Cơn giận dữ được báo trước

Hiện tượng El Nino, bắt đầu từ năm 2006, vừa chấm dứt thì gần như lập tức, “chị em song sinh” của nó là La Nina đã xuất hiện. Có thể nói 4 đợt lũ lụt kéo dài liên tiếp trong gần hai tháng nay ở miền Trung là tồi tệ nhất trong vòng gần 10 năm trở lại đây. Điều đáng nói là sự kiện thiên tai này đã được cảnh báo từ rất sớm, nhưng thiệt hại về người và của vẫn cứ xảy ra,và cho đến thời điểm này các tỉnh miền Trung đã gần như kiệt quệ khi mà những tháng mưa dầm vẫn còn dằng dặc phía trước.

Ngay trong tháng 2.2007, khi mà mùi vị khô hạn của El Nino vẫn còn lảng vảng trên những triền núi lở lói dọc đường Trường Sơn, Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng khí hậu (thuộc Viện Khí tượng Thuỷ văn) đã thông báo về một trạng thái thời tiết đang có dấu hiệu chuyển biến rất nhanh, như là một hiện tượng hiếm có. Thông thường hai hiện tượng thời tiết trái ngược nhau thường cách nhau 5 đến 6 tháng, có khi 1 năm, thậm chí là nhiều năm. Mỗi đợt La Nina thường kéo dài từ mùa thu của năm này đến mùa hè năm sau. Khi La Nina xảy ra sẽ gia tăng bão và áp thấp nhiệt đới (gọi chung là xoáy thuận nhiệt đới) trên khu vực xích đạo Thái Bình Dương và dẫn đến mưa lớn kéo dài. Ở VN nếu có La Nina, khu vực phải hứng chịu thiệt hại nhiều nhất sự tàn phá của thiên tai là dải Trung Bộ (từ Nghệ An đến Bình Thuận), vì hoạt động xoáy thuận nhiệt đới sẽ gia tăng vào khu vực này. Trên thực tế, vẫn có những năm VN không xuất hiện La Nina, thậm chí có năm xuất hiện El Nino hoặc hiện tượng trung gian nhưng vẫn đủ gây ra mưa lụt. Tuy nhiên mưa lụt liên tiếp đến bốn, năm đợt như thế này thì quá nhiều. Sự thật là thiên nhiên đang đòi nợ chúng ta.

 
Lụt trong phố cổ Hội An

Giữa tháng 3.2007, các chuyên gia Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) đã thông báo mới phát hiện thấy nhiệt độ nước biển lạnh hơn mức bình thường tại khu vực Thái Bình Dương xích đạo, dấu hiệu điển hình của La Nina. Xin được nhắc lại là La Nina thường xuất hiện khi nhiệt độ nước biển thấp hơn nhiệt độ chuẩn (khoảng 25 độ C) từ 0,5 độ C trở đi. Nếu nhiệt độ mặt nước biển chỉ thấp hơn nhiệt độ chuẩn trong phạm vi 0– 0,5 độ C thì đó là trạng thái trung gian. Ngược lai, nếu nhiệt độ mặt nước biển cao hơn nhiệt độ chuẩn thì đó là hiện tượng El Nino. Thông thường sau một chu kỳ El Nino là đến chu kỳ trung gian hoặc La Nina. Cộng với những thay đổi trong áp suất khí quyển và gió, La Nina có thể ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu. Ở thời điểm đó NOAA khẳng định chưa thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng của La Nina, cho nên đã đưa ra một nhận định chỉ đúng được 50%: hiện tượng thời tiết này sẽ gây nhiều bão tố trên Đại Tây Dương nhưng lại làm giảm nguy cơ bão ở Thái Bình Dương. Thực tế là Thái Bình Dương đã dậy sóng suốt từ cuối tháng 9 cho đến nay.
Cuối tháng 10.2007 khu vực Trung Mỹ đã hứng chịu hậu quả của bão lũ, mà cụ thể là bão nhiệt đới Noel. Số người chết trong cơn bão này lên đến 36 người tại hai nước Dominica và Haiti. Trong khi cơn bão này trên đường đến thăm Cuba thì những trận mưa lớn liên tục đổ xuống khu vực đảo Hispaniola, kéo theo ngập lụt và lũ bùn khiến gần 12 nghìn người phải rời bỏ nhà cửa, trong khi 3 nghìn căn nhà bị nước lũ nuốt gọn. 36 thành phố ở khu vực bị bão tràn qua đã hoàn toàn bị nước sông tràn bờ cô lập và vô số cầu cống bị cuốn theo dòng nước hung hãn.
Đối với bang Tabasco của Mexico, đây là trận lũ lụt tồi tệ nhất trong 50 năm qua.
Nhà chức trách Mexico đã phải mở một chiến dịch giải cứu quy mô lớn nhất từ trước đến nay sau khi mưa lớn gây ngập lụt làm hàng ngàn người bị mắc kẹt. Mưa lớn bắt đầu vào cuối tháng 10.2007 khiến nhiều con sông bị tràn bờ. Villahermosa, thủ phủ bang, cùng nhiều thành phố, thị trấn khác biến thành những hồ nước khổng lồ, chỉ còn lại các mái nhà và ngọn cây lấp ló trên mặt nước. Có đến 700 nghìn người bị ảnh hưởng do lũ lụt, và gần một nửa trong số đó đang bị mắc kẹt trong nhà.
Có một điểm chung dễ nhận ra tại những nơi thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề từ thiên tai, đó là những địa bàn thuộc phạm vi các quốc gia nếu không phải nghèo đói thì cũng chỉ trong giai đoạn mới phát triển, nghĩa là ở những nơi mà thiên nhiên lẫn môi trường đang phải chịu những thử thách lớn do tài nguyên đất đai bị khai thác vượt giới hạn chịu đựng.


