Công trình hồ đập thuỷ điện ở Việt Nam: Những nguy cơ tiềm ẩn

Việt Nam hiện có đến gần 7.000 hồ chứa lớn, nhỏ với tổng dung tích khoảng 63 tỷ m3. Những “quả bom nước” khổng lồ treo trên đầu như vậy khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi rằng tính an toàn của những công trình thủy điện, thủy lợi này có được đảm bảo?


Thủy điện Đa Krông 3 (Quảng Trị) xảy ra sự cố vỡ thân đập trước khi phát điện khiến người dân âu lo về chất lượng công trình. Nguồn: saigondautu.com.vn

Những lo ngại này không phải không có cơ sở, trong quá khứ, Việt Nam từng chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng do hồ, đập thiếu an toàn. Từ tháng 10/2012 – 6/2013 đã có 3 vụ vỡ đập thủy điện nhỏ ở 3 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, đó là thủy điện Đa Krong 3 (Quảng Trị), Đắk Mếk 3 (Kon Tum) và Ia Krel 2 (Gia Lai). Hay gần đây nhất là sự cố đường hầm dẫn dòng thi công tại đập thủy điện Sông Bung 2 bị vỡ vào năm 2016. Những sự vụ này khiến dư luận đặt ra câu hỏi sẽ ra sao nếu hồ thủy điện Hòa Bình với dung tích 9,45 tỷ m3, hồ Sơn La với dung tích 9,26 tỷ m3 nước, xảy ra sự cố? Xa hơn, vấn đề an toàn hồ đập, kể cả hồ thủy điện và hồ thủy lợi ở Việt Nam đang như thế nào? Liệu một thảm họa nghiêm trọng như Xe Pian Xe Namnoy (Lào), có bị tái hiện ở Việt Nam hay không?

Trả lời phỏng vấn Tia Sáng, TS. Nguyễn Lan Châu, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho rằng một rủi ro vỡ đập thảm khốc như ở Lào sẽ ít có khả năng tái hiện ở Việt Nam. Thậm chí, trong trường hợp vỡ đập, thiệt hại về người và tài sản cũng không nghiêm trọng như vậy. Bởi so với Lào, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm hơn trong quản lý an toàn hồ đập. Hiện nay, hệ thống quy định, tiêu chuẩn về thiết kế, xây dựng, vận hành và quản lý an toàn hồ, đập ở Việt Nam cũng tương đối đầy đủ. “Chúng ta có quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ và quy trình thông báo, cảnh báo toàn diện, thậm chí còn yêu cầu ghi âm đàm thoại giữa chủ đập và UBND địa phương.” – TS. Châu cho biết.

Đặc biệt, trong các quy định này, việc kiểm tra, giám sát an toàn hồ đập trước mùa mưa lũ luôn được quan tâm. Nghị định về quản lý an toàn đập đang được Bộ NN&PTNT trình để thay thế Nghị định 72/2007/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, quy định rõ hằng năm phải tổ chức kiểm tra an toàn đập, cả định kỳ và đột xuất, đồng thời phải có phương án phòng tránh lũ cho hạ du – TS. Châu giải thích: “Chúng ta đã chuẩn bị những kịch bản như khi xả lũ thì những vùng nào bị ngập. Nhiều thủy điện còn phải tính toán nếu vỡ đập thì hạ du sẽ ngập đến đâu, bao nhiêu giờ ngập, bao nhiêu xã ngập,…”. Đặc biệt, các thủy điện lớn còn phải tính đến cả kịch bản các thủy điện thượng nguồn của nước láng giềng đồng loạt xả lũ. Hằng năm, Hội đồng Tư vấn KH&CN về an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà do Bộ trưởng Bộ KH&CN làm chủ tịch đều họp trước mùa lũ để nghe những chuyên gia quan trắc, địa chất báo cáo những thông số như sự xê dịch, chuyển dịch, tình trạng thấm,… của các hồ Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình.

