Công ty Liên Thành (1906-1975): Từ hội Duy Tấn đến doanh nghiệp hiện đại

Mở rộng ra ngoài hình ảnh của Đông kinh nghĩa thục, các nghiên cứu tham gia hội thảo cũng cho thấy sự đa dạng của các hoạt động Duy Tân với các hội đoàn dân sự, các hợp tác xã kinh tế, những nhà trường tân học theo nhiều mô hình và sáng kiến khác nhau. Có thể thấy được điều này qua bài viết của Trịnh Văn Thảo về Công ty Liên Thành. Nó cho phép chúng ta có một hình dung đầy đủ hơn về sự vận động của xã hội Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại trong tính liên tục của lịch sử.

Tên của công ty Liên Thành đã đi vào lịch sử. Đó là nơi một trong những trung tâm hoạt động yêu nước với nhiều gương mặt xuất sắc đã từng hiện diện ở đây: Nguyễn Thông, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… Đó cũng là công ty đã bảo trợ cho trường Dục Thanh, nơi mà Nguyễn Ái Quốc từng là giáo viên trước khi người ra nước ngoài. Vậy mà trên thực tế, vẫn chưa có một nghiên cứu sâu nào về công ty đã hoạt động trong suốt 70 năm của thế kỉ XX đầy sự kiện này. Đó cũng là tình hình chung đối với các công ty ở Việt Nam, trước hết là bởi doanh nghiệp là một loại hình tổ chức kinh tế chỉ mới có lịch sử khoảng hơn một thế kỉ và nói chung ít có tài liệu lưu trữ có thể được các nhà sử học khai thác. Nhưng dầu sao Liên Thành vẫn còn là một trường hợp may mắn. Ngoài những tài liệu còn được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại quốc gia Pháp (CAOM) tại Aix en Provence, năm 1983, một cuốn Thông sử Liên Thành đã được xuất bản ở Paris với tác giả là Hồ Tá Bang. Đây là một cuốn sách kết hợp nhiều yếu tố của gia phả, hồi kí cá nhân, sử kí cũng như một số tài liệu lưu trữ của công ty Liên Thành. Tác giả của nó, ông Hồ Tá Bang là một bác sĩ nhi khoa, từng có một thời gian học tập và hoạt động công đoàn ở Pháp, từng là Tổng giám đốc của công ty Liên Thành. Việc phối kiểm các nguồn tư liệu trên có thể cho phép dựng lại một hình ảnh độc đáo về một tổ chức có tính cách tiền thân của các doanh nghiệp hiện đại, một trong những tâm điểm của phong trào Duy Tân và một trường hợp thể hiện sự chuyển hóa từ giới nho sĩ đến giới tư sản.

