Cơ quan “hỏi-đáp” WTO

Được Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập tháng 3/2003, Văn phòng TBT Việt Nam (gọi tắt của Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về tiêu chuẩn đo lường chất lượng) có nhiệm vụ chính là thông báo và trả lời các hỏi đáp liên quan tới hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Việt Nam tới các nước thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới-WTO và ngược lại. Đến tháng 5/2005, Văn phòng TBT Việt Nam được Chính phủ quyết định là đầu mối quốc gia của Mạng lưới cơ quan thông báo về điểm hỏi đáp quốc gia của Việt Nam về hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Mặc dù chưa phải là thành viên chính thức của WTO nhưng sự ra đời của Văn phòng TBT Việt Nam chứng tỏ quyết tâm hội nhập và sự chuẩn bị kỹ càng của Việt Nam trước vận hội hội nhập với thế giới.

Hài hòa các “khác biệt”
“Chúng tôi đang dần dần từng bước một đẩy mạnh các hoạt động của mình để doanh nghiệp và các cơ quan liên quan biết nhiều hơn và sẵn sàng trả lời các câu hỏi liên quan tới hàng rào kỹ thuật trong thương mại liên quan tới Việt Nam và WTO”, ông Lê Quốc Bảo , Giám đốc văn phòng TBT Việt Nam mở đầu câu chuyện với chúng tôi tại một căn phòng nhỏ nằm trong trụ sở của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.


Xóa bỏ các rào cản trong thương mại là một trong những mục tiêu lớn nhất của WTO. Minh họa: Corbis

Nhiệm vụ của Văn phòng TBT trên thực tế khá nhiều (xem phần đóng khung), nhưng tựu chung lại là gồm 2 phần. Thứ nhất là thông báo các văn bản pháp quy kỹ thuật, các quy trình đánh giá sự phù hợp của Việt Nam đến các nước thành viên WTO và ngược lại. Thứ hai là trả lời các câu hỏi về văn bản pháp quy kỹ thuật, tiêu chuẩn, qui trình đánh giá sự phù hợp và các vấn đề liên quan tới hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Việt Nam và các nước thành viên WTO. Nói như ông Bảo, hai nhiệm vụ chính của TBT Việt Nam là “thông báo” và “hỏi đáp” các vấn đề liên quan tới hàng rào kỹ thuật trong thương mại liên quan tới WTO. Cụ thể hơn là điểm hỏi đáp quốc gia về tiêu chuẩn chất lượng và các vấn đề kỹ thuật cho các nước thành viên WTO và doanh nghiệp Việt Nam muốn hội nhập với quốc tế. “Theo Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (gọi tắt là TBT) của WTO, luôn có các khác biệt về các qui định kỹ thuật đối với hàng hóa (technical regulations) giữa các nước thành viên. Do vậy cần có một cơ quan có nhiệm vụ trả lời các câu hỏi của các bên liên quan để có thể đi tới một hài hòa, hạn chế các ngăn cản đối với thương mại trên phạm vi thế giới”, ông Bảo giải thích về sự ra đời của TBT Việt Nam.
Theo các con số thống kê của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, hiện tại Việt Nam có khoảng 6.000 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) trong đó chỉ có khoảng 25% là phù hợp hay tương đương với tiêu chuẩn quốc tế. Con số này ở mức trung bình so với một nước đang phát triển như nước ta. Ở các nước phát triển như ở Châu Âu, mức tiêu chuẩn tương đương cũng chỉ vào khoảng 60-80% tùy theo mỗi nước, ở Singapore, con số này là 40%. Tất nhiên, tiêu chuẩn càng phù hợp với quốc tế thì chất lượng hàng hóa càng tăng lên và khả năng xuất khẩu hàng hóa càng dễ dàng hơn. Chính vì vậy, theo ông Lê Quốc Bảo, Việt Nam dự kiến sẽ nâng mức tiêu chuẩn phù hợp với quốc tế lên khoảng 35% vào năm 2010 và tiếp tục tăng lên trong những năm sau đó.
Vì chưa là thành viên của WTO cho nên Văn phòng TBT Việt Nam chưa phải thực hiện nhiệm vụ thông báo các văn bản pháp qui của Việt Nam tới WTO và các nước thành viên. Tuy nhiên, văn phòng đang thực hiện các công việc chuẩn bị để có thể hoạt động hiệu quả ngay khi Việt Nam được kết nạp làm thành viên chính thức của WTO.”Chúng tôi đang rà soát lại các văn bản luật của Việt Nam, qui trình ban hành và thực thi xem có phù hợp với qui định và tiêu chuẩn của WTO hay không?”, ông Bảo cho biết.
Những khác biệt đầu tiên đã thấy rõ. Theo qui định của WTO, các nước thành viên phải có nhiệm vụ thông báo bằng văn bản về các biện pháp kỹ thuật, văn bản qui phạm chất lượng, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa… cho WTO biết từ khi các văn bản này còn ở dạng dự thảo (để cơ quan này can thiệp khi phát hiện thấy có các biểu hiện rào cản thương mại) và trước khi ban hành 60 ngày. Tuy nhiên, theo qui định của Việt Nam, các văn bản dự thảo không được công bố và thường  chỉ được gửi tới các cơ quan liên quan để đóng góp ý kiến trước khi ban hành khoảng 20 ngày. Cũng như vậy đối với thời hạn văn bản luật có hiệu lực thi hành. WTO qui định thời hạn này khoảng 60 ngày sau khi ban hành nhưng ở Việt Nam thì thường là “15 ngày sau khi đăng Công báo”. “Hài hòa” những chuyện này quả là không dễ và để giải quyết được điều này, Việt Nam buộc phải thay đổi các qui trình ban hành luật và văn bản pháp luật. “Dự kiến Luật tiêu chuẩn hóa được đưa ra Quốc hội thông qua vào năm nay sẽ điều chỉnh lại các qui định về hiệu lực thi hành các văn bản luật phù hợp hơn với WTO”, ông Bảo cho biết.

