Đã đến lúc đánh giá lại chỉ số ảnh hưởng
Chỉ số ảnh hưởng (impact factor) của tạp chí chỉ đơn giản là một chỉ số trắc lượng, việc lệ thuộc vào chúng như một tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, xa hơn là một kim chỉ nam để đo những thành tựu nghiên cứu rất có thể sẽ dẫn tới những sai lầm.
Hơn một thập kỷ trước, Eugene Garfield, nhà đồng sáng lập chỉ số ảnh hưởng, đã từng so sánh chỉ số ảnh hưởng với năng lượng hạt nhân, và ông cũng hi vọng “rằng nó sẽ được sử dụng một cách hữu ích, nhưng cũng phải thừa nhận rằng nó có thể bị lợi dụng nếu dùng sai cách, tôi đã không nghĩ rằng một ngày nào đó “chỉ số ảnh hưởng” lại có thể trở thành chủ đề tranh cãi”.
Các chỉ số ảnh hưởng đo lường số lượng trích dẫn trung bình đối với mỗi bài báo trong vòng hai năm sau khi xuất bản. Các tạp chí không tự thống kê chỉ số ảnh hưởng của mình một cách trực tiếp – mà công việc này được Thomson Reuters tiến hành. Lâu nay người ta luôn cho rằng chỉ số ảnh hưởng cao là thước đo tầm quan trọng của các cơ quan xuất bản. Nhưng giờ đây chỉ số ảnh hưởng cũng đang bị làm méo mó, sai lệch đi, và cũng thường không công nhận những bài viết ở các chuyên ngành hẹp và có chỉ số trích dẫn đặc thù thấp.
Mặc dù đã biết nhiều về những nhược điểm này nhưng các nhà khoa học, các quỹ nghiên cứu cũng như các trường đại học vẫn lệ thuộc vào các chỉ số ảnh hưởng, còn các cơ quan xuất bản (bao gồm cả Nature trước đây) ra sức truyền bá nó. Và kết quả là, các nhà nghiên cứu sử dụng chỉ số ảnh hưởng để quyết định có nên gửi bài cho một tạp chí nào đó không.
Các khía cạnh nguy hại nhất của việc này, như đã được Nature chỉ ra nhiều lần trước đây, là việc sử dụng các chỉ số ảnh hưởng như là cơ sở cho việc đánh giá thành tựu cá nhân của các nhà nghiên cứu. Ví dụ như, người ta có xu hướng chọn lọc những ứng viên có chỉ số ảnh hưởng cao và loại trừ những ứng viên có chỉ số ảnh hưởng thấp khi tuyển dụng các nhà khoa học vào một vị trí nào đó.
Cách khắc phục tình trạng “bị ám ảnh” bởi những chỉ số ảnh hưởng?
Cách tiếp cận đầu tiên là, nên yêu cầu các ứng viên nộp một bản tóm tắt mục đích nghiên cứu mà họ đang hướng tới thay vì chỉ phải liệt kê các bài báo khoa học của họ. Nghe có vẻ đơn giản hóa mọi chuyện nhưng khi đánh giá theo cách này sẽ thấy rằng phương pháp này tập trung vào bản thân nhà nghiên cứu thay vì chú trọng vào các xuất bản của họ.
Thứ hai là các tạp chí cần phải đa dạng hơn trong việc đánh giá tầm ảnh hưởng của mình. Theo đó, Nature đã cập nhật trang trắc lượng trên tạp chí online của nhà xuất bản này với việc thêm một cột dữ liệu trong phương thức đánh giá tạp chí của mình (biliometrics). Bên cạnh việc cập nhật này, Tạp chí Nature và Scientific Report đã thống kê con số trích dẫn trung bình của các bài báo đã được xuất bản trong hai năm 2013 và 2014.
Việc cung cấp các dữ liệu mở rộng này chưa chắc giải quyết được vấn đề đã nêu ở trên về việc đa dạng hóa các chỉ số đánh giá giữa các lĩnh vực và và cũng chẳng làm “suy xuyển gì” nỗi “ám ảnh” về chỉ số ảnh hưởng. Nhưng ít nhất điều này cũng cung cấp một phương pháp tốt hơn để đánh giá tầm quan trọng của các tạp chí khoa học và một góc nhìn khách quan hơn về chỉ số ảnh hưởng.
Bảo Như lược dịch