Covid-19: Niềm tin của công chúng vào khoa học?
Trong đại dịch Covid-19, các nhà khoa học (KH) phải đứng trước hàng loạt các câu hỏi, trả lời những mối lo ngại của dân chúng và tư vấn khuyến nghị cho các chính phủ - dường như niềm tin của công chúng vào KH trở nên mạnh hơn bao giờ hết. Nhưng thực sự, mối quan hệ giữa KH và xã hội lại phức tạp hơn vẻ bề ngoài ấy khá nhiều.
Minh họa của Vox.
Tin tưởng khi đã có một bề dày
“Hành động của chúng ta được dẫn dắt bởi một nguyên tắc… đó là tin vào KH”, phát biểu mới đây Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về tình hình quốc gia [trong đại dịch] gợi ra một câu hỏi thú vị: Đại dịch SARS-CoV-2 ảnh hưởng gì đến cách công chúng cảm nhận về KH&CN?
Khi đối mặt với những rủi ro và bất định liên quan đến đại dịch, mọi con mắt đều đổ dồn vào cộng đồng nghiên cứu. Mỗi ngày, các nhà virus học, dịch tễ học, lây nhiễm học, miễn dịch học, xã hội học, v.v., đều được mời chia sẻ quan điểm trên truyền thông về các vấn đề thế nào là bệnh mới nổi? Thế nào là bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người? Điều gì khiến các họ virus corona khác với những loại virus khác?… Nhưng các dịch bệnh luôn luôn đi kèm với “tin giả”. Nên người ta cũng kì vọng nhà KH trả lời nhiều câu hỏi kì lạ hay các thuyết âm mưu chẳng hạn: Có phải virus corona được tạo ra từ một viện nghiên cứu? Có mối liên hệ nào giữa truyền lây virus và các trạm phát sóng 5G?… Kết quả là thực tế các nhà nghiên cứu phải thực hiện cả hai nhiệm vụ song song: đưa ra thông tin và lại gỡ thông tin hiểu lầm.
Những câu chuyện KH như vậy truyền bá không ngừng. Lo lắng phát sinh từ đại dịch cộng với sự chú ý từ lâu của công chúng vào lĩnh vực nghiên cứu y sinh càng tiếp thêm nhiên liệu cho vòng tuần hoàn đó. Ở nước Pháp, niềm tin của công chúng vào KH đã có một nền tảng lâu dài trước đó. Các nhà KH chính trị như giáo sư Daniel Bou tại Cơ quan KH chính trị quốc gia (FNSP) đã kiên trì bền bỉ thúc đẩy và Pháp trở thành quốc gia duy nhất thường xuyên thực hiện các cuộc khảo sát ở quy mô quốc gia về hình ảnh, vị thế của KH trong mắt công chúng từ những năm 1970 đến giờ.
Điểm nhanh những báo cáo đó cũng đủ để dẹp bỏ bất kỳ băn khoăn nào về việc người Pháp ngờ vực KH. Ngay cả trong những cuộc khủng hoảng KH kĩ thuật nghiêm trọng nhất trước đây, niềm tin của công chúng Pháp cũng chưa bao giờ sụt giảm lâu dài. Sau cuộc khủng hoảng do cúm H1N1 năm 2011, 87% người được khảo sát tự mô tả rằng họ “khá tin tưởng” hoặc “rất tin tưởng” vào KH, lớn hơn nhiều so với con số niềm tin vào truyền thông (29%) hoặc chính phủ (27%). Mùa hè năm 2019, khi virus Ebola lan rộng ở Cộng hòa Dân chủ Congo, công ty nghiên cứu thị trường Harris Interactive cũng làm một nghiên cứu tương tự và ước tính được mức độ tin cậy của công chúng cao kỉ lục – tới 91%.
Với những chỉ số tin cậy cao đến thế, tại sao bây giờ chúng ta lại phải băn khoăn về tác động của coronavirus? Có ít nhất ba lý do.
Covid-19 đã khiến các nhà KH phải liên tục đăng đàn để giải thích về bản chất KH hoặc gỡ bỏ các thông tin sai lệch. Trong ảnh: Tờ Theconversation đã mở một mục hỏi – đáp để lắng nghe ý kiến chuyên gia virus học. Trong hình là GS Michael Wallach and TS Lisa Sedger từ ĐH Công nghệ Sydney trả lời độc giả.