Công trình mới, tiêu chuẩn cũ

Tuy nhiên, theo TS Châu: “Điều này không có nghĩa là các hồ đập ở Việt Nam đã an toàn.” Bà viện dẫn số liệu: Hiện nay, có đến 1200/6648 đập, hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng; trong đó 600 đập bị thấm, hơn 700 đập bị biến dạng mái, gần 1000 đập bị hư hỏng thân tràn hoặc xói lở tiêu năng. Các hồ bị xuống cấp này hầu như không đảm bảo khả năng chống lũ trong điều kiện hiện tại. Còn các hồ thủy điện nhỏ dù xây dựng kiên cố hơn nhưng vẫn xảy ra nhiều hư hỏng như bị thấm, tràn xả lũ,… Điểm chung của các công trình này là đều được xây dựng từ trước năm 2000 theo tiêu chuẩn cũ, sử dụng chuỗi số liệu đo đạc thủy văn từ những năm 1970, quy phạm tính toán lũ thiết kế QPTL.C-6-77 từ năm 1977 –  đã không còn phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lũ lớn bất thường, cực đoan như hiện nay; dẫn đến các hồ chứa này không đảm bảo khả năng chống lũ, dù thực hiện đúng theo thiết kế. Bên cạnh đó, bản thân các quy phạm hiện nay gần như được lấy y nguyên theo kinh nghiệm của Liên Xô, trong khi đáng lẽ Việt Nam cần phải tự khảo sát thảm phủ của nước mình – việc mà đến nay vẫn chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm thực hiện.

Tính đến hiện nay, Việt Nam có 6648 hồ thủy lợi với tổng dung tích khoảng 13,5 tỷ m3 và 330 công trình thủy điện, trong đó có gần 20 hồ có dung tích trên 1 tỷ m3, còn lại là các hồ với dung tích từ hàng vạn m3 trở lên. Tổng công suất thủy điện ở Việt Nam hiện nay vào khoảng 35.000MW, đóng góp đến 32% tổng sản lượng điện toàn quốc (2016).

Song song với đó, hệ thống quy định quản lý ở Việt Nam cũng chưa được cập nhật. Đối với quản lý an toàn đập, cho đến nay, Nghị định thay thế cho Nghị định số 72/2007/NĐ-CP về quản lý an toàn, dù đã được Bộ NN&PTNT dự thảo từ năm 2013 nhưng cho đến nay vẫn còn trong tình trạng “trình Chính phủ để ban hành” – TS. Châu cho biết. Như vậy, đến thời điểm này, việc quản lý an toàn hồ đập vẫn phải tuân thủ theo những quy định trong Nghị định 72, dù đã bộc lộ rõ nhiều hạn chế như chưa quy định rõ về quản lý an toàn đập dâng, chưa phân rõ trách nhiệm của chủ đập và chủ quản lý, các quy định về phân công, phân cấp vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp của các bộ, ngành và địa phương về quản lý an toàn đập chưa đầy đủ và rõ ràng…

Hơn nữa, Hội nghị Quản lý, vận hành an toàn, hiệu quả công trình Thủy điện do Bộ Công Thương tổ chức vào đầu năm nay còn chỉ ra  một số quy định về thủy lợi hiện chưa rõ ràng hoặc chưa có quy định chi tiết thi hành như xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án phòng chống thiên tai theo quy định, bản đồ ngập lụt theo quy định của pháp luật về thủy lợi… Ví dụ, vì chưa có quy định về xác định và quản lý hành lang thoát lũ nên vẫn còn tình trạng người dân xây nhà, canh tác trong khu vực này. Hoặc dù Luật Thủy lợi mới ban hành năm 2017 đã quy định việc điều tiết xả lũ của hồ chứa phải có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhưng vì chưa có Nghị định hướng dẫn cụ thể nên hoạt động này vẫn chưa thể triển khai – dẫn đến trường hợp thủy điện xả lũ gây ngập lụt mùa màng của nông dân.

Thiên họa hay nhân họa?

Những quy phạm dù cũ nhưng nếu tuân thủ thì vẫn đảm bảo mức độ an toàn nhất định cho hồ đập, vì vậy, theo TS. Châu nguyên nhân chính dẫn đến sự cố vỡ đập là sự thiếu tuân thủ trong thiết kế, xây dựng của chủ các công trình. Đơn cử đối với việc quan trắc, nếu như các thủy điện lớn đều thực hiện đầy đủ, chỉnh chu thì các thủy điện nhỏ lại gần như không có hoặc ít quan trắc nên số liệu không đáng tin cậy. Thay vì tự quan trắc để tính toán lũ trước khi thiết kế công trình, họ thường mượn số liệu ở lưu vực tương tự, dẫn đến thủy điện nhỏ ở Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là có nhiều rủi ro mất an toàn.

