đồng hành, cũng giống như đói khát để thúc đẩy mọi người tìm kiếm thức ăn và nước uống.
Về cơ chế sinh lý, có sự tương đồng giữa cơn đói và sự cô đơn. Trong một nghiên cứu năm 2020, các nhà nghiên cứu đã tước đi thức ăn, kết nối xã hội của những người tham gia nghiên cứu trong mười giờ. Sau đó, họ sử dụng hình ảnh não để xác định các khu vực được kích hoạt bởi hình ảnh của thức ăn – chẳng hạn như một đĩa mì ống đầy ắp – hoặc các tương tác xã hội, chẳng hạn như bạn bè cười đùa cùng nhau. Một số vùng được kích hoạt dành cho hình ảnh về đồ ăn hoặc hình ảnh con người giao tiếp xã hội, có vùng ở não giữa sáng lên khi người đói nhìn thấy hình ảnh về đồ ăn và khi những người cảm thấy cô đơn nhìn thấy hình ảnh về các tương tác xã hội. Đó là những khu vực quan trọng liên quan đến cơn đói hay nỗi cô đơn.
Ngày càng có nhiều mối liên hệ giữa sự cô đơn và cách não xử lý cảm giác được tưởng thưởng. Ở chuột, sự cô đơn làm tăng nhạy cảm một số tế bào thần kinh não với một loại chất dẫn truyền thần kinh gọi là dopamine, chất này cũng có thể khiến con người rơi vào tình trạng thèm thuồng, chẳng hạn như thèm đồ ăn và ma túy. Tương tự như vậy, sự cô lập có thể khiến con người nhạy cảm hơn với các phần thưởng và háo hức tìm kiếm phần thưởng hơn. Vào năm 2023, một nghiên cứu đã cách ly các thanh thiếu niên tham gia nghiên cứu khỏi tiếp xúc xã hội trong tối đa bốn giờ. Sau khi bị cô lập, những người tham gia có cơ hội kiếm được phần thưởng bằng tiền. Những người tham gia bị cô lập đồng ý tham gia nhanh chóng hơn những người không bị cô lập.
Từ lâu, các nhà khoa học cũng đã nhận ra mối liên hệ giữa sự cô đơn và một loại tín hiệu hóa học khác – hormone gây căng thẳng gọi là glucocorticoids. Bình thường, con người cần một lượng glucocorticoid nhất định, chẳng hạn để hoạt động hay để thức dậy. Nhưng cô đơn kinh niên cũng khiến cho những chất này ở mức độ cao hơn, và nghiên cứu những chất này cũng có thể cho thấy mối liên hệ giữa sự cô đơn và chứng mất trí nhớ. Ví dụ, chuột mắc bệnh Alzheimer, glucocorticoids đã làm tăng mức độ của hai loại protein có liên quan đến dấu hiệu chính của tình trạng mất trí nhớ, đó là các mảng protein quấn quanh tế bào thần kinh và cản trở trí nhớ và nhận thức.
Căng thẳng cũng bào mòn não bộ và có thể đẩy nhanh tốc độ lão hóa não bộ, nhưng chưa có nghiên cứu nào xem xét rõ ràng về điều đó và các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm hiểu để đưa ra nhận định rõ ràng.
Mặc dù mức độ hormone căng thẳng cao có thể góp phần gây ra chứng mất trí nhớ, nhưng cũng có khả năng là những người cảm thấy cô đơn cũng ít có cơ hội rèn luyện tinh thần – điều có được nhờ các tương tác xã hội. Và cũng giống như cơ bắp cần được tập luyện để giữ dáng, bộ não cũng vậy. Các nhà nghiên cứu cũng đang tập trung vào giả thuyết về nỗi cô đơn có liên quan đến lượng chất xám trong não ít đi. Dù vẫn đang là giả thuyết và còn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa, nhưng nhìn chung các nhà nghiên cứu đồng ý rằng việc giao tiếp xã hội sẽ duy trì các kết nối thần kinh mà nếu không duy trì thì có thể bị mất.
Càng lún sâu vào hướng nội
Nghiên cứu về các tác động thần kinh của nỗi cô đơn cũng đã cho thấy những khác biệt có thể giúp giải thích một số mối tương quan giữa sự cô đơn và chứng mất trí nhớ. Nghiên cứu trước đây cho thấy có những thay đổi trong khả năng kết nối giữa các vùng não ở những người cảm thấy cô đơn. Một nghiên cứu năm 2020 đã kiểm tra một vùng não được gọi là mạng thần kinh mặc định (default network) – được gọi như vậy vì nó hoạt động theo mặc định khi một người không tham gia vào một nhiệm vụ cụ thể và hướng sự chú ý của họ vào nội tâm.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy ở những người trẻ cảm thấy cô đơn có khả năng có trao đổi chéo giữa mạng mặc định và các mạng khác liên quan đến tầm nhìn, sự chú ý và khả năng kiểm soát điều hành, có thể vì họ cảnh giác cao độ với các tín hiệu xã hội. Sự cô đơn làm suy yếu các kết nối giữa mạng lưới thần kinh mặc định và hệ thống thị giác, thay vào đó củng cố các kết nối bên trong mạng lưới thần kinh mặc định trong não.