Bất đồng về tính ứng dụng
Trước hết, vì thuật ngữ ‘niềm tin’ đưa ra khá hạn hẹp, nên người ta đã bỏ qua phần lớn sự phức tạp trong mối quan hệ giữa KH và xã hội. Lấy một ví dụ, năm 2011 – thời điểm 87% người Pháp được hỏi bày tỏ niềm tin vào KH, thì phần lớn trong số họ (52%) cũng thể hiện cảm xúc lẫn lộn khi được hỏi họ nghĩ gì về việc “KH tạo ra nhiều lợi hơn hại, nhiều hại hơn lợi, hay lợi hại gần như tương đương nhau”. Câu hỏi có vẻ đơn giản này đã phản ánh những mâu thuẫn mà thực ra liên quan đến việc ứng dụng KH hơn là bản thân ngành KH.
Ví dụ điển hình là ngành trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data). Các tiến bộ về công cụ-kỹ thuật này cho phép nhà nghiên cứu phân tích và phổ biến khối lượng thông tin khổng lồ về gene, lâm sàng và dịch tễ học. Những thông tin này ngày càng được công khai trên các nền tảng trực tuyến, giống như Sáng kiến toàn cầu về chia sẻ dữ liệu cúm GISAID. Việc tổng quát hóa dữ liệu (hay còn gọi là KH mở) được coi là khía cạnh đạo đức của toàn cầu hóa. Mặt khác, những đột phá về AI và dữ liệu cũng hữu dụng với các cơ quan chính phủ đang nỗ lực ngăn chặn virus lây lan càng sớm càng tốt mà đôi khi quan tâm kiểm soát dân chúng hơn là tôn trọng quyền riêng tư và tự do cá nhân.
Vậy cách sử dụng AI và dữ liệu lớn nào trong hai cách nói trên được công chúng quan tâm chú ý nhiều nhất? Người dân ở mỗi quốc gia có thái độ khác nhau như thế nào? Trong tình huống này, điều quan trọng là phải tiến hành những cuộc khảo sát quy mô lớn để xây dựng một bản đồ thế giới về hình ảnh của các ngành KH nói chung trước công chúng, cũng như về văn hóa KH nói chung. Hiện đã có một dự án quốc tế mang tên WISE Alliance tập trung vào vấn đề thúc đẩy văn hóa KH do Michel Claessens (Đại học Tự do Brussels VUB, Bỉ), Martin Bauer (Trường Kinh tế London LSE, Anh) và Ren Fujun (Học viện Chiến lược Sáng tạo Quốc gia, Trung Quốc) phát triển từ năm 2019 đã có những khảo sát như vậy.
Áp lực lên cộng đồng KH
Lý do thứ hai liên quan đến áp lực đè nặng lên cộng đồng KH. Tiến trình nghiên cứu cần có thời gian, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn, tốc độ đó phải gia tăng không ngừng. Trong ấn bản ra ngày 17/3, tạp chí The Scientist báo cáo rằng các chuyên gia về corona virus đang “ngập chìm” trong làn sóng những bản thảo gửi đến chờ xét duyệt. Bằng đấy áp lực đặt lên vai hệ thống bình duyệt ngang hàng sẽ không phải không có rủi ro về liêm chính KH. Vấn đề này cũng chẳng phải chưa có tiền lệ: cứ mỗi đợt khủng hoảng sức khỏe cộng đồng xảy ra, tình trạng quá tải này lại phát sinh.
Cách đánh giá kết quả nghiên cứu nói chung đã có những thay đổi, chủ yếu diễn ra từ đầu những năm 2010. Các nền tảng xuất bản mở hoặc nền tảng đánh giá ngang hàng sau khi xuất bản như F1000, Publons và PubPeer đã khiến nhiều bài báo KH bị rút lại, ngay cả những ấn phẩm có tiếng tăm nhất. Chẳng hạn, PubPeer đã từng gây náo động trong lĩnh vực can thiệp vào chuỗi di truyền phân tử RNA, hay gần đây là những tranh cãi xoay quanh việc sử dụng loại thuốc hydroxychloroquine để điều trị Covid-19.
Cũng giống như công chúng, nhiều nhà báo KH không biết quá trình tạp chí Journal of Antimicrobial Agents bình duyệt đến khi chấp nhận đăng công bố có tựa đề: “Sử dụng Hydrochloroquine và azithromycin trong điều trị Covid-19: kết quả của một thử nghiệm lâm sàng mở không chọn mẫu ngẫu nhiên”, và cũng không biết tại sao một trong những đồng tác giả của bài báo ấy lại rút khỏi hội đồng KH được Chính phủ Pháp chỉ định để “làm sáng tỏ quá trình ra quyết định công khai trong quản lý khủng hoảng vệ sinh liên quan đến corona virus”.
