Coronavirus khiến ngành trồng hoa điêu đứng

Vào mùa này, Hà Lan ngập tràn trong sắc màu. Các loài hoa đua nhau khoe sắc rực rỡ, cảnh tượng này thậm chí còn có thể được nhìn thấy từ trên vũ trụ. Tuy nhiên, mặc cho hoa tulip hé nở, hầu như không có bóng dáng du khách nào đến ghé thăm, điều này khiến cho ngành công nghiệp sản xuất hoa ở Hà Lan rơi vào cảnh điêu đứng.


Không phải vô cớ mà Hà Lan được mệnh danh là “cửa hàng hoa của thế giới”. Thậm chí ngay từ trên vũ trụ, vào đầu xuân, chúng ta có thể thấy bạt ngàn những cánh đồng hoa muôn màu trải rộng. 

Đỏ, vàng cam, vàng, trắng, tím đen – những cánh đồng trồng hoa tulip trông không khác gì một tấm thảm đầy màu sắc trải rộng trên đất nước Hà Lan. Thông thường vào mùa này, rất đông du khách và các cặp tình nhân thi nhau đến chụp ảnh bên các cánh đồng hoa. Không ít du khách ngồi trên thuyền chiêm ngưỡng hoa trải dọc bờ sông, kênh rạch, lại có những du khách thuê máy bay trực thăng để được ngắm hoa từ trên cao. Riêng năm nay, mọi thứ đều trống vắng, buồn tẻ, ảm đạm. 

Những bức ảnh chụp từ vệ tinh của LiveEO cho thấy những cánh đồng trồng hoa tulip ở Bollenstreek đang nở rộ. Chúng ta cũng có thể bắt gặp cảnh tượng tương tự ở vùng Noordosstpoldern hay ở miền bắc Hà Lan – gần Alkmaar. Năm nay, khủng hoảng dịch bệnh đã làm lượng du khách sụt giảm trầm trọng, và tiếp đó là lệnh cấm đi lại khiến cho ngành du lịch gần như bị tê liệt hoàn toàn. Năm ngoái, cũng vào thời gian này, chỉ trong tám tuần, công viên hoa Keukenhof và các vùng trồng hoa ở Hà lan đón 1,5 triệu lượt du khách. 

Cho đến lúc này những người trồng và kinh doanh hoa tulip không khỏi buồn lòng vì hàng họ ế ẩm. Họ chỉ còn trông đợi một chút tia hy vọng nhỏ nhoi ở những cánh đồng tulip. Bởi lẽ với phần diện tích tulip được dùng làm giống cho năm sau, người ta sẽ không hái hoa mà chờ để thu hoạch củ giống. 

Từ cuối tháng tư, người trồng sẽ cắt ngọn để cây dồn sức nuôi hạt. Đến cuối hè, nông dân sẽ thu hoạch củ. Củ nhỏ được dùng để trồng tiếp vào mùa thu, củ lớn hầu hết dành để xuất khẩu đi khắp thế giới – xuất khẩu tulip có thể đạt khoảng 600 triệu Euro. Một số củ dành để trồng lấy hoa sang năm cắt bán. Do đó từ tháng giêng người ta đã có hoa tươi bán ra thị trường, phần lớn cây hoa này trồng trong nhà kính để tránh giá rét và gió. 

Hoa tulip là biểu tượng của đất nước Hà Lan, mặc dù nó bắt nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy là một đất nước có diện tích nhỏ bé, nhưng khó nước nào vượt được Hà Lan trong ngành công nghiệp trồng hoa. Năm ngoái xuất khẩu hoa của nước này đạt kỷ lục 6,2 tỷ Euro. Năm nay, do khủng hoảng corona nên dấu mốc này bỗng trở nên xa vời vợi. 

Đại dịch khiến các nước phải đóng cửa biên giới quốc gia, ở nhiều nơi các cửa hàng bán hoa tươi buộc phải đóng cửa, cưới xin, lễ lạt đều phải tạm dừng hoặc chỉ tổ chức ở quy mô nhỏ. Trong bối cảnh này, mấy ai quan tâm đến hoa tươi. Trong khi đó mùa xuân, đầu hè là mùa của hoa và cây trồng trong chậu. Gần 40% doanh thu từ kinh doanh hoa tươi và cây cảnh rơi vào thời điểm từ tháng ba cho đến tháng năm hằng năm. 

Trong mấy tuần qua người trồng và kinh doanh hoa buộc phải vứt bỏ hàng triệu bông tulip, thuỷ tiên và nhiều loại hoa khác. Thay vì được bày trong phòng ăn hay phòng khách, cây hoa bị chất đống để đưa đến các cơ sở sản xuất khí sinh học (biogas). 

Tổ chức kinh doanh hoa và cây cảnh lớn nhất thế giới Royal Floraholland cho hay, do nhu cầu của thị trường giảm nên ngay từ đầu mùa dịch corona, tại các buổi giao dịch bán đấu giá hoa đã có tới 50% sản phẩm hoa bị ế. Ngày 1.4 doanh thu còn đạt gần 60%, đến 24.4 chỉ còn khoảng 25% so với năm ngoái. Các bãi đỗ xe trống huếch trống hoác chụp từ vệ tinh ở gần văn phòng của Royal Floraholland ở Naaldwijk cũng cho thấy sự ế ẩm này. 


Royal Floraholland là tổ chức tiếp thị hoa và cây trồng trong chậu lớn nhất thế giới có hai trụ sở chính ở Aalsmeer và Naaldwijk. Năm 2019, hai thị trường này tiêu thụ tới 13,3 tỷ sản phẩm.

Năm nay mọi sự thay đổi hẳn vì đại dịch Corona. Dự đoán, Royal Floraholland năm nay sẽ thua lỗ nặng nề.  

Do ít người mua hoa, thêm vào đó thời tiết bỗng trở nên ấm áp đột ngột trong tháng ba khiến hoa và sản phẩm cây trồng chín sớm, nở bung hết; do đó giá cả lao dốc vì nguồn cung quá cao. Để  ổn định giá, Royal Floraholland hạn chế thu mua hoa của nhà sản xuất, họ chỉ có thể tiêu thụ  30% so với số lượng của các năm trước.

Xuân Hoài dịch (Theo wiwo.de

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)