Nguyên nhân của tình trạng này là vì đa số các thủy điện nhỏ do tư nhân thực hiện – lợi nhuận từ thủy điện khá cao nên các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân chạy theo lợi nhuận, dù không có chuyên môn cũng đi làm thủy điện. Thêm vào đó, việc phê duyệt các công trình thủy điện dưới 30MW thuộc thẩm quyền của tỉnh, bản thân các cán bộ thẩm định dự án cũng thiếu chuyên môn nên việc cấp phép còn dễ dãi, nặng cơ chế xin-cho. TS Châu chia sẻ: “Ai cũng có thể làm thủy điện nhỏ. Không có vốn thì đi vay. Không có chuyên môn thì thuê lập đồ án, lại tham rẻ, thuê các tư vấn kém, thuê nhà thầu kém năng lực… . Ai cũng có thể thiết kế, thi công. Thực ra họ chỉ quan tâm đến khâu thu lợi, khảo sát, thiết kế qua loa, báo cáo tác động môi trường cốt chiếu lệ, không để ý gì đến đời sống của người dân địa phương”. Hậu quả là, trước năm 2013, thủy điện nhỏ được xây dựng ồ ạt ở Việt Nam, nhiều khi trên một suối nhỏ mà có 5,6 thủy điện.

Không chỉ xuất phát từ nguyên nhân chưa thực hiện đúng thiết kế, TS Châu còn cho biết thêm: Có khi thiết kế tốt, đúng quy phạm, nhưng khi thi công lại ăn bớt vật liệu, sai vật liệu, lựa chọn nhà thầu xây dựng, giám sát thi công không đủ năng lực, không tổ chức nghiệm thu đúng quy định,.. nên chất lượng xây dựng công trình không đảm bảo như thủy điện Đak Srong 2, Đắk Srong 3A, Đắk Srong 3B tỉnh Gia Lai, Đại Nga, Đại Bình tỉnh Lâm Đồng. Thậm chí, có trường hợp xảy ra sự cố ngay trong quá trình xây dựng như thủy điện Đăk Mek tỉnh Kon Tum, Đa Krông 3 tỉnh Quảng Trị, Sông Bung 2 tỉnh Quảng Nam hoặc ngay khi đưa vào vận hành như thủy điện Ia Krei 2 tỉnh Gia Lai,  Hố Hô tỉnh Hà Tĩnh.

Sau đó, trong quá trình vận hành, các chủ đập cũng thực hiện dễ dãi, chỉ nhằm mục đích thu lợi nhuận mà bỏ quên rằng các thủy điện ngoài chức năng phát điện, còn phải điều tiết lũ. Ví dụ, một số các thủy điện nhỏ lại tích nước đầy trước mùa lũ nên khi lũ tràn về, sợ vỡ cửa đập, tràn nước qua nhà máy gây nguy hiểm, phải xả ồ ạt thay vì xả từ từ. Bên cạnh đó, quy trình điều tiết cũng đang bị “ngược” – tích lũ ở thượng nguồn thay vì hạ nguồn, dẫn đến nguy cơ vỡ đập liên tục, đặc biệt khi thủy điện nhỏ không được thiết kế dung tích trữ lũ.

Hạn chế trong công tác quan trắc khí tượng thủy văn
Hiện nay, việc quan trắc khí tượng thủy văn để đảm bảo an toàn hồ chứa và an toàn hạ du vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Với đất nước có điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp như Việt Nam, việc có một mật độ trạm quan trắc dày là một cơ hội tốt hơn để phát hiện thời tiết liên quan đến sự kiện cực đoan ở cả quy mô nhỏ. Theo các quy trình vận hành hồ chứa, các quy trình vận hành liên hồ chứa, các hồ chứa đều có nhiệm vụ quan trắc mưa tại đập, mực nước hồ, mực nước hạ lưu hồ, tuy nhiên mật độ lưới trạm đo mưa còn thiếu và chưa đủ để theo dõi diễn biến mưa – khuyến nghị của thế giới là 10 – 15km/trạm nhưng ở Việt Nam trung bình là 300km/trạm, chưa đủ thông tin xác định thời gian xuất hiện dòng chảy lớn nhất đến hồ, gây khó khăn cho công tác vận hành hồ chứa. TS. Nguyễn Lan Châu

———–
Nguồn:
http://dantri.com.vn/kinh-doanh/van-hanh-thuy-dien-nho-va-vua-phuong-dien-quan-ly-chua-chuan-20161018131844328.htm
http://enternews.vn/thieu-quy-trinh-chuan-ve-an-toan-thuy-dien-133319.html
http://www.baogiaothong.vn/chuyen-gia-canh-bao-nguy-co-vo-dap-thuy-dien-o-viet-nam-d179685.html
Nguyễn Lan Châu (2018), Công tác quan trắc khí tượng thủy văn phục vụ vận hành hồ chứa thủy điện.

 

 

Tác giả

(Visited 103 times, 1 visits today)