“Đại dịch” cận thị ?

Không chỉ thay đổi cách trẻ em học tập và nhìn nhận thế giới, đại dịch COVID-19 còn thay đổi nhãn cầu của trẻ.

Bác sĩ đang kiểm tra thị lực cho một trẻ cận thị tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Sipa US/Alamy.

Từ trước COVID-19, tỷ lệ mắc tật cận thị đã cao. Các dự báo được trích dẫn rộng rãi từ giữa thập niên 2010 đánh giá, cận thị sẽ ảnh hưởng một nửa dân số toàn cầu vào giữa thế kỷ XXI, nghĩa là tăng gấp đôi chỉ trong chưa đầy 40 năm. Nhưng theo bác sĩ nhãn khoa nhi Neelam Pawar tại Bệnh viện Mắt Aravind ở Tirunelveli, Ấn Độ, dự báo cũ còn là quá thấp, có thể con số này sẽ tăng gấp ba. 

Có một giải pháp đơn giản cho vấn đề sức khỏe toàn cầu này: cho trẻ em tham gia nhiều hoạt động ngoài trời hơn, khi mà cấu trúc mắt ở độ tuổi nhi đồng dễ bị biến đổi nhất. Các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên tại Đông Á chỉ ra rằng khoảng một giờ chơi ngoài trời mỗi ngày làm giảm rõ rệt tỷ lệ cận thị. 

Vì thế, năm 2010, các nhà quản lý y tế công cộng tại Đài Loan (Trung Quốc) giới thiệu chương trình ‘Tian-Tian 120’ khuyến khích hoạt động ngoài trời tối thiểu ‘120 phút mỗi ngày’. Chương trình được công nhận rộng rãi vì đã hạn chế được tỷ lệ cận thị ngày càng tăng trong vùng. 

Số ca cận thị tại Đài Loan (Trung Quốc) tuy có tăng hơn một chút trong thời kỳ đại dịch, nhưng vẫn tương đối thấp so với các nơi khác tại Đông Á, theo bác sĩ nhãn khoa Pei-Chang Wu tại Bệnh viện Kaohsiung Chang Gung Memorial. Đặc biệt, chương trình này dường như không gây ảnh hưởng đến điểm kiểm tra các môn toán và khoa học của học sinh (vẫn duy trì thứ hạng cao trên thế giới). 

Các dự báo được trích dẫn rộng rãi từ khoảng 2010 lại đây dự đoán cận thị sẽ ảnh hưởng một nửa dân số toàn cầu vào giữa thế kỷ XXI.

Kết quả rất rõ ràng: Khuyến khích tiếp xúc với không gian ngoài trời trên quy mô rộng là khả thi và có thể hiệu quả trong việc phòng ngừa cận thị.

Đến nay, Đài Loan (Trung Quốc) vẫn là trường hợp ngoại lệ so với các nơi khác ở châu Á, đặc biệt là Đông Bắc Á. Châu Á, vốn là nơi tỷ lệ cận thị thuộc hàng cao nhất thế giới, vẫn kém cỏi trong việc phòng ngừa cận thị và tiếp tục ưu tiên công tác điều trị. 

Thay đổi thời gian biểu của trẻ lại là điều khó khăn, đặc biệt tại các nước chú trọng vào [sự chăm chỉ và] thành tích học tập, hoặc tại các đô thị hạn chế không gian xanh và an toàn cho trẻ. Đơn cử, với những đất nước đè nặng áp lực học tập như Đông Á, đối với nhiều học sinh tại các thành phố, vui chơi ngoài trời dường như là điều xa xỉ. 

Vì thế, các chuyên gia vẫn tìm kiếm giải pháp trong nhà nhưng đem lại lợi ích tương tự không gian ngoài trời.

Giả lập môi trường bên ngoài 

Gần đây các nhà nghiên đang tìm cách đưa không gian bên ngoài vào trong: tường-cửa bằng kính, hệ thống chiếu sáng đặc biệt, giấy dán tường chủ đề thiên nhiên, kính mắt phát sáng. Đây là các giải pháp không cần can thiệp hành vi, cải tổ hệ thống giáo dục hoặc kỹ thuật nuôi dạy trẻ. 


Và liệu các biện pháp giả lập môi trường ngoài trời có hiệu quả tương đương hay không? Để hiểu được các giải pháp giả lập môi trường ngoài trời này hữu hiệu đến đâu, các nhà nghiên cứu làm rõ cơ chế vui chơi ngoài trời giúp ngăn ngừa cận thị như thế nào cũng như thực hiện các thử nghiệm lâm sàng khác nhau.

Trong tiến trình phát triển của trẻ, mắt liên tục điều chỉnh hình dạng để đáp ứng với các nhu cầu quan sát. Nếu tiêu cự quá ngắn, nhãn cầu sẽ dài ra sao cho tiêu điểm rơi vào đúng võng mạc và tạo ảnh rõ nét nhất. Nếu trục nhãn cầu quá dài, mắt sẽ nhận tín hiệu ‘dừng lại’. 