Sự ra đời của Liên Thành.
Liên Thành trước hết là một sản phẩm lịch sử tạo nên từ phản ứng tích cực của các Nho sĩ trước sự bế tắc và bất lực của Khổng giáo chính thống và giới quan lại chỉ lo đến bổng lộc của riêng mình. Nó cũng là một sự phản kháng đòi thay đổi thực trạng của người Việt lúc đó khi mà toàn bộ nền kinh tế đều nằm trong tay người Pháp và Hoa kiều, người bản xứ thì non nớt, giới tinh hoa của họ chỉ lo tìm kiếm danh lợi, dân chúng thì ngu dốt, mù chữ, bị sai bảo và đè nén, giới tư sản thì còn phôi thai và trong gọng kìm của Pháp, họ không thể trưởng thành.  Tên của công ty được lấy theo tên của một đầm sen và lịch sử của công ty gắn liền với lịch sử của các gia đình thành viên sáng lập. Con cháu gia đình Nguyễn Thông, một ông quan miền Nam, cũng như nhiều gia đình thân thích, đã tiếp nhận và áp dụng vào thực tế lời Phan Châu Trinh kêu gọi Duy Tân, nghĩa là hành động trong khuôn khổ hợp pháp, theo con đường phát triển kinh tế và nâng cao dân trí dân Việt.
Có thể nói Liên Thành là kết quả của một hành động tập thể. Chính dinh riêng của Nguyễn Quý Anh là nơi hội họp của nhóm nòng cốt bao gồm Phan Châu Trinh, Trần Quí Cáp và Huỳnh Thúc Kháng, nhằm đưa vào thực hành tư tưởng Duy Tân với 3 yếu tố không thể tách rời: giáo dục, chính trị, kinh tế. Các tác giả của Đại cương lịch sử Việt Nam1 cho biết trong dinh có thư viện được thành lập năm 1905, năm 1906 Nguyễn Trọng Lợi (con của Nguyễn Thông) thành lập công ty Liên Thành để sản xuất nước mắm; năm 1907 trường Dục Thanh do Nguyễn Quý Anh (là em của Nguyễn Trọng Lợi) điều hành và chi phí của trường Dục Thanh đều do công ty Liên Thành chi trả.
Một số gia đình văn thân nổi tiếng yêu nước như Trà Quý Bình, Huỳnh Văn Quế, cũng như nhiều ông quan bị triều đình Huế “đày” đi vùng đất Phan Thiết xa xôi này như Trương Gia Hội, Nguyễn Thông, Đặng Nguyên Cẩn, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Đình Phiên… đều là những thành viên tích cực duy trì ngọn lửa Duy Tân và là thành viên tích cực của Liên Thành.
Cũng phải kể đến công sứ Phan Thiết  là Lucien Garnier người trong một thời gian dài đã luôn tận tình giúp đỡ các nhà Nho Duy Tân ở Phan Thiết. Có lẽ chính vì vậy mà Liên Thành đã có điều kiện phát triển đến lúc đủ lông đủ cánh, trong khi những công ty như Hồng Tân Hưng ở ngoài Bắc, Diên Phong ở Quảng Nam, Triều Dương Thương Quán ở Nghệ An và Minh Tân Công Nghệ trong Nam đều không trụ lại được với thời gian và lịch sử. Còn rất ít thông tin về Garnier, nhưng hồ sơ hành chính cá nhân cho thấy ông quan này được cấp trên đánh giá rất cao, nhưng hoàn toàn không được thăng quan tiến chức. Còn nhiều điều cần phải tìm hiểu thêm, nhưng từ những tư liệu trên, cũng có thể suy đoán rằng đó là một ông quan không giống như những ông quan cai trị khác.
Một trong những điều kiện thuận lợi nữa cho sự ra đời và phát triển của Liên Thành là tỉnh Bình Thuận (tên cũ của Phan Thiết) “được mùa » mấy năm liền, theo Báo cáo chính trị của Toà Công sứ năm 1905. Tỉnh này đã có các cơ sở đánh bắt cá và đội ngũ tàu thuyền khá phát triển cũng như có truyền thống làm nước mắm.
Ba yếu tố thiên – địa – nhân đó đã cho phép một hội thương trở nên một doanh nghiệp có tầm cỡ.

