Cơ hội vươn lên của người nghèo?
Khi đánh giá và lượng hóa đúng mức tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng trong xã hội thì bức tranh giảm nghèo có nhiều gam màu tối hơn chúng ta tưởng.
Số lần khám chữa bệnh của người dân tộc thiểu số thấp hơn cả chục lần so với người Kinh. Trong ảnh: Khám lưu động cho trẻ em huyện Bình Liêu, Quảng Ninh. Nguồn: Báo Dân tộc và phát triển.
Năm nào cũng vậy, gia đình K’Măm phải “bán non” 1 tấn cà phê để vay tiền của các đại lý trong buôn Ban, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk mua phân bón cho 3 sào lúa và 1 ha cà phê. Nhưng do vụ trước mất mùa cà phê nên năm 2015 dù K’Măm chưa trả được khoản tiền này thì vẫn phải “vay non” thêm 1 tấn cà phê nhân nữa để mua gạo ăn. Nên vụ mùa 2015 sẽ chỉ đủ để trả nợ cũ, năm sau gia đình ông sẽ lại phải tiếp tục vay nợ để mua phân. Gia đình K’Măm chỉ là trường hợp đơn cử của tình trạng cứ “nợ miết từ năm này qua năm khác” trong một cuộc khảo sát 56 hộ ở buôn Ban mà Viện Nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường (iSEE) thực hiện vào năm 2017. 86% trong tổng số hộ được khảo sát đang phải gánh các khoản nợ, từ mức độ trầm trọng đến rất trầm trọng, trung bình mỗi hộ gia đình nợ 44 triệu đồng/ một năm, trong đó gần 20 triệu đồng là nợ xấu, tức là không thể trả đúng hạn hoặc không có khả năng trả. Rộng hơn nữa, theo một nghiên cứu trước đó của Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH, tình trạng nợ với lãi suất cao cũng phổ biến ở hầu hết các buôn làng người dân tộc thiểu số tại chỗ của năm tỉnh Tây Nguyên.
Câu chuyện mà viện iSEE kể ra dường như không ăn khớp với bức tranh tỉ lệ nghèo đang giảm rõ rệt và mức độ bất bình đẳng thu nhập vẫn đang nằm trong ngưỡng an toàn mà các báo cáo gần đây phác họa – khiến các nhà làm chính sách và công chúng cảm giác yên tâm về thực trạng phân phối trong xã hội vẫn được duy trì ở mức độ tương đối công bằng. Rõ ràng, những cách đo lường trước đây chưa giúp chúng ta hình dung đúng tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng trong xã hội hiện nay.
“Trong những năm gần đây đo lường bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam không còn chính xác nữa vì những người giàu hầu như không có trong mẫu khảo sát, thậm chí là không đo được thu nhập của người giàu”, TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong nói. Mặt khác, nếu chỉ nhìn vào những con số thuần túy về mức độ thu nhập, chi tiêu thì chưa thể thấy hết được mức độ bất bình đẳng trong xã hội. “Bất bình đẳng cũng như nghèo đói nên được hiểu như những khái niệm đa chiều. Một người có thể không nghèo về mặt thu nhập hoặc tổng chi tiêu nhưng có thể có sức khỏe yếu, trình độ giáo dục thấp và thiếu hòa nhập xã hội hoặc thiếu cơ hội tham gia vào quá trình ra quyết định chính sách. Vậy thì tương lai của người đó và con cái họ sẽ ra sao?”, TS Phùng Đức Tùng nói. “Vấn đề ở đây là phải đánh giá được mức độ bất bình đẳng cơ hội của các nhóm khác nhau, để đánh giá được một con người, từ khi chào đời có cơ hội ngang bằng với nhau không”.
