Đại sư của tôi
Trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, thiếu thốn trang thiết bị nghiên cứu và các nguồn lực, các nhà khoa học Việt Nam đã gây dựng nên những nền móng cơ bản về khoa học và kỹ thuật cho tương lai với các tên tuổi lớn đã đi vào lịch sử như Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Tạ Quang Bửu, Lương Định Của, Bùi Huy Đáp,… và rất nhiều cán bộ khoa học đầu ngành thế hệ đầu tiên.
Tôi không được vinh hạnh và may mắn trực tiếp học anh, nhưng theo quan niệm đúng và hay rằng “Ai dạy mình điều gì tốt đẹp, đó là thầy mình” thì anh Bửu lại là đại sư, ân sư của tôi, của nhiều tráng sinh, không học ở trường Thiên Hựu do anh là Hiệu trưởng. Chúng tôi học anh không chỉ qua những lời kể, ý kiến, mà cuộc đời và con người anh là mẫu mực cho chúng tôi noi theo suốt đời. Rất nhiều bài học, rất nhiều kỷ niệm ân tình, chỉ xin nhắc lại đôi ba, từ tâm khảm.
Hồi học tiểu học, tôi được thầy dạy: bọn Tây gọi ta là Xa-lơ a-na-mít, các trò phải học giỏi, học tiếng Tây hơn bọn Tây con, cho Tây nó sợ. Ra Huế vào học trường Khải Định, anh Bửu là một tấm gương sáng chói gần gũi nhất về mục tiêu này. Tôi được nghe kể chuyện anh thi Tú tài. Dạo đó, có Tú tài bản xứ, chương trình học rất nặng, có chương trình Tú tài Tây, theo chương trình bên Pháp, đều dùng Pháp ngữ làm chính ngữ và Tú tài nào cũng có hai ban Toán và Triết học, thi riêng, bằng cấp riêng (tú tài toán, tú tài triết). Một thôi đã là khó. Anh Bửu đỗ cả bản xứ, cả Tây, đỗ cả bản xứ triết và bản xứ toán, Tây toán, Tây triết, lại toàn hạng ưu, và thủ khoa Tú tài Tây!
Học cái gì, làm việc gì, cũng không chịu loại kém, loại trung bình, mà phải đạt loại giỏi, hàng đầu, như đấu thủ vào đấu trường phải có ý chí giành huy chương vàng. Anh Bửu dạy chúng tôi như vậy, và chính là anh “siêu mẫu”. Anh du học chỉ 5 năm ở Pháp, Anh, mà anh giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức… tiếng La tinh cổ, tiếng Hy Lạp cổ, giỏi toán, vật lý, hóa, vạn vật học, giỏi triết, văn, tâm lý học… chắc là tôi kể không đủ. Niedrist người Pháp, Giám đốc nhà máy điện Huế tráng sinh cùng toán với tôi có hôm nói chuyện với anh Bửu về việc mời kỹ sư Pháp từ Paris sang để chữa cỗ máy bị hỏng. Anh Bửu bảo để anh xem rồi anh chữa, máy chạy và Niedrist mời anh làm Phó giám đốc nhà máy điện Huế. Trong quá trình học tập, học hỏi, mắc mớ điều gì, chúng tôi đến hỏi anh. Thì rất lạ, giống như Từ điển Bách khoa sống, anh trả lời ngay, rõ ràng, khúc chiết.
Không phải chỉ ở các môn học anh mới áp dụng phương pháp “giật huy chương vàng” đó, mà ở những môn thể dục thể thao như leo núi, tìm phương hướng, sống một mình trong rừng… của hướng đạo, đến bơi, bóng bàn, quyền Anh, nhảy cao, nhảy xa, thuyền buồm… anh đều giỏi, giỏi đến mức được phục, giỏi có bài bản hẳn hoi. Ví dụ, anh đã dạy anh em những phương pháp mới nhất thế giới về bơi (bơi kiểu Crawl), bóng bàn (kiểu Barna), về nhảy cao, nhảy dài… anh không bao giờ nói ẩu, làm cẩu thả. Cái gì anh cũng tìm đọc, tìm học, thực tập… Anh truyền lại cho chúng tôi cái mà chúng tôi thường gọi là “sens du fini” – ý thức về hoàn thiện, hoàn chỉnh – bất cứ học, hay làm việc gì cũng gắng tới mức hoàn chỉnh, hoàn thiện. Sau này đàn em và học trò của Anh có nhiều người vừa uyên thâm, vừa quảng bá, vừa đa tài chính là nhờ thầy Bửu – Anh Bửu từ những ngày đó.
Anh không bao giờ tỏ ý muốn người khác theo ý kiến của mình, thậm chí thường tỏ ra bực bội cả khi có anh em nghe theo, làm theo ý kiến của anh kiểu bái phục tuân hành. Anh hoàn toàn không hề có sự áp đặt bắt buộc đối với ai. Có một đêm tỉnh túc (tráng sinh thường có những đêm thức với nhau, tham luận những vấn đề cơ bản về nghĩa vụ làm người…) anh có đọc cho nghe bài thơ tiếng Anh của Bernard Shaw, tạm dịch sang tiếng Việt như sau:
Ý kiến của anh làm tôi nôn mửa
Nhưng nếu có ai giam cầm, tù đầy, xử tử anh
Thì tôi đấu tranh đến giọt máu cuối cùng của tôi để bảo vệ anh.
