“Cú shock” mang tên Minh Mệnh

“Trẫm vâng mệnh sáng (minh mệnh) ở trời, chịu mệnh sáng (minh mệnh) ở hoàng khảo [Gia Long], vậy lấy năm nay là năm Canh Thìn, làm Minh Mệnh nguyên niên [năm thứ nhất] để chính tên hay, rõ mối lớn” (Đại Nam Thực lục [ĐNTL], đệ nhị kỷ [II], 1: 4a). Đó là lời tuyên bố của vị vua thứ hai triều Nguyễn vào năm 1820, giải thích về niên hiệu của mình và tìm kiếm những kết nối thần thánh, thiên mệnh, và chính thống cho ngai vàng. Tuy nhiên không phải ai ở Huế vào thời điểm đó cũng chia sẻ điều này với nhà vua, nếu không nói đến sự hoài nghi bao trùm một số lớn quan chức cả Việt và Pháp, và dân chúng. Đó là một trong những câu chuyện bị lờ đi, hay cố tình làm giảm tính chất nghiêm trọng của nó trong các diễn trình lịch sử ở Huế đó có thể được gọi tên: ‘cú shock Minh Mệnh’.

Lăng Minh Mệnh.
Trung tâm của ‘cú shock’ này là một cuộc xung đột lớn về phe phái, phong cách thực hành chính trị và hành chính ở Huế ít nhất trong năm năm đầu tiên cầm quyền của Minh Mệnh khi vị vua thứ hai của vương triều lên ngôi và xác lập các ‘luật chơi’ mới về quan hệ quyền lực, lễ nghi, và hành chính, làm cho phần không nhỏ trong giới quan liêu ‘ngỡ ngàng’. Nó không chỉ buộc Lê Văn Duyệt, Lê Chất, những người “tính nóng nảy”, “nói năng không theo lễ độ” phải thực hành các nghi lễ và quy phạm hành chính mới. Lê Chất được cho đã phàn nàn rằng: “nay triều đình dùng văn thần để sắp đặt nền chính trị. Lũ võ biền như ông tốt nhất là dâng biểu xin từ chức hai thành, về kinh chầu hầu thì may ra mới không có tội lỗi gì”. Hai người này thậm chí từng quỳ khóc trước Minh Mệnh và “đe dọa” trả ấn tín (Đại Nam liệt truyện – ĐNLT, I, q. 23: 8b). Nó còn làm cho những người Pháp ít ỏi đang phụng sự ở triều đình ‘không yên’ vì thái độ bài phương Tây và đạo Thiên Chúa. Nó cũng làm cho phần lớn các quan lại tại Huế một phen ‘lao đao’ với các chuẩn mực mới về thể chế, cách thức vận hành triều chính và văn bản hành chính giấy tờ. 

Tại sao việc khôi phục lại mảnh quá khứ bị lãng quên này lại quan trọng? vì nó không chỉ giúp hiểu hơn về một trong những biến động chính trị, chuyển giao quyền lực lớn ở nửa đầu thế kỷ XIX mà còn cho thấy kỹ thuật ‘gọt đẽo’ diễn ngôn chính trị mà các vị tổng tài, sử quan như Trương Đăng Quế, Vũ Xuân Cẩn, Phan Thanh Giản, Hà Duy Phiên, Trương Quốc Dụng muốn khắc họa cho thời đại và nhà vua mà họ đã phụng sự. Câu chuyện này cũng phản ánh cách con và cháu của vua Minh Mệnh (vua Thiệu Trị và Tự Đức) ‘hình dung’, và muốn ‘khắc họa’ về hình ảnh của cha và ông mình thông qua việc trực tiếp giám sát biên soạn và sửa chữa các bản Thực lục. Qua đó, chúng ta thấy sự bất an và tháng ngày đầu cầm quyền gian nan của Minh Mệnh, đối lập với hình ảnh của vị vua quyền uy và tự tin được mô tả trong chính sử vương triều.