Nguồn gốc của tín hiệu này là vấn đề gây tranh cãi lâu nay. Nghiên cứu trên các mô hình động vật phổ biến cho nghiên cứu cận thị gồm khỉ, chuột chù và gà đều ghi nhận sự phóng thích chất dẫn truyền thần kinh dopamine ở phần sau mắt có thể kích hoạt tín hiệu ‘dừng’. Nồng độ dopamine tăng lên để đáp ứng với ánh sáng cường độ cao xung quanh, như ánh sáng Mặt trời.

Một giả thuyết khác cho rằng lợi ích của tiếp xúc ngoài trời đối với mắt liên quan đến vấn đề tạo ảnh các không gian thị giác khác nhau. 

Không gian nội thất chứa nhiều đồ vật ở các khoảng cách khác nhau khiến mắt cần điều tiết tiêu cự liên tục để tiêu điểm rơi vào võng mạc. Ngược lại, cảnh quan ngoài trời với các vật thể ở xa tạo ảnh mờ với khoảng tiêu cự ảnh gần như bằng nhau, nên mắt không có nhu cầu điều tiết.

Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy việc trang bị đèn trần sáng hơn cùng bảng đen cải tiến đã làm giảm đáng kể tỷ lệ cận thị của học sinh cấp I và II trong vùng Đông -Bắc Trung Quốc, từ 10%/năm xuống 4%/năm.

Một cách tiếp cận khác được giáo viên và học sinh hoan nghênh là đưa thêm ánh sáng vào lớp học với vật liệu kính và thép. Thực tế triển khai tại miền Nam Trung Quốc cho thấy cách này không khả thi vì chi phí xây dựng rất cao mới có thể đáp ứng các quy định nghiêm ngặt sau vụ động đất kinh hoàng từng khiến nhiều trường học sụp đổ vào năm 2008.

Chiếu sáng 

Một giải pháp khác là chủ động chiếu ánh sáng trực tiếp vào nhãn cầu, mặc dù vẫn còn chưa thống nhất nên chọn bước sóng nào có lợi nhất và vì sao.

Tại Úc, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm loại kính mắt kiểu Star Trek chiếu ánh sáng màu lam vốn được bán trên thị trường để làm giảm tình trạng mệt mỏi trên máy bay và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Dù đã có sự cải thiện các chỉ số liên quan đến nguy cơ cận thị, nhưng lợi ích lâu dài vẫn chưa được chứng minh.

Công ty Thiết bị Y tế Dopavision tại Berlin đã thử nghiệm bộ kính thực tế ảo chiếu ánh sáng xanh sóng ngắn đến ‘điểm mù’ – vị trí dây thần kinh thị giác nối với nhãn cầu. Trên thỏ, liệu pháp này làm gia tăng đáng kể nồng độ dopamine – tín hiệu ‘dừng’ dài ra của nhãn cầu. Một thử nghiệm lâm sàng lớn đang được tiến hành tại châu Âu trên trẻ em đeo kính mắt chuyên dụng khi chơi trò chơi điện tử.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng ánh sáng bước sóng ngắn hơn nữa có thể là yếu tố điều tiết chủ chốt trong quá trình mắc tật cận thị. Ánh sáng tím có thể làm chậm hoặc phòng ngừa cận thị trên gà con và chuột. Một thử nghiệm lâm sàng do Trường Y khoa Keio (Nhật Bản) tiến hành, đã cho trẻ em 6-12 tuổi bị cận thị đeo mắt kính chuyên dụng có gọng phát ra ánh sáng tím vài giờ mỗi ngày. Nhưng thử nghiệm trong nhiều tháng đến nhiều năm cho thấy thiết bị chỉ tác động không đáng kể tới tiến trình phát triển của nhãn cầu của trẻ. 

Nhà sinh học Richard Lang tại Trung tâm Nhi khoa Cincinnati cho rằng nguyên nhân thất bại có lẽ do các nhà nghiên cứu tại Keio chọn ánh sáng bước sóng 360-400 nanomet giống như nghiên cứu trên chuột. Tuy nhiên, mắt người có thể không phản ứng với dải quang phổ này. Ông cùng kỹ sư sinh học Rafael Grytz tại Đại học Alabama Birmingham đã phát hiện mắt loài chuột chù cây Tupaia belangeri có tầm nhìn giống với người hơn (so với chuột) lọc hầu hết ánh sáng tím có bước sóng ngắn hơn 400 nanomet. Lợi ích với loài này chỉ đạt được với bước sóng dài hơn một chút, khoảng 420 nanomet, và họ hy vọng sẽ quan sát thấy tác động tương tự đối với mắt người.

