Con người đẩy nhanh chu trình muối tự nhiên trên toàn cầu

Các quá trình địa chất và thủy văn đưa muối lên bề mặt Trái đất theo thời gian, nhưng các hoạt động của con người như sản xuất công nghiệp, khai thác mỏ và canh tác nông nghiệp đang đẩy nhanh chu trình muối tự nhiên này, làm cho không khí, đất và nước ngọt trên Trái đất ngày càng mặn hơn. 

Xu hướng này có thể gây tổn hại đến đa dạng sinh học và khiến nước uống không an toàn tại một số khu vực, theo kết quả nghiên cứu của Sujay Kaushal và các cộng sự tại Đại học Maryland (Mỹ) được công bố trên tạp chí Nature Reviews Earth & Environment.

Các nhà khoa học đã xem xét nhiều loại ion muối được tìm thấy dưới lòng đất và trong nước mặt. Họ phát hiện tình trạng nhiễm mặn do con người gây ra đã ảnh hưởng đến khoảng 10 triệu km2 đất trên khắp thế giới – một khu vực có diện tích tương đương với nước Mỹ. Các ion muối cũng tăng lên ở sông suối trong 50 năm qua, trùng hợp với sự gia tăng sử dụng và sản xuất muối trên toàn cầu.

Muối là các hợp chất có cation tích điện dương và anion tích điện âm, trong đó một số ion phổ biến nhất là canxi, magie, kali và sunfat.

“Khi mọi người nghĩ đến muối, họ có xu hướng nghĩ đến natri clorua (NaCl). Nhưng nghiên cứu của chúng tôi trong nhiều năm qua đã chỉ ra rằng con người đã làm xáo trộn nhiều loại muối khác, bao gồm cả những loại muối liên quan đến đá vôi, thạch cao và canxi sunfat”, Kaushal cho biết.

Quốc Hùng và nhóm tác giả thực hiện

Nguồn: Sciencedaily.com

(Bài đăng ở Báo KH&PT số 46)

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)