Cuộc chạy đua để sở hữu sáng chế về CRISPR-Cas9

LTS: Giải Kavli trong lĩnh vực khoa học Nano gần đây được trao cho một nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực CRISPR mà công chúng ít biết đến, Virginijus Siksnys đến từ Lithuania (bên cạnh hai cái tên nổi tiếng Jennifer Doudna và Emmanuelle Charpentier từ Mỹ và Pháp).

Điều này lại một lần nữa dấy lên mối tranh cãi về quyền sở hữu các phát minh cũng như việc ghi nhận những cống hiến của các nhà nghiên cứu trước những khám phá khoa học lớn.

Một thiên tài ngồi trong phòng thí nghiệm miệt mài đến khuya, và cuối cùng reo lên – ‘Eureka! (tìm ra rồi)’, sau đó, các giải thưởng lớn và các bằng sáng chế giá trị đến với họ, phải chăng đây là cách mà các nhà khoa học làm việc như mọi người đang nghĩ?

Các phát minh rất hiếm khi xảy đến theo một đường thẳng như vậy. Tiến bộ gần đây trong công nghệ sinh học có một cái tên viết tắt khá dài và kì quặc, CRISPR-Cas9 là một trường hợp điển hình.

Đây là một quá trình làm cho việc chỉnh sửa ADN có vẻ dễ dàng như việc sửa lỗi chính tả trong email, nhờ vào một phân tử có chức năng như một cái kéo cắt ADN. Các nhà khoa học đã tìm ra cách sử dụng ‘cái kéo’ này trong nhiều sinh vật, từ nấm đến phôi người.

Bây giờ, với các bằng sáng chế và giải thưởng (thậm chí có thể là giải thưởng Nobel trong tương lai) đang treo lơ lửng, câu hỏi lớn được đặt ra là: Ai mới thực sự là người phát minh ra phương pháp đầy tính cách mạng này?

Jake Sherkow, giảng viên dạy quyền sở hữu trí tuệ tại Trường Luật New York, nói rằng đó là “một câu hỏi tỷ đô” theo đúng nghĩa đen.

Virginijus Siksnys và nhóm nghiên cứu của ông tại Viện nghiên cứu công nghệ sinh học, Đại học Vilnius, Lithuania. Nguồn: npr.com

“Cái giá người ta sẵn sàng trả cho việc sở hữu bằng sáng chế này là rất cao”, Sherkow, người đang theo sau vụ tranh chấp bằng sáng chế của Mỹ nói. Một mặt, Editas Medicine (một tập đoàn dược) đã chi gần 15 triệu USD cho cuộc chiến bằng sáng chế này. “Mười lăm triệu đô la thực sự là một thước đo cho việc các luật sư mỗi bên đang tranh tụng gay gắt tới mức độ nào”, ông nói.

Chỉ có một vài tên tuổi lớn mà mọi người thường liên kết với phát minh này và tranh chấp bằng sáng chế – Jennifer Doudna và Emmanuelle Charpentier là một. Feng Zhang là hai. Nhưng rất nhiều nhà khoa học khác và các nghiên cứu sinh của họ đã giúp CRISPR phát triển đến trình độ như hiện nay. Và trong số đó, nhiều người đến từ những phòng thí nghiệm và các quốc gia nhỏ hơn rất nhiều. Virginijus Siksnys, một nhà sinh hóa học ở Vilnius, Lithuania, là một trong những người đó.

Siksnys sinh ra ở Lithuania lấy bằng tiến sĩ tại Đại học liên bang Moscow ở Nga và nay ông là trưởng phòng thí nghiệm tại Viện Công nghệ sinh học tại Đại học Vilnius, thủ đô của Lithuania.

Năm 2012, sau nhiều năm nỗ lực, Siksnys và các đồng nghiệp đã phát hiện ra một số vi khuẩn có thể cắt và ghép các gene cụ thể từ các sinh vật khác như thế nào. Quan trọng hơn, nhóm của Siksnys đã có thể điều khiển hệ thống CRISPR để cắt ra bất kỳ chuỗi gene nào họ muốn. Giedrius Gasiunas, nghiên cứu sinh từ phòng thí nghiệm của Siksnys, nói: “Nó thực sự rất thú vị.”

Siksnys và các đồng nghiệp đã gửi phát minh của mình đến Cell, một tạp chí hàng đầu về khoa học sự sống. Theo ông, “Những phát hiện này mở đường cho sự phát triển các công cụ phân tử độc nhất vô nhị để phẫu thuật ADN định hướng ARN.”

