Công bố trên tạp chí khoa học có tiếng ở tuổi

Hai thiếu niên ở thành phố Mannheim và trở thành tác giả nhỏ tuổi nhất của một tạp chí y học nổi tiếng có lịch sử lâu đời ở Đức, và có lẽ cũng là tác giả nhỏ tuổi nhất trên một tạp chí y học có tên tuổi của thế giới.

“Những học sinh có chế độ dinh dưỡng tốt, tích cực tập luyện thể thao và dành ít thì giờ ngồi trước tivi thường có kết quả học tập tốt” – Nhận định trên đúng hay không? Và nếu đúng thì tại sao? Hai anh em Hannah Neumann, 12 tuổi, và Phillip, 14 tuổi, đã tự hỏi như vậy khi các đọc nhận xét trên ở trên báo. Để tìm câu trả lời, hai em đã tiến hành một công trình nghiên cứu, in một loạt phiếu câu hỏi và phát cho các bạn học ở trường phổ thông Lessing ở Mannheim.
Nếu chỉ làm vậy thôi cũng đã là điều khá đặc biệt. Nhưng hơn thế, công trình nghiên cứu của Hannah và Phillip đã được đăng trên tạp chí Y học “Deutsche Medizinische Wochenschrift” (DMW) – được đăng bài trên tạp chí này là điều vinh dự, ngay cả với các nhà y học đã thành danh. Martin Middeke, Tổng biên tập DMW nói: “Hai em này đã trở thành tác giả nhỏ tuổi nhất trong lịch sử 132 năm của tờ tạp chí chúng tôi, và có thể các em là những tác giả ít tuổi nhất trên các tạp chí chuyên đề Y học của thế giới”.
 

Hai anh em trình bày kết quả điều tra của mình tại Hội nghị về tiểu đường ở Hamburg – trong số thính giả có giáo sư Martin Middeke, Tổng biên tập “Tuần báo Y học Đức”. Tại Hội nghị, ông mới biết tác giả còn ở độ tuổi thiếu nhi.

Thoạt đầu hai anh em nhà Neumann chỉ muốn tìm hiểu xem các bạn cùng trường có chế độ ăn uống ra sao và tập luyện thể dục, thể thao thế nào. Phillip nói:”Khi tìm một dự án về chủ đề “thiếu niên nghiên cứu”, chúng tôi đã đọc một bài báo về thói quen ăn uống không tốt của học sinh”. Sau đó công việc nhanh chóng trở thành một dự án về khoa học. Kết quả nghiên cứu của các em lý thú, hấp dẫn đến mức các em đã được mời đến Hội nghị về bệnh tiểu đường ở Hamburg để giới thiệu kết quả nghiên cứu của mình. Trong tờ giới thiệu chương trình chỉ đề tên tác giả là “H. và P. Neumann” và tên đề tài. Bên cạnh một loạt giáo sư y học khác trong số đại biểu tham dự có cả ông Martin Middeke, ông nói: “Khi thấy hai đứa bé bước lên bục diễn thuyết tôi vô cùng ngạc nhiên. Không ai ngờ có chuyện đó”.
Theo ông Middeke thì hai anh em nhà Neumann đã có một công trình nghiên cứu “rất chuyên nghiệp, cấu trúc rõ ràng, mạch lạc và cả hai em đều biết rõ về những vấn đề mà mình trình bày”. Và ông nhấn mạnh, ở đây hoàn toàn “không có chuyện ưu ái trẻ em”. Nghiên cứu này tuyệt đối thuyết phục và đáng tin cậy, “nghiên cứu này đã được kiểm nghiệm theo một quy trình giám định chung”.
Còn Hannah thì kể lại công việc nghiên cứu: “Chúng tôi đã giành một năm rưỡi cho công trình nghiên cứu này. Chúng tôi cũng đã có dịp trình bày kết quả nghiên cứu tại “Hội nghị về trao đổi chất ở Heidelberg” thuộc Krehlklinik”. Năm 2006, Hannah và Phillip phân phát 729 phiếu điều tra tới các bạn trong trường và đã nhận lại được 84% số phiếu trả lời. Đây là một tỷ lệ trả lời cao đáng ngạc nhiên và điều này cũng chứng tỏ đề tài này được học sinh hết sức quan tâm.
Câu hỏi mà Hannah và Philip nêu ra là các bạn có thói quen ăn uống như thế nào, hoạt động trong giờ rảnh rỗi ra sao, số giờ dành cho tập luyện thể dục thể thao và xem tivi là bao nhiêu. Sau đó hai anh em đã đánh giá phiếu điều tra theo một hệ thống điểm với một chút giúp đỡ của mẹ -là bác sỹ và có lẽ đã truyền sang con “gen thầy thuốc”. Bạn của mẹ, Christel Weib, phụ trách Phòng thống kê y học thuộc Đại học tổng hợp Heidelberg cũng giúp phân tích khối lượng số liệu khổng lồ mà Hannah và Phillip thu được
Kết quả công trình nghiên cứu của Hannah và Philip cho thấy: với học sinh nữ, có mối quan hệ rõ ràng giữa chế độ ăn uống lành mạnh với kết quả học tập tốt. Với cả học sinh nam và nữ thích hoạt động thể thao, ít xem truyền hình và có chơi một loại nhạc cụ nào đó, thì kết quả học tập tốt lên. Weib nhận xét: “không có nghĩa là một học sinh nữ sẽ nghiễm nhiên có điểm cao khi thích ăn các loại rau xanh”. Bà cho rằng khi một nữ học sinh biết ăn uống một cách lành mạnh cũng có nghĩa em đó có một quan niệm sống nói chung lành mạnh hơn so với một nữ học sinh ăn uống xô bồ. “Có lẽ chính quan niệm sống này chính là yếu tố liên quan đến kết quả học tập”. Vì vậy cần cẩn trọng khi đánh giá, giải thích kết quả nghiên cứu. Song có thể khẳng định là hai anh em nhà Neumann đã thực hiện một công trình nghiên cứu xuất sắc.
Nghiên cứu của hai anh em Hannah và Phillip hoàn toàn phù hợp quan tâm của giáo sư Middeke, đó là vấn đề “phòng bệnh nguyên thủy” trong thanh thiếu niên. Ăn uống không lành mạnh, ăn nhiều đồ ngọt, thiếu chất… có thể gây bệnh tật và là nguy cơ gây tình trạng “con cái ra đi trước cả bố mẹ”; lối sống thiếu lành mạnh cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các bệnh như tiểu đường hoặc tim mạch. Thí dụ, một đứa trẻ tuổi 14, 15 mà bị dư thừa tới 15 kg thì sau này khó tránh khỏi bị bệnh tiểu đường Diabetes mellitus… Và lý do mà tổng biên tập tạp chí DMW cho đăng công trình nghiên cứu của hai tác giả nhỏ tuổi này bởi đây là minh chứng về việc: “Các em học sinh quan tâm lo lắng đến tình trạng sức khoẻ của bản thân mình”. Số liệu thống kê về hoạt động của các em học sinh trường Lessing khá lý tưởng, bình quân mỗi tuần các em hoạt động thể thao 4 giờ đồng hồ và mỗi tuần có sáu bữa ăn được chế biến từ các thức ăn tươi và có 1,5 giờ đồng hồ giành cho hoạt động ca hát, văn nghệ. Đây là những con số rất khích lệ.
Phillip cho hay sau này em muốn học nghề bác sỹ thú y còn cô em gái lại muốn đi theo nghề bác sỹ của mẹ.

VIỆT PHƯƠNG theo Spiegel

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)