Miền Trung nước ta cũng ở trong tình trạng đó, những năm gần đây những trận lũ lụt lớn xảy ra ở các tỉnh ven biển với mật độ ngày càng dày đặc. Đặc biệt là hai cơn lũ lụt liên tiếp từ đầu tháng 11 đến đầu tháng 12.1999 đã làm gần 750 người thiệt mạng và tổn thất tài sản và mùa màng lên đến 300 triệu USD. Bão lụt cũng đã làm thiệt mạng gần 450 nguời năm 1998 và 400 người năm 1996. Ngoài ra, lũ lụt cũng đã gây nên những thiệt hại to tát về nhà cửa, mùa màng, cầu cống và đường xá, làm cho một khu vực vốn đã nghèo lại càng nghèo hơn. Ở thời điểm này hầu như tất cả các tỉnh thuộc khu vực Bắc miền Trung đều đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ có kế hoạch cứu trợ khẩn cấp.
Bờ biển miền Trung dài 1200 km với dãy Trường Sơn chạy suốt theo bờ biển, nên đồng bằng ở miền Trung rất hạn hẹp. Có nhiều sông tương đối lớn như sông Gianh ở Quảng Bình, sông Thạch Hãn ở Quảng Trị, sông Hương ở Huế, sông Thu Bồn ở Quảng Nam, sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi. Sông suối nhiều nhưng chiều dài các sông đa số ngắn và có độ dốc lớn. Lưu vực các sông thường là đồi núi nên nước mưa đổ xuống rất nhanh. Các cửa sông lại hay bị bồi lấp làm cản trở việc thoát lũ cho vùng đồng bằng. Nói tóm lại nguyên nhân chính của lũ lụt ở miền Trung là những trận mưa lớn ở thượng nguồn và vùng đồng bằng, còn các nguyên nhân khác như nạn phá rừng thì lại làm cho mức độ lũ lụt thêm trầm trọng. Ảnh hưởng của nạn phá rừng đối với lũ lụt đã và đang được tranh luận trên khắp thế giới. Theo Cơ quan Nông Lương của Liên Hiêp Quốc (FAO), mức độ phá rừng xảy ra ở châu Á đã tăng từ 9,5% trong thập niên 1960 đến 11% trong thập niên 1980. Cũng như nhiều nơi khác trong nước, rừng ở các tỉnh miền Trung đang bị tàn phá nghiêm trọng. Hiện nay diện tích rừng tự nhiên ở khu vực này chỉ còn khoảng 40% so với 20 năm trước. Điều đáng buồn là chiến tranh, bom đạn đã không đầu độc môi trường nhiều hơn những gì mà con người đã gây ra trong hơn 30 năm xây dựng đất nước. Nạn phá rừng, việc khai thác cát sỏi và việc quy hoạch hệ thống đê đập bất hợp lý là những gì đang diễn ra ở miền Trung liên tục trong nhiều thập kỷ qua, khiến cho sự tàn phá của thiên tai ngày càng trởnên tồi tệ hơn. Và điều đáng buồn hơn nữa là việc huỷ hoại thiên nhiên luôn luôn được thực hiện với những “chiến dịch” kéo dài, liên tục và mang tính huỷ diệt vì được đẩy đến tận cùng.