Điều đó có thể là do người già khắc phục sự cô đơn bằng cách rút lui vào ký ức của mình về những trải nghiệm xã hội trong quá khứ. Khi làm như vậy, họ củng cố mạng lưới thần kinh mặc định.
Mạng lưới thần kinh mặc định là một trong nhiều mạng trong não tích lũy tổn thương khi mắc bệnh Alzheimer. Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu xem liệu các mạng mặc định có thực sự có liên quan đến sự thoái hóa thần kinh hay không – và nếu vậy thì tại sao, và liệu các kết nối thần kinh mạnh mẽ có thể khiến tình trạng bệnh lý lây lan dễ dàng hơn trong mạng hay không. Ý tưởng này vẫn chưa được chứng minh, nhưng đó là một lời giải thích hợp lý.
Giải pháp ở cấp độ cá nhân
Thực ra các lời khuyến nghị của chuyên gia về việc khắc phục nỗi cô đơn không có gì đáng ngạc nhiên: vẫn là tăng cường các giao tiếp, tương tác xã hội. Chẳng hạn như bố trí các khu dành cho cộng đồng, tăng cường các khu vực để hoạt động cộng đồng trong các khu dân cư.
Nếu chưa thể cải thiện các yếu tố đó, thì tập thể dục cũng là một giải pháp hay. Một số nhà nghiên cứu cũng đang tìm cách tác động trực tiếp vào cơ chế thần kinh đằng sau sự cô đơn, chẳng hạn như thông qua tập thể dục.
Có nghiên cứu đã chỉ ra, đi bộ 4 – 5 km trong suốt một giờ giúp hoàn toàn loại bỏ cảm giác, tâm trạng chán nản liên quan đến sự cô đơn. Hơn nữa, những người có mạng lưới thần kinh mặc định tăng cường kết nối bên trong hơn – cũng được biết là bị ảnh hưởng bởi chứng trầm cảm – nằm trong số những người được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tập thể dục. Một lời giải thích khả dĩ cho quan sát này là những người bị trầm cảm bị “mắc kẹt” trong suy ngẫm – điều này tác động nhiều đến mạng thần kinh mặc định. Tập thể dục có thể buộc họ sử dụng các phần khác của não bằng cách làm gián đoạn các quá trình thần kinh có liên quan đến việc tự phản ánh và chuyển hoạt động sang các khu vực liên quan đến hoạt động thể chất – giải phóng họ khỏi vòng suy nghĩ tiêu cực.
Tập thể dục cũng là một hoạt động rất tốt để tăng cường giao lưu, tương tác xã hội. Hoạt động này giúp cải thiện tâm trạng, ngay cả khi bạn vẫn trở về nhà một mình, bạn cũng không còn cảm thấy hoàn toàn cô đơn nữa.
Những giải pháp ở cấp độ xã hội?
Nhưng thực ra việc giải quyết được căn nguyên của cô đơn rất phức tạp mà chỉ nỗ lực cá nhân sẽ không đủ, vì cô đơn còn đến từ các vấn đề xã hội. Trong cuốn sách nổi tiếng gần đây “Thế kỷ cô đơn”, Noreena Hertz cũng phân tích bức tranh toàn cảnh về hiện trạng của nỗi cô đơn ngày nay, cả về nguyên nhân xã hội dẫn tới cô đơn cũng như tác động xã hội của tình trạng cô đơn mà bà cho rằng đó là một cuộc “khủng hoảng xã hội” ở hầu như tất cả các nước. Có 3/5 người Mỹ trưởng thành tự coi mình là cô đơn. Ở Đức, 2/3 dân số tin rằng cô đơn là vấn đề nghiêm trọng. Gần 1/3 người Hà Lan cũng thừa nhận mình cô đơn, và con số này ở Thụy Điển là 1/4. Ở Anh, cô đơn nghiêm trọng đến mức vào năm 2018, thủ tướng đã phải bổ nhiệm Bộ trưởng chuyên trách vấn đề cô đơn…
Căn nguyên của cô đơn đến từ chính cách vận hành của nền kinh tế, đến từ việc các chính phủ đang ít lắng nghe, khiến người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế trong xã hội cảm giác bất lực, bị cô lập, loại trừ, không có địa vị, không được hỗ trợ… Các không gian công cộng, các hoạt động giao lưu, tương tác xã hội ngày càng biến mất dần ở các đô thị. Bên cạnh đó, công nghệ càng khiến cho mỗi cá nhân lún sâu vào các hoạt động có tính cá nhân, ít giao lưu tiếp xúc, ít tham gia các hoạt động cộng đồng. Do đó, nếu muốn ngăn chặn cuộc “khủng hoảng xã hội” do cô đơn mang lại, trách nhiệm cá nhân với bản thân mình là không đủ, mà cần tiếp tục phân tích những nguyên nhân xã hội – chính trị – kinh tế, để từ đó có những thay đổi mang tính hệ thống.□
Bảo Như tổng hợp
Nature 628, 22-24 (2024)
doi: https://doi.org/10.1038/d41586-024-00900-4
Sách “Thế kỷ cô đơn”, Noreena Hertz, Nhà xuất bản trẻ, 2023.
Bài đăng Tia Sáng số 7/2024