Việc lên ngôi của hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm đã tạo ra một cú shock ở Huế cho rất nhiều nhóm quan lại. Thứ nhất, các phe nhóm Bắc Hà là nạn nhân của cuộc ‘thanh trừng’ năm 1816. Thứ hai, các tướng lĩnh quân sự phe Lê Chất, Lê Văn Duyệt, dù ban đầu không hài lòng với Minh Mệnh, nhưng sau đó đã dùng uy quyền quân sự của mình để gây áp lực đối với nhà vua mới (Dương Duy Bằng-Vũ Đức Liêm 2019). Thứ ba, các quan chức bị shock bởi cách thực hành chính trị mới mà nhà vua xác lập lên nền hành chính. 

Sự chuyển đổi từ Gia Long đến Minh Mệnh tạo ra một cấu trúc và cách thức thực hành chính trị hoàn toàn khác biệt. Nếu như Gia Long là một nhà chinh phục thì Minh Mệnh là một người kiến tạo thể chế. Khác với Gia Long, việc Minh Mệnh quan tâm tới tất cả các chi tiết của hệ thống chính trị đã làm cho giới quan liêu ở Huế gặp khó khăn lớn trong việc thích ứng. Họ đã mất thời gian làm quen với nền chính trị mới, từ sổ sách, giấy tờ, cấu trúc văn bản hành chính cho đến việc đưa ra các quyết định. Minh Mệnh coi việc quản lí hành chính thông qua làm việc trực tiếp với văn bản giấy tờ là nguyên tắc bất khả xâm phạm. “Vua sáng suốt cẩn thận về chính thể. Những chương sớ trong ngoài tâu lên, nhất nhất xem qua, dụ tận mặt cho các nha nghĩ chỉ phê phát, việc quan trọng thì phần nhiều vua tự nghĩ soạn, hoặc thảo ra, hoặc châu phê.” (ĐNTL, II, 1: 17b). Trong lời tựa của bản in Ngự chế văn (sơ tập), nhà vua từng nói số các văn bản châu phê, tự nghĩ soạn đã “tích lại đến mấy vạn bản’ (Ngự chế văn sơ tập, Thượng dụ,1b-2a). 

Bản chiếu tuyên bố cho thần dân cả nước về việc hoàng đế Minh Mệnh lên ngôi, ngày 1 tháng 1 năm Minh Mệnh thứ nhất (1820). Nguồn: TLLTQG I, CBTN-Minh Mệnh tập số 2, tờ số 1.

Điều này rõ ràng đã làm cho các quan chức ở Huế lúng túng trong việc tham dự vào quá trình ra chính sách và quyết định chính trị. Đầu năm 1824, Tham tri Lại bộ là Nguyễn Văn Hưng đem danh sách xin thực thụ Cai đội của các địa phương dâng lên chờ quyết định của nhà vua. Minh Mệnh vì thế đã phải tìm cách trấn an các quan chức: “Triều đình phải có thể thống. Từ nay trở đi đình thần có cử quan to giữ chức mục thú thì đợi trẫm khuyên son [chu khuyên] để tỏ đặc biệt yêu chuộng, còn chức nhỏ chỉ tâu qua để chỉ thi hành thôi, không cần khuyên điểm lặt vặt làm gì” (ĐNTL, II, 26: 6a). 

Nhà vua chắc chắn đã nhận thức được tâm lí ‘bất an’ của các quan lại dưới quyền. Hơn một năm sau ngày đăng quang, ông đã hỏi Hoàng Quýnh, một quan chức thân cận, là người đã phục vụ ông từ khi còn là hoàng tử: 

Minh Mệnh: “Triều thần cho trẫm là thế nào ?”

Hoàng Quýnh: “Trước kia lời chương tấu có chỗ thô lậu, đều uốn nắn từng ly từng tý, người ta lấy làm khó khăn. Nay đã dần quen rồi”. 

Minh Mệnh: “Có phải trẫm hiếu dị đâu, muốn cho được ổn nhã mà thôi” (ĐNTL, II, 8: 27b). 