Sau sự biến Nhật đảo chính Pháp tháng 3-1945, nhân có việc ghé Huế, tôi đến vấn an anh. Vì anh như anh cả của tôi, nên tôi có thưa với anh – để nhờ anh cho một lời dạy bảo chỉ dẫn – việc tôi đã tham gia hoạt động Phản Đế Hội với các anh Hoàng Phê, Lâm Cự, Huỳnh Quang Địa… Anh lắng nghe, hỏi thêm một số điểm về tổ chức này đang hoạt động bí mật. Xong anh bảo “cậu biết vì sao chủ nghĩa Quốc tế vào ta rất thuận lợi? Các cụ của chúng ta thấm nhuần đạo Nho, vốn thường nói đến hai chữ “Đại đồng”, Quốc tế là đại đồng, nên các cụ nghe lọt tai lắm. Còn cách mạng Pháp 1789 có mục tiêu thế giới hơn là quốc gia, con người hơn là dân tộc. Khẩu hiệu của cách mạng Pháp rõ ràng hướng về con người, về thế giới: Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Anh không nói gì thêm, không nói sai – đúng, nên – không nên, phải – không phải. Khi chia tay, anh bắt tay trái (chào kiểu hướng đạo: tay trái ở phía trái tim) và cười: “En route” (lên đường).
Nhiều khi, anh nói những câu rất ngắn nhưng rõ ràng anh muốn khởi động ở chúng tôi những suy nghĩ, những quyết định. Ví dụ, có lần quanh lửa trại, anh cầm bút chì đưa lên nói: Mình có thể gọi cây bút chì bằng 11 thứ tiếng khác nhau, nhưng không làm ra được lấy một cây bút chì nào”. Ở những tâm tư hướng về đất nước độc lập, thịnh vượng, những câu như vậy có sức lay động rất lớn. Hẳn vì thế mà trong chúng tôi, có nhiều anh định học triết, luật, văn đã đổi ý định mà đi học khoa học tự nhiên, nghĩ đến công nghiệp, sản phẩm công nghiệp “Made in Vietnam”.
Năm 1972 ở Hà Nội, một lần nữa tôi chứng kiến tài năng tuyệt vời, trình độ bác học của anh. Chomsky là nhà ngôn ngữ học ở Hoa Kỳ, đã lập ra một trường phái riêng là Toán – Ngôn ngữ. Ông chống lại chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Theo đề nghị của Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, Chính phủ mời ông sang thăm Việt Nam. Lần đầu tiên ông Chomsky nói chuyện về Toán – Ngôn ngữ, hơn 10 vị phiên dịch không dịch được. Cuối cùng, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu làm phiên dịch vậy. Phải giỏi toán cao cấp hiện đại, tiếng Anh, ngôn ngữ học, tiếng Việt và hiểu sâu về tin học, mới dịch được. Những lần nói chuyện sau của ông Chomsky phiên dịch đã có sẵn bài phiên dịch của anh Bửu. Trở lại Mỹ, ông Chomsky viết trên The New York Times về chuyến đi Việt Nam. Tôi có được đọc, và đây là câu nói về anh Bửu: “Tôi đã đi nhiều nước, chưa ở đâu tôi được gặp một Bộ trưởng thông thái (erudite) đến như vậy”.
Anh lập gia đình muộn. Quá tứ tuần anh thành hôn với ái nữ của Tổng ủy viên trưởng Hướng đạo Việt Nam Hoàng Đạo Thúy, tên rừng là Hồ Sứt (Anh Thúy sứt mất một răng), toán Tây kết chúng tôi tổ chức một cuộc lửa trại ở núi Thiên Thai (Huế) mừng Anh chị. Quà tặng của chúng tôi hết sức giản dị – tặng anh Bửu một áo sơ mi hướng đạo – tráng sinh, tặng chị Oanh một nón lá bài thơ Huế. Hôm đó, chị Oanh mặc áo dài Việt Nam kiểu mới (tức kiểu Lemur, bó ở eo, màu sẫm, và mang găng tay dài quá khuỷu). Quách Tử Hấp vốn nói năng nhỏ nhẹ, hay đỏ mặt như con gái, nói với tôi: “Trông noble quá hả? (noble là quí phái). Lát sau, chị đến ngồi gần chúng tôi, cười rất tươi, hỏi “Mấy anh nói xấu gì tôi vậy?” Tôi đáp: “Thưa Tạ mệnh phụ…?” Chị tỏ vẻ ngạc nhiên, ngắt lời tôi “anh nói gì?” Tôi thưa: “anh Hấp nói chị rất noble, thì tôi phải gọi mệnh phụ chứ sao” và chúng tôi vui cười thoải mái trong tình gia đình.
Tôi đến nay cũng chưa hiểu vì sao anh Bửu có tên rừng là “Chồn Fennec”. Sao là chồn? Cũng như tôi vẫn chưa thật hiểu đầy đủ vì sao Anh đặt tên cho tôi là “Báo cô đơn” (Léopard solitaire), gọi tắt nghịch ngợm là “báo cô” (ăn báo cô, nuôi báo cô). Nhưng chúng là với tư cách Báo cô mà tôi được gọi ông Tạ Quang Bửu là anh Bửu và nay được viết những dòng này về Chồn Fennec nhân ngày giỗ anh lần thứ mười. □
Một trong những trang viết trong sổ tang Bác Hồ của cố GS Tạ Quang Bửu. Ảnh: Gia đình cung cấp. Nguồn: vietnamnet.vn
Theo lời kể của Thiếu tướng Tạ Quang Chính, nguyên Cục trưởng Cục Chính trị, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, con trai của GS Tạ Quang Bửu