Cuộc truy tìm thành phố bị lãng quên của người Maya
Hiện nay, các nhà khoa học Mexico và Mỹ vẫn đang tiến hành cuộc truy tìm “Báo đốm trắng"- tên gọi của một thành phố cổ đã bị quên lãng của người Maya Lacandon ở Mexico. Hãy cùng theo chân họ trong hành trình được chính nhóm nghiên cứu kể lại trên Science đưa chúng ta bước vào một cuộc thám hiểm, từng bước phát quang những bụi rậm để hòng tìm dấu vết thành phố cuối cùng của người Maya này.
Thành phố cổ Tikal của người Maya ở Guatemala vốn ẩn sâu trong những tán rừng rậm, đã được các nhà khảo cổ học phát hiện nhờ vào phương pháp định vị trên không bằng tia laser (aerial laser mapping).
Chiapas tại Mexico – cách khoảng 7 giờ chèo thuyền trên sông Tzendales, máy thu GPS của chúng tôi rơi xuống biển và biến mất trong làn nước xanh thẳm. Đây đã là ngày thứ tư của cuộc thám hiểm vào sâu trong khu dự trữ sinh quyển Montes Azules, một trong những khu vực được bảo tồn xa nhất và rộng lớn nhất của Mexico. Bên cạnh của chiếc GPS là một nút SOS giúp liên lạc với các dịch vụ khẩn cấp hoặc thậm chí triệu tập một máy bay trực thăng cứu hộ. Vậy nên khi mất chiếc GPS, đoàn của chúng tôi, gồm một nhóm các nhà khảo cổ, hướng dẫn viên hoàn toàn bị cắt đứt với thế giới bên ngoài, khi đang lênh đênh ngược dòng sông mà chưa ai từng chèo tới trong ít nhất 10 năm qua.
Nhưng có lẽ điều này cũng hợp cảnh, bởi lẽ chúng tôi đang đi tìm một thành phố đã biến mất. Thành phố Sac Balam, được xây dựng từ hơn 400 năm trước bởi người Maya Lacandon, một trong các nhóm người bản địa ở miền Nam Mexico và Trung Mỹ, những người đã chống lại thực dân Tây Ban Nha trong nhiều thế kỷ.
Sac Balam không phải là kiểu thành phố Maya mà khách du lịch vẫn ùn ùn kéo tới ngày nay. Nơi đó không có những ngôi đền bằng đá hùng vĩ, những ngôi mộ tinh vi hay những tác phẩm điêu khắc công phu. Trên thực tế, nó đơn giản đến mức những tàn tích của nó khó có thể được một người không có kinh nghiệm phát hiện ra. Nhưng hàng trăm người Lacandon đã từng sống ở đó, tránh né sự dòm ngó của người Tây Ban Nha và tự do tiếp tục lối sống của tổ tiên họ trong nhiều thế kỷ: trồng ngô và đậu, nuôi gà tây, dệt mái tranh để chống lại mưa nhiệt đới và dâng lễ vật cho các vị thần trong hang động gần đó. Người Lacandon đã tự “khóa trái” cánh cửa với thế giới bên ngoài bằng khu rừng rậm xa xôi không thể bị xâm nhập này. Và họ được an toàn.
Nhưng mọi thứ kết thúc vào năm 1695, khi người Tây Ban Nha cuối cùng cũng đã tìm thấy thành phố. Chưa đầy 20 năm sau, họ buộc phải di cư, từ bỏ nơi này mãi mãi. Thành phố bị xóa mờ dần khỏi bản đồ thuộc địa và khu rừng trở lại nguyên vẹn như trước kia. Nếu được tìm thấy, Sac Balam có thể cung cấp cho các nhà khảo cổ một cái nhìn vô song về văn hóa Lacandon, về cách họ giữ gìn sự độc lập của họ khi thế giới thay đổi xung quanh họ. Vì thế, mùa hè này, tôi đã quyết định tham gia một nhóm nghiên cứu do Brent Woodfill, một nhà khảo cổ học tại Đại học Winthrop ở Rock Hill, Nam Carolina tổ chức, nhằm quyết tâm tìm lại kinh đô đã mất và đưa một phần còn ít được biết đến trong lịch sử Maya ra ánh sáng.
