Cuộc chiến tê giác

Loài tê giác Java từng có thời tồn tại phổ biến trong những cánh rừng và vùng lau sậy của Việt Nam, nhưng vào năm 2010, con tê giác cuối cùng của quốc gia đã bị những kẻ săn trộm giết hại. Tuy nhiên, ở Việt Nam không hề thiếu sừng tê giác.

Nạn buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp từng phân bổ quanh một số thị trường như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật, và Yemen. Nhưng ngày nay tâm điểm của thị trường tiêu thụ là Việt Nam.

Riêng trong năm ngoái, ước chừng hơn một tấn sừng tê giác đã được tuồn vào thị trường trong nước. Ở Nam Phi, vài cán bộ Việt Nam, trong đó có cả những nhà ngoại giao, đã bị dính líu vào những cáo buộc buôn lậu sừng tê giác.

Tuy nhiên, không phải tất cả sừng tê giác đều nhập vào Việt Nam một cách bất hợp pháp. Luật pháp Nam Phi, tuân thủ theo Hiệp ước Thương mại Quốc tế đối với các loài đang bị đe dọa (CITES), cho phép xuất khẩu sừng tê giác theo hình thức chiến lợi phẩm. Năm 2003, một thợ săn Việt Nam từng bay tới Nam Phi và giết một con tê giác trong một cuộc săn hợp pháp. Không lâu sau đó, vài chục thợ săn Châu Á tiếp nối, mỗi người trả khoảng 50 nghìn USD hoặc hơn để tham gia vào những cuộc săn theo hình thức được cấp phép.

Ở Việt Nam, mỗi cặp sừng tê giác trung bình nặng gần 6 kg, có thể được cắt nhỏ và bán ngoài chợ đen, đem lại một khoản lợi nhuận tối đa chừng 200 nghìn USD sau khi đã trừ các chi phí.

Có nhiều nguyên nhân gây ra cơn sốt sừng tê giác, nhưng yếu tố quan trọng nhất là sự quan tâm tới khả năng chữa bệnh của sừng tê giác mà người ta thường nói tới. Ít nhất là từ 2000 năm nay, Đông dược vẫn coi sừng tê giác – được nghiền thành bột – có khả năng hạ sốt và trị nhiều bệnh. Một vài nghiên cứu tiến hành từ 30 năm nay về tính năng hạ sốt không đem lại kết quả rõ ràng, nhưng một ấn phẩm từ điển dược học cổ truyền năm 2006 có dành riêng hai trang để nói về sừng tê giác.

Sừng tê giác giúp trị liệu ung thư?

Khẳng định gây thu hút chú nhất gần đây là sừng tê giác trị được ung thư. Các nhà nghiên cứu ung thư khẳng định không có nghiên cứu nào về hiệu quả trị ung thư của sừng tê giác được công bố. Tuy nhiên, dù các tính năng của sừng tê giác vẫn còn đáng ngờ, nhưng không có nghĩa là nó vô tác dụng đối với người dùng, nhận định từ Mary Hardy, giám đốc y tế của Trung tâm Simms/Mann UCLA Center for Integrative Oncology, cũng là một chuyên gia y học cổ truyền. “Lòng tin thân đã có tác dụng trị liệu, đặc biệt khi lòng tin đó dành cho một phương thuốc cực kỳ đắt đỏ và khó kiếm thì tác động lên cảm nhận của người bệnh sẽ rất mạnh mẽ”, bà nói.

Để hiểu sừng tê giác được coi trọng đến mức nào ở Việt Nam, tôi đã đi thực tế dọc đất nước cùng một người phụ nữ tên Thiên. Ảnh chụp quang tuyến vú cho thấy có một đốm trong vú phải của chị này; còn ảnh chụp sonogram cho thấy một quầng tối đáng lo ngại trên buồng trứng. Người phụ nữ 52 tuổi có kế hoạch tìm đến những phương pháp trị liệu hiện đại, nhưng đồng thời cũng muốn khám các thày lang cổ truyền. Tôi hỏi chị ta có tin rằng sừng tê giác sẽ giúp chữa lành cho mình hay không. “Tôi không biết”, chị nói. “Nhưng nếu bệnh tình nguy hiểm đến tính mạng thì cũng nên thử xem có chữa được không”.

Kể từ năm 2006, hơn một nghìn tê giác ở Nam Phi đã bị tàn sát. Năm ngoái, 22 kẻ săn trộm bị bắn hạ, và 200 tên bị bắt. Tâm điểm của những xung đột đẫm máu này là nhu cầu sử dụng sừng tê giác, một thành tố rất được coi trọng trong y học cổ truyền ở Châu Á. Giá chợ đen thường dao động nhiều, từ 33 tới 133 USD mỗi gram theo trích giá chợ đen ở Việt Nam. Tức là ở mức cao nhất, giá sừng tê giác cao gấp đôi giá vàng, và có thể cao hơn cả giá cocaine.