Vào những năm 1980, suốt một dãi thuộc sườn đông rặng Trường Sơn từ bắc Quảng Ngãi ra tận Quảng Bình, những cánh rừng gỗ kiền kiền (dù chỉ thuộc gỗ nhóm 3 nhưng đây lại là một loại lâm đặc sản chỉ có ở rừng miền Trung) rộng hàng trăm héc ta đã bị tiêu diệt bởi những hoạt động khai thác mà phần lớn là trái phép được ngụy tạo dưới nhãn mác những lâm trường không trồng cây gây rừng mà chuyên về khai thác, chế biến gỗ. Nên nhớ rằng ở thời điểm đó tiềm lực và khả năng cơ giới của lực lượng lâm tặc là rất hạn chế, thị trường mua bán gỗ kiền kiền hầu như công khai thông qua các cơ sở kinh doanh thuộc các lâm trường. Với sự tiếp tay của chính quyền các địa phương, khối lượng gỗ khai thác có thể nói là rất lớn chỉ trong vòng mười năm ngắn ngủi. Những năm 1990, mặc dù đã có lệnh đóng cửa rừng của Chính phủ nhưng tình hình không hề giảm. Lần này không còn kiền kiền nữa mà sang một loại gỗ còn hiếm hơn bởi thời gian sinh trưởng chậm hơn, đó là các loại gỗ chò chỉ và chò đá. Quốc lộ 14 B hằng ngày rầm rập những đoàn xe chở gỗ lậu khai thác từ sườn tây rừng phòng hộ đầu nguồn và khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa, thuộc địa bàn các huyện Đông Giang và Nam Giang của tỉnh Quảng Nam và sườn nam vườn quốc gia Bạch Mã của Thừa Thiên Huế. Mức độ nghiêm trọng trong câu chuyện của gỗ chò là sự hình thành hẳn những đường dây vận chuyển gỗ chò sơ chế ra các tỉnh phía bắc để bán sang Trung Quốc. Với một thị trường tiêu thụ được đánh giá là có nhu cầu gần như vô tận như thế, cho đến những năm đầu thế kỷ 21 gỗ chò đã trở nên quý hiếm gần như trầm hương ngay trên vùng đất đã sinh ra nó. Hiện nay những câu chuyện tương tự như thế đang lập lại với gỗ trắc và gỗ sưa. Thậm chí để thoả mãn nhu cầu của thị trường xuất khẩu, người ta đã vào cả vườn quốc gia Yok Đôn (Đắc Lắc) để săn lùng gỗ trắc. Nghĩa là không phải khai thác rừng bừa bãi nữa mà người ta có hẳn những chiến dịch tiêu diệt một số loài thực vật đặc trưng của rừng bản địa, bất chấp vị trí cần thiết của nó trong quan hệ môi sinh, an toàn sinh thái. Trong khi đó thì chương trình trọng điểm quốc gia trồng mới 5 triệu héc ta rừng, mà địa bàn thực hiện chủ yếu ở miền Trung, cho đến nay đã chính thức được công nhận là đã phá sản.
Chúng ta đối xử với thiên nhiên như thế thì chuyện lũ lụt tàn phá ở miền Trung hiện nay là tất yếu, không thể khác được. Kể cả khi có được cảnh báo sớm hơn nữa vẫn thế, không có cách gì tránh được cơn giận dữ, trả đũa của thiên nhiên.
————

Hải Văn

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)