Lịch sử phát triển
Trong giai đoạn đầu (1906-1917) sự nhiệt thành của các nhà Nho cũng như của dân chúng hưởng ứng Duy Tân, cũng như việc huy động vốn từ một số gia đình quan lại và thương gia người Hoa đóng vai trò quan trọng. Cũng phải nói rằng sự thay đổi về mặt tư tưởng đã được người đại diện chính quyền ủng hộ: Công sứ Garnier, khi đến dự lễ khai trương Liên Thành đã nói rõ là công chức cũng có thể tham gia vốn vào các công ty, và nếu không trực tiếp điều hành thì không phạm luật mà còn được khuyến khích (Thông sử, tr. 39). Chính vì vậy mà Trần Lệ Chất, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi đã có thể tham gia vào các hoạt động hiệp hội, mặc dù là công chức, trong khi hai anh em Trọng Lợi và Quý Anh trực tiếp điều hành Liên Thành và trường Dục Thanh. Ngoài ra các thương nhân người Hoa cũng có vai trò không nhỏ, ví dụ như Trương Thái Lợi và Lý Thoại Xuân đã dạy Nguyễn Trọng Lợi cách điều hành công ty, cách viết sổ sách cũng như quy tắc kế toán.
Tính cách gia đình và truyền thống của Liên Thành không ngăn cản công ty thích nghi với những yêu cầu của nền thương mại hiện đại. Trụ sở chính của công ty được thiết kế và xây dựng đáp ứng nhiều hoạt động đa dạng, là sự pha trộn giữa không gian gia đình và không gian công cộng, giữa cái mới và cái cũ. Tinh thần đó của công ty cũng được hóa thân vào hình ảnh của những người lãnh đạo đầu tiên của công ty: Nguyễn Trọng Lợi (?-1911) và Nguyễn Quý Anh (1881-1938). Được thừa hưởng một truyền thống gia đình Khổng giáo và quan lại rất gần với các sĩ phu Cần vương ở miền Trung và miền Nam, theo đuổi một nền giáo dục nửa Khổng giáo nửa Tây Âu, với định hướng chính trị là những tư tưởng cộng hòa và bất bạo động của Phan Châu Trinh, họ chính là những người kế tục của Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp.
Liên Thành là sự thể hiện cụ thể của tư tưởng Duy Tân, và nhờ có sự biến đổi sang một doanh nghiệp thực sự theo kiểu phương Tây, với tynh thần thực nghiệp và nỗ lực không ngừng, Liên Thành đã vượt qua cơn bão tố 1908 để tyếp tục sự nghiệp Duy Tân. Không những thế, Liên Thành còn phát triển ở nhiều địa điểm khác như Phan Rí, Hội An, đồng thời vẫn giữ nguyên đặc điểm của mình là vừa làm kinh tế, vừa hoạt động văn hóa giáo dục. Đứng về phương diện này, các nhà lãnh đạo Liên Thành có thể được coi là gạch nối giữa thế hệ các nhà nho cổ điển và các trí thức tân học. 
Giai đoạn tiếp đó (1917-1937) Liên Thành vào đến Chợ Lớn và có tham vọng phát triển ra toàn bộ Đông Dương. Giai đoạn cuối cùng (1937-1975) của Liên Thành cũng là giai đoạn cho thấy lịch sử của một doanh nghiệp gắn liền với lịch sử thăng trầm của một đất nước.
So sánh các đặc trưng văn hóa và thế hệ của các nhà lãnh đạo Liên Thành với các nhân vật đồng thời, có thể thấy rõ sự tương đồng giữa Liên Thành với các thế hệ nhà Nho và trí thức trong khoảng 1 thế kỷ: thế hệ 1862 các nhà Nho cổ điển với Nguyễn Thông; thế hệ 1907 các nhà Nho Duy Tân với các nhà tư tưởng Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng và những người đứng ra thực hiện như Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh, Hồ Tá Bang; và cuối cùng thế hệ 1925 các trí thức được đào tạo ở nhà trường Pháp với  Hồ Tá Khanh và Nguyễn Minh Duệ. Vậy phải chăng nghiên cứu xã hội học ở cấp độ vi mô (Liên Thành) liệu có thể có mối tương đồng với nghiên cứu xã hội học ở cấp độ vĩ mô là Việt Nam hiện đại ?
Liên Thành, qua lịch sử công ty cũng như lịch sử các cá nhân, chính là trường hợp điển hình cho sự chuyển đổi mà các nhà Nho Duy tân đã thiết tha kêu gọi.
———
1 Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Đình Lễ, Đại cương lịch sử VN, tập II (1858-1945), Hà Nội, NXB Giáo dục, 1998, tr.154

Trịnh Văn Thảo

Tác giả

(Visited 34 times, 1 visits today)