Con đường khoa học

Trên bia mộ của I.Newton – nhà khoa học nổi tiếng người Anh (1643-1727) có khắc dòng chữ “Cả thế giới chìm trong u tối/Chúa phán rằng đã có Newton/Và thế giới bừng lên ánh sáng”*. Đó là lời vinh danh chuẩn xác về I.Newton, về vai trò của khoa học và các nhà khoa học.


Baruch Spinoza ở Amsterdam. Họa sĩ vô danh. Nguồn: Lebrecht Music & Arts/Alamy.

Sách Kinh Thánh cũng chứa các “phép màu”, ví dụ như chuyện một người bị bệnh hủi, chỉ nhờ xuống tắm nước sông mà khỏi bệnh. Theo các chuyên gia y học thời nay, người đó chỉ bị bớt trắng của căn bệnh vitiligo, nhưng do thiếu hiểu biết nên ngày xưa người ta cứ nhìn thấy vết bớt vitiligo thì coi đó là bệnh hủi. 

Kể cả khi đã có khoa học, thì việc phổ biến cho con người các kiến thức, phương pháp suy luận logic khoa học, cũng không dễ dàng. Cho đến nay, vẫn có nhiều người phủ nhận Học thuyết Tiến hóa của Darwin, phản đối vaccine, và lo cúng lễ thánh thần nhiều hơn là lo tu luyện bản thân. 

Khi được hỏi có tin vào Chúa không, nhà bác học Einstein trả lời “Tôi tin vào Chúa của Spinoza”- đó là một triết gia từ thế kỷ 17 đã đưa phương pháp logic khoa học vào việc nghiên cứu khái niệm về Chúa, gạt bỏ đi những “phép màu” phi tự nhiên. Spinoza không bị đem lên giàn thiêu như nhà bác học Bruno, nhưng cũng bị giáo hội Do Thái kết tội là tà đạo.

Đứng trước những điều không biết, con người chúng ta thường chỉ có thể lựa chọn giải pháp hoặc là đơn giản nhắm mắt tin theo lời ai đó, hoặc phức tạp hơn là động não tìm tòi thông tin và suy luận logic. Giải pháp thứ hai chính là con đường khoa học, vất vả hơn và không phải lúc nào cũng có thể thực hiện. Nhưng nó giúp chúng ta mở mang trí tuệ, vượt lên trên các giáo điều.

Có nhiều người quan niệm rằng thời nay khi đã có máy móc trợ giúp, thì có những thứ chúng ta không cần học nữa, học là thừa: toán học đã có máy tính tính nhanh hơn con người, ngoại ngữ đã có máy phiên dịch… v.v. Và nếu cứ theo lý luận đó thì con người dần dà sẽ chẳng cần học nhiều. Nhưng quan niệm đó đã bỏ qua một điều quan trọng, đó là nếu ỷ lại vào máy móc thì con người sẽ ngày càng ngu dốt đi, kém hiểu biết đi khi máy móc ngày càng thông minh lên.

Nói theo các thiền sư, sự không hiểu biết hay hiểu sai chính là gốc rễ của mọi đau khổ. Để hạnh phúc, buông bỏ được đau khổ thì con người cần hiểu nhiều hơn và hiểu đúng hơn các quy luật của vũ trụ và của cuộc sống, hướng tới sự thông tuệ. Từ Phật hay ông Bụt (Buddha) có gốc là từ Buddhi, có nghĩa là sự hiểu biết, và Phật chẳng qua là người đã đạt đến thông tuệ. Con đường khoa học chính là con đường hướng tới thông tuệ, nó không chỉ quan trọng đối với các nhà khoa học, mà cho cả nhân loại.

Ngày nay, chúng ta có may mắn được sống trong một thế giới mà khoa học phát triển không ngừng, và ngày càng được dân chủ hóa. Nếu cách đây vài thế kỷ, chỉ có những người  trong gia đình khá giả mới được học hành, thì thời nay con em nông dân nghèo cũng có thể trở thành nhà khoa học. 

Khoa học công nghệ mới đã đem lại cho con người rất nhiều tiện ích mà cách đây nửa thế kỷ khó có thể hình dung nổi, như là điện thoại di động, máy vi sóng, TV màn hình phẳng, v.v. Trái đất của chúng ta chỉ có “từng đó” phân tử, sự tăng trưởng kinh tế về cơ bản là sự cải thiện về chất chứ không phải về lượng. Thế giới văn minh lên, khoa học phát triển lên, chứ không nhiều vàng bạc lên. Sự tăng trưởng về chất đó ít bị giới hạn bởi tài nguyên thiên nhiên, ngoài một tài nguyên quan trọng nhất, chính là khả năng hiểu biết và sáng tạo của con người. Có nhiều nghề sẽ bị máy móc thay thế, nhưng những nghề đòi hỏi tính sáng tạo như khoa học và nghệ thuật sẽ không phải lo thất nghiệp.