“Ánh sáng tím có thể là chìa khóa điều trị và phòng ngừa cận thị”, Grytz rất tin tưởng và đã chế tạo chiếc đèn phát ra loại ánh sáng này dành cho con gái 8 tuổi của mình. Bệnh viện Cincinnati của Richard Lang đang thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên cho hệ thống chiếu sáng dạng này.

Đỏ và tím

Bước sóng ngắn có vẻ hiệu quả, vậy bước sóng dài thì sao? Có một liệu pháp khác gọi là ‘ánh sáng đỏ cường độ thấp’ tắt mở liên tục tia laser bước sóng dài chiếu trực tiếp vào mắt người, vốn ban đầu được dùng để tăng cường tuần hoàn máu trong nhãn cầu trong điều trị một bệnh lý mắt khác. Cơ chế tác dụng của nó hoàn toàn khác so với cơ chế tăng cường tín hiệu dopamine. 

Dữ liệu từ Trung Quốc khá hứa hẹn. Thử nghiệm kéo dài một năm tại 10 trường tiểu học của Thượng Hải đã làm giảm hơn một nửa tỷ lệ cận thị. Các em nhỏ có nguy cơ cận thị cao đã được chiếu ánh sáng đỏ trong 3 phút, hai lần mỗi ngày, năm ngày trong tuần.

Bác sĩ nhãn khoa Mingguang He tại Đại học Bách khoa Hồng Kông cho biết nếu kiên trì thực hiện liệu pháp này, tỷ lệ cận thị sẽ giảm theo thời gian. Ông đã sáng lập công tư nhân Eyerising International nhằm tiên phong sản xuất các máy trị liệu bằng ánh sáng đỏ tại South Yarra, Úc.

Hàng trăm nghìn trẻ em Trung Quốc đã thường xuyên nhìn vào thiết bị chiếu ánh sáng đỏ 3 phút mỗi sáng và tối để giảm bớt cận thị, như việc đánh răng hằng ngày. Các gia đình bỏ ra vài đô la/ngày để thuê thiết bị nhưng một số bác sĩ tại nước này đề xuất giải pháp gắn trị liệu với trường học để giải quyết vấn đề bền vững hơn.

Tuy vậy, các chuyên gia đã nêu mối lo ngại về tính an toàn của phương pháp này sau khi làm một bé gái 12 tuổi đã bị tổn thương võng mạc. Các thông số kỹ thuật gây lo ngại về khả năng gây tổn thương nhiệt cho mắt. 

Nhưng những người ủng hộ cho liệu pháp mới sắp triển khai áp dụng cho trẻ mẫu giáo tại Singapore và học sinh tiểu học tại Hồng Kông.

Dược phẩm cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc. Thuốc nhỏ mắt Atropin được kỳ vọng giảm tỷ lệ cận thị thông qua cơ chế làm tăng nồng độ dopamine. Thuốc này đã được sử dụng rộng rãi trong chỉ định làm chậm sự tiến triển của cận thị với rất ít tác dụng phụ. Nhưng một số nhỏ trường hợp không dung nạp thuốc cũng khiến nó khó được chấp nhận là giải pháp điều trị phòng ngừa cho đại chúng. 

Phóng tầm mắt ra xa

Một cách tiếp cận khác được áp dụng tại các trường tiểu học của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc: mô phỏng môi trường tự nhiên để mắt học sinh ít phải điều tiết hơn. 

Nhóm của bác sĩ nhãn khoa Weizhong Lan tại Bệnh viện Mắt Aier (thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam) đã dùng giấy dán tường mô phòng các đặc tính thị giác không gian của công viên tự nhiên, với cây cối, chó chạy, chim bay, bướm lượn, trong chín lớp học tại thành phố Lệ Giang, Vân Nam. Trần nhà được tô như bầu trời với mây trắng, đàn hải âu, bóng bay và cánh diều.

Trong một nghiên cứu chưa được công bố mà Weizhong Lan dự định trình bày tại Hội nghị Cận thị Quốc tế năm nay ở thành phố Tam Á, Hải Nam, ông và đồng nghiệp đã ghi nhận sau một năm học trong phòng học giả lập thiên nhiên, trục mắt của trẻ ít bị dài ra so với của các bạn đồng trang lứa học trong phòng sơn tường trắng. Ưu điểm nổi bật nhất của giải pháp này là dễ thực hiện hơn so với đèn chiếu sáng chuyên dụng. 

Tuy ngày càng có nhiều phương pháp tiếp cận mới với các mức độ tiêu hao nguồn lực khác nhau nhưng đừng quên một phương pháp đơn giản, rẻ và hiệu quả: khuyến khích trẻ em rời mắt khỏi màn hình để dành nhiều thời gian ngoài trời hơn.□

Cao Hồng Chiến lược dịch 

Nature 629, 989-991 (2024)

doi: https://doi.org/10.1038/d41586-024-01518-2

Bài đăng Tia Sáng số 12/2024

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)