Phản ứng của Lê Chất và Lê Văn Duyệt với cách thức vận hành nền hành chính mới là một ví dụ cho thấy cuộc xung đột liên quan đến quản trị nhà nước ở Việt Nam trong những năm đầu 1820. Khi thấy Minh Mệnh “chăm mọi việc, phàm sớ tâu bốn phương dâng lên, đều phê bảo hằng ngày rất nhiều, Lê Văn Duyệt và Lê Chất thường nói như thế thì khó nhọc quá. Từ đấy có việc gì thuộc Lục bộ thì giao cho các bộ ấy làm phiếu dự kiến” (ĐNTL, II, 26: 6a-b). 

Sự ‘bất ngờ’ và ‘lúng túng’ của giới quan liêu ở Huế với nhà vua mới cũng liên quan đến việc làm quen với cách thức nhà vua ra các quyết định. Gia Long, một nhà quân sự có vẻ như không phải là ‘fan hâm mộ’ của hệ thống giấy tờ văn bản hành chính. Ông điều hành nhà nước thông qua Công đồng, hay hội nghị của các quan chức cấp cao. Những người này có thể bàn bạc trước các vấn đề lớn trước khi tấu trình để được phê chuẩn và thi hành. Ngược lại, Minh Mệnh yêu cầu một hệ thống hành chính vận hành chặt chẽ và văn bản hành chính phức tạp, được giám sát nghiêm ngặt.

Gay cấn nhất trong ‘cú shock’ của việc thay đổi phương thức cầm quyền ở điện Thái Hòa có lẽ đến từ mối quan hệ giữa nhà vua với các tướng lĩnh chủ đạo, đặc biệt là phe nhóm của Lê Chất, Lê Văn Duyệt. Minh Mệnh nhận được sự ủng hộ của nhiều người phe quân sự: Nguyễn Văn Nhân (Chưởng Chấn vũ quân), Nguyễn Đức Xuyên (Chưởng Tượng quân), Tống Phước Lương (Chưởng Thủy quân), Trần Văn Năng (Thự Chưởng Tiền quân)… tuy nhiên, ẩn số lớn nhất của mạng lưới quyền lực này nằm trong mối quan hệ với hai viên chỉ huy quân sự hàng đầu của vương triều: Lê Văn Duyệt và Lê Chất. Họ là những người được Gia Long sủng ái, và cánh tay quân sự đắc lực nhất trong những năm 1815-1826. Có mấy vấn đề lớn cần làm rõ trong mối quan hệ này. 

Thứ nhất, ban đầu, cả Lê Chất và Lê Văn Duyệt đều không ‘hào hứng’ với hoàng tử Đảm như ứng viên cho ngai vàng. Phan Thúc Trực có hé lộ rằng Duyệt cũng đã từng vận động cho hoàng tôn Đán cho ngai vàng (Quốc sử di biên[QSDB], I: 64a). Dễ hiểu là chi tiết này đã bị Thực lục ‘giấu’ đi. 

Thứ hai là mối xung đột về thực hành nghi lễ, quyền lực và tính cách cá nhân. Duyệt được mô tả là người cư xử “không câu nệ thứ bậc”, “thường đánh chết con chó nào chạy đến chầu trước mặt vua (QSDB, I: 64b). Duyệt và Chất phản ánh cách thức vận hành quyền lực cũ, đơn giản, ít lễ nghi thời Gia Long. Minh Mệnh là hiện thân cho ý chí của nền chính trị mới ở đó lãnh thổ phải được thống nhất, điển chế, pháp độ được chuẩn hóa, và sự chính danh “quân-thần” phải được thực hành nghiêm ngặt.

Thứ ba, chính sách với Thiên Chúa giáo, ngoại thương, và quan hệ với phương Tây. Đây là những khía cạnh chủ chốt phản ánh góc nhìn của hai thế hệ và hai mối quan tâm đối với vai trò và sự tương tác của Việt Nam đối với khu vực và thế giới. Một nhân chứng người Pháp được cho là đã ‘diễn dịch’ lại câu nói trong đó viên Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt phản ứng trước thái độ bảo thủ chính trị và kỳ thị phương Tây của nhà vua: 

