Công trình khoa học làm thay đổi toàn diện dịch vụ truyền máu Việt Nam

Một công trình có tính sáng tạo và đổi mới quan trọng về công nghệ, giúp phát triển dịch vụ truyền máu, sản xuất các chế phẩm máu, góp phần thay đổi toàn diện dịch vụ truyền máu của Việt Nam, mới đây đã nhận được Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010.

Đó là công trình “Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại nghiên cứu đổi mới dịch vụ truyền máu, sản xuất và chuẩn hóa các chế phẩm máu sử dụng cho điều trị bệnh” do nhóm nghiên cứu của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Trường Đại học Y Hà Nội thực hiện.

Cách mạng trong ngành truyền máu

Trước năm 1993, tình hình truyền máu ở nước ta đứng trước những thử thách lớn đó là nhu cầu ngày càng tăng cho cấp cứu, điều trị bệnh nhân trong các thảm họa, dự trữ cho an ninh quốc phòng. Trong khi đó, người cho máu lại quá ít, trên 90% là người cho máu chuyên nghiệp,máu kém chất lượng, không có dụng cụ bảo quản máu,… Các bệnh nhiễm trùng như HIV, HBV, HCV ngày càng tăng trong cộng đồng, đe dọa an toàn truyền máu. Cơ sở truyền máu vẫn rất phân tán với 85 điểm cấp tỉnh, 500 điểm cấp huyện và khu vực có thu gom, sàng lọc, truyền máu theo cơ chế tự cung, tự cấp, không an toàn, vừa không đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu.

Trước thực trạng đó, từ năm 1994, nhóm nghiên cứu của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Trường Đại học Y Hà Nội đã đề xuất đề tài nghiên cứu sản xuất các chế phẩm máu, nhằm mục đích làm tăng đơn vị máu truyền, tăng chất lượng, độ an toàn máu và hiệu quả truyền máu (truyền máu từng thành phần). GS.TSKH. Đỗ Trung Phấn – Chủ nhiệm công trình cho biết, nhóm nghiên cứu đã từng bước nghiên cứu, thăm dò và sản xuất một số thành phần máu (năm 1994), nghiên cứu sản xuất thử nghiệm (giai đoạn 1995 – 1999). Cuối năm 2000, Hội đồng khoa học cấp nhà nước do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ KH&CN) thành lập đã thông qua và phê duyệt dự án KH&CN sản xuất, chuẩn hóa các sản phẩm máu đạt tiêu chuẩn quốc tế dùng cho điều trị bệnh.

Trải qua 10 năm thực hiện (1994 – 2004), các đề tài, dự án của công trình đã đổi mới và hoàn thiện được các quy trình chuyên môn phục vụ cho phát triển dịch vụ truyền máu theo hướng hiện đại. Cụ thể, đã đề xuất và tổ chức có kết quả phong trào vận động hiến máu và tuyển chọn người cho máu tình nguyện, an toàn, chất lượng cao, làm thay đổi tư duy cho máu là có hại cho sức khỏe. Cuộc vận động ngày càng phát triển và bền vững, người cho máu tình nguyện tăng từ 0 – 65% (cao nhất toàn quốc, năm 2003), người cho máu nhắc lại (đây là đối tượng an toàn nhất) đạt 35%; đổi mới quy trình thu gom máu, thay hệ thống lấy máu bằng chai (quy trình hở) bằng túi chất dẻo (quy trình kín) làm giảm nguy cơ nhiễm trùng trong quá trình thu nhận máu. Để phát triển quy trình này, nhóm nghiên cứu đã tự sản xuất ghế lấy máu, máy lắc túi máu, trang bị cho tất cả các cơ sở lấy máu trong toàn quốc. Sáng kiến này đã giúp tiết kiệm hàng trăm triệu đồng và đã được tặng bằng khen lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Công trình cũng góp phần lớn khắc phục những khó khăn hiện tại, sớm đưa kỹ thuật sàng lọc các bệnh nhiễm trùng, làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, HBV, HCV, giang mai. Nhờ đó, đến năm 2003 toàn quốc đã loại trên 900 trường hợp người cho máu có anti HIV (dương tính), hàng vạn trường hợp HBV (dương tính), bảo đảm an toàn truyền máu trên phạm vi toàn quốc từ trung ương đến tuyến huyện (trước năm 1993 chưa có).

