Con dao hai lưỡi
Năm 1928, nhà khoa học người Anh Alexander Fleming đã phát hiện ra rằng các sản phẩm từ chu trình biến dưỡng của nhiều loại vi sinh và nấm mốc, như penicilline, có thể ngăn chận sự phát triển của vi sinh khác. Từ đó, thuốc kháng sinh đã từng bước nhanh chóng trở thành một phần quyết định trong phác đồ điều trị bệnh bội nhiễm.Thuốc kháng sinh sở dĩ tiếp tục giữ vai trò quan trọng vì vi trùng, dù với kích thước thường khi không đến một phần ngàn milimét, là nguyên nhân của nhiều bệnh lý nghiêm trọng.
Mẹo vặt cho người bệnh
– Không phải bệnh nào cũng cần thuốc kháng sinh. Cần can đảm đặt vấn đề với thầy thuốc về phản ứng phụ của thuốc cũng như giải pháp khác, thay vì chấp nhận toa thuốc với thuốc kháng sinh hầu như đã được viết sẵn! |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nhờn thuốc, nhưng lý do hàng đầu, dù nói thật khó tránh mất lòng, là do thầy thuốc kê đơn cho thuốc kháng sinh quá dễ dàng. Biết là thuốc kháng sinh không có tác dụng trên vi khuẩn, nhưng thuốc kháng sinh vẫn được áp dụng trong 4/5 trường hợp cảm cúm hay viêm phế quản do siêu vi! Ngay cả với trường hợp viêm tai giữa cũng thế, trong khi chỉ 1/3 số trường hợp là do vi trùng thì thuốc kháng sinh hầu như có mặt trên tất cả toa thuốc trị viêm tai! Tỷ lệ nhiễm trùng còn thấp hơn nữa trong trường hợp bội nhiễm trên đường tiêu hóa và tiết niệu, nhưng thuốc kháng sinh vẫn là thành phần tìm thấy trong 3/4 toa thuốc!
Tệ hơn nữa là khuynh hướng áp dụng bừa bãi thuốc trụ sinh có tầm tác dụng rộng khiến không những nhiều loại vi trùng trở nên nhờn thuốc mà còn tác hại trên môi trường vi sinh đường ruột giúp cho nấm mốc có cơ hội phát triển trên trục tiêu hóa. Tiêu chảy vì thế là phản ứng thường gặp trên bệnh nhân thường xuyên dùng thuốc kháng sinh hay dùng trong thời gian quá lâu.
Thêm vào đó, vi trùng cũng có thể nhờn thuốc do người bệnh vì thiếu hướng dẫn nên dùng thuốc không đúng liều lượng hay ngưng thuốc quá sớm. Không nên quên là thời gian dùng thuốc kháng sinh thay đổi rất nhiều, có thể từ ít ngày cho đến nhiều tháng, tùy theo loại vi trùng sinh bệnh, và tùy theo cơ chế tác dụng của thuốc kháng sinh.
Tuy thầy thuốc bắt buộc phải dùng thuốc kháng sinh trong một số trường hợp, cho dù ngay khi chưa hoàn toàn xác định được chẩn đoán, như nghi ngờ viêm màng não, viêm cuống rốn ở trẻ sơ sinh, viêm khớp cấp sau khi chọc dò, sốt kéo dài hơn 48 giờ không rõ nguyên nhân ở trẻ con hay nhiều tuần ở người lớn…, nhưng trong mọi trường hợp, việc lạm dụng thuốc bao giờ cũng là nguyên nhân dẫn đến nhờn thuốc.
Trên nguyên tắc, thầy thuốc cần thực hiện kháng sinh đồ để chọn đúng thuốc kháng sinh, đặc biệt khi liệu pháp kháng sinh không hiệu quả sau vài ngày áp dụng. Trên thực tế, điều kiện này không phải lúc nào cũng khả thi và không phải thầy thuốc nào cũng sẳn sàng tuân thủ điều đó. Hậu quả là thuốc kháng sinh dễ bị áp dụng bừa bãi, cho dù thầy thuốc hiện nay nhờ phương tiện chẩn đoán nhanh nên có thể phân biệt nguyên nhân nhiễm trùng hay nhiễm siêu vi, thay vì nhắm mắt cho thuốc như ở vài thập niên trước đây.
Ngoài ra, tình trạng nhờn thuốc một phần cũng do cơ thể tiếp xúc quá dễ dàng với thuốc kháng sinh, chẳng hạn do việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong kỹ nghệ chăn nuôi, hay vì khuynh hướng áp dụng thuốc kháng sinh quá vội vã trên trẻ sơ sinh.