Dựa trên các ghi chép của du khách và các giáo sĩ Tây Ban Nha, các nhà khảo cổ đã vẽ một vòng cung cho thấy những địa điểm tiềm năng của thành phố – những nơi ít ai có thể tìm đến được.
Những thành trì cuối cùng của đế chế Maya
Vào năm 1521, Đệ nhất hầu tước Tây Ban Nha Hernán Cortés đã chinh phục thủ đô Tenochtitlan của người Aztec, tại Mexico ngày nay. Người Aztec kiểm soát một khu vực lãnh thổ từ vùng cao nguyên miền trung Mexico xuống qua Oaxaca và bờ biển Chiapas của Thái Bình Dương; Khi Tenochtitlan sụp đổ, toàn bộ vùng đất đó – một phần của Mexico ngày nay – đã được truyền từ đế chế này sang đế chế khác.
Thế giới của Maya khác hơn rất nhiều. Trải dài trên diện tích khoảng 390.000 km2 ở miền Nam Mexico, Guatemala, Belize và Honduras, khu vực này không được cai trị bởi chỉ một vị hoàng đế duy nhất. Các thành phố của Maya phần lớn là độc lập, nằm trong một mạng lưới phức tạp gồm các đồng minh và kẻ thù luôn thay đổi. (Nó tương tự như Hy Lạp cổ đại chứ không phải La Mã cổ đại.) Các thành phố đã dần phải khuất phục dưới sự cai trị của Tây Ban Nha, bằng cả con đường chinh phạt và ngoại giao. Nhưng “đế chế Maya không bao giờ tập trung, nên rất khó để có thể chinh phục toàn bộ khu vực”, Maxine Oland, nhà khảo cổ học tại Đại học Massachusetts ở Amherst, người nghiên cứu về thời kỳ thuộc địa ở Maya cho biết.
Kết quả là một sự chắp vá của ba kiểu thành phố: các thành phố thuộc địa kiểu Tây Ban Nha, các thị trấn đa số là người Maya nhưng có giao dịch với người Tây Ban Nha và (bằng vũ lực hoặc do tự lựa chọn) chuyển đổi sang Cơ đốc giáo, và các thủ đô Maya độc lập như Sac Balam, hoàn toàn chống lại sự thống trị của thực dân. Xen kẽ giữa các kiểu thành phố này là những khu rừng rộng lớn, nơi người Maya thường chạy trốn để thoát khỏi bạo lực và áp bức thuộc địa.
Các tài liệu lịch sử hầu như không hề ghi lại cuộc sống ở thủ đô độc lập của người Maya Lacandon ở Sac Balam. Sac Balam là một bí ẩn đặc biệt, bởi vì nó được tạo ra để lẩn tránh con mắt của người Tây Ban Nha. Người Lacandon ban đầu sống ở một thành phố tên là Lakam Tun, trên một hòn đảo ở hồ Miramar, ở rìa phía Tây của Montes Azules. Nhưng sau nhiều lần bị người Tây Ban Nha tấn công, họ nhận ra rằng để giữ an toàn và độc lập, họ sẽ phải rút lui sâu vào rừng rậm. Họ đặt tên cho thành phố mới là Sac Balam, hay “con báo đốm trắng” và sống ở đó, không hề bị xáo trộn, trong suốt 109 năm. Khi người Tây Ban Nha cuối cùng đã phát hiện và chinh phục được Sac Balam, đó gần như là thành phố Maya cuối cùng còn độc lập. (Thủ đô độc lập cuối cùng là Nojpeten của Itza Maya ở phía Bắc Guatemala, đã sụp đổ chỉ 2 năm sau đó.)
“Để hiểu thêm về cuộc sống ở Sac Balam, bạn cần nhìn vào các tòa nhà và cổ vật mà cư dân nơi đây đã sử dụng và bỏ lại,” Josuhé Lozada Toledo, nhà khảo cổ học tại Viện Nhân chủng học và Lịch sử Mexico (INAH) ở Mexico City cho biết. “Sac Balam lưu giữ câu chuyện về một cộng đồng đã bị xóa sổ khỏi lịch sử”. Khai quật những gì còn lại của các ngôi nhà, các tòa nhà cộng đồng, gốm sứ và các địa điểm tôn giáo “sẽ tương tự như sự phục hưng văn hóa.”