Do các nghiên cứu hiện nay tập trung vào bất bình đẳng kinh tế ở Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào về bất bình đẳng cơ hội ở nhiều chiều cạnh nên Viện Nghiên cứu và Phát triển Mekong đã thực hiện một cuộc đánh giá cả bất bình đẳng về kinh tế và tài sản và ba lĩnh vực y tế, giáo dục, sự tham gia người dân vào các chính sách xã hội. Mỗi lĩnh vực được đo lường với các tiêu chí khác nhau dựa trên Khung phân tích Bất bình đẳng đa chiều (MIF) do trường Đại học Kinh tế London (LSE) và Tổ chức Oxfam nghiên cứu. MIF được xây dựng dựa trên cách tiếp cận năng lực của Amartya Sen, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel năm 1998, nhằm đưa ra phương pháp luận để đánh giá bất bình đẳng trong phúc lợi cá nhân. Do khung đo này mới chỉ được áp dụng ở Tây Ban Nha, Guatemala và Việt Nam nên những kết quả áp dụng tiên phong ở đây sẽ giúp các nhà nghiên cứu có thêm kinh nghiệm để tiếp tục sử dụng MIF cho việc đánh giá bất bình đẳng tại các quốc gia, khu vực khác.
Khoảng cách đang doãng rộng
Phương pháp đo mới này như một chiếc kính có độ phân giải cao hơn giúp chúng ta nhìn vào thực trạng hiện nay: quả đúng là tỉ lệ nghèo đang trên đà giảm nhưng mảng sáng của bức tranh chủ yếu tập trung ở các dân tộc đa số (Kinh, Hoa), còn mảng tối lại “khu trú” lưu niên ở các nhóm dân tộc thiểu số (DTTS) – tỷ lệ nghèo của DTTS cao hơn dân tộc Kinh gấp 15 lần. 45% người thuộc nhóm DTTS vẫn sống trong nghèo đói, thậm chí, có vùng “nghèo lõi” như các dân tộc Hmông, La Hủ, Mảng, Lô Lô có tỷ lệ nghèo lên tới khoảng 80%. Chính vì vậy mà người dân tộc thiểu số, dù chỉ chiếm 15% dân số nhưng lại chiếm tới 73% tổng số người nghèo cả nước. “Việt Nam đã có nhiều chính sách nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân các khu vực này nhưng các chính sách này thực chất có hiệu quả hay mang tính hình thức là câu hỏi rất lớn”, TS Phùng Đức Tùng đánh giá.
Điểm số môn Toán và tiếng Việt của học sinh lớp 5, phân theo nhóm dân tộc (thang điểm 30). Nguồn: Viện Nghiên cứu phát triển Mekong.
Nếu chỉ nhìn bề mặt về mức độ bao phủ của các dịch vụ công cơ bản về y tế, như vẫn xuất hiện trong các báo cáo thống kê, thì thấy các đô thị lớn như Hà Nội hay một xã ở Hà Giang không cách biệt bao xa vì bảo hiểm y tế, tiêm chủng miễn phí cho người nghèo và dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, phân tích sâu sẽ cho thấy khoảng cách rất lớn giữa khu vực phát triển và phần còn lại – mà ở đó các nhóm nghèo hầu như ít hưởng lợi từ các dịch vụ công này. Số lần khám bệnh trung bình hằng năm của một người Kinh có thể cao hơn tới 18 lần so với nhóm ít đi khám nhất là người Hmông. Số lần khám bệnh trung bình hằng năm của các nhóm DTTS nói chung ở bệnh viện tuyến tỉnh đều rất thấp, ở các dân tộc như Thái, Mường, Nùng, Dao chỉ là 0,06-0,07 lần, thậm chí người Hmông chỉ đi khám ở tuyến tỉnh 0.014 lần và không đi khám ở tuyến trung ương (trong khi con số này ở người Kinh là 0,26 lần trong năm). Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này không chỉ do khả năng chi trả – mức chi tiêu hằng năm cho y tế của một người Kinh có thể gấp tới 15 lần một người Hmông, mà còn do người dân tộc thiểu số khó lòng đi tới các trung tâm y tế tuyến trên. Trong khi nhóm Kinh thường sống gần bệnh viện tỉnh nhất thì các nhóm Hmông, Dao, Thái, Mường, Nùng sống xa nhất, trên 40km đến dưới 70km và điều kiện chất lượng đường xá rất tồi tệ.