Cell từ chối nghiên cứu này mà không thèm bình duyệt. Thất vọng, các nhà khoa học sau đó gửi nghiên cứu của họ đến một tạp chí khác, PNAS. Nó đã được chấp nhận. Tuy nhiên, một tháng trước khi bài báo của Siksnys được xuất bản, một nghiên cứu tương tự từ một nhóm khác nghiên cứu về CRISPR đã được công bố trên tạp chí Science. Các tác giả chính trong bài báo này là Jennifer Doudna ở Đại học California, Berkeley, và Emmanuelle Charpentier, người sau đó được liên kết với Đại học Umea ở Thụy Điển, và bây giờ là với Viện Max Planck ở Đức.

Cả hai nghiên cứu đều mô tả cách vận hành của CRISPR. Nhưng các nhà nghiên cứu công bố phát minh trên Science đã tiến thêm một bước nữa; họ đã thiết kế một phiên bản CRISPR đơn giản hơn, có khả năng làm việc trên nhiều sinh vật khác nhau, bao gồm cả tế bào cơ thể người.

Khoảnh khắc đó vào năm 2012 đã chứng tỏ là một bước ngoặt của công nghệ này. “Từ một điều mơ hồ có vẻ có tiềm năng, CRISPR trở nên bùng nổ trên khắp bức tranh của lĩnh vực y sinh”, Nathaniel Comfort, nhà nghiên cứu lịch sử khoa học và y sinh tại ĐH John Hopkins, nói, “Nó lan ra như cháy rừng. Trong khoảng một năm, một năm rưỡi, nó đã được thực hiện trong hầu hết các phòng thí nghiệm y sinh mà bạn có thể nghĩ đến”.

Giờ đây, nhắc đến CRISPR là nhắc đến tên của hai nhà khoa học có công bố trên Science – Jennifer Doudna và Emmanuelle Charpentier, và họ là ứng cử viên đứng tên cho bằng sáng chế chính của Hoa Kỳ. Ứng cử viên khác, dẫn đầu bởi Feng Zhang, có trụ sở tại Viện Broad ở Massachusetts. Còn Virginijus Siksnys và Giedrius Gasiunas thì hiếm khi được nói đến.

Comfort nói rằng bởi vì các bằng sáng chế và giải thưởng ra đời nhằm ghi nhận những khám phá, nhưng trong nhiều trường hợp, chỉ riêng việc xác định những khám phá đó thực sự là gì cũng vô cùng phức tạp. Đó còn chưa kể, nhiều nhóm khám phá giống nhau trong cùng lúc. Chẳng hạn, phát hiện và phát triển hormon insulin như một phương pháp y tế điều trị cho bệnh tiểu đường Tupe 1. Vào những năm 1920, việc tiêm insulin được chiết xuất từ động vật đã khiến bệnh này từ “án tử hình” thành một chứng rối loạn có thể kiếm soát được. Đó là một bước phát triển quan trọng của ngành y học. Nhưng Comfort nói rằng có một cuộc tranh luận gay gắt về đâu là “khám phá” tiên phong đã tạo ra phương pháp điều trị này, chưa kể ai mới là người xứng đáng nhận được công trạng cho nó.

Philippe Horvath, một nhà sinh vật học phân tử làm việc với tập đoàn dược phẩm toàn cầu DuPont ở Dangé – Saint – Romain, Pháp, cho biết: “Cuối cùng, một vài cái tên rồi sẽ được người ta nhớ mãi, nhưng có rất nhiều người khác đã cống hiến cho con đường vĩ đại dẫn đến sự phát triển của CRISPR. Ông ước tính rằng có khoảng một trăm các nhà nghiên cứu – bao gồm cả chính mình – đã tham gia vào việc phát triển công nghệ CRISPR-Cas9 đạt tới thành tựu hiện nay.

Hiện tại, Horvath và Siksnys cho biết họ hài lòng với sự tôn vinh khiêm tốn mà mình nhận được, kể cả một giải thưởng gần đây của trường Đại học Y khoa Harvard mà họ chia sẻ với các nhà khoa học trong lĩnh vực CRISPR khác. Trong khi đó, cuộc chạy đua của nghiên cứu sâu hơn trên những phát hiện nền tảng ban đầu vẫn đang tiếp diễn.

Mỗi ngày, Siksnys lại đọc những công bố về CRISPR mới xuất bản. “Những kết quả đó đã khiến tôi vẫn gắn bó với khoa học – bởi vì bạn không bao giờ biết những gì sẽ xảy ra vào ngày hôm sau, và điều đó thực sự, thực sự thú vị”, ông nói.

Thanh Mai dịch

Dẫn theo Khoa học và phát triển

Tác giả

(Visited 18 times, 1 visits today)