Đặc điểm trong nghiên cứu dân tộc học của Việt Nam

Một số nhà nghiên cứu đã đưa ra nhận xét cho rằng các công trình nghiên cứu dân tộc học của ta có đặc điểm nổi bật là hướng vào việc mô tả các khía cạnh và hiện tượng văn hoá của tộc người, cố gắng đi tìm những nét văn hoá “truyền thống” và ít biến đổi.

Thêm nữa, những miêu thuật dân tộc học như vậy bao giờ cũng cố gắng bao quát tất cả các mặt của đời sống tộc người, từ văn hoá vật chất đến quan hệ gia đình và xã hội, rồi những sinh hoạt của đời sống tinh thần. Sau đó, các tư liệu này thường được nhập vào một khuôn mẫu giải thích có sẵn, chẳng hạn tìm mối liên hệ của chúng trong lịch sử, phần lớn là ngược về thời Đông Sơn, rồi đưa ra những nhận xét về cội nguồn lịch sử chung nào đó giữa nền văn hoá Đông Sơn với lịch sử và văn hoá của tộc người được nghiên cứu. Trong khi đó, các quan hệ tộc người hiện tại lại thường được xem xét trên cơ sở của một khuôn mẫu khác, được trình bày giống như là hệ quả của tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm, chung lưng đấu cật xây dựng quốc gia-dân tộc, v.v. Dựa trên phân tích nội dung một số công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam, D. Marr, một nhà Việt Nam học nổi tiếng, đã nhận xét rằng hầu hết các mô tả dân tộc học ở Việt Nam đều có đặc điểm chung là “giống như những hiện vật bảo tàng, không có thời gian, cứ như thể tất cả các tộc người này chưa từng trải qua những thử thách và biến đổi đáng kể nào trong suốt nửa thế kỷ qua” (Marr, 1992:169).

D. Marr, một nhà Việt Nam học nổi tiếng, đã nhận xét rằng hầu hết các mô tả dân tộc học ở Việt Nam đều có đặc điểm chung là “giống như những hiện vật bảo tàng, không có thời gian, cứ như thể tất cả các tộc người này chưa từng trải qua những thử thách và biến đổi đáng kể nào trong suốt nửa thế kỷ qua”.

Trong một lần may mắn được trò chuyện với một vị giáo sư hàng đầu về dân tộc học Tây Nguyên, tôi được nghe ông thổ lộ rằng khi ông vào nghiên cứu về Tây Nguyên thì văn hoá (cổ truyền) của các tộc người ở đây đã biến đổi nhiều rồi. Những yếu tố cổ xưa đã mai một đến mức khó nhận ra. Vì thế ông đã phải cố gắng chắp nối các yếu tố truyền thống trong văn hoá của họ dựa vào tư liệu thu thập được ở từng địa phương khác nhau, cuối cùng ráp nối lại, và hình dung ra đặc điểm chung của nền văn hoá tộc người mà ông đang nghiên cứu và mô tả. Có vẻ như đây là một cách làm phổ biến trong dân tộc học ở ta, giống như một khuôn mẫu chung trong thực hành nghiên cứu dân tộc học vậy. Vấn đề đặt ra là tại sao dân tộc học ở ta lại có khuynh hướng đi tìm những đặc trưng văn hoá “điển hình”, cổ xưa và ít biến đổi của tộc người trong khi ít xem xét những biến đổi và tính đa dạng của chúng theo thời gian và trong không gian? Tại sao các nghiên cứu dân tộc học của ta lại ít quan tâm đến các vấn đề của xã hội hiện đại, những năng động kinh tế- xã hội và dân số ở khu vực đô thị và công nghiệp mà có khuynh hướng tập trung vào các tộc người thiểu số ở xa các trung tâm đô thị? Có lẽ các nhà nghiên cứu của chúng ta ít khi mổ xẻ vấn đề này, rằng tại sao chúng ta lại làm như vậy, và thực ra chúng ta có chịu ảnh hưởng hay bị dẫn dắt bởi một thứ lý luận khoa học nào đó không? Cho đến nay, chúng ta ít thấy các thảo luận có tính lý luận như vậy trên tạp chí chuyên ngành hay trong các công trình nghiên cứu lý luận về dân tộc học.

Một trong những hậu quả của tiếp cận tầng “văn hoá tĩnh” của tộc người là chúng ta không đánh giá đúng mức những vấn đề của xã hội hiện đại đang diễn ra và thay đổi nhanh, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu về làng xã, một truyền thống của dân tộc học thực dân cho đến nay. Do vậy, chúng ta hầu như vẫn chưa quan tâm đến các vấn đề của dân tộc học đô thị, đến lối sống của các cộng đồng xã hội hiện đại như công nhân công nghiệp và nông lâm trường. Dường như chúng ta ngấm ngầm công nhận rằng sân chơi của dân tộc học là các xã hội truyền thống, trong khi các xã hội hiện đại là lĩnh vực của xã hội học? Dù sao thì đây cũng là một đặc điểm khác biệt đáng kể của dân tộc học Việt Nam so với xu hướng của dân tộc học – nhân học thế giới sau kỷ nguyên thực dân, trong đó, các nghiên cứu đã được tập trung vào đời sống, và các cộng đồng xã hội khác nhau trong lòng các xã hội công nghiệp phát triển, thì chúng ta vẫn còn đang mơ màng với truyền thống của dân tộc học thời thực dân quan tâm chủ yếu đến các tộc người thiểu số, tìm kiếm những đặc điểm văn hoá của một thời quá vãng mà ít xem xét chúng trong mối liên hệ đến sự biến đổi và phát triển của đời sống hiện tại.     

Những kêu gọi đổi mới dân tộc học Việt Nam gần đây có khuynh hướng nhấn mạnh vào khả năng ứng dụng của nó. Trên cơ sở quan niệm rằng bản chất của dân tộc học là “một khoa học ứng dụng” (Hoàng Lương, 2000:7), các nhà nghiên cứu đòi hỏi nghiên cứu dân tộc học phải phục vụ thực tiễn cuộc sống và chính sách phát triển. Sở dĩ vấn đề này được nhấn mạnh gần đây là vì vẫn tồn tại một cách nghĩ phổ biến cho rằng dân tộc học của ta nặng về miêu tả và nhẹ phân tích, xa rời hiện thực cuộc sống. Nhưng trên thực tế, trong các quyết sách của nhà nước với các khu tự trị dân tộc, với đường lối phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên và đặc biệt là những thay đổi trong chính sách tôn giáo của Đảng những năm gần đây cho thấy dân tộc học thực sự đã góp phần thiết thực vào những chương trình nghị sự của đất nước. Tuy nhiên, trong khi kêu gọi phải tăng cường ứng dụng phục vụ chính sách phát triển, các trường đại học và các viện nghiên cứu liên quan lại chưa sẵn sàng trang bị cho các nhà nghiên cứu những kiến thức cần thiết về dân tộc học ứng dụng. Nếu chỉ bằng những nhiệt tình chính trị đơn thuần, cái giá phải trả cho những đề xuất chính sách thiếu cơ sở khoa học có thể đẩy các nhóm tộc người hoặc các vùng miền văn hoá vào những tình thế không thể sửa chữa.

Tác giả