Thậm chí, những điều kiện tối thiểu như tiếp cận với nước sạch và nhà vệ sinh cải tiến vẫn là một thách thức lớn đối với các hộ gia đình thuộc các nhóm trên. Chẳng hạn, điều kiện nhà vệ sinh và nước sạch của người DTTS cũng kém hơn nhiều so với DT Kinh. Trong đó, tỷ lệ hộ có nhà tiêu cải tiến ở các nhóm DTTS chỉ bằng 1/3 lần ở người Kinh; và cũng chỉ có khoảng 13% nhóm hộ DTTS tiếp cận được nguồn nước này (so với khoảng một nửa ở các hộ người Kinh).
Ưu tiên hàng đầu cần là có hình thức đầu tư mới vào giáo dục cho các vùng này, ví dụ như phủ sóng internet miễn phí cho trẻ học từ xa. Trong ảnh: Một sinh viên người Cờ Lao ở Hoàng Su Phì, Hà Giang leo núi 5 km để bắt sóng 3G học bài từ xa. Nguồn: Báo Hà Giang.
Những hạn chế trong điều kiện sống như vậy khiến tỷ suất tử vong của nhóm DTTS cao hơn nhiều so với người Kinh. Chẳng hạn, Tây Nguyên, vùng có nhiều dân tộc thiểu số nghèo nhất có tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới một tuổi cao gấp ba lần so với khu vực phát triển là Đông Nam Bộ; tuổi thọ trung bình ở Tây Nguyên luôn thấp hơn ba năm so với mặt bằng chung của người Việt Nam và ít hơn sáu năm nếu so với một người dân ở vùng Đông Nam Bộ. Hiện vẫn còn khoảng 1,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, chủ yếu thuộc DTTS tại khu vực địa lý khó khăn như miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
“Gánh cực mà đổ lên non/Còng lưng mà chạy cực còn theo sau”
Đối với người nghèo, học tập có lẽ là con đường duy nhất để thoát nghèo nhưng mọi ngã rẽ đến con đường này dường như đều bị đóng lại. “Điều kiện học tập trong một trường tiểu học ở Hà Giang có thể kém một trường ở thành phố như Hà Nội hoặc Bắc Ninh tới cả nghìn lần”, TS Phùng Đức Tùng kể về những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến khảo sát. “Về nguyên tắc, mọi người dân đều đóng thuế, ngân sách dành cho giáo dục phải được phân bổ giống nhau cho tất cả các học sinh và chất lượng giáo dục công mà học sinh ở mọi vùng miền nhận được phải giống nhau. Một học sinh ở thành phố có chất lượng giáo dục công khác nhiều so với một đứa trẻ miền núi ngay từ lớp một thì làm sao đứa trẻ ở miền núi có thể có cơ hội vào đời ngang bằng với đứa trẻ thành phố được?”, anh nói.
Chúng ta tưởng như đã đạt được nhiều thành tựu về phổ cập giáo dục, đặc biệt là giáo dục tiểu học – tỷ lệ đi học ở mức khá đồng đều giữa các nhóm dân tộc và giữ ở mức trên 90%. Tuy vậy, nghiên cứu này đã chỉ ra trẻ em dân tộc thiểu số luôn có xuất phát điểm thấp hơn. Ngay từ số học liệu, sách, truyện mà một học sinh thuộc nhóm nghèo nhất hoặc nhóm dân tộc thiểu số có cũng không thể sánh được học sinh thuộc nhóm giàu hoặc nhóm người Kinh. Cụ thể, trong khi trung bình, một trẻ em người Kinh có 4,2 quyển truyện thì một trẻ người Thái và Dao có chưa tới 1 quyển; tương tự mỗi trẻ em ở nhóm giàu có tới 6,8 quyển truyện còn trẻ ở nhóm nghèo chỉ có 1,6 quyển. Trong điều kiện kém hơn hẳn đó, kết quả học tập của học sinh dân tộc thiểu số luôn sút kém hơn hẳn so với người Kinh. Báo cáo này cho thấy, trong khi trẻ em lớp 5 người Kinh đạt điểm trung bình 16.5 với bài kiểm tra môn Toán và 22,2 điểm môn Văn thì trẻ người Dao chỉ đạt lần lượt là 9,9 và 17 điểm, còn người Hmông chỉ 5,8 và 8,3 (thang điểm 30).