Lozada Toledo và Woodfill đặc biệt quan tâm đến việc tái cấu trúc mạng lưới thương mại của Sac Balam – thứ được gợi nhắc khá nhiều trong biên niên sử của Tây Ban Nha nhưng lại gần như vô hình với những người viết sử. Nếu những người Lacandon giao dịch với các cộng đồng Maya khác để lấy hàng hóa như muối, thì họ cũng có thể đã đổi lấy dao rựa và các hàng hóa khác từ châu Âu? Hay họ đã từ chối hoàn toàn những hàng hóa nước ngoài?
Một điều đáng ngạc nhiên là các cuộc khai quật ở nhiều nơi khác đã giúp làm sáng tỏ phần nào những câu hỏi đó. Ở Zacpeten, thủ đô độc lập của Kowoj Maya cho đến nửa đầu thế kỷ 17 ở phía Bắc Guatemala, Timothy Pugh, một nhà khoa học từ trường Queens thuộc đại học Thành phố New York, đã tìm thấy ba mảnh sắt, một quả bóng súng hỏa mai, một ống thuốc lá thân cây có vẻ thuộc về hải tặc Anh hơn là những người định cư Tây Ban Nha và một bộ hàm của một con bò. Tất cả bảy đồ vật từ châu Âu này đều được sắp đặt trong bối cảnh tôn giáo quan trọng; hàm bò thậm chí còn được để lại trên một bàn thờ bên cạnh một lư hương. Rõ ràng là việc chọn các đồ vật đến từ châu Âu đã trở thành một phần sống động của biểu tượng tôn giáo và chính trị ở Kowoj Maya.
Brent Woodfill đứng trước phế tích của một khu di tích đã 150 tuổi trong Khu dự trữ sinh quyển Montes Azules. Anh dự định sẽ trở lại khu vực này nhiều nhất có thể.
Liệu điều tương tự có đúng với người Maya Lacandon ở thành Sac Balam hay không vẫn còn là một ẩn số. Nhóm nghiên cứu gồm ba nhà khảo cổ học: Lozada Toledo, người mà chiều cao của ông thường khiến ông phải khum người trên chiếc bản đồ, Woodfill, một người có râu vui tính sống ở Guatemala gần 10 năm, nói tiếng Tây Ban Nha và tiếng Maya Q’eqchi ‘; Rubén Núñez Ocampo, một nhà nghiên cứu trẻ tuổi thận trọng đến từ INAH ở Mérida, người chuyên về đồ gốm Maya từ ngay trước thời kỳ thuộc địa. Cuối cùng là tôi và Virginia Coleman, vợ mới cưới của Woodfill và là một vũ công chuyên nghiệp.
Bí ẩn chưa có lời giải đáp
Nhiều người khác đã cố gắng tìm thành phố bị mất của Sac Balam trước đây. Một cuộc thám hiểm năm 1997, lấy cảm hứng từ nghiên cứu của một linh mục người Bỉ mà sau đó trở thành nhà nhân chủng học tên là Jan de Vos, được thực hiện ở một khu vực khác của Khu dự trữ sinh quyển Montes Azules của Mexico. Sau suốt 6 ngày đi bộ, họ đã tìm thấy một cụm phế tích gần dãy núi Chaquistero. Nhưng Woodfill và các đồng nghiệp Mexico của ông nghĩ rằng nơi này đó có khả năng xuất hiện từ thời Cổ điển (Classic period), hàng trăm năm trước khi Sac Balam hình thành. Joel Palka, một nhà khảo cổ học tại Đại học bang Arizona (ASU) ở Tempe, đồng ý với điều này, mặc dù ông cảnh báo rằng các nhà khảo cổ sẽ không chắc chắn về chủ nhân của phế tích cho đến khi chúng được khai quật. “Chúng tôi sẽ không thể biết nó nằm ở đâu cho đến khi chúng tôi đào lên”. Và Sac Balam vẫn tiếp tục là một bí ẩn.
