Cô đơn trên mạng
Từ một diễn đàn của Blog Việt... Đã trở thành một thói quen từ khi nào không biết, sáng nay tôi lại ngồi vào bàn làm việc, bật máy tính và bắt đầu “chu du” trên mạng... Lướt qua một trang Web quen thuộc, một dòng tít đập vào mắt tôi: “Nếu một ngày không còn blog?”
Đến những cảm nhận của một kẻ nô lệ
Tôi còn nhớ rất rõ trong bài viết nhan đề “Sống chung với nghịch lý” trên Tia Sáng số Xuân Tân Tỵ 2001, tôi đã phải thú nhận sự phản kháng yếu ớt của mình trước sự xâm nhập ồ ạt của làn sóng công nghệ cao và “dự báo” sự đầu hàng vô điều kiện của mình trước sự tấn công của một trong những phương tiện công nghệ cao đó là điện thoại di động. Sáu năm đã trôi qua, cơn sóng thần công nghệ cao ngày càng bạo liệt hơn, trong khi bản thân tôi thì sức “đề kháng” ngày càng yếu ớt hơn và từ lúc nào không biết đã trở thành kẻ “nô lệ” hoàn toàn tự nguyện của các phương tiện công nghệ cao. Không chỉ nô lệ đối với điện thoại di động mà cả với Internet và những dịch vụ ăn theo nó. Đọc mail, lướt Web gần như đã trở thành “phản xạ có điều kiện” mỗi khi bật máy tính, kể cả khi đi công tác xa. Đọc báo điện tử mỗi sáng đã trở thành thói quen như uống một tách café trước khi đi làm, không có sẽ cảm thấy thiêu thiếu một cái gì đó… Chưa kể nghề nghiệp của tôi đã bắt tôi phải sống dựa vào Internet để tìm kiếm thông tin, phần mềm, trao đổi với đồng nghiệp… Chưa kể những lúc có chút thời gian rảnh rỗi lại “lang thang” vô định trên mạng, sẵn sàng (nhiều khi chỉ vì tò mò) chui vào các ngóc ngách ngày càng nhiều của thế giới ảo. Có lang thang như vậy mới thấy được sự mênh mông vô tận của thế giới ảo và sự cô đơn và bé nhỏ của con người trong đó. Trên mạng có rất nhiều các kho tài nguyên thông tin quý giá phục vụ cho con người nhưng cũng đầy những cạm bẫy rình rập con người. Cái thật và cái giả, cái đúng cái sai lẫn lộn cho dù mỗi thực thể trong đó đều phải khai báo một định danh… ảo! Ngay cả với các cơ chế xác thực tin cậy đang được các chuyên gia an ninh mạng nỗ lực phát triển thì cư dân mạng vẫn luôn phải đối mặt với câu hỏi thường trực “ai là ai ? (who is who?) “ khi tham dự vào thế giới ảo. Gần đây, khi truy cập một diễn đàn giáo dục trên mạng để xem cuộc “khẩu chiến” giữa một số giáo sư về chuyện sách giáo khoa, khi một trong các giáo sư đó do sốt ruột “nhảy” vào diễn đàn với danh phận công khai, lập tức nhận được ngay những bình luận đủ màu sắc, có cả những bình luận xỏ xiên, xấc xược và thiếu văn hóa của đủ loại “nickname” có giời mới biết được đó thực sự là ai. Đến mức một người phải thốt lên trong phần bình luận của mình: “Ông giáo sư này chơi dại rồi, đem cái mặt thật của mình mà nhảy lên mạng tranh luận thì có khác nào đi cãi nhau với… cả một lũ Chí Phèo!”.