Không chỉ vì sai lầm từ phía con người, vi trùng sở dĩ kháng thuốc nhanh còn nhờ khả năng thay đổi cấu trúc bằng cách hoán chuyển di thể. Ngay từ lần đầu tiếp xúc với thuốc kháng sinh, nhiều loại vi trùng đã biết cách vô hiệu hóa tác dụng của thuốc. Không dừng lại ở đó, vi trùng còn có khả năng triển khai đặc tính kháng thuốc qua các thế hệ kế tiếp. Chính vì thế mà sau giai đoạn đầu hiệu quả, nhiều loại thuốc kháng sinh bỗng trở nên hết khả năng bén nhọn! Tệ hơn nữa, một số vi trùng thậm chí có khả năng đề kháng với tất cả thuốc kháng sinh!
Cơ chế kháng thuốc của vi trùng:
Trên lý thuyết, thuốc kháng sinh có công năng ngăn chặn sự phát triển hay thậm chí phá vỡ cấu trúc của vi trùng Trên thực tế, vi trùng không dễ dàng bó tay đầu hàng. Ngược lại, nhờ nhiều chiến thuật tinh vi, vi trùng có thể tự phát triển khả năng kháng thuốc tương đối không khó thông qua nhiều cơ chế: |
Tình trạng lờn thuốc càng lúc càng trở nên trầm trọng do ba lý do cơ bản:
– Theo thống kê của viện y học môi trường và vệ sinh bệnh viện ở Freiburg, thuốc kháng sinh không được áp dụng đúng trong 30 đến 50% trường hợp bội nhiễm, thường không chỉ sai về liều lượng hay liệu trình mà thậm chí cả với việc chọn lựa hoạt chất! Chính vì thế mà nhiều loại vi trùng có thể sống còn và phát triển khả năng đề kháng.
– Do thiếu biện pháp vệ sinh cơ bản, như thói quen rửa tay nhiều lần trong ngày, mà số trường hợp nhiễm trùng gia tăng dễ dàng, đặc biệt trong môi trường dễ bội nhiễm, như bệnh viện, phòng khám
– Bội nhiễm càng nhiều thì xác suất áp dụng thuốc kháng sinh không đúng cách càng cao.
– Số bệnh nhân có cơ tạng dễ bội nhiễm vì hệ thống miễn nhiễm suy yếu, như bệnh nhân hậu xạ trị, hậu phẩu, tiểu đường… gia tăng với vận tốc nhanh hơn công trình nghiên cứu về thuốc kháng sinh. Hơn thế nữa, thuốc kháng sinh đời mới, cho dù được chuẩn bị công phu, vẫn không đuổi kịp vận tốc biến thể của vi trùng. Nhiều đại gia trong ngành dược vì thế đã ngưng đầu tư cho dự án nghiên cứu thuốc kháng sinh mới vì khó có lời.
Nhằm mục tiêu ngăn chận tình trạng nhờn thuốc kháng sinh, nhiều nhà điều trị đang mạnh dạn cổ động cho một số biện pháp, như:
– Áp dụng phương pháp chủng ngừa để giảm thiểu việc phải áp dụng thuốc kháng sinh. Ở Đức mỗi năm có khoảng 500.000 người nhiễm bệnh viêm phổi do vi trùng pneumocoque với tỷ lệ tử vong hãy còn rất cao, không dưới 1/20. Nhưng dù vậy chỉ có 20% dân số chú trọng đến biện pháp chủng ngừa! Con số đó không thể khá hơn ở nước mình.
– Vận dụng hoạt chất có khả năng gây xáo trộn cấu trúc của di thể tế bào để làm vi trùng mất tính đề kháng, như Apramycin, theo như báo cáo gần đây ở Hoa Kỳ. Điều đáng tiếc là còn cần thời gian nghiên cứu cho đến khi hoàn chỉnh được hoạt chất để không chỉ hiệu quả mà đồng thời an toàn cho cơ thể con người.
– Ứng dụng hoạt chất trong dược liệu thiên nhiên có công năng cản khuẩn trên cơ chế sinh học thay vì sát khuẩn đồng loạt để vừa tránh hiện tượng nhờn thuốc, vừa giới hạn phản ứng phụ của thuốc.
Vấn đề nhờn thuốc kháng sinh sẽ không thể giải quyết nếu thiếu nhận thức của người bệnh, và quan trọng hơn nữa, nếu thiếu kiến thức và ý thức của thầy thuốc. Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh là một vấn nạn cấp bách không chỉ vì gánh nặng tài chính cho ngành y tế, mà trên hết, vì sức khỏe của người dân. Đó chính là trách nhiệm quản lý của ngành y tế. Một vài biểu ngữ với nội dung “Thuốc kháng sinh, con dao hai lưỡi” chỉ có tính cách trình diễn. Người dân, người bệnh không cần khẩu hiệu!