Nhưng phóng viên lại có thể đọc nội dung những cuộc trao đổi giữa thành viên bình duyệt ngang hành trên nền tảng trực tuyến, và quan sát thấy xu hướng nghi ngờ cùng nhiều câu hỏi không được giải đáp ngày càng tăng. Khi đó, phóng viên có thể thực hiện bước tiếp theo là phản ánh những hiểu lầm đó và chia sẻ tới đối tượng độc giả rộng hơn. Trong một bài báo trên tờ Le Monde đăng ngày 24/3, ba tác giả Hervé Morin, Sandrine Cabut và Nathaniel Herzberg báo cáo rằng việc xuất bản kết quả của một nhóm nghiên cứu ở Marseille đã dấy lên một loạt câu hỏi trên PubPeer, trang web chuyên dành để chỉ ra những điểm yếu về phương pháp luận trong công trình KH. Le Monde đã liên hệ với nhóm tác giả của nghiên cứu để làm rõ nhiều điểm, và một trong những đồng tác giả nghiên cứu đã không phản hồi. Rõ ràng những nền tảng mở, đánh giá ngang hàng sau xuất bản, và các blog, website cung cấp thông tin KH đã hình thành nên một hệ sinh thái giám sát khiến việc quản lý hình ảnh công chúng của cộng đồng KH trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Vị thế nhạy cảm của các chuyên gia
Cuối cùng, lý do thứ ba nằm ở chỗ, trong thời kỳ khủng hoảng sức khỏe các nhà KH thường biến thành những chuyên gia được cơ quan chính phủ ủy quyền để ước tính rủi ro và đưa ra khuyến nghị.
Mọi nhà xã hội học đều nhận thức được rất rõ, đặc biệt là những người đã từng dấn thân vào khó khăn khi thực hiện chính sách tiêm chủng bắt buộc, rằng trong bất kì đánh giá rủi ro nào liên quan đến sức khỏe và môi trường, niềm tin phụ thuộc vào khoảng cách nhận thức giữa các nhà KH với các nhà lãnh đạo chính trị.
Ngày nay, các cây viết bình luận ở Pháp luôn nhấn mạnh đến trọng lượng chính trị của hai hội đồng KH nhà nước, một Hội đồng do nhà miễn dịch học GS. Jean-François Delfraissy làm chủ tịch và hội đồng còn lại do nhà virus học GS. Françoise Barré-Sinoussi điều hành. Chúng ta thường không thấy hết được vị thế phức tạp của các chuyên gia này – họ vừa phải ý thức về hình ảnh công chúng nổi tiếng của mình, vừa phải tham gia vào các quyết định chính trị trong khi vẫn cần duy trì khoảng cách nhất định với chính trường.
Tác giả Roger Pielke, trong cuốn sách nổi tiếng The Honest Broker (Tạm dịch: Nhà môi giới trung thực, nói về vai trò của KH trong xây dựng chính sách), đã phân biệt bốn loại chuyên gia đại diện cho bốn cách nhận thức về mối quan hệ giữa KH và chính trị: “Nhà KH thuần túy” chỉ giải thích kiến thức mà không xem xét đến việc áp dụng chính trị của nó như thế nào; “Thẩm phán KH” đưa ra câu trả lời thực tế cho những câu hỏi của chính quyền nhưng không bộc lộ khuynh hướng ủng hộ hay không với những biện pháp giải quyết đó, “nhà tán thành vấn đề” chuyên ủng hộ một dòng tư tưởng cụ thể và cố gắng gây tác động đến lựa chọn của chính quyền theo hướng của mình, và cuối cùng là “nhà môi giới trung thực” cố gắng đưa ra một loạt các phương án thay thế để những nhà lãnh đạo chính trị có thể lựa chọn dựa trên sở thích và giá trị mà họ theo đuổi.
Không còn nghi ngờ gì, khả năng các nhà KH, trong các hội đồng KH lựa chọn các mô hình khác nhau sẽ xác định liệu cuộc khủng hoảng coronavirus có thể tác động lâu dài tới hình ảnh chuyên môn KH đến đâu.
Theo khoahocphattrien.vn
Nguồn bài gốc: https://news.cnrs.fr/opinions/could-covid-19-affect-public-trust-in-science