Vào một ngày đầu hạ, chúng tôi tập hợp tại thành phố Comitán, thành phố lớn thứ tư ở bang Chiapas, ngồi trên chiếc xe bán tải của Woodfill trong suốt chuyến đi dài và gập ghềnh tới Las Guacamayas – một khu sinh thái gần Montes Azules, nơi sẽ là “căn cứ” của chúng tôi trong 12 ngày tới. Sáng hôm sau, chúng tôi dừng lại ở một trong nhiều khu dân cư nhỏ được thành lập sau khi chính phủ khuyến khích các nhóm thổ dân từ các vùng khác của Mexico tái định cư về đây làm nông dân và chủ trang trại. Chỉ có rất ít trong số họ là hậu duệ trực tiếp của Lacandon hoặc các nhóm Maya khác sống trong khu vực này từ đầu.
Nhóm của chúng tôi chính thức xin phép người dân và chính quyền để nghiên cứu một cụm di tích Maya gần đó. Woodfill đã tìm hiểu về khu di tích từ chính cộng động ở đây vào năm ngoái và đăng ký nó với INAH. Bây giờ, anh ta muốn biết liệu hai đồng nghiệp có thể lập bản đồ và thu thập gốm trên mặt đất, để xác định nơi đã có người ở hay không. (Woodfill yêu cầu tạp chí Science không tiết lộ tên của thị trấn để tránh những kẻ tò mò gây rối muốn đến đây) “Khu vực này của Chiapas là một khoảng trống trong giới khảo cổ học”, Woodfill nói với những người đại diện cho cư dân và chính quyền đang tụ tập lại lắng nghe ông. “Không phải vì không có di tích nào, mà vì chúng chưa được nghiên cứu.”
“Ngày mà người ta quét định định vị trên không bằng tia laser [trên khu dự trữ sinh quyển Montes Azules], họ sẽ tìm thấy hàng trăm hoặc hàng ngàn khu di tích”, trong đó rất có thể bao gồm chính Sac Balam.
Cộng đồng nơi đây luôn quan tâm đến du lịch sinh thái, và những gì các nhà khảo cổ học tìm thấy có thể giúp họ thu hút khách du lịch. Sau 45 phút thảo luận và đặt câu hỏi, những người đại diện cho cộng đồng dân cư đồng ý với đề nghị và đưa chúng tôi đến di tích. Địa điểm này nằm trong một khu rừng bên ngoài thị trấn, dọc theo một con đường lá rụng nhiều làm mờ cả lối đi và rễ thì khá trơn, nơi tiếng hú của những con khỉ vang vọng qua những tán cây.
Sau khi đi khoảng 20 phút theo con đường mòn, chúng tôi vòng một khúc quanh và bắt gặp một đống đá hình chữ nhật lớn, một số có hình tượng Maya rõ ràng đã được khắc vào chúng. Đây là những phần còn lại của một chiếc cầu thang có khắc chữ tượng hình từng dẫn lên đỉnh cung điện, nơi lãnh đạo thành phố sẽ nhận được nhiệm vụ của mình và thực hiện các nghi lễ tôn giáo. Kiểu cấu trúc này được coi như một viên ngọc quý hiếm của các di tích Maya. Cầu thang cho thấy rằng “đây là một nơi đầy quyền lực,” Woodfill nói.
“Đây chính là cung điện,” Woodfill chỉ vào gò đất phía sau cầu thang. Những người dân địa phương cho các nhà nghiên cứu thấy các tàn tích của di tích, chẳng hạn như một tảng đá lớn thẳng đứng chạm khắc một bức chân dung và các ký hiệu, được chôn một nửa ở gốc cây. Tất cả đều thống nhất rằng nơi đây đã bị chiếm đóng trong thời kỳ Cổ điển muộn (Late Classic Period, từ 600 đến 850 sau công nguyên, gần 1000 năm trước khi Sac Balam hình thành), khi các thành phố gần đó như Palenque và Yaxchilán đang ở thời kỳ đỉnh cao. “Đây là những gì tiêu biểu cho việc khám phá khảo cổ – chính người dân địa phương chỉ cho bạn thấy những điều họ biết”, Woodfill nói, tay chụp lại ảnh các ký hiệu trên đá cầu thang.
