Cúm A-H1N1 nguy hiểm hơn cúm gia cầm

Không chỉ cướp đi sinh mạng của biết bao người dân Mehico, virus H1N1 còn “vượt biên” sang Mỹ, Canada, Colombia, Brazil, Anh, Tây Ban Nha, Australia, New Zealand và nhiều nước khác nữa. Do bệnh dịch lan tràn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) (một trong những chức năng chính của tổ chức này là điều phối hoạt động của 193 quốc gia thành viên khi xảy ra tình trạng y tế khẩn cấp) đã liên tiếp nâng mức cảnh báo dịch: hôm 27 tháng 4, mức 3 đã được nâng lên thành mức 4 và chỉ hai ngày sau đó, mức 5 trên tổng số 6 cấp độ cảnh báo được công bố. Tiến sĩ – Bác sĩ Keiji Fukuda, trợ lý Tổng giám đốc WHO, cho biết thảm họa này không chừa bất cứ vùng đất nào. Còn bà Magaret Chan, Tổng Giám đốc WTO, thì nhấn mạnh: “Tất cả các quốc gia cần ngay lập tức triển khai kế hoạch đối phó với dịch bệnh”. Phóng viên báo Le Monde đã phỏng vấn Giáo sư Didier Raoult, hiện công tác tại Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Pháp (trụ sở ở Marseille) và là tác giả của cuốn Nouvelles Maladies infectieuses (Những căn bệnh truyền nhiễm mới) (NXB PUF).

Virus H1N1 lây truyền bằng cách nào?
Bệnh dịch lây lan qua ba giai đoạn. Ban đầu, nó bùng phát ở động vật (dịch động vật), sau đó, truyền từ động vật sang người (bệnh từ động vật truyền sang người), và cuối cùng là giai đoạn lây truyền từ người sang người.
Chưa bao giờ cúm gia cầm thực sự vượt qua giai đoạn hai. Ấy thế mà, hiện nay, cúm A-H1N1 đang phát triển ở giai đoạn ba, lây truyền từ người sang người. Vấn đề còn lại là phải xác định tỷ lệ lây truyền của loại virus này, tức mức độ lây nhiễm của cúm A-H1N1. Tính trung bình, một người mắc bệnh lây qua đường hô hấp sẽ truyền virus gây bệnh cho hai người khác. Tuy nhiên, đối với bệnh sởi, tỷ lệ ấy là 23/1, tức một người mắc sẽ lây cho hai mươi ba người khác.
Tùy theo tỷ lệ lây nhiễm, số lượng virus gây bệnh sẽ nhanh chóng gia tăng với tốc độ chóng mặt. Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng một tỷ người di chuyển bằng máy bay và các nhà khoa học Đức đã chứng minh được rằng trên một chuyến bay dài hơn bốn giờ, 72% số hành khách bị lây nhiễm một loại virus gây bệnh hô hấp. Năm 1957, dịch cúm châu Á, trận đại dịch cúm người xảy ra gần đây nhất, đã cướp đi sinh mạng của hai triệu người.

Chuyện gì sẽ xảy ra một khi virus biến thể?
Một khi virus biến thể, việc xác định tỷ lệ lây truyền càng gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Cách thức gây bệnh, sinh sản của mỗi dạng biến thể một khác. Thế nên, công tác dự báo trở nên vô cùng phức tạp. Quả thật, các mô hình dự báo hiện nay vốn dựa trên những phân tích tình hình trước đây và đã bỏ qua một yếu tố quan trọng là sự khác biệt giữa các cá thể sống. Những loại thuốc hiện có của chúng ta chỉ phát huy tác dụng khi bệnh nhân được điều trị từ rất sớm. Như vậy, tình hình sẽ thêm phần rắc rối khi con người trở thành trung gian truyền bệnh.

Làm thế nào chúng ta có thể phòng tránh những virus biến thể có khả năng lây truyền từ người sang người này?
Hiện đã có vaccine ngừa cúm thông thường và đa số mọi người đều đã miễn dịch với virus ấy. Trẻ nhỏ và người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, nhưng virus H1N1 không chừa bất cứ một ai. Nếu một ngày nào đó, biến thể virus ấy xuất hiện mà người dân chưa được tiêm vaccine phòng vệ thì đúng là thảm họa. Hiện chúng ta vẫn chưa có liệu pháp điều trị thích hợp và chưa biết được cơ chế lây truyền của những chủng virus đó.

Những nước nào có được trang thiết bị tốt nhất để phòng chống những đại dịch như thế này?
Đó là Trung Quốc. Để dập dịch SARS (hội chứng suy hô hấp cấp), nước này đã xây một bệnh viện với 600 giường cách ly và phát triển các dịch vụ chăm sóc bệnh nhân mắc nhiễm. Italia cũng có hai bệnh viện được trang bị tương tự như thế. 1

 

Hồ Thủy An dịch
(Theo Le Monde và tổng hợp từ Internet)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)