Công bố nguyên nhân siêu động đất Nhật Bản 2011
Các nhà địa chấn học ngày 9/1 tuyên bố họ đã tìm ra những chỉ dấu về việc tại sao trận siêu động đất xảy ra ở Nhật Bản năm 2011 từ một vết nứt gẫy ban đầu tưởng là vô hại.
Trận động đất 9,0 độ xảy ra ở ngoài khơi Đông Bắc Nhật Bản ở khu vực được gọi là đường rãnh Nhật Bản, nơi khối địa tầng Thái Bình Dương luồn xuống dưới khối địa tầng Okhotsk, và bán đảo Nhật Bản nằm ngay ở phần tiếp giáp.
Tâm chấn của trận động đất ở cách Sendai, đảo Honshu khoảng 200 km về phía đông. Trước đó, rãnh Nhật Bản được cho là tương đối ổn định và chỉ xảy ra hiện tượng “đứt gãy từ từ” có nghĩa là những chuyển động của các khối địa tầng diễn ra chậm và không có quá nhiều xáo trộn đột ngột.
Theo lý thuyết địa chấn được chấp nhận phổ biến, những đứt gãy này không gây ra các trận siêu động đất, như kiểu chúng ta xả từ từ khí nóng ra khỏi một động cơ hơi nước. Nhưng Noda và Lapusta cho rằng đoạn đứt gãy được cho là kéo dài và từ từ trước đó có thể yếu đi đột ngột vì một biến động địa chất ở gần đó.
Nếu như biến động này bắt đầu từ việc phun trào các dung nham nóng dưới đại dương, một trận động đất lớn có thể xảy ra. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những biến động địa chất được cho là từ từ vẫn có thể gây ra các trận động đất lớn, được phóng đại hơn về cường độ và sức tàn phá,” Noda nói.
Các tác giả nói họ hy vọng công trình của mình sẽ có ích cho các nỗ lực dự báo và đối phó động đất trong tương lai. Một số chuyên gia cũng cho rằng chương trình đối phó động đất của Nhật Bản hiện quá tập trung vào rủi ro cho khu vực Tokyo, nằm khá xa về phía nam so với trận động đất 2011.
Các phát hiện cũng chỉ ra rủi ro ở vết nứt gãy San Andreas ở ngoài khơi California, theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí khoa học Nature.