Cầu thang đá với chữ tượng hình Maya.
Tuy nhiên công cuộc đi tìm Sac Balam của chúng tôi không hề có được sự trợ giúp từ người dân bản địa như vậy. Ngoài một số ít cộng đồng người Maya, hầu hết mọi người đều bị cấm sống trong khu vực Khu Dự trữ Montes Azules, nơi có diện tích lên đến 331.000 ha, và khu bảo tồn phần lớn không có đường vào, thậm chí đến những con đường mòn cũng không có. Khi phải đối mặt với những vùng đất rộng lớn khó tiếp cận như vậy, các nhà khảo cổ học hiện nay thường chuyển sang dùng máy quét định vị lidar, một loại ra đa dựa trên tia laser, cho phép chụp từ trên không, quét xuyên qua thảm thực vật, dễ dàng phát hiện các địa điểm ở bên dưới. Một cuộc khảo sát gần đây tại khu dự trữ sinh quyển Maya ở phía Bắc Guatemala, cách khoảng 160 km về phía Đông Bắc của Montes Azules, đã tiết lộ hơn 60.000 cấu trúc cổ mà hầu hết các nhà nghiên cứu chưa biết đến. “Ngày mà người ta quét định vị lidar [trên Montes Azules], họ sẽ tìm thấy hàng trăm hoặc hàng ngàn khu di tích”, trong đó rất có thể bao gồm chính Sac Balam, nhà khảo cổ học Ramón Folch González, người làm việc cùng Palka tại ASU cho biết. Nhưng nhóm của Woodfill không có được kinh phí cho một cuộc khảo sát đắt đỏ như vậy. Họ phải buộc dây giày, xắn quần lên và khám phá theo cách thức truyền thống.
Sâu trong rừng rậm
Sau bữa tối tại khu sinh thái đêm hôm đó – vào đêm trước lúc chúng tôi sẽ bắt đầu cuộc thám hiểm 6 ngày trong khu bảo tồn, Lozada Toledo mở ra một tấm bản đồ tự chế. Ông dành hàng giờ đồng hồ để xem các tài liệu do du khách và người dân Tây Ban Nha viết lại, sau khi thành phố cuối cùng cũng bị chinh phục vào năm 1695 và được đổi tên thành Nuestra Señora de los Dolores. Trong số đó, tài liệu đặc biệt hữu ích là một ghi chú được viết bởi Diego de Rivas, một linh mục người Tây Ban Nha, người vào năm 1698 đã đi từ Nuestra Señora de los Dolores đến Hồ Petén Itzá ở phía Bắc Guatemala. Phải mất đến 4 ngày, de Rivas và người của ông mới có thể đi bộ từ thị trấn đến sông Lacantún, và sau đó họ tiếp tục đi bằng thuyền. Nếu họ đi bộ 8 giờ mỗi ngày, mỗi người mang khoảng 30 kg vật tư và đi trong một khu vực đồi núi có nhiều cây che phủ, họ có thể đi được hơn 1 km mỗi giờ (và ít hơn một chút ở vùng núi cao hơn), Lozada ước tính Sac Balam nằm cách sông Lacantún 34,4 km. Nhờ đó Lozada đã vạch ra một vòng cung của các địa điểm có thể từng là thành phố, và đánh dấu màu đỏ trên bản đồ.
Brent Woodfill, Josuhé Lozada Toledo và Rubén Núñez Ocampo (trái sang phải) đang suy nghĩ làm thế nào để đến được các địa điểm tiềm năng có thể từng là Sac Balam.