Có thể nói cảm giác ban đầu khi hòa nhập vào thế giới ảo thường là sự hồ hởi, phấn khích và tự hào khi thấy mình giờ đây đã trở thành một cư dân mạng, là thành viên của một cộng đồng được hình thành dựa trên những thành quả trí tuệ đầy ấn tượng của con người đương đại. Nhưng càng “đắm mình” vào các ngóc ngách của nó thì lại càng thấm thía sự vô danh, sự cô đơn của một cá thể. Gần đây nhiều người đã viết bài giới thiệu, ca ngợi cuốn sách “The World is Flat” của nhà báo nổi tiếng Thomas L. Friedman (đã được Nhà Xuất bản Trẻ dịch và xuất bản cuối 2006 với tiêu đề “Thế giới phẳng”). Thực ra, khi đọc quyển trước của tác giả này (“The Lexus and the Olive tree”, xuất bản năm 1999), tôi có cảm nhận thích thú hơn có lẽ lần đầu tiên được tiếp cận với một phong cách diễn giải một vấn đề hết sức phức tạp ở tầm vĩ mô toàn cầu thông qua việc tổng hợp, phân tích sự kiện với kết cấu và văn phong báo chí đầy ấn tượng và hấp dẫn, nhưng lại rất giản dị, dễ hiểu đối với số đông. Nhưng đối với quyển sau, khi đọc tôi đã không còn sự hứng khởi đó nữa, có lẽ trước hết về sự lặp lại của cách viết, sự diễn giải quá sâu về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của một người không chuyên. Sau đó là những nhận định về một thế giới tất yếu sẽ phẳng do tác động của 10 nhân tố mà bản thân tôi chưa bị thuyết phục, thậm chí không đồng tình nhưng có thể sẽ không có đủ trình độ, tư liệu và kinh nghiệm để phản bác lại tác giả tầm cỡ này. Thực ra, 10 nhân tố làm phẳng Thế giới mà Friedman đưa ra đều dựa trên nền tảng ICT, từ hệ điều hành Windows, Internet, công nghệ Web, các phần mềm xử lý công việc đến các phương thức chia sẻ tài nguyên thông tin và các mô thức hoạt động kinh tế, thương mại mới. Cảm nhận của cá nhân tôi là ông Friedman có vẻ đã hơi bị khích động một cách thái quá khi đề cao vai trò quyết định của ICT trong việc làm phẳng Thế giới mà ít quan tâm đến những hiệu ứng phụ hết sức tiêu cực của chúng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia. Chắc chắn những gì đã và đang thách thức con người trong Thế giới thực như mafia, khủng bố, “ô nhiễm” môi trường sinh thái,… cũng sẽ có mặt trong Thế giới ảo trên mạng và hậu quả là khôn lường. Có thể thấy sự đua tranh ngày càng rõ rệt và đa dạng giữa hai thế giới này và đâu đó đã xuất hiện tình trạng Thế giới ảo đang lấn lướt Thế giới thực. Thật trớ trêu, mặc dù chính con người đã tạo ra Thế giới ảo nhưng có vẻ như con người không còn điều khiển nổi nó mà ngược lại, Thế giới ảo đang tác động, chi phối tư duy và hoạt động của con người.
Offline với Thế giới thực và online với Thế giới ảo
Nhiều người ban đầu chỉ coi mạng, Web, game online, blog,… chỉ là các phương tiện để tìm kiếm thông tin, để khám phá, hoặc để giải trí, thư giãn. Nhưng ranh giới giữa những mục tiêu vô hại thậm chí còn có ích đó và cái “say”, cái “nghiện” cũng thật mong manh như trong trường hợp ma túy vậy. Chỉ riêng cái việc “nghiện” trò chơi trực tuyến (game online) của các cô, cậu học trò thời nay cũng đã làm bao bậc phụ huynh ăn không ngon, ngủ không yên. Ngay bản thân tôi cho dù trên đầu “muối đã nhiều hơn tiêu” cũng phải “cảnh giác” đến mức không dám đụng đến game online vì quá biết hấp lực không thể coi thường của nó. Mà trên mạng còn có biết bao nhiêu thứ có hấp lực còn khủng khiếp hơn nhiều, điều này báo chí đã nói quá nhiều rồi. Một thực tế rất đáng cảnh báo, như nhận định của chính blogger đã đặt câu hỏi kích hoạt cho diễn đàn nói đến ở đầu bài viết, ngày càng có nhiều người (mà đáng lo thay, chủ yếu là người trẻ thế hệ 8x, 9x) chỉ sống trên Thế giới ảo. Họ là tất cả trong thế giới-của-riêng-mình. Họ không đủ bản lĩnh và khả năng chịu đựng những thách thức để sống ngoài đời thật, vì thế họ trốn chạy (offline)Thế giới thực để đắm mình (online) vào Thế giới ảo. Họ đã đánh mất chính mình. Họ là một thảm họa về cái tôi cô đơn trong cộng đồng, họ đang thật sống mà như chết trong xã hội. Chẳng có gì có thể cứu được họ, nếu như một ngày kia họ không quay lại online với đời.