“Làm sao chúng ta có thể hành hình các thầy Dòng Tây Dương? Hạt gạo [họ mang đến] vẫn ở trong miệng chúng ta! Ai đã giúp tiên đế lấy lại xã tắc? Hoàng thượng, chính ngài sẽ đánh mất nó một lần nữa. Tây Sơn sát đạo nên diệt vong. Nhà vua của Pegu [Myanmar] trục xuất các giáo sĩ, ông ta mất ngôi. […] Mộ của giáo sĩ Pigneau [Bá Đa Lộc] vẫn còn ở đây. Không, ngài không thể làm thế khi tôi vẫn còn sống. Ngài có thể làm bất cứ điều gì ngài muốn chỉ khi nào tôi chết đi.” (Adrien Charles Launay. 1894: 535).

Lê Văn Duyệt là người thân phương Tây. Cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, con trai Lê Văn Duyệt nhận được sự hỗ trợ của nhà truyền giáo Joseph Marchand.

Nhiều lần Duyệt và Chất gây sức ép lên Minh Mệnh bởi họ tin vào ảnh hưởng không thể thay thế về mặt quân sự. Thực tế trong những năm đầu, Minh Mệnh hoàn toàn phải dựa vào họ để ổn định tình hình. Ví dụ điển hình là năm 1824, Duyệt và Chất quỳ khóc trước ngai vàng và yêu cầu được giải chức nếu Minh Mệnh không cho phép họ được xét xử các viên chức dưới quyền phạm tội (ĐNLT, I, q. 24: 12a). Ở một khía cạnh khác của mối quan hệ phức tạp này, cũng chính Duyệt là người giúp Minh Mệnh ra đòn tấn công quyết định vào đối thủ chính trị và cháu mình là hoàng tôn Đán. Vào năm 1824, Đán bị cáo buộc dâm loạn với mẹ là Tống Thị Quyên. Viên Tổng trấn được cho là đã mật tâu về Huế và nhà vua sai bắt người phụ nữ đóng cũi giải đến cho Duyệt đem dìm chết, đồng thời giáng vị hoàng tôn làm thứ dân (ĐNLT, I, 23: 7b-8a). Nhờ sự trợ giúp này, tính chính thống của Minh Mệnh trên điện Thái Hòa vững chắc hơn bao giờ hết. 

Tuy nhiên hai người này cũng tin rằng mình có thể ‘khống chế’ Minh Mệnh bằng cách kiểm soát các cánh tay chính trị của ông. Lê Chất được cho là nói với Lê Văn Duyệt: “vua cậy Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Hữu Thận làm lòng bụng, ta chỉ cần vài trăm người vào triều đình hét to lên một tiếng thì lũ kia phục xuống đất, ta muốn làm thì làm [ĐNLT], II, 24: 16b). ‘Âm hưởng’của cuộc xung đột quyền lực này chắc chắn đã lan ra khỏi các bức tường hoàng cung. Những lo ngại về sự bất ổn được phản ánh qua hồi ký và báo cáo của các viên chức người Pháp ở Huế, những người tin rằng sẽ có ‘biến loạn’ với sự lên ngôi của Minh Mệnh. Trong một bức thư J.B. Chaigneau gửi đi từ Huế tháng 12/1821, ông nói về những xung đột liên quan đến việc Minh Mệnh kế ngôi:

“… Theo những gì tôi đã thấy và điều mà người ta đã nói với tôi về đức vua là một người giả dối và không còn tin tưởng bao nhiêu ở người. Đức vua rất kiêu ngạo. Các quan văn rất nịnh bợ tâu với đức vua rằng người là một học giả lớn đến nối đức vua tự cho mình là một đại hoàng đế. Ngài quản lí các quan của mình còn nghiêm ngặt hơn nữa, nhưng không thành công, và ngài có nhiều kẻ thù trong đám các cựu thần của phụ vương. Tất cả những người phục vụ ngài lúc ngài hãy còn là hoàng tử ngày nay đều được sủng ái, trong lúc các cựu thần thân cận thì rơi rụng rất nhiều… ” (M. Chaigneau à M. de la Bissachère. – (Décembre) 1821, BAVH 4 (1926): 434, bản dịch (Huế: Thuận Hóa, 2004): 553). 

