Đã đến lúc phải trả ơn cho đại dương

Hàng thập kỷ qua, bằng cách hấp thụ một phần tư lượng khí CO2 ô nhiễm và hơn 90% nhiệt lượng dư thừa từ hiện tượng nóng lên toàn cầu, các đại dương đã giữ cho nhiệt độ bề mặt đất liền của Trái đất ở mức có thể sống được.

Tình trạng ô nhiễm và đánh bắt quá mức như hiện nay có thể khiến cho lượng nhựa trong các đại dương bằng số lượng cá vào giữa thế kỷ này.

Song, để đáp lại “tấm thịnh tình” ấy, con người lại đổ hàng núi rác thải nhựa xuống biển, xóa tan màu xanh thẳm của những loài cá lớn, và đầu độc bờ biển bằng các hóa chất độc hại cùng những dòng nước nông nghiệp.

“Ít nhất một phần ba trữ lượng cá tự nhiên đã bị đánh bắt quá mức, và chỉ còn dưới 10% đại dương là được bảo vệ”, Kathryn Matthews – giám đốc khoa học tại tổ chức phi chính phủ Oceana chia sẻ với AFP.

“Các tàu đánh cá bất hợp pháp cũng hoạt động mà không bị trừng phạt ở nhiều vùng ven bờ và biển khơi”.

Đồng thời, nước biển cũng bị CO2 làm axit hóa và những đợt nắng nóng kéo dài nhiều tháng hoặc lâu hơn cũng đang giết chết các rạn san hô – nơi hỗ trợ sự sống cho 1/4 sinh vật biển và cung cấp sinh kế cho 1/4 tỷ người.

“Chúng ta mới chỉ bắt đầu hiểu về mức độ tàn phá của biến đổi khí hậu lên đại dương mà thôi”, Charlotte de Fontaubert, người đứng đầu toàn cầu chương trình nền kinh tế xanh của Ngân hàng Thế giới, cho biết.

Tương lai đáng sợ

Được đồng tổ chức bởi Bồ Đào Nha và Kenya, Hội nghị Đại dương Liên Hợp Quốc kéo dài năm ngày đã quy tụ hàng nghìn quan chức chính phủ, doanh nghiệp, nhà khoa học và tổ chức phi chính phủ để tìm kiếm giải pháp.

Với xu hướng hiện tại, tình trạng ô nhiễm có thể khiến cho lượng nhựa ở biển nhiều ngang với cá vào giữa thế kỷ này. Thông tin ấy đã được đề cập trong chương trình nghị sự của hội nghị, cùng với các đề xuất giải pháp từ ​​tái chế đến cấm hoàn toàn túi nhựa.

Câu hỏi làm thế nào để nghề đánh bắt cá tự nhiên, từ những con tàu chế biến cá của vùng Đông Á cho đến những chiếc thuyền đánh cá dọc theo bờ biển nhiệt đới, trở nên bền vững hơn cũng là một nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của Lisbon.

Và khẩu hiệu mới được được ra ở đây là “thực phẩm xanh” – nguồn dinh dưỡng từ biển đảm bảo được tính bền vững và công bằng.

Ngành nuôi trồng thủy sản đang phát triển bùng nổ cũng cần phải được theo dõi chặt chẽ bởi nó tiềm ẩn rất nhiều vấn đề từ việc phá hủy các khu rừng ngập mặn quý giá đến việc sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan.

Thúc đẩy chương trình nghị sự

Dù hội thảo ở Lisbon không phải là một phiên đàm phán chính thức, những người tham gia vẫn không ngần ngại thúc đẩy để có một chương trình nghị sự mạnh mẽ về đại dương tại hai hội nghị thượng đỉnh quan trọng vào cuối năm nay: cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc COP27 vào tháng 11, và cuộc đàm phán về đa dạng sinh học COP15 đã bị trì hoãn từ lâu.

Các đại dương vốn đã là trọng tâm của một dự thảo hiệp ước về đa dạng sinh học với nhiệm vụ ngăn chặn “sự tuyệt chủng hàng loạt” mà nhiều nhà khoa học lo ngại sẽ xảy ra kể từ khi thiên thạch quét sạch loài khủng long trên cạn hơn 65 triệu năm trước.

Một liên minh gồm gần 100 quốc gia cũng ủng hộ một điều khoản nền tảng, trong đó sẽ chỉ định 30% đất liền và đại dương làm các khu vực được bảo vệ.

Tuy nhiên, với vấn đề biến đổi khí hậu, vẫn chưa có nhiều đề xuất như vậy.

Bất chấp tác động nghiêm trọng của hiện tượng nóng lên toàn cầu và vai trò thiết yếu của các đại dương trong việc hấp thụ CO2, bảy vùng biển hầu như chưa được đề cập đến trong các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc, mãi cho đến gần đây.

Song, các nhà khoa học đã khẳng định rất rõ rằng đại dương và vấn đề biến đổi khí hậu cần phải đi cùng nhau: các đại dương sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng trừ khi nồng độ khí nhà kính được giữ ở mức ổn định, và cuộc chiến chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng sẽ thất bại nếu các đại dương mất khả năng hút CO2 và hấp thụ nhiệt.□

Mỹ Hạnh dịch

Nguồn: https://phys.org/news/2022-06-oceans-favor.html

Tác giả

(Visited 50 times, 1 visits today)