Viết đến đây không hiểu sao tôi lại chợt nghĩ đến quyển tiểu thuyết best-seller nhan đề Loneliness in the Net (Cô đơn trên mạng – bản dịch của Nguyễn Thanh Thủ, Nhà Xuất bản Trẻ, 2006) của nhà khoa học-nhà văn người Balan, Tiến sĩ khoa học Janusz L. Wisniewski. Một tiểu thuyết trong đó những vấn đề khô khan của khoa học được đan xen vào câu chuyện tình yêu lãng mạn một cách giản dị và hấp dẫn bằng thủ pháp văn học điêu luyện. Chẳng hạn, tôi bị cuốn hút hoàn toàn khi đọc những dòng nhân vật chính giảng giải cho bạn gái của mình về việc xây dựng bản đồ gen, về sự sắp xếp các chuỗi AND mà một người ngoại đạo về Sinh học như tôi luôn luôn cảm thấy quá phức tạp. Nhưng ở đây tôi không muốn nói về giá trị văn học của cuốn tiểu thuyết mà chỉ muốn nói đến thông điệp mà tác giả muốn chuyển tải đến người đọc thông qua một câu chuyện tình qua mạng. Một chàng trai, quá mệt mỏi với công việc và đau đớn, thất vọng vì những người thân yêu nhất đã lần lượt từ bỏ mình, đặc biệt là khi người con gái mà mình yêu say đắm đã đột ngột bị một tai nạn khủng khiếp cướp đi mất, trong một lần tình cờ lang thang trên mạng gặp một người con gái khác. Và một cuộc tình trên Thế giới ảo bắt đầu. Một cuộc tình đẹp (mà như ai đó đã bình luận : một tình yêu dịu dàng, bất tận, một tình yêu dường như tất thảy đều mơ ước, để được “khóc và nghẹt thở”,…) kéo dài hơn 200 ngày thông qua hàng trăm bức thư điện tử (email) qua lại trên mạng. Nhưng đến khi họ từ Thế giới ảo bước ra Thế giới thực, gặp được nhau và yêu nhau nồng nàn tại Paris hoa lệ thì cũng là lúc khởi đầu cho sự trốn chạy tình yêu của cô gái (đã có chồng). Và tiếp theo là sự kiếm tìm người tình qua mạng của chàng trai với 294 bức thư gửi đi (ngày nào anh cũng viết, như là buổi cầu kinh tối) nhưng không được đọc, mà bức thư cuối cùng là tiếng kêu tuyệt vọng của một kẻ cô đơn cùng cực: “Tại sao tất cả mọi người đều bỏ anh? Tại sao? Hôm nay em hãy tìm thấy anh đi – như một năm trước đây. Xin em, hãy tìm thấy anh. Hãy cứu anh! “. Và dĩ nhiên, một kết thúc bi thảm phải đến: chàng trai đi tìm cái chết để hy vọng sẽ gặp lại tất cả những người thân yêu nhất của mình. Một cái kết hư cấu của tiểu thuyết nhưng cũng không hoàn toàn xa lạ với xã hội ngày nay. Giá như chàng trai không tự cô lập mình trên mạng, giá như chàng trai biết sẻ chia suy nghĩ và tình cảm của mình với cộng đồng trong Thế giới thực, giá như…
Không biết có quá suy diễn không, nhưng tôi vẫn cho rằng cái thông điệp cuối cùng mà J. L. Wisniewski muốn bày tỏ, đó là: bạn có thể online hoặc offline với Thế giới ảo tùy ý, nhưng dù thế nào đi nữa thì cũng đừng bao giờ offline với Thế giới thực, nếu như bạn vẫn còn khát vọng sống, khát vọng yêu thương của con người.