Cùng với đó, công trình đã chuẩn hóa 6 quy trình sản xuất 6 sản phẩm máu đạt tiêu chuẩn quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng truyền máu, đem lại hiệu quả cao trong điều trị, phát triển kỹ thuật cao và có giá trị kinh tế; chuẩn hóa 4 quy trình sản xuất 4 chế phẩm huyết tương; nghiên cứu có kết quả tỷ lệ HIV, HBV ở một số địa phương góp phần lựa chọn người cho máu; ứng dụng nhiều biện pháp mới làm tăng chất lượng an toàn truyền máu lên một bước mới: người cho máu tự sàng lọc khi hiểu rõ các yếu tố nguy cơ, khuyến khích cho máu nhắc lại.

10 năm cho một công trình đầy ý nghĩa

Các quy trình công nghệ trên đây đã và đang được mở rộng, phát triển bền vững ở nhiều cơ sở truyền máu trên phạm vi toàn quốc đem lại hiệu quả cao cho điều trị bệnh, cấp cứu các chấn thương,… làm tăng lòng tin của nhân dân vào y tế.

Công trình đã thực sự góp phần đổi mới toàn diện hệ thống truyền máu Việt Nam, từng bước phát triển theo hướng hiện đại hóa, nâng cao chất lượng máu, các chế phẩm máu và an toàn truyền máu, kịp phục vụ và bảo vệ sức khỏe nhân dân; đào tạo được một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn và tay nghề cao; xây dựng thành công kế hoạch 10 năm phát triển và hiện đại hóa truyền máu Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 28/12/2001 cho giai đoạn 2001 – 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Để thực hiện kế hoạch này, 4 ngân hàng khu vực và 4 trung tâm truyền máu đã được xây dựng và hoàn thành ở Hà Nội, Huế, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững dịch vụ truyền máu toàn quốc.

Công trình đã xây dựng cơ sở khoa học để định giá thành đơn vị chế phẩm máu và kiến nghị một giá tiền thống nhất trong toàn quốc cho đơn vị máu. Kết quả này đã thay đổi hình thức cung cấp máu theo chế độ bao cấp bằng hình thức trả tiền, tạo điều kiện cho phát triển dịch vụ truyền máu lâu dài.

Những kết quả của công trình không chỉ đưa dịch vụ truyền máu nước nhà lên một tầm cao mới mà còn tạo uy tín và từng bước hội nhập với khu vực và thế giới. Một số đơn vị của Luxembourg, Mỹ, tổ chức Hemophilia thế giới đã đánh giá cao đóng góp của GS. TSKH. Đỗ Trung Phấn trong xây dựng và phát triển truyền máu Việt Nam. Hội Hemophilia Việt Nam cũng đã kết nạp vào hội Hemophilia thế giới. Chính phủ Luxembourg đã viện trợ toàn bộ dây chuyền lạnh bảo quản máu trị giá khoảng 8 triệu USD và dự án tăng cường kỹ thuật với kinh phí 4 triệu USD không hoàn lại. Nhờ đó, máu được bảo quán và chương trình truyền máu có cơ hội phát triển rộng rãi hơn.

Hiện một số mô hình mẫu theo hướng tập trung để nâng cao chất lượng máu và sử dụng máu lâm sàng do công trình xây dựng đã và đang được áp dụng tại các ngân hàng máu khu vực và trung tâm truyền máu trên cả nước như Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Hà Nội, BVTW Huế, Chợ Rãy, Cần Thơ,…

Với những kết quả đó, có thể nói công trình đã có những đóng góp to lớn trong lĩnh vực khoa học y dược nói riêng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung, đúng như nhận xét của nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này: công trình góp phần đổi mới toàn diện hệ thống truyền máu Việt Nam, thúc đẩy dịch vụ truyền máu Việt Nam phù hợp với các nước khu vực và quốc tế.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)