Lozada Toledo cũng chỉ ra các đường sườn núi được tô bóng trên bản đồ địa hình; một vài trong số đó khá gần với các vòng cung. Đó là những khu vực đặc biệt tốt để khám phá, ông nói, bởi vì biên niên sử Tây Ban Nha mô tả Sac Balam nằm trên một đồng bằng bằng phẳng dưới chân một số ngọn núi. Các du khách đếm được 100 ngôi nhà và ba tòa nhà công cộng trong thị trấn tương đối dày đặc, nơi gà tây và chó gầy chạy quanh chân, nơi người dân trồng nhiều loại cây, bao gồm ngô, ớt và nhiều loại cây ăn quả khác, trong các ô gần đó. Mỗi buổi chiều, vẹt đuôi dài được thuần hóa một phần sẽ bay ra khỏi rừng rậm và đậu trên các mái nhà của thị trấn, làm ngạc nhiên những người chiếm đóng tới từ Tây Ban Nha.
Những ngôi nhà, tương đối nhỏ và được làm từ đất nung, có lẽ đã biến mất hoàn toàn. Nhưng nền đá của các tòa nhà công cộng vẫn có thể nhìn thấy được. Các nhà khảo cổ cũng sẽ tìm kiếm trong các hang động, các đồ tạo tác bằng kim loại như dao rựa, và cả móng tay – những bằng chứng về sự chiếm đóng của Tây Ban Nha và có thể là cả sự giao thương với các cộng đồng Maya thân thiết với nhà nước thuộc địa – và các tàn tích của một nhà thờ nhỏ cũng như một pháo đài bằng đất được cho là được xây dựng sau khi thị trấn đã bị chinh phục.
Các phế tích của Sac Balam sẽ ít hùng vĩ hơn nhiều so với cây cầu thang với chữ tượng hình, và cũng khó tìm hơn nhiều. Tuy nhiên, bản đồ của Lozada Toledo khiến mục tiêu đó dường như chỉ nằm trong tầm tay. Toledo chỉ vào các đường sườn núi gần vòng cung và hỏi: “Bạn nghĩ sao? Chúng ta có thể đến đó không?”
Sau chừng một giờ đi vào rừng rậm, Isaías Hernández Lara, hướng dẫn viên của chúng tôi, phát bằng dao rựa để vạch một con đường xuyên qua dây leo và các nhánh cây. Một số dây leo rỉ nhựa cây màu đỏ, và nhiều cây đầy gai, đến mức chúng tôi nhanh chóng nhận ra thật khó có thể nói vết bẩn nào trên quần áo của chúng tôi là nhựa cây và vết nào là máu. Một cây nho đâm vào tận trong khuỷu tay của tôi, dây leo mỏng quấn lấy chân tôi, tôi ngã và làm chậm tiến độ. Tôi còn không mang đủ nước cho cuộc hành trình. Các nhà khảo cổ học khác có vẻ khá hơn một chút, nhưng họ cũng choáng váng khi nhận ra khu rừng nguyên sinh này khó di chuyển như thế nào. Sau đó, đột nhiên, xuất hiện một dòng suối mát lành không có trong bản đồ. Chúng tôi cảm thấy như được cứu rỗi.
Trên bản đồ vệ tinh, chúng tôi nhận ra một đường sườn núi chỉ cách con sông gần 2,8 km và chúng tôi nghĩ rằng có thể tới đó trong vài giờ nữa. Chúng tôi thậm chí còn không mang theo bữa trưa. Nhưng chúng tôi đã đi được 4 giờ trước khi phát hiện ra dấu hiệu đầu tiên của chân đồi. Mệt mỏi, chúng tôi rút lui về nơi cắm trại.
Khi chúng tôi tắm rửa sạch sẽ trên sông sau cả ngày bị vùi dập và quần áo bẩn thỉu, tôi nhận ra rằng từ trước đến giờ, câu hỏi về Sac Balam mà tôi vẫn đặt ra là không đúng. Trong suốt nhiều tháng nghiên cứu, tôi tự hỏi làm thế nào người Lacandon có thể chống lại sự chinh phục trong một khoảng thời gian lâu như vậy. Chỉ sau vài ngày trong rừng, tôi nhận ra rằng câu hỏi thực sự phải là: Làm thế nào mà những người Tây Ban Nha, những người xa lạ với vùng đất này và rõ ràng phải vật lộn như chúng tôi – có thể tìm ra được họ?
Bí ẩn nơi đầu nguồn
Sử liệu cho thấy rằng, năm 1694, hai linh mục người Tây Ban Nha quyết tâm mang đạo Tin Lành đến Sac Balam đã gặp một trưởng nhóm của một nhóm Maya khác, người đã đồng ý đưa họ đến thành phố này. Người Lacandon đã giao thương, nhưng cũng tấn công và đánh phá các thị trấn Maya khác của Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ, và có lẽ trưởng nhóm Maya kia đã hết chịu đựng nổi.
Cuối cùng khi đặt chân đến Sac Balam, các linh mục đã thuyết phục một phái đoàn gồm 12 chức sắc của người Maya Lacandon tới Cobán, Guatemala, để gặp chính quyền thuộc địa và Giáo hội Công giáo. Nhưng trong chuyến thăm đó và trên hành trình trở về, 10 chức sắc Lacandon đã ngã bệnh và qua đời. Nỗ lực ngoại giao sụp đổ, và 1000 người Tây Ban Nha cùng quân từ các thành phố Maya đồng minh đã xâm chiếm thành phố, cuối cùng chiếm được nó vào đầu năm 1695 mà không cần gây chiến. Đến năm 1712, những cư dân Lacandon cuối cùng còn lại bị buộc phải di chuyển đến bờ biển Thái Bình Dương của Guatemala.
Có vẻ như nhiều người đã trốn sâu vào rừng rậm, tham gia các cộng đồng tị nạn Maya bao gồm những người từ khắp miền Nam Mexico. Chính hậu duệ của họ là những người đã sinh sống ở một phần của Montes Azules ngày nay. Những cộng đồng hiện đại này cũng được gọi là Lacandon, nhưng họ nói một ngôn ngữ khác với những người từng sống ở Sac Balam xưa kia.
Sac Balam, hay thậm chí là Nojpeten, không phải là thành trì cuối cùng của Maya. Các cuộc nổi loạn diễn ra thường xuyên trong suốt thời kỳ thuộc địa và tiếp tục ngay cả khi Mexico trở nên độc lập. Một cuộc nổi dậy của người Maya trong thế kỷ 19 hiện nay được gọi là Cuộc chiến Caste. Vào những năm 1990, người Zapatistas, hầu hết là nông dân Maya, đã tiếp quản các thành phố ở Chiapas trong một cuộc nổi dậy của những người theo chủ nghĩa Mác; năm 2018 cũng có một ứng cử viên tổng thống đến từ cộng đồng này. Cuộc đàn áp thuộc địa cũng chưa kết thúc. Toàn bộ cộng đồng Maya đã bị tàn sát trong cuộc Nội chiến Guatemala giữa năm 1960 và 1996 – một “dư âm” của một cuộc chinh phạt chưa bao giờ được hoàn tất.
Sau khi thất bại trong việc tìm kiếm Sac Balam, cả đội vẫn còn một đầu mối để đi theo. Hernández Lara đã nghe tin đồn về tàn tích Maya tại nguồn của sông Tzendales, một trong một số tuyến đường thủy gần nơi cắm trại của chúng tôi, vì vậy chúng tôi đóng gói và chuẩn bị cho hành trình 2 ngày chèo thuyền kayak tiếp theo. Những con vẹt đuôi dài bay trên đầu, những con cự đà giật mình leo lên bờ sông và một con cá sấu thỉnh thoảng nhìn chúng tôi từ một khúc gỗ. Chúng tôi chèo kayak qua hàng chục thác nước nhỏ. Vào một lúc nào đó trong cuộc hành trình, chiếc GPS với nút SOS kêu cứu đã bị rơi và biến mất.
Khi mặt trời dần dần lặn trên bầu trời, chúng tôi buộc những chiếc thuyền kayak lại và bắt đầu làm trại. Nơi này khá bằng phẳng, sạch sẽ, và có rất nhiều tiếng ve. Chúng tôi gọi nó là trại Garrapata, tiếng Tây Ban Nha nghĩa là “đánh dấu” (nghĩa đen là “móng vuốt”). Ngày hôm sau, khi nhóm tiếp tục ngược dòng, hình ảnh vệ tinh Lozada Toledo và dựa vào bản đồ cho thấy có vẻ như dòng chảy đang xoắn lại. Nó thu hẹp chỉ còn 2 mét hoặc ít hơn và gần như bị che khuất hoàn toàn bởi dây leo và cành cây rủ xuống. Nhưng nước đang ngày càng trong hơn và lạnh hơn, làm tăng hy vọng rằng chúng ta có thể đang ở rất gần đầu nguồn của nó.