Các chuyến đi đưa chúng tôi tới những bệnh viện ung thư, và những bệnh viện y học cổ truyền ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tới các cửa hàng thuốc Đông y, những lái buôn bán bộ phận động vật quý hiếm, và cả những căn nhà tư trong các thị trấn nhỏ. Chúng tôi đã tìm thấy sừng tê giác ở nhiều nơi.

Đa số người sử dụng mà chúng tôi gặp ở Việt Nam thuộc về tầng lớp trung lưu đang gia tăng ngày càng nhanh, trong số đó có những bác sĩ được đào tạo Tây y, một vị giám đốc ngân hàng, một nhà toán học, một người môi giới bất động sản, một kỹ sư, một giáo viên trung học. Thông thường các gia đình chung tiền với nhau để mua một mẩu sừng tê giác và cùng chia nhau sử dụng. Một số người đem biếu ai đó bị bệnh nặng. Mẹ đem cho con uống khi bị sởi. Người già thì quả quyết sừng tê giác giúp tăng cường lưu thông máu và ngăn ngừa đột quỵ. Nhiều người lại coi nó như một dạng siêu-vitamin.

Tuy một số bác sĩ Việt Nam mà tôi có dịp trò chuyện nói rằng sừng tê giác chẳng chữa được gì, càng không thể chữa ung thư, nhưng một số bác sĩ lại khẳng định sừng tê giác có thể góp phần hiệu quả giúp điều trị ung thư. Một số người nói họ chỉ định sừng tê giác dưới dạng viên thuốc uống nhằm giảm đau cho những bệnh nhân ung thư phải trải qua hóa trị và xạ trị. Những người khác, bao gồm Trần Quốc Bình, giám đốc một bệnh viện y học cổ truyền, tin rằng sừng tê giác có thể giúp làm chậm quá trình sinh trưởng một số khối u. “Đầu tiên chúng tôi trị liệu bằng y học hiện đại: hóa trị, xạ trị, phẫu thuật”, ông Trần nói. “Nhưng sau đó, một số tế bào ung thư vẫn tồn tại. Vì vậy chúng tôi dùng y học cổ truyền để xử lý những tế bào này”. Ông nói rằng một hỗn hợp sừng tê giác, nhân sâm, và một số thảo dược khác có thể giúp ngăn chặn các tế bào ung thư, nhưng ông không đưa ra được nghiên cứu qua thẩm định chuyên môn (peer-reviewed) nào để bảo chứng cho quan điểm của mình.

Một buổi tối, cô Thiên và tôi tới một quán cà phê ven hồ nhộn nhịp được giới thiệu bởi một người bạn. Cô Thiên kể về bệnh trạng của mình cho chủ quán nghe, và ông ta đem ra một mẩu sừng màu hổ phách kích cỡ bằng miếng xà phòng, và một đĩa sứ có hình vẽ một con tê giác. Đáy của đĩa nhám như giấy ráp. Ông chủ quán đổ một ít nước xuống đĩa, và bắt đầu mài miếng sừng vào đáy đĩa. Sau vài phút, chiếc sừng bốc ra mùi hăng cay, còn nước chuyển thành màu sữa trắng. Trong khi những vị khách khác không buồn để tâm, ông chủ quán vừa mài vừa giải thích rằng ông ta và một người bạn đã cùng mua chiếc sừng với mục đích bổ trợ sức khỏe và chống ói mửa, và phải trả 18 nghìn USD cho 180 gram sừng. Sau 20 phút mài, người chủ quan đổ dung dịch vào hai cốc nhỏ, đưa một cốc cho cô Thiên, một cốc cho tôi. Hơi sạn một chút, nhưng cơ bản là không có vị gì. Cô Thiên uống cạn cốc dung dịch và nói “hi vọng là có hiệu quả”.

Chăn nuôi tê giác lấy sừng

John Hume, một doanh nhân Nam Phi, tin rằng không cần phải giết tê giác để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sừng của Việt Nam. Nhà đầu tư 69 tuổi này từng thành đạt nhờ kinh doanh khách sạn và taxi trước khi đầu tư làm trang trại nuôi thú, tập hợp được một trong những đàn tê giác sở hữu bởi tư nhân lớn nhất trên thế giới. Hiện nay ông ta có hơn 700 con tê giác trắng và đen trong hai trang trại, và vẫn muốn tiếp tục mở rộng hơn nữa.