Ai quan tâm?
Mặc dù ra đời được gần 3 năm nhưng các hoạt động “hỏi-đáp” của Văn phòng TBT Việt Nam vẫn chưa được nhiều vì các lý do khác nhau. Trước mắt là bởi những câu hỏi tới văn phòng vẫn còn ít do số người biết tới TBT Việt Nam còn hạn chế. “Do Việt Nam chưa phải là thành viên WTO nên chúng tôi vẫn chưa công khai cơ quan hỏi đáp và chưa khuyếch trương văn phòng. Hơn nữa, các công việc chúng tôi đang thực hiện vẫn chỉ là giai đoạn chuẩn bị cho nên vẫn còn quá nhiều việc phải làm”, ông Bảo nói.
Theo Quyết định 114/2005 của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng TBT Việt Nam ngoài việc là “Cơ quan thông báo và Điểm hỏi đáp của Việt Nam về hàng rào kỹ thuật trong thương mại” còn có nhiệm vụ giúp các cơ quan, bộ, ngành và địa phương xây dựng các Cơ quan thông báo và Điểm hỏi đáp cấp bộ và các tỉnh, thành phố về TBT. Những cơ quan thuộc bộ thì đặt tại các Bộ liên quan, cơ quan cấp tỉnh, thành phố thì đặt tại các Sở Khoa học và Công nghệ của địa phương. “Hiện nay, các điểm hỏi đáp ở các bộ thì gần như đã được thiết lập nhưng ở các địa phương thì chỉ được khoảng 50% và việc này cần phải đẩy mạnh trong thời gian tới”, ông Lê Quốc Bảo cho biết.
Để tạo điều kiện cho nhiều người biết tới Văn phòng TBT Việt Nam, hiện cơ quan này đã xây dựng một trang web tại địa chỉ: www.tbtvn.org để cung cấp các văn bản pháp quy kỹ thuật và tài liệu liên quan tới TBT, các thông báo mới nhất của các nước thành viên WTO về TBT, tin tức cảnh báo xuất khẩu và diễn đàn trao đổi, thảo luận nhằm mục đích giải đáp các câu hỏi liên quan. Bên cạnh đó, Văn phòng TBT Việt Nam cũng ra các bản tin hàng tháng trong đó thông tin các hoạt động TBT trong và ngoài nước, tổ chức các hội thảo, các đợt tập huấn đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn, phổ biến kiến thức về hàng rào kỹ thuật trong thương mại và cung cấp dịch vụ thông tin, tư vấn về các vấn đề liên quan. “Qua khoảng 25 hội thảo, lớp tập huấn mà chúng tôi tổ chức trong năm 2005, điều thú vị nhận thấy là sự quan tâm của doanh nghiệp, cơ quan thuộc khu vực miền Nam rất lớn, chiếm tới hơn 50% tổng số. Điều này phần nào chứng tỏ các doanh nghiệp miền Nam quan tâm tới WTO nhiều hơn. Tuy nhiên, cũng có thể do quán tính mà nhiều cơ quan, doanh nghiệp khi gặp các vấn đề kỹ thuật thường hỏi các bộ, ngành liên quan”, ông Bảo nói. Đối với các phía nước ngoài, câu hỏi thường đến từ các doanh nghiệp muốn có quan hệ làm ăn với Việt Nam hoặc các thương vụ thuộc Đại sứ quán của các nước.
Nhận xét về khả năng và thực lực của Văn phòng TBT Việt Nam, ông Lê Quốc Bảo cho biết: “Với khoảng 10 người làm việc cho văn phòng hiện nay, chúng tôi tin tưởng rằng có thể đảm đương được nghĩa vụ thông báo khi Việt Nam gia nhập WTO. Tuy nhiên, trách nhiệm giải đáp chắc chắn đòi hỏi một nhân lực lớn hơn, đặc biệt là cần tới sự tham gia của một đội ngũ các chuyên gia của nhiều bộ, ngành, địa phương. Tất cả đang được chuẩn bị và hy vọng sẽ hoạt động nhịp nhàng trong tương lai”./.

                            Các nhiệm vụ của Văn phòng TBT Việt Nam
– Thông báo các văn bản pháp quy kỹ thuật, các quy trình đánh giá sự phù hợp của Việt Nam đến các nước thành viên WTO và ngược lại.
– Trả lời các câu hỏi về văn bản pháp quy kỹ thuật, tiêu chuẩn, qui trình đánh giá sự phù hợp và các vấn đề liên quan tới hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Việt Nam và các nước thành viên WTO.
– Điều phối hoạt động, hướng dẫn nghiệp vụ thông báo và hỏi đáp cho các cơ quan trong mạng lưới TBT Việt Nam
– Thực hiện chức năng thư ký cho Ban liên ngành của Việt Nam về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (gọi tắt là Ban liên ngành về TBT).
– Tham gia các hoạt động đàm phán, hợp tác quốc tế song phương, đa phương về hàng rào kỹ thuật trong thương mại theo sự phân công của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
– Phổ biến kiến thức về hàng rào kỹ thuật trong thương mại.

 Nguồn: Văn phòng TBT Việt Nam
P.V

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)