Nhìn một cách vĩ mô, những nơi nào trên thế giới mà khoa học được đầu tư mạnh nhất, cũng chính là những nơi kinh tế phát triển nhanh nhất. Ví dụ điển hình là đất nước Trung Quốc, nơi mà giảng viên đại học được trả lương cao hơn luật sư, bác sĩ. Từ một nền kinh tế lạc hậu thời Mao, Trung Quốc đã vươn lên thành nền kinh tế và khoa học hùng mạnh nhất nhì thế giới. Nơi nào các chính trị gia có nền tảng khoa học, logic tốt, ví dụ như bà Merkel của nước Đức, thì đó cũng là một lợi thế cho sự phát triển. 

Ở mức độ cá nhân, ai đem lại ảnh hưởng được đến hàng triệu người khác thì người đó là “triệu phú”. Hậu duệ của nhà văn Saint-Exupery hằng năm vẫn được hưởng hàng triệu euro nhờ bản quyền tác phẩm “Hoàng Tử bé” nổi tiếng thế giới của ông. Các nhà khoa học lớn đều có ảnh hưởng đến toàn thế giới, và như vậy họ đều là “triệu phú”. Tuy nhiên, thực tế họ thường chỉ có một cuộc sống vật chất khá khiêm tốn, bởi toàn bộ sự cống hiến của họ là hướng tới cộng đồng chứ không giữ làm của riêng. Các nhà khoa học làm việc trước hết vì đam mê chứ không phải vì tiền. Nhưng để làm việc hiệu quả, họ cũng cần được tạo mọi điều kiện về vật chất. Liên bang Xô viết (Liên Xô) trước đây là một cường quốc khoa học, nhưng sau khi sụp đổ thì khoa học bị bỏ đói, các nhà khoa học rơi vào cảnh lao đao, nền khoa học phải mất hàng thập kỷ để khôi phục. Không chỉ ở Liên Xô mà nhiều nơi khác cũng vậy, mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn thì các nhà khoa học lại phải lo sống còn nhiều hơn là lo làm khoa học.

Bản thân tôi là sinh viên ở Nga đúng thời Liên Xô sụp đổ nên cũng có trải nghiệm sự lao đao đó, và đã nhiều lần toan tính bỏ nghề. Tuy nhiên, tôi không hề hối hận là mình vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học trong suốt 30 năm, dù có những năm phải lo kiếm tiền trả nợ nhiều hơn là lo làm toán. Cuộc sống là chuỗi các trải nghiệm, và khoa học đã đem lại cho tôi những trải nghiệm tuyệt vời mà không tiền nào mua được.

Bà Sofia Kowalevskaya được gọi là “nhà toán học có hai ý tưởng” trong một cuốn sách lịch sử khoa học. Đó là một lời khen ngợi, bởi thông thường khi nói đến một nhà khoa học lớn người ta chỉ biết đến một ý tưởng lớn của người đó thôi. Như ông Maxwell thì có phương trình Maxwell, ông Pasteur thì làm ra vaccine, v.v. Một nhà khoa học nghiên cứu cả đời để đạt được dù chỉ một công trình có ý nghĩa lớn cũng đã đủ coi là rất thành công. Còn nếu rơi vào bẫy thành tích giả, chạy theo số lượng thay vì chất lượng, theo kiểu “mười giun” thay vì “một rồng”, thì cuối cùng vẫn chẳng có mấy giá trị.

Cống hiến khoa học của tôi dù ở mức khiêm tốn, nhưng tôi cũng chỉ theo đuổi chủ yếu một ý tưởng chính trong suốt 30 năm, đó là ý tưởng về các Xuyến. Một trong các định luật về Xuyến mà tôi phát hiện ra là: “Bất cứ cái gì được bảo toàn bởi một hệ động lực thì cũng được bảo toàn bởi xuyến của hệ đó”. Về mặt triết học, Xuyến tức là những thứ có tính chất tuần hoàn, và tuần hoàn dẫn tới ổn định. Bản thân cuộc sống để mà tồn tại cần có sự tuần hoàn và ổn định đó. Xuyến như là một thứ “trời định” luôn gắn với tôi từ thưở nhỏ, nên tôi phải theo đuổi nghiên cứu nó, và khi lập ra một công ty về trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), thì một cách tư nhiên tôi cũng gọi nó là “công ty Xuyến” (Torus AI).

Các nhà khoa học lý thuyết ít ai giàu có về mặt vật chất, nhưng nếu áp dụng được các kiến thức khoa học vào công nghệ và cuộc sống, thì có thể làm giàu một cách chính đáng. Đó cũng là một con đường khá hấp dẫn cho những người yêu khoa học. Và khi các công ty công nghệ chia sẻ lợi nhuận của mình qua việc đầu tư vào các trường đại học và các viện nghiên cứu công, thì đó cũng là một cách rất tốt giúp toàn bộ nền khoa học phát triển. Bản thân công ty Torus của tôi tuy còn nhỏ nhưng cũng luôn dành những khoản hỗ trợ cho các nhà toán học và tạo học bổng cho các sinh viên xuất sắc. □

* Tác giả tạm dịch.

 

 

Tác giả

(Visited 43 times, 1 visits today)