Việc Minh Mệnh dựa vào nhóm văn quan đã gây ra phản ứng đối với nhóm võ quan mà Lê Chất và Lê Văn Duyệt là người dẫn đầu. Phe văn thần này, sau đó đã tìm cách viết lại lịch sử để nhắm vào Duyệt và Chất là ‘vô lễ’, kiêu căng tự phụ, ỷ thế công thần ăn hiếp nhà vua, và mô tả Minh Mệnh là một minh quân có khả năng nhún nhường, bao dung với sự ‘ngỗ ngược’ của quyền thần vì lợi ích chung. Thực tế, Minh Mệnh đã tìm cách hòa giải đối với hai người này. Ban thưởng hậu hĩnh cho Lê Văn Duyệt và Lê Chất và gia đình của họ, bao gồm cha của Lê Văn Duyệt là Lê Văn Toại và thân mẫu Lê Chất là Đào Thị Thôn. Tuy nhiên, cả hai, bao gồm phe nhóm và gia đình của họ sẽ bị triệt hạ ngay sau khi họ qua đời (1826 và 1832). Nỗi ám ảnh với các viên tướng này sẽ còn đi theo Minh Mệnh trong nhiều năm như chính ông tuyên bố vào năm 1835: “Ta thấy võ biền ở triều đình ngày nay cũng đã hơi biết giữ gìn, đã hơn những người ở lúc quốc sơ chưa quen lễ phép”.

‘Cú shock Minh Mệnh’ đã gây ra những xung đột lớn trong hệ thống chính trị và tái cấu trúc nhà nước ở Việt Nam đầu thế kỷ XIX, dẫn đến sự ra đi của nhiều phe nhóm quyền lực thời Gia Long và nổi lên của các nhóm quyền lực mới, đặc biệt là các tiến sỹ khoa cử mới và nhiều nhân vật từ Trung Kỳ. Khía cạnh khác của câu chuyện thực hành chính trị này cũng hé lộ những gian nan của cha ông trong buổi đầu xác lập lãnh thổ thống nhất và nền chính trị tập quyền sau 300 năm mở mang lãnh thổ và phân tán chính trị. Nó cho thấy cách thức hình hài của một nước Việt Nam hiện đại và thống nhất được thai nghén trong những thăng trầm của cá nhân, phe nhóm, và vương triều. Nó cũng cho thấy cách thức các sử gia giữa thế kỷ XIX tái định hình lại câu chuyện về vị minh quân của mình, và các thủ pháp đã được sử dụng để gọt dũa và tạo tác một câu chuyện mà họ muốn truyền tải cho hậu thế. Góc nhìn của chúng ta cho thấy một gương mặt khác của vị hoàng đế: bất an và những trở ngại trên đường cầm quyền không hề bằng phẳng như bức thông điệp của các sử quan vương triều. Đó là một thế giới ẩn chứa đầy xung đột và tranh chấp quyền lực, nơi Minh Mệnh trải qua một cuộc chiến không hề dễ dàng để giành ngôi vua, và sau đó là tháng ngày gian nan xác lập các thiết kế chính trị của mình lên giới quan liêu ở Huế. 

Tham khảo

Adrien Charles Launay. 1894. Histoire generate de la Societe des Missions Etrangeres, Tome 2. Paris: Tequi, Libraire-Editeur.

Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội

Đại Nam Thực Lục, bản Hán (Tokyo: Institute of Cultural and Linguistic Studies, Keio University, 1961-1977), bản dịch (Hà Nội: Giáo Dục, 2006). 

Đại Nam Liệt Truyện, bản Hán (Tokyo: Keio Institute of Linguistic Studies, reprint, 1963), bản dịch (Huế: Thuận Hóa, 1993). 

Phan Thúc Trực. Quốc sử di biên, bản Hán (Hongkong: Hương Cảng trung văn Đại học Tân Á nghiên cứu sở, 1965), bản dịch (Nguyễn Thị Oanh, et al., Hà Nội: KHXH, 2010). 

L. Cadière. Les Francais au service de Gia-Long (Những người Pháp phụng sự Gia Long), BAVH, 4 (1926).

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)