Vào thập kỷ 1970 và 1980, những kẻ săn trộm đã làm hủy diệt nghiêm trọng hai loài tê giác trắng và tê giác đen của Châu Phi. Nhưng sau đó Trung Quốc cấm dùng sừng tê giác trong dược liệu cổ truyền, còn Yemen thì cấm dùng sừng tê làm cán dao tế. Số liệu cho thấy những giải pháp này giúp giảm đáng kể nạn săn trộm. Tuy nhiên, tới 2008, số lượng tê giác bị săn trộm ở Nam Phi tăng đột biến, 83 con so với 13 con năm 2007. Tới 2010 con số tăng thành 333 con, và năm 2011 là hơn 400 con. Mạng lưới giám sát quốc tế cho rằng đa số các vụ buôn sừng tê giác đều dẫn tới điểm đến là Việt Nam.

“Chúng ta lấy lông của cừu, sao lại không thể lấy sừng của tê giác?”, ông ta đặt câu hỏi. “Nếu bạn cắt sừng tê giác trên gốc sừng khoảng 3 inch, nó sẽ mọc lại sau 2 năm. Điều này nghĩa là nguồn cung cấp sừng tê giác sẽ không bao giờ cạn nếu bạn giữ con vật sống được”.

Gần như mỗi tuần một lần, người quản lý thú và một bác sĩ thú y của Hume, dưới sự giám sát của một nhân viên nhà nước, gây mê một con tê giác và cắt lấy hai sừng bằng cưa máy. Chỉ hai mươi phút sau, con vật lại tiếp tục được chăn thả, trong khi chiếc sừng, được cài một microchip, đã trên đường tới két bảo quản của một ngân hàng. Hume từ chối không cho biết đã thu được bao nhiêu tiền kể từ khi bắt đầu thu hoạch vào năm 2002, nhưng nếu ước tính một cách khiêm tốn thì con số phải cỡ vài chục triệu USD.

Ý tưởng chăn nuôi tê giác trên quy mô lớn của Hume là một trong số một chuỗi các giải pháp bảo tồn tự nhiên ở Nam Phi. Năm 1961, các nhà chức trách tỉnh Natal đi tiên phong trong việc đưa tê giác hoang vào các vùng đất tư nhân nhằm gia tăng phối giống và tăng cường đa dạng nguồn gene. Năm 1986, hội đồng giám sát các công viên Natal cho phép bán đấu một số tê giác dư thừa trong vùng bảo tồn của tỉnh theo giá thị trường, đem lại hàng triệu USD cho các quỹ bảo tồn địa phương. Hume cho rằng việc thu hoạch sừng tê giác là bước đi phù hợp tiếp theo giúp bảo tồn và tăng giá trị của những con thú.

Hume rất nhiệt thành tin vào ý tưởng của mình. Ông cho rằng thật vô lý khi một thợ săn Việt Nam luôn sẵn lòng bắn thuốc mê vào con thú, cưa lấy sừng, và để con vật sống sót, nhưng “luật Nam Phi quy định rằng thợ săn phải giết con tê giác mới được phép xuất khẩu chiếc sừng dưới dạng chiến lợi phẩm”.

Hume cho rằng quan niệm sai lầm là do người ta nghĩ ngà voi cũng tương tự như sừng tê giác. Ngà thực ra là răng của voi, trong khi sừng là keratin, tương tự như móng ngựa. Khi ngà voi bị cưa, những dây thần kinh bên trong có thể bị nhiễm trùng làm chết con thú. Việc bắn thuốc mê một con voi cũng nguy hiểm hơn nhiều bắn thuốc mê tê giác, vì voi có kích thước lớn hơn, và đàn voi có xu hướng bảo vệ nhau cao hơn.

Các nhà bảo tồn cho rằng hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác sẽ chẳng hề làm giảm động cơ của những kẻ săn trộm: săn trộm để lấy sừng sẽ luôn rẻ hơn so với chăn nuôi. Nhưng quan điểm của Hume thì khác: khi khách hàng đã tin tưởng vào nguồn cung ứng sừng tê giác hợp pháp, giá thành sẽ hạ, giúp làm giảm động cơ của những hội săn trộm. “Khác biệt cơ bản ở đây là những kẻ săn trộm chỉ chạy theo lợi nhuận dễ dàng trước mắt. Còn những người chăn nuôi đầu tư vì nguồn thu ổn định lâu dài”.

Lược dịch theo

http://ngm.nationalgeographic.com/2012/03/rhino-wars/gwin-text/2

Ảnh 2: Số lượng tê giác bị giết ở Nam Phi qua những năm gần đây
Ảnh 3: Sừng tê giác được không ít người Châu Á cho là một thần dược

 

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)