Tỉ lệ nghèo của dân tộc thiểu số và người Kinh tính theo huyện.
Những kết quả bi quan này sẽ đeo đuổi một đứa trẻ người dân tộc thiểu số đến hết cuộc đời, nhưng chưa dừng lại ở đó, nó còn được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bởi vì điều kiện giáo dục của cha mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kết quả học tập của học sinh. Học sinh có mẹ có trình độ từ trung học chuyên nghiệp và cao đẳng trở lên có điểm số môn Toán gần gấp 3 lần và điểm số môn Tiếng Việt gần gấp 2 lần so với học sinh có mẹ không đi học hoặc không học hết tiểu học. Đây là điều mà hầu như trẻ em dân tộc thiểu số khó được hưởng, vì tỷ lệ đi học cao đẳng và đại học trong độ tuổi 18-22 có sự khác biệt rõ rệt giữa các nhóm dân tộc, tỷ lệ này cao nhất ở dân tộc Kinh với khoảng 46%, trong khi đó tỷ lệ này ở người Khmer, H’mông và Dao chỉ dưới 10%. Tương tự, chi tiêu cho giáo dục cho một học sinh của hộ gia đình dân tộc Kinh cũng cao gấp khoảng 4 lần của hộ DTTS. Bất bình đẳng cơ hội của thế hệ này dễ trở thành “cái bẫy” cho thế hệ tương lai và trở thành vòng luẩn quẩn rất khó phá vỡ.
Sự bất bình đẳng không chỉ dừng lại ở các chỉ tiêu dễ nhìn thấy được như y tế, giáo dục, mà còn ảnh hưởng tới cả mức độ tham gia, tiếng nói của người dân trong các vấn đề chính sách xã hội. Nghiên cứu này cho thấy, các nhóm yếu thế bị hạn chế trong việc tiếp cận thông tin về pháp luật, bầu cử, các dịch vụ, v.v., khiến họ không có đủ không gian để lên tiếng về quyền lợi chính đáng của mình. Từ đó, những vướng mắc của họ không được giải quyết thấu đáo, quyền lợi của họ không được phản ánh đầy đủ trong các quy định dân sự và văn bản pháp luật, dẫn đến thiếu niềm tin và thờ ơ đối với các hoạt động cộng đồng.
Nhìn vào bức tranh trên chúng ta có thể thấy được rõ ràng “nhóm nào chiếm thu nhập nhiều nhất, đang hưởng lợi từ cái bánh GDP tăng lên nhiều nhất, để từ đó đề xuất các chính sách điều chỉnh, chuyển phần thu nhập đó sang các nhóm ít được hưởng lợi nhất” nhằm giúp ổn định xã hội, TS Phùng Đức Tùng nói. Anh cho biết, hiện nay Việt Nam đã áp dụng chính sách thuế thu nhập cá nhân nhưng chưa đánh thuế tài sản như nhiều quốc gia trong khi chênh lệch tài sản ngày càng lớn, và các nghiên cứu đo lường cụ thể này có thể làm đầu vào cho các cơ quan quản lý cân nhắc. Mặt khác, vì “các chính sách các ưu đãi [cho các nhóm yếu thế] bây giờ chưa ăn thua, mang tính hình thức hơn là có tác động thực sự”, nên nghiên cứu cũng đưa ra khuyến nghị cần có các chính sách đặc thù, có những chỉ tiêu đánh giá cụ thể, nhằm tăng cường chất lượng y tế giáo dục, gia tăng thu nhập cho người nghèo và người DTTS. “Ưu tiên hàng đầu là cần có hình thức đầu tư mới vào giáo dục cho các vùng này, ví dụ như phủ sóng internet miễn phí để cho trẻ học từ xa”, TS Phùng Đức Tùng nói. □