Curiosity đã hạ cánh an toàn xuống Sao Hỏa

Curiosity đã gửi tín hiệu về Trái đất sau khi hạ cánh xuống bề mặt bụi bặm của Sao Hỏa.

Những tín hiệu radio và vô tuyến được gửi tới Phòng thí nghiệm Jet Propulsion (JPL) của NASA vào lúc 10:31 tối 5/8, giờ PDT, đã xác minh rằng chiếc xe tự hành đã tới được lòng chảo miệng núi lửa Gale trên Sao Hỏa, đích đến của Curiosity sau hành trình kéo dài 8,5 tháng vượt qua 567 triệu km.

Các nhà khoa học và kỹ sư có mặt kín trong phòng điều khiển của JPL đã cùng hân hoan chúc mừng khi nhận được tin rằng chiếc xe tựu hành sáu bánh nặng một tấn đã sống sót sau những màn nhào lượn phức tạp, vượt 640 km từ thượng tầng khí quyển của Sao Hỏa xuống bề mặt lòng chảo miệng núi lửa, chỉ trong vòng 7 phút. 

Được các kỹ sư NASA đặt tên là “bảy phút sợ hãi”, có thể coi cuộc hạ cánh của Curiosity như một màn xiếc siêu thanh trên không trung, dùng tới 76 động cơ phản lực, thả rời 150 kg tungsten, mở một chiếc dù rất lớn, và đưa cỗ máy xuống mặt đất bằng một cần trục bay có động cơ phản lực.

Giống như một người lữ hành chu đáo, sau khi gọi điện về nhà nhiệm vụ tiếp theo của Curisosity là gửi tiếp các bức ảnh, và bức ảnh đầu tiên được gửi về Trái đất sau khi trung chuyển qua vệ tinh Mars Odyssey Orbitor trên quỹ đạo Sao Hỏa, là hình ảnh những bánh xe của cỗ máy trên mặt đất.

Và bây giờ, chuyến du hành của cỗ xe trên Hành tinh Đỏ có thể được bắt đầu, xuất phát từ đáy lòng chảo Gale lên sườn núi Mount Sharp, ngọn núi lớn nằm cạnh lòng chảo. Tại đây, cỗ xe vận hành hiện đại nhất của con người sẽ bắt đầu tìm kiếm những hợp chất hữu cơ và các dấu hiệu của môi trường thân thiện với sự sống, đồng thời tìm kiếm qua các lớp đất lòng chảo núi lửa những thông tin về lịch sử Sao Hỏa. Trên đường đi, cỗ xe sẽ đóng dấu “JPL” xuống mặt cát màu đỏ của Sao Hỏa theo mã Morse một thông điệp mà các kỹ sư đã khắc vào bánh xe.

Cuộc hạ cánh thành công của Curiosity là “một trong những thành công vĩ đại nhất trong lĩnh vực thám hiểm các hành tinh”, nhận định từ Doug McCuistion, giám đốc Chương trình Khám phá Sao Hỏa của NASA. “Nó cho thấy vị thế dẫn đầu của Mỹ trong công cuộc thám hiểm Sao Hỏa.”

Cỗ xe tự hành với chi phí tới 2,5 tỷ USD có vai trò quan trọng trong việc tiếp nối thành công cho chương trình Sao Hỏa của NASA. “Đất nước chúng ta đã duy trì có mặt trên Sao Hỏa trong vòng 15 năm”, nhận xét từ Charles Elachi, giám đốc JPL. “Hôm nay là một ngày vĩ đại, một khoảnh khắc vĩ đại”.

Các thí nghiệm của Curiosity sẽ đưa con người tiến thêm vài bước trong việc đánh giá môi trường trên Sao Hỏa từ hàng tỷ năm trước, liệu nó có ấm hơn và ẩm hơn, như giả thuyết của các nhà khoa học, và trả lời câu hỏi liệu từng có sự sống trên hành tinh này.

“Một trong những nguyên nhân chính để tới đó là tìm hiểu liệu nơi ấy từng có sự sống”, nhận định từ Michael Meyer, nhà khoa học đứng đầu Chương trình Thám hiểm Sao Hỏa của NASA. “[Nếu câu trả lời là có thì] kết luận của tôi sẽ là sự sống thật dễ dàng, một tiến trình tự nhiên, và rằng trong vũ trụ còn nhiều nơi khác có khả năng duy trì sự sống.”

Dịch theo
http://www.sciencenews.org/view/generic/id/342832/title/Curiosity_lands_safely_on_Mars

 

Tác giả

(Visited 15 times, 1 visits today)