Sau 6 giờ đi chậm, dòng sông ngừng lại ở một ngọn đồi thấp, với nhiều đống bùn hơn là một đặc điểm địa chất rõ ràng. Liệu rằng đây có thể là nguồn? Một trong những hướng dẫn viên của chúng tôi, Cornelio Macz Laj, trèo lên đỉnh và quay lại lắc đầu: Dòng sông vẫn còn ở phía bên kia. Đã quá muộn để tiếp tục và chúng tôi phải quay ngược trở về.
Hiện nay, khi phải khảo sát ở những rừng núi rộng lớn khó tiếp cận, các nhà khảo cổ học thường chuyển sang dùng máy quét định vị trên không bằng tia laser, cho phép chụp từ trên không, quét xuyên qua thảm thực vật, dễ dàng phát hiện các địa điểm ở bên dưới. Một cuộc khảo sát như thế gần đây tại khu dự trữ sinh quyển Maya ở phía Bắc Guatemala, cách khoảng 160 km về phía Đông Bắc của Montes Azules, đã tiết lộ hơn 60.000 cấu trúc cổ mà hầu hết các nhà nghiên cứu chưa biết đến.
Thực tại trở nên rõ ràng: Cuộc thám hiểm này sẽ không giúp chúng tôi thấy được Sac Balam. Liệu nó có bao giờ được tìm thấy, tôi tự hỏi. Ngay cả khi dùng lidar định vị cho thấy một cụm các tòa nhà công cộng Maya và một pháo đài xuất hiện, các nhà khảo cổ vẫn sẽ phải tự đi đến đó để khai quật chúng. Ai sẽ muốn trải qua tất cả những điều này một lần nữa?
Hướng tới tương lai
“Năm tới”, Woodfill nói khi chúng tôi trở lại nhà nghỉ và vui vẻ gọi món bít tết từ nhà hàng.
Nhưng các nhà khảo cổ học đã lên kế hoạch cho chuyến đi tiếp theo của họ, dựa trên những gì họ đã học được từ lần này. Họ sẽ mang theo máy dò kim loại để tìm kiếm bất kỳ cổ vật thuộc địa bị chôn vùi nào, một dấu hiệu cho thấy Sac Balam có thể ở gần đó. Ai mà biết được, liệu họ có thể tìm thấy các di tích của thời kỳ Cổ điển như khu di tích có cầu thang chữ tượng hình. Sau tất cả, toàn bộ khu vực này vẫn còn là một bí ẩn.
Lozada Toledo rút ra một cây thước và sửa tấm bản đồ của mình, thêm chi tiết vào các nhánh sông và tính toán lại thời gian di chuyển. “Vì chưa từng có nhà khoa học nào đến đây từ trước, mọi thứ đều có thể được coi là một đột phá”, Toledo nói. “Mọi thứ đều có giá trị.”
Các nhà khảo cổ khác hy vọng nhóm nghiên cứu của Woodfill sẽ tiếp tục. “Có rất nhiều điều có thể được khám phá và học hỏi từ đó, nếu mọi người sẵn sàng chịu đựng những khó chịu và thất vọng khi làm việc ở những địa điểm này”, Prudence Rice, một nhà khảo cổ học hiện là giáo sư danh dự tại Đại học Nam Illinois, Carbondale nói. Sac Balam vẫn nằm lại đâu đó, giữ nguyên vẹn và an toàn những câu chuyện của nó và đó sẽ là phần thưởng cho bất cứ ai đủ gan dạ, hay bướng bỉnh, để tìm kiếm nó. □
Hạnh Duyên lược dịch
Nguồn bài và ảnh: https://www.sciencemag.org/news/2019/09/search-white-jaguar-archaeologists-travel